Bước tiến mới trong quan hệ Cu-ba - Pháp
TCCSĐT - Đầu tháng 02-2016, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cu-ba Ra-un Ca-xtrô đã có chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Pháp. Đây là chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ Cu-ba tới Pháp trong vòng 21 năm qua. Hoạt động ngoại giao này đánh dấu bước chuyển tích cực trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Cu-ba với phương Tây.
“Điểm khởi đầu” cho quá trình hội nhập quốc tế
Chuyến thăm Pháp của nguyên thủ Cu-ba được nhận định là “một bước đi mới” trong tiến trình củng cố quan hệ giữa hai nước Cu-ba và Pháp. Chuyến thăm được thực hiện gần một năm sau khi Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng-đơ thăm chính thức Cu-ba (tháng 5-2015) và trở thành nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên tới thăm La Ha-ba-na kể từ khi Mỹ và Cu-ba khôi phục quan hệ ngoại giao (năm 2015) sau hơn 50 năm gián đoạn. Bên cạnh những cuộc gặp, làm việc với các nhà lãnh đạo cao nhất của Pháp, nhà lãnh đạo Cu-ba cũng đã gặp và trao đổi với nhiều quan chức cấp cao khác của Pháp, để thảo luận về cơ hội đầu tư, thương mại giữa Cu-ba và Pháp. Kinh tế là chủ đề nổi bật nhất của chuyến thăm. Hai bên thảo luận việc mở rộng và đa dạng hóa quan hệ trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, đến văn hóa và hợp tác.
Trong chuyến thăm, 12 văn kiện hợp tác song phương trên các lĩnh vực đã được ký kết, trong đó đáng chú ý là việc Pháp mở Văn phòng Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Thủ đô La Ha-ba-na và xử lý khoản nợ 360 triệu ơ-rô của Cu-ba.
Hiện nay, Cu-ba đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế để triển khai lộ trình “cập nhật hóa” mô hình kinh tế. Nợ công của Cu-ba chiếm 32% GDP, trong đó 80% là lãi do chậm thanh toán. Năm 2014, Nga là nước đầu tiên xóa 90% khoản nợ gốc và lãi phát sinh (ước tính khoảng 35 tỷ USD) cho Cu-ba. Trong Câu lạc bộ Pa-ri, Pháp là chủ nợ chính của Cu-ba. Chính phủ Pháp đã khởi xướng và kêu gọi Câu lạc bộ Pa-ri cơ cấu lại nợ cho Cu-ba (16 tỷ USD, tương đương 14,7 tỷ ơ-rô), đồng thời đóng vai trò chính trong việc thuyết phục Câu lạc bộ Pa-ri - gồm các nước chủ nợ của Cu-ba - xóa bỏ khoản lãi suất do chậm trả gốc lên tới 11,9 tỷ USD.
Sau khi Câu lạc bộ Pa-ri gồm các nước, như Ô-xtrây-li-a, Áo, Bỉ, Ca-na-đa, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Phần Lan, Pháp, I-ta-li-a, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Thụy Điển và Thụy Sỹ quyết định xóa khoản nợ lãi do chậm trả gốc của Cu-ba vào ngày 12-12-2015, Pháp đã cam kết thảo luận song phương về khoản gốc cho Cu-ba vay theo hướng tái đầu tư vào các dự án phát triển tại Cu-ba. Hai bên cũng ký thỏa thuận về việc chuyển một phần nợ của Cu-ba vào quỹ Pháp - Cu-ba, trị giá 212 triệu ơ-rô - được thành lập với mục tiêu thúc đẩy các dự án hợp tác giữa Pháp và Cu-ba thông qua cấp vốn một phần các chi phí tại chỗ của dự án. Cơ quan phát triển Pháp tại Cu-ba là đầu mối lựa chọn các dự án. Việc ký kết thỏa thuận song phương giữa Cu-ba và Pháp liên quan đến giải quyết phần nợ còn lại có ý nghĩa quan trọng đối với Cu-ba trong đàm phán giải quyết phần nợ còn lại với các chủ nợ khác.
Mối quan hệ “tốt hơn bao giờ hết”
Nhìn lại lịch sử có thể thấy, quan hệ song phương giữa Cu-ba và Pháp có những điểm “đặc biệt”. Năm 1995, mặc dù gặp rất nhiều chỉ trích nhưng Tổng thống Pháp khi đó là Ph. Mít-tơ-răng đã đón tiếp Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô trong chuyến thăm không chính thức tới Pháp (theo lời mời của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) có trụ sở tại Pháp). Thêm nữa, tuy là một đồng minh khá thân cận của Mỹ, nhưng từ năm 1991, Pháp luôn bỏ phiếu ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cu-ba tại Liên hợp quốc. Sau cuộc khủng hoảng tại I-rắc, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di cam kết sẽ đến thăm Cu-ba nhưng không thực hiện được do bị cuốn vào cuộc chiến tại Li-bi. Trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận Cu-ba, quan hệ Cu-ba và Liên minh châu Âu (EU) có những bước tiến mạnh mẽ.
Từ tháng 4-2014, Cu-ba và EU, bắt đầu khởi động quá trình đàm phán hướng tới việc thiết lập một khuôn khổ đối thoại chính trị và hợp tác. Cũng trong tháng 4 này, Ngoại trưởng Pháp L. Pha-bi-ớt đã có chuyến thăm Cu-ba và là ngoại trưởng châu Âu đầu tiên đến quốc đảo này.
Về phía Cu-ba, Chủ tịch Ra-un Ca-xtrô hiện nay và Chủ tịch Phi-đen Ca-xtrô trước kia được nhận xét là có thiện cảm với Pháp - đất nước của cuộc cách mạng đề cao các giá trị “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, khơi dậy những lý tưởng cách mạng cao đẹp với các nhà lãnh đạo Cu-ba nói riêng và người dân Cu-ba nói chung.
Gần đây nhất, Cu-ba đã có vai trò tuy “thầm lặng” nhưng then chốt trong việc đạt được thỏa thuận cuối cùng tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP-21 diễn ra tại Thủ đô Pa-ri (tháng 12-2015). Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtrô đã trực tiếp thuyết phục Ni-ca-ra-goa - quốc gia vẫn ngập ngừng cho đến những giây phút cuối để thông qua phiên bản cuối cùng của thỏa thuận. Pháp cũng coi việc đón tiếp trọng thị Chủ tịch Cu-ba là một “biểu hiện cám ơn” đối với đóng góp này của Cu-ba.
Nhân chuyến thăm lần này của Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtrô, Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng-đơ kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận Cu-ba. Ông Ph. Ô-lăng-đơ nhấn mạnh, “các lệnh cấm vận cần phải được gỡ bỏ để Cu-ba tìm được hoàn toàn vị trí của mình, đó là nguyện vọng của Cu-ba cũng như ý muốn của cộng đồng quốc tế”. Mối quan hệ Cu-ba - Pháp được đánh giá đang ở giai đoạn “tốt hơn bao giờ hết”.
Hợp tác đôi bên cùng có lợi
Với chuyến thăm “lịch sử” này, cả Cu-ba và Pháp đều có những bước đi chiến lược nhằm củng cố, thúc đẩy quan hệ song phương, tạo nên một bước phát triển quan hệ “đôi bên cùng có lợi”.
Từ năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Cu-ba hiếm khi vượt quá 2,8%, với mức tăng trưởng trong nông nghiệp chỉ đạt 0,6%. Đất nước Cu-ba cũng luôn đối mặt với tình trạng thiếu hụt và phụ thuộc nhập khẩu, do đó rất cần nguồn vốn đầu tư, đối tác, nguồn tài chính và các thỏa thuận kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh đồng minh truyền thống Vê-nê-xu-ê-la đang lâm vào khủng hoảng và không còn nhiều khả năng hỗ trợ, các thỏa thuận kinh tế và phương án cơ cấu lại nợ đạt được trong chuyến thăm này sẽ giúp “khai thông” các nguồn vốn nước ngoài vào Cu-ba. Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cu-ba ước tính, Cu-ba cần 8 tỷ USD để bảo đảm nền kinh tế “cất cánh”.
Chuyến thăm cũng góp phần “tạo tiếng vang” quốc tế, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ về mọi mặt giữa Cu-ba với phương Tây, nâng cao vị thế của Cu-ba - đất nước có nhiều tiềm năng phát triển, đang thực hiện nhiều chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế; đa dạng hóa đối tác, tránh tình trạng phụ thuộc vào một hay một vài đối tác lớn.
Thông qua việc củng cố quan hệ với Pháp trong chuyến thăm lần này, Cu-ba mong muốn “đem lại hình ảnh đẹp” với các đối tác châu Âu như một cách để tiếp nối thỏa thuận đang được đàm phán giữa Cu-ba và EU, đồng thời giúp thay đổi nhận thức, quan điểm về Cu-ba trước đây để thúc đẩy quan hệ hợp tác. Trong thời gian gần đây, đầu tư của EU tại Cu-ba đang tăng dần, cùng với đó hai bên đặt hy vọng trong tháng 9-2016, sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định Hợp tác và Đối thoại chính trị song phương (PDCA).
Về phía Pháp, nước này mong muốn bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình, đặc biệt là của các doanh nghiệp Pháp đang đầu tư và kinh doanh tại Cu-ba. Nhiều doanh nghiệp của Pháp đã đầu tư tại Cu-ba, như Tập đoàn Pernod-Ricard (sản xuất rượu rum Havana club), Accor (du lịch), Bouygues (xây dựng), Alcatel-Lucent (viễn thông), Total và Alstom (năng lượng), tuy nhiên, trao đổi thương mại ở mức 180 triệu ơ-rô hằng năm rõ ràng chưa tương xứng với mong muốn của hai nước.
Pháp cũng muốn tận dụng thời cơ để đón đầu các cơ hội trước các tập đoàn hùng mạnh của Mỹ đang chờ Quốc hội Mỹ bãi bỏ hoàn toàn cấm vận kinh tế với Cu-ba và có thêm lợi thế trong cuộc “cạnh tranh” với các quốc gia đang tăng cường hiện diện tại quốc đảo này. Về lâu dài, Pháp muốn tham gia nhiều hơn vào quá trình hiện đại hóa Cu-ba trong các lĩnh vực then chốt, như xây dựng, năng lượng, chế biến thực phẩm hay dược phẩm và du lịch, nhất là khi mới đây Cu-ba đưa ra danh sách 246 dự án kết cấu hạ tầng với nhu cầu vốn 15 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực cơ bản.
Pháp đánh giá cao vị trí địa - chính trị và vai trò quan trọng của Cu-ba trong khuôn khổ các quan hệ quốc tế hiện nay, coi Cu-ba là “chìa khóa” quan trọng mở ra quan hệ cả về chính trị và kinh tế - thương mại với khu vực Mỹ La-tinh rộng lớn. Chuyến thăm của Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtrô tới Pháp lần này, cùng với chuyến thăm Cu-ba của Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng-đơ trước đó đã tạo tiền đề thuận lợi cho chuyến thăm Pê-ru, Ác-hen-ti-na và U-ru-goay vào cuối tháng 02-2016 của ông Ph. Ô-lăng-đơ trong việc tạo hình ảnh đẹp, thu hút và “xâm nhập” thị trường Mỹ La-tinh tiềm năng, đầy hấp dẫn.
Thông qua việc Pháp đón Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtrô, cùng với hàng loạt động thái thúc đẩy quan hệ Pháp - Cu-ba trước đó, Pháp muốn tạo hiệu ứng lan truyền lôi cuốn các nước châu Âu khác cải thiện quan hệ với Cu-ba, thay đổi lập trường với Cu-ba. Đây cũng là cách để Pháp thể hiện tính tiên phong, đi đầu trong các vấn đề được EU quan tâm, giúp tăng cường hình ảnh và vai trò của Pháp tại châu Âu, cũng như trên thế giới.
Đối với Pháp, đẩy mạnh quan hệ với Cu-ba là một bước tiếp tục của chính sách “ngoại giao kinh tế” được chính quyền Tổng thống Ph. Ô-lăng-đơ tiến hành nhất quán từ đầu nhiệm kỳ. Đối với Cu-ba, chuyến thăm này được nhận định là “điểm khởi đầu” cho quá trình hội nhập quốc tế của quốc đảo Ca-ri-bê. Sự “song trùng” lợi ích giữa hai bên góp phần đưa mối quan hệ Cu-ba - Pháp đi vào thực chất, hiệu quả với nhiều tiềm năng phát triển./.
Đổi mới quản lý y tế tư ở Việt Nam hiện nay  (13/04/2016)
Giải pháp tín dụng ngân hàng cho xây dựng nông thôn mới  (13/04/2016)
Gặp mặt các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa 12, 13  (12/04/2016)
Thường trực Ban Bí thư hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Lào  (12/04/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên