TCCSĐT - Ngày 06-6-2016, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tổ chức Hội thảo “Tầm nhìn và đề xuất cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) cho thành phố Cần Thơ”.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, nhấn mạnh: Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều dự án nâng cấp đô thị, ngày càng vươn lên để xứng tầm là đô thị trung tâm về công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, thúc đẩy phát triển cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thành phố Cần Thơ đã và đang đối diện với nhiều nguy cơ từ thiên tai, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị trung tâm vùng, nơi có nhiều cơ quan đầu não về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh của vùng trong tương lai. Thực trạng đó đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền thành phố cần có một tầm nhìn xa và quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) cho thành phố Cần Thơ phát triển bền vững; hướng đến trở thành thành phố cấp quốc gia, văn minh, hiện đại, là đô thị trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long và có tầm ảnh hưởng trong vùng Đông Nam Á.

Hội thảo tập trung thảo luận, trao đổi những vấn đề mang tính thách thức, đồng thời cũng là những nội dung cần quan tâm để xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian cho Cần Thơ trong thời gian tới. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ Huỳnh Thanh Sử, một trong những lý do tất yếu phải xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian cho thành phố là đã xuất hiện tình trạng đô thị phát triển mất kiểm soát, tác động xấu đến môi trường và chất lượng sống của người dân ở nhiều nơi. Phổ biến nhất là tình trạng xây dựng không theo quy hoạch, quy hoạch xây dựng chưa phù hợp, thiếu kiểm soát trong công tác quản lý xây dựng, tình trạng xây dựng lấn chiếm sông rạch, thải rác bừa bãi, ngăn chặn dòng chảy thoát nước, gây nên tình trạng ngập nghẹt đô thị ngày càng tăng.


Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ Dương Thế Dũng, nhận định: Thời gian qua, tuy việc ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý đô thị có gia tăng ở nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố nhưng nhìn chung dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị có chất lượng khác nhau, thiếu tính đồng nhất, chưa có hệ thống thông tin chung làm nền tảng, cơ sở dữ liệu nền chưa được chuẩn hóa theo quy định chung của Nhà nước,… gây khó khăn trong việc tích hợp, chia sẻ thông tin hỗ trợ hoạt động quản lý. Vì thế, việc xây dựng, hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian cho thành phố Cần Thơ có tính cấp thiết, tạo nền tảng quan trọng cho việc phát triển Cần Thơ thành thành phố thông minh hơn trong tương lai.


Đề cập đến công tác quy hoạch thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trên nền tảng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian của thành phố, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ Mai Như Toàn, nhấn mạnh: Mục tiêu phát triển đô thị Cần Thơ trong nhiều thập kỷ tới là phải theo hướng toàn diện, cân bằng, bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng, phát triển hài hòa với cảnh quan tự nhiên, phát huy bản sắc đô thị sông nước, đô thị sinh thái đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian của thành phố phải theo hướng tiếp cận các chiến lược phát triển mới, đề xuất mô hình đô thị đáp ứng các yêu cầu phát triển, đề xuất những giải pháp quy hoạch chiến lược đáp ứng bối cảnh, tầm nhìn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu để thành phố phát triển bền vững.


Hội thảo đã dành nhiều thời gian để nghe các chuyên gia trong và ngoài nước đại diện các sở, ban, ngành, các địa phương của thành phố trao đổi các nội dung về “Phát triển thành phố Cần Thơ theo hướng tăng cường khả năng thích ứng của đô thị”; “Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian của thành phố”; “Quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Hướng tới tăng cường ứng dụng công nghệ không gian”; “Tăng cường hợp tác quốc tế trong quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ”; “Tác động của các yếu tố: chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian của thành phố”;…


Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhất trí với lộ trình triển khai xây dựng các khu vực phát triển đô thị của thành phố Cần Thơ từ nay đến năm 2030 theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2015-2020): Tập trung phát triển khu đô thị trung tâm, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế mỗi khu vực; từng bước nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng khung, các động lực hỗ trợ phát triển khu vực ngoại thành. Giai đoạn 2 (2021-2025): Hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khung thiết yếu, kết nối thuận lợi các khu vực phát triển đô thị, công nghiệp; mở rộng phạm vi phát triển các đô thị chủ yếu về phía Nam), hướng tới tiêu chí sinh thái, bền vững có bản sắc riêng của một đô thị trung tâm vùng sông nước. Giai đoạn 3 (2026-2030): Hoàn thiện không gian, chức năng đô thị theo mô hình chuỗi đô thị tập trung, đa trung tâm vùng đô thị nội thành và các đô thi trung tâm huyện; kết nối các tuyến giao thông cấp quốc gia; khai thác, quản lý hiệu quả không gian xanh, mặt nước đặc trưng, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững./.