Mấy suy nghĩ về người ứng cử đại biểu Quốc hội là doanh nhân

TS. Bùi Ngọc Thanh Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
21:27, ngày 10-05-2016

TCCSĐT - Đại biểu Quốc hội là doanh nhân có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Do vậy, việc lựa chọn các doanh nhân xứng đáng trở thành đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quan trọng để một mặt, bảo đảm tiếng nói và vai trò của doanh nhân đối với hoạt động của Quốc hội; mặt khác, tạo điều kiện, khuyến khích lực lượng doanh nhân tham gia đóng góp đối với đất nước.

Sự biến đổi của đại biểu Quốc hội là doanh nhân qua các khóa hoạt động của Quốc hội

Theo số liệu thống kê về cơ cấu đại biểu Quốc hội các khóa gần đây, đại biểu Quốc hội là doanh nhân qua từng thời kỳ có những biến đổi với biên độ tương đối lớn, theo xu hướng tăng lên: Ở khóa X có 21 đại biểu là doanh nhân, chiếm 4,66% tổng số đại biểu Quốc hội; khóa XI: 25 đại biểu, chiếm 5,02%; khóa XII: 16 đại biểu, chiếm 3,24% và khóa XIII: 35 đại biểu, chiếm 7%.

Nhìn chung, số lượng đại biểu Quốc hội là doanh nhân như trên phù hợp với số lượng doanh nghiệp trong mỗi thời kỳ tương ứng: Quốc hội khóa X (1997 - 2002) có khoảng 104 nghìn doanh nghiệp; Khóa XI (2002 - 2007) có khoảng 430 nghìn doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Luật Doanh nghiệp (mới) được ban hành cùng với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư khá thông thoáng, là cơ sở để hàng loạt doanh nghiệp mới ra đời, do vậy, số đại biểu là doanh nhân tăng lên. Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007 - 2011), do thực chất chỉ còn gần 400 nghìn doanh nghiệp hoạt động, nên số đại biểu là doanh nhân giảm còn 16 người, chiếm 3,24%. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016) có số lượng doanh nghiệp tăng, khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, nên số đại biểu Quốc hội là doanh nhân tăng: 35 người (chưa tính chủ tịch các hiệp hội ngành, nghề).

Phân tích số lượng và thực tiễn tại các kỳ họp của Quốc hội của các đại biểu Quốc hội là doanh nhân trong các nhiệm kỳ gần đây, có thể rút ra một số nhận xét ban đầu:

Một là, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X và XI, trong số các đại biểu Quốc hội là doanh nhân, phần lớn là doanh nhân thuộc doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty. Những doanh nghiệp này đã có thời gian hoạt động tương đối lâu và các doanh nhân cũng đã điều hành hoạt động ở nhiều doanh nghiệp, đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn (cả về điều hành ở doanh nghiệp là tầm vi mô cũng như triển khai thi hành pháp luật thuộc tầm vĩ mô), do đó, một số đại biểu có những đóng góp đáng kể trong hoạt động của Quốc hội. Đến nhiệm kỳ Quốc hội các khóa XII, XIII, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm số đông nên nhìn chung số đại biểu Quốc hội là doanh nhân thuộc thành phần kinh tế tư nhân cũng nhiều hơn các khóa trước. Có thể nói, các doanh nghiệp tư nhân mới được thành lập, có tiềm năng về vốn nhưng “vốn liếng” bằng những bài học kinh nghiệm “đắt giá”, quý báu, thiết thực chưa được nhiều; một số doanh nhân lại lao vào con đường làm ăn không mấy sáng sủa nên “công chưa thành, danh đã bại”. Vì thế, những doanh nhân là đại biểu Quốc hội này chưa thực sự đưa ra được những ý kiến xác đáng ở tầm vĩ mô - xây dựng luật, quyết định và giám sát tối cao.

Hai là, số lượng ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội là doanh nhân có phần còn ít, dè dặt. Ví dụ, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), trong số hơn 100 ý kiến ghi lại được, chỉ có 05 ý kiến của các đại biểu là doanh nhân... Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, trong phiên họp toàn thể ngày 08-6-2015 thảo luận bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, trong số gần 50 ý kiến phát biểu, chỉ có 04 ý kiến của các đại biểu là doanh nhân. Tương tự như vậy, tại kỳ họp thứ 10 thảo luận việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016, trong số 96 ý kiến phát biểu, chỉ có 03 ý kiến của các đại biểu là doanh nhân...

Nếu đại biểu Quốc hội ít có ý kiến thì dĩ nhiên sự đóng góp cũng hạn chế; hơn nữa, nếu ý kiến có chất lượng chưa cao, không nhận được sự đồng tình của đông đảo đại biểu Quốc hội thì không có sức nặng, và như thế, sự đóng góp càng ít hơn nữa. Một điểm nữa là, trong số các ý kiến phát biểu thì vẫn chỉ tập trung ở một số đại biểu quen phát biểu (các đại biểu doanh nhân khác hầu như không đóng góp ý kiến trong thảo luận kinh tế - xã hội).

Ba là, nội dung một số ý kiến của một số đại biểu Quốc hội là doanh nhân trong hai khóa gần đây thường mới chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, chưa mang tính tổng kết, đúc rút. Điều này phần nào do phạm vi hoạt động của các doanh nhân này chỉ diễn ra trong một doanh nghiệp. Tuy có một số đại biểu đề cập đến những vấn đề rộng hơn nhưng chủ yếu mới chỉ thể hiện bày tỏ mong muốn về lợi ích, như đề nghị thủ tục vay vốn ngân hàng phải thông thoáng, gọn nhẹ hơn, tăng số vốn được vay; hoặc đề nghị Nhà nước phải có các biện pháp can thiệp vào việc xuất khẩu hoặc nhập khẩu mặt hàng nào đó để giúp tiêu thụ hàng hóa trong nước hoặc tăng giá mặt hàng xuất khẩu... Những ý kiến như vậy là thiết thực, tuy nhiên, cần được tiếp tục xây dựng, chắt lọc, nâng tầm, đạt mức độ khái quát cao, để có thể giúp hoàn thiện các điều luật hoặc đưa ra các giải pháp hữu hiệu điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để lựa chọn đúng các doanh nhân trở thành đại biểu Quốc hội

Theo Nghị quyết số 1135, ngày 22-01-2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV”, dự kiến đại biểu Quốc hội ở doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về sản xuất kinh doanh là 07 đại biểu. Tuy nhiên, đến nay, theo Nghị quyết số 270 của Hội đồng Bầu cử quốc gia, ngày 26-4-2016, “Công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước”, số lượng ứng cử viên thuộc cơ cấu này đã lên tới 30 người (gấp hơn 04 lần dự kiến ban đầu). Ưu điểm của việc giới thiệu ứng cử và tự ứng cử lần này là, tuyệt đại bộ phận người được chốt trong danh sách chính thức đều thuộc nhân sự của các tập đoàn hoặc tổng công ty thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghĩa là phạm vi hoạt động, “tầm nhìn” rộng hơn, bao quát hơn (một số lần trước đây, đại biểu chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp - trong một doanh nghiệp). Như vậy, cử tri sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.

Ở đây, vấn đề đặt ra là phải thực hiện đúng điểm 2 của Chỉ thị số 51-CT/TW, ngày 04-01-2016, của Bộ Chính trị “...giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội”. Nghĩa là phải lựa chọn được những doanh nhân bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, thể hiện qua hiệu quả sản xuất kinh doanh, sản phẩm thực sự đạt “chất lượng vàng”, có kinh nghiệm điều hành quản lý giỏi; có khả năng tổng kết, đúc rút được những vấn đề về luật pháp, chính sách của Nhà nước sau một thời gian thể nghiệm ở các tập đoàn, các tổng công ty. Mỗi đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa XIV cần cố gắng phấn đấu, học hỏi nhiều để nâng cao trình độ chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng đi đôi với phẩm chất, đạo đức trong sáng và lối sống giản dị và năng động, hăng hái trong các hoạt động xã hội... Nhất thiết không để những người cơ hội, “phấn đấu” trở thành đại biểu Quốc hội chỉ để khuyếch trương thanh thế cho doanh nghiệp, “đánh bóng” diện mạo cá nhân, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp do mình điều hành./.