Thủ tướng Chính phủ kêu gọi "Cuộc cách mạng" vệ sinh an toàn thực phẩm
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành đã diễn ra sáng 27-4, tại Hà Nội.
Hội nghị tập trung có sự tham gia của lãnh đạo ba bộ có liên quan gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương nhằm siết chặt công tác thanh kiểm tra và đề xuất các giải pháp.
Không báo cáo thành tích
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề nhân dân cả nước rất quan tâm. Thời gian qua các bộ, ngành đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả còn hạn chế, giờ phải thay đổi cách tiếp cận. Cùng với những cuộc vận động, phải làm rõ trách nhiệm của địa phương, của người đứng đầu, không thể để vấn đề lớn như thế mà không ai chịu trách nhiệm.
Thủ tướng yêu cầu: “Phải tăng cường giám sát của mọi cấp mọi ngành để có được chuyển biến đồng bộ. Phải đồng tâm hiệp lực để có những cách làm rõ nét nhất chứ không phải báo cáo thành tích”.
Nổi bật trong số những vấn đề "nóng" được thảo luận tại hội nghị có việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi, sử dụng chất vàng ô, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Phân tích rõ thực trạng về việc mất an toàn trong thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát chỉ rõ, công tác thanh kiểm tra của ngành nông nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy, thịt nhiễm vi sinh bình quân cả nước trong mức khoảng 15-16%, thậm chí có lúc lên đến 40%. Thịt nhiễm vi sinh cao chủ yếu là do khâu giết mổ và bán lẻ chưa an toàn. Thứ hai là nhiễm chất cấm, thứ ba là nhiễm kháng sinh, thứ tư là sử dụng các chất bảo quản.
Từ đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất đáng báo động, phức tạp. Đó không chỉ là con số 5% hay 10% thực phẩm nhiễm bẩn như các bộ ngành báo cáo.
Tại Hà Nội, theo Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, năm 2015, thành phố đã thực hiện trên 150.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt trên 20 tỷ đồng. Quý I năm nay, Hà Nội đã kiểm tra trên 37.000 cơ sở, phát hiện 6.900 cơ sở vi phạm, phạt hơn 10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, dù thành phố đã triển khai quyết liệt về công tác kiểm soát an toàn thực phẩm nhưng kết quả chưa đáp ứng được kỳ vọng của dân.
"Gõ đầu" người đứng đầu
Chủ trì thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ ngành và địa phương trong năm nay xử lý dứt điểm vấn đề chất sabutamol, dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi; rượu, bia, nước giải khát giả, kém chất lượng; thực phẩm chức năng, thực phẩm đường phố…
Phân tích nguyên nhân dẫn tới nạn thực phẩm “bẩn” khó kiểm soát trong thời gian qua, Bí thư Đinh La Thăng chỉ rõ, là do không xác định được trách nhiệm, không kỷ luật được ai, từ xã, phường, quận, huyện đến tỉnh, thành nên hầu như không có sức răn đe.
“Chính vì hiện nay chúng ta không xác định được trách nhiệm của ai để kỷ luật nên 'cả làng đều vui', ăn bẩn vẫn vui vì có chết ngay đâu. Nếu trách nhiệm chưa rõ ràng thì tình trạng này chưa giải quyết được”, Bí thư Đinh La Thăng bày tỏ quyết liệt.
Bên cạnh đó, Bí thư Đinh La Thăng cũng chỉ ra một nguyên nhân nữa là do công tác thanh tra kiểm soát không nghiêm, có hiện tượng bao che, thông đồng vì lợi nhuận của nó quá lớn.
Bí thư Đinh La Thăng đặt câu hỏi, một lò mổ có quy mô và ầm ĩ suốt ngày nhưng lại tồn tại ở xã phường mà quận, phường không biết, không ai bị xử lý thì thật lạ.
Do vậy, để giải quyết được bài toán về thực phẩm “bẩn”, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng kiến nghị, nếu vi phạm về an toàn thực phẩm ở xã, phường thì bí thư, chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm nóng như thời gian qua là do chưa thực hiện nghiêm cả từ phía cơ quan quản lý đến người dân, người sản xuất. Công tác này nếu không làm tốt, sẽ tự hủy hoại nền sản xuất cả trong nước lẫn xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định tồn tại yếu kém nhất hiện nay trong quản lý an toàn thực phẩm là tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng như gà nhập lậu, lòng lợn thối, chân gà thối, chất cấm… được nhập lậu rất nhiều.
Xử phạt nông dân nuôi lợn có chất cấm
Trong số nhiều mặt hàng thực phẩm đang lưu hành trên thị trường hiện nay, Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần trước mắt ưu tiên kiểm soát an toàn các mặt hàng tươi sống tiêu dùng thiết yếu hằng ngày.
Thủ tướng chỉ rõ, nếu sự việc liên quan tới an toàn thực phẩm xảy ra ở xã, phường thì địa phương phải chịu trách nhiệm, ở Trung ương thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Công tác giáo dục, tuyên truyền đã nhiều nhưng vẫn chưa xử lý triệt để được. Do vậy, thời gian tới phải đẩy mạnh công tác xử lý nghiêm, trong đó các lực lượng như công an, quản lý thị trường phải vào cuộc. Để bảo vệ mạng sống của nhân dân, phải xử lý hình sự những vi phạm nghiêm trọng.
Để giải quyết tình trạng trên, người đứng đầu Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, thời gian tới bộ sẽ tập trung, tiếp tục kiểm soát tiến tới chấm dứt chất cấm. Thứ hai là kiểm soát cơ bản việc buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm qua biên giới, bởi những vi phạm xảy ra là do sử dụng các chất cấm qua buôn lậu. Nếu chúng ta kiểm soát tốt các chất cấm thì sẽ hạn chế được rất nhiều.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong "cuộc cách mạng" về vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không quy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu thì khó thành công.
"Cuộc cách mạng này phải làm dân hiểu rõ vấn đề từ sản xuất đến tiêu dùng, tố giác tội phạm đến xử lý nghiêm vi phạm. Việc sản xuất, tiêu thụ, buôn bán trái phép trên địa bàn, trong chợ của xã, phường, huyện, tỉnh thì ông chủ tịch của xã đó, huyện đó, tỉnh đó phải chịu trách nhiệm cá nhân về sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, các địa phương cần phạt hành chính cao nhất, thậm chí xử lý hình sự là cần thiết trong tình hình hiện nay. Xử phạt cả nông dân sản xuất kém chất lượng, nông dân nuôi lợn có chất cấm./.
Bộ Giao thông vận tải quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng  (27/04/2016)
Ban Chỉ đạo chống tham nhũng thông qua kế hoạch khởi tố năm 2016  (27/04/2016)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam  (27/04/2016)
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai dịch vụ tiếp nhận cấp đổi hồ sơ và trả kết quả Giấy phép lái xe  (27/04/2016)
VAMC tạo điều kiện thuận lợi cho thanh khoản của ngân hàng  (27/04/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay