Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13-6 đến ngày 19-6-2016)
TCCSĐT - Ngày 14-6-2016, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc đã diễn ra tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc, tập trung thảo luận hai nội dung chính là quan hệ ASEAN - Trung Quốc và vấn đề Biển Đông.
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc
Các Bộ trưởng đề nghị ASEAN
và Trung Quốc thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực hơn nữa để bảo đảm
hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Ảnh: TTXVN
Ngày 14-6-2016, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc đã diễn ra tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc, tập trung thảo luận hai nội dung chính là quan hệ ASEAN - Trung Quốc và vấn đề Biển Đông.
Về quan hệ ASEAN - Trung Quốc, hai bên bày tỏ vui mừng với những tiến triển quan trọng trong hợp tác hai bên. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với giá trị thương mại hai chiều năm 2015 đạt 470 tỷ USD. Hai bên đã nhất trí phấn đấu mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1.000 tỷ USD năm 2020. Các Bộ trưởng đã thảo luận phương hướng và biện pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển; nhất trí triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động 2016 - 2020. Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng đề nghị ASEAN và Trung Quốc thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực hơn nữa để bảo đảm hòa bình và an ninh ở Biển Đông, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, nhất là không quân sự hóa. Các Bộ trưởng cũng đề nghị ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nhất là thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tổng thống Mỹ kêu gọi thay đổi cách thức thảo luận về kiểm soát súng đạn
Tổng thống Mỹ cho rằng đã đến lúc giới nghị sĩ thay đổi cách thức thảo luận dự luật kiểm soát súng đạn. Ảnh: AFP
Trong bài phát biểu trước thân nhân các nạn nhân trong vụ xả súng tại Orlando, Florida ngày 16-6-2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama Obama nhấn mạnh vụ thảm sát ở câu lạc bộ đồng tính Pulse tại bang Đông Nam ngày 12-6 là hồi chuông cảnh báo để các nhà lập pháp nước này thực thi những điều đúng đắn và kịp thời để bảo toàn an ninh tính mạng của người dân Mỹ cũng như ngăn chặn các thảm họa súng đạn khác. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng đã đến lúc giới nghị sĩ thay đổi cách thức thảo luận dự luật kiểm soát súng đạn, văn kiện do chính quyền Tổng thống Obama thúc đẩy song đang bị kẹt tại Quốc hội Mỹ. Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 16-6, Thượng viện Mỹ đã nhất trí tiến hành cuộc bỏ phiếu vào tuần này về dự luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn các đối tượng tình nghi khủng bố sở hữu vũ khí.
Vụ nổ súng tại Orlando, theo thống kê của hãng Mass Shooting Tracker, là vụ xả súng thứ 176 xảy ra tại Mỹ trong vòng hơn 5 tháng qua. Theo ông Obama, tuy khác nhau về nguyên nhân, song công cụ gây ra vụ bạo lực tại Orlando hay tại Aurora và vụ thảm sát tại Newtown hồi năm 2012 đều liên quan đến súng đạn. Đây chính là lý do để Quốc hội Mỹ vào cuộc. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh trong khi quân đội Mỹ có thể đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhóm khủng bố quốc tế Al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác, lực lượng tình báo Mỹ đã ngăn chặn các mạng lưới khủng bố, song chính phủ lại không thể bắt giữ “những đối tượng loạn trí”.
Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Peterburg
Tổng thống Nga kêu gọi các quốc gia châu Âu khôi phục lại quan hệ với Liên bang Nga. Ảnh: epa.eu
Từ ngày 16-6 đến ngày 18-6-2016, Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Peterburg lần thứ 20 với chủ đề “Trước ngưỡng một thực tế kinh tế mới”, đã diễn ra tại thành phố Saint-Peterburg. Phiên toàn thể với chương trình nghị sự đa dạng, tập trung vào các vấn đề cấp bách mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt nhằm tìm ra các nguồn tăng trưởng mới trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, tại hơn 100 các sự kiện lớn nhỏ khác nhau trong khuôn khổ diễn đàn, 200 chuyên gia và các nhà quản lý doanh nghiệp của hơn 30 quốc gia đã thảo luận về nhiều khía cạnh của nền kinh tế thế giới hiện nay, như hợp tác năng lượng, đầu tư, tài chính ngân hàng, công nghệ cao,...
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập nhiều vấn đề quan trọng trong cả lĩnh vực chính trị và kinh tế. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng những căng thẳng địa chính trị đang ảnh hưởng khiến nền kinh tế bất ổn. Theo ông, trong mối quan hệ với châu Âu, Nga không phải là quốc gia khởi xướng những rối loạn hiện nay, và tất cả các hành động của Nga chỉ mang ý nghĩa đáp trả. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu khôi phục lại quan hệ với Liên bang Nga. Về phần mình, Moskva sẵn sàng đối thoại với các đối tác châu Âu nhưng thiện chí đó không thể chỉ ở một phía. Trong quan hệ với Mỹ, ông Putin khẳng định Moskva sẵn sàng hợp tác với Washington, đồng thời nêu rõ Mỹ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Liên bang Nga hay cản trở mối quan hệ giữa Nga và châu Âu. Về kinh tế, Tổng thống Putin đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng Nga có thể giải quyết được các vấn đề cấp bách nhất của nền kinh tế và sớm tăng trưởng trong ngắn hạn. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin cũng nêu hai sáng kiến nhằm thúc đẩy nền kinh tế thời gian tới. Đề cập những ưu tiên phát triển trong nước trong thời gian tới, Tổng thống Putin nhấn mạnh giáo dục sẽ là ưu tiên cơ bản của Nga.
Liên hợp quốc tổ chức “Ngày Tị nạn thế giới” tại Syria
Người tị nạn Syrira. Ảnh: AFP/TTVXN
Ngày 19-6-2016, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã tổ chức “Ngày Tị nạn thế giới” tại Syria, nơi hàng triệu người đã rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua. Phát biểu trước báo giới tại Thủ đô Damascus của Syria, đại diện UNHCR Sajjad Malik nhấn mạnh Syria từng là nơi tiếp đón nhiều người di cư trong nhiều thập kỷ qua song lại rơi vào cuộc nội chiến khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tới nhiều nước trên thế giới. Theo ông S. Malik, “Ngày Tị nạn thế giới” được tổ chức với nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về người tị nạn và di cư, đồng thời nhấn mạnh thông điệp rằng người tị nạn cũng cần có các điều kiện sống như những người bình thường.
Theo UNHCR, Syria đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, khiến 5,6 triệu dân ở nước này phải đi sơ tán tới các khu vực khác bên trong lãnh thổ đất nước và 4,8 triệu người rời bỏ quê hương đi tị nạn. Mặc dù đang bị chiến tranh tàn phá, Syria vẫn đang cưu mang 31.400 người tị nạn và di cư từ các quốc trong khu vực, trong đó nhiều nhất là Iraq. Trong một diễn biến liên quan, Liên hợp quốc mới đây thông báo sẽ nỗ lực tái định cư cho khoảng 170.000 người tị nạn đang có nhu cầu khẩn cấp về nhà ở trong năm 2017. Tuy nhiên, UNHCR cho rằng con số kỷ lục này dù tăng gần 300.000 người so với năm 2016 những vẫn chiếm chưa tới 15% tổng số 1,19 triệu người tị nạn trên khắp thế giới đang cần tái định cư khẩn cấp trong năm tới./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 13 đến ngày 19-6-2016  (20/06/2016)
Nỗ lực tối đa tìm 9 quân nhân trong vụ rơi máy bay CASA-212  (19/06/2016)
Thăng quân hàm Đại tá cho phi công SU30-MK2 Trần Quang Khải  (19/06/2016)
Thủ tướng Chính phủ: Giải quyết ngay kiến nghị của người dân  (19/06/2016)
Thiết thực các hoạt động nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6  (19/06/2016)
Ấn tượng hình ảnh Việt Nam tại Liên hoan Văn hóa châu Á ở Séc  (19/06/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên