Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường
Thông báo nêu rõ: Ngày 01 tháng 5 năm 2016, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Tham dự cuộc làm việc có các Phó Thủ tướng: Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các bộ, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng; lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ báo cáo tổng hợp về tình hình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ nhân dân ở vùng hải sản chết bất thường để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất và công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng, các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến kết luận như sau:
Thống nhất với ý kiến đánh giá, nhận định của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu về tình hình xử lý sự cố môi trường hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra thời gian qua tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Đây là sự cố nghiêm trọng về môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung. Do đây là sự cố bất thường, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta, nên ban đầu việc xử lý còn thiếu thông tin, bị động, lúng túng. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, liên tục của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương, đến nay tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được kiểm soát, môi trường biển, nhất là ở khu vực xa bờ ngoài 20 hải lý là an toàn. Các địa phương đã có nhiều cố gắng, huy động cả hệ thống chính trị, các đơn vị chức năng (có tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo) vào cuộc quyết liệt để giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh.
Tuy nhiên, một số địa phương còn chậm trong việc báo cáo đề xuất giải pháp xử lý; một số Bộ, ngành chưa kịp thời xử lý các tình huống nảy sinh trong lĩnh vực quản lý của ngành; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành với nhau và giữa các Bộ, ngành với địa phương còn lúng túng, thiếu chặt chẽ, thiếu thống nhất nên hiệu quả xử lý vấn đề này chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập, nhất là việc quan trắc, giám sát nước thải ở một số nhà máy liên quan còn lỏng lẻo; một số đối tượng xấu đã lợi dụng tình trạng hải sản chết có ảnh hưởng đến đời sống người dân để kích động, lôi kéo quần chúng gây rối, làm phức tạp tình hình.
Đây là sự cố môi trường nghiêm trọng, bất thường, lần đầu tiên xảy ra tại nước ta trên vùng biển rộng, nên việc xác định nguyên nhân phải thực hiện khẩn trương, thận trọng, chắc chắn, có căn cứ khoa học. Để sớm tìm ra nguyên nhân sự cố môi trường này và để tăng cường kiểm soát, không để sự cố tương tự xảy ra; đồng thời để bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, sớm khôi phục sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:
Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số 68/TB-VPCP ngày 29 tháng 4 năm 2016, số 70/TB-VPCP ngày 30 tháng 4 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản có liên quan.
Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan, kể cả huy động các nhà khoa học nước ngoài để nhanh chóng kết luận một cách khách quan, khoa học, độc lập nguyên nhân về sự cố môi trường nêu trên. Trên cơ sở ý kiến của Bộ khoa học và Công nghệ về nguyên nhân, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường - là cơ quan phát ngôn về vấn đề này báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Bộ Công an chủ trì, tiếp tục điều tra các vụ việc vi phạm về môi trường tại khu vực miền Trung để sớm kết luận, xử lý nghiêm minh. Các địa phương, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an cung cấp hồ sơ, chứng cứ có liên quan phục vụ cho công tác điều tra.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương theo quy định của pháp luật, rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải, đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp ven biển, không được để tình trạng xả thải ra biển mà không được quan trắc theo quy định của pháp luật về môi trường; yêu cầu phải giám sát chặt chẽ việc xả nước thải làm ảnh hưởng môi trường biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan; đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy.
Các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, công bố công khai ngay vị trí ngư trường an toàn cho việc đánh bắt hải sản và các loại hải sản an toàn để nhân dân biết yên tâm sử dụng.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hải sản tiếp tục triển khai đồng loạt các giải pháp thu mua, tiêu thụ kịp thời hải sản đánh bắt xa bờ đã được xác nhận bảo đảm an toàn.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông thông tin chính xác, khách quan, kịp thời động viên, khuyến khích nhân dân yên tâm, tiếp tục ra khơi đánh bắt ở vùng ngoài 20 hải lý và tiêu thụ hải sản. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan truyền thông để thông báo cho nhân dân biết về sản phẩm hải sản an toàn (có chứng nhận sản phẩm sạch mới được tiêu thụ), môi trường biển sạch và thông tin tuyên truyền về các hoạt động sản xuất và du lịch tại tất cả các tỉnh ven biển miền Trung.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có phương án giảm, miễn, khoanh nợ, giãn nợ những khoản vay cũ và cho vay mới để ngư dân tiếp tục sản xuất; hỗ trợ ngư dân vay ưu đãi khi có nhu cầu.
Bộ Công an cùng các địa phương tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng kích động, lôi kéo người dân tụ tập, gây rối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế, bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và môi trường đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương luôn chủ động, sẵn sàng các phương án huy động các lực lượng kịp thời xử lý các tình huống, bảo đảm an ninh trật tự, không bị động, bất ngờ trong chỉ đạo, điều hành.
Về một số kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến các Bộ, cơ quan về việc hỗ trợ bằng gạo, tiền, lãi suất cho các đối tượng tham gia nuôi trồng, đánh bắt, hoạt động dịch vụ nghề cá, thu mua thủy, hải sản, các hộ ven bờ, các chủ tàu đánh bắt ven bờ và vùng lộng bị ảnh hưởng. Trong đó: hỗ trợ đối với các hộ nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg; cấp 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 1,5 tháng cho các hộ đánh bắt ven bờ và vùng lộng bị ảnh hưởng; hỗ trợ các tàu khai thác ven bờ không ra khơi được mỗi tàu 5 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các hộ thu mua cá và dịch vụ nghề cá; hỗ trợ tiêu hủy cá chết. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương liên quan khẩn trương đề xuất phương án hỗ trợ cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 05 tháng 5 năm 2016.
Đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ bị ảnh hưởng, Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân các tỉnh rà soát, thống kê cụ thể, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan (bao gồm cả các tổ chức tín dụng) xem xét, xử lý ngay theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng nhà nước ở địa phương, ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách thực hiện các giải pháp hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, xử lý rủi ro đối với các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định và tiếp tục cho vay mới để phục hồi, phát triển sản xuất./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25-4 đến ngày 01-5-2016  (03/05/2016)
Huyện đảo Trường Sa chuẩn bị chu đáo đón ngày hội bầu cử  (02/05/2016)
Đà Nẵng niêm yết danh sách ứng cử viên Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp  (02/05/2016)
Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021  (02/05/2016)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay