Bầu cử tại ba bang của Đức: Thách thức đối với Thủ tướng An-giê-la Méc-ken

Phạm Thị Thanh Tâm Vụ Tây Bắc Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương
09:37, ngày 07-04-2016

TCCSĐT - Ngày 13-3-2016, khoảng 13 triệu cử tri đủ tư cách tại ba bang của Đức gồm Ba-đen Vớt-tem-bớc (Baden-Wuerttemberg), Rai-lan Phan-dơ (Rhineland-Pfalz) và Zách-sèn An-hát (Sachsen-Anhalt) đã tới các điểm bỏ phiếu để bầu ra Nghị viện bang mới cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo. Cuộc bầu cử trong ngày “siêu chủ nhật” này được xem là “phép thử” quan trọng đối với chính sách về người tị nạn của Chính phủ của Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken.

Nước Đức trước cuộc bầu cử ba bang ngày “siêu chủ nhật”

Nằm ở khu vực Tây Nam nước Đức, bang Ba-đen Vớt-tem-bớc có ngành công nghiệp năng lượng phát triển. Giáp Ba-đen Vớt-tem-bớc, bang Rai-lan Phan-dơ nổi tiếng với nghề sản xuất rượu vang. Cả hai bang đều sung túc và giàu có, do Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) liên minh lãnh đạo. Trong khi đó, bang Zách-sèn An-hát ít phát triển hơn, chính quyền bang thuộc về Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU).

Bên cạnh những mối quan tâm về giáo dục và an ninh như thường thấy ở các cuộc bầu cử các bang của Đức, vấn đề người tị nạn và chính sách nhập cư là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của cử tri lần này. Chủ đề nhập cư cũng là trọng tâm trong các chương trình vận động tranh cử vừa qua tại ba bang. Năm 2015, Đức đã tiếp nhận khoảng 1,2 triệu người nhập cư, nhiều nhất trong số các nước Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, Đức không đủ khả năng để có thể tiếp tục tiếp nhận số lượng người nhập cư tương tự hằng năm. Những tranh cãi và hoài nghi tiếp tục gia tăng về việc làm thế nào để Đức có thể cân bằng được trách nhiệm quốc tế khi mở rộng cửa đón nhận người nhập cư, đồng thời với việc phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh và trật tự xã hội(1), tôn trọng những khác biệt về văn hóa, kinh tế,... Quan điểm về “đạo đức đúng đắn” của Chính phủ Đức đối với người nhập cư không được một số nước EU khác hưởng ứng đã tác động đặc biệt tới tâm lý của cử tri Đức.

Phong trào chống người nhập cư lan rộng khắp đất nước, đặc biệt kể đến phong trào PEGIDA(2) xuất phát từ thành phố Lép-xích (Leipzig) (phía Đông Đức) và Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) dân túy và cực hữu đang tiếp tục thu hút sự ủng hộ của cử tri. Chủ tịch Đảng AfD Phờ-rau-khơ Pe-tơ-ry (Frauke Petry) thậm chí nêu đề xuất bắn vào người tị nạn trong trường hợp khẩn cấp nhằm bảo vệ khu vực biên giới để hạn chế người tị nạn, đã gây xôn xao trong dư luận gần đây. Bên cạnh đó, một phong trào khác ủng hộ người nhập cư và chống PEGIDA cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tuần hành, khiến xã hội Đức xuất hiện những mâu thuẫn trên diện rộng.

Theo kết quả thăm dò dư luận vào ngày 09-3, ngay trước các cuộc bầu cử bang lần này, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Đức A. Méc-ken đã tăng thêm 2%, từ mức 48% lên 50%(3) bất chấp những tranh cãi ngày càng gia tăng liên quan đến chính sách đối với người tị nạn, trong khi tỷ lệ ủng hộ Liên minh Đảng bảo thủ CDU/CSU vẫn ở mức 35%; tỷ lệ ủng hộ Phó Thủ tướng, Chủ tịch SPD Xích-ma Ga-bri-en (Sigmar Gabriel) giảm 1%, chỉ còn 13% và tỷ lệ này đối với SPD cũng giảm còn 23%. Đảng AfD giành thêm 1% (lên mức 10%); Đảng Cánh tả (Die Linke) được 9% và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) - 6%. Về chính sách đối với người tị nạn của Thủ tướng A. Méc-ken, 59% số người được hỏi bày tỏ không hài lòng, 63% ủng hộ áp đặt mức trần tiếp nhận người tị nạn ở Đức.

Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho kết quả dự đoán là Đảng AfD sẽ giành được ghế tại Quốc hội ba bang, trong khi hai đảng liên minh cầm quyền là CDU và SPD sẽ gặp trở ngại lớn.

Kết quả của ba cuộc bầu cử

Tại bang Zách-sèn An-hát, tỷ lệ cử tri đi bầu cử khoảng 61,8% (tăng 10,6% so với cuộc bầu cử năm 2011). CDU vẫn là đảng mạnh nhất với 30% số phiếu ủng hộ, tuy nhiên, Đảng AfD đã bất ngờ vươn lên vị trí thứ 2 với 24,2%, trong khi SPD chỉ đạt khoảng 10,5% và Đảng Cánh tả đạt 16,1%.

Tại bang Rai-lan Phan-dơ, tỷ lệ cử tri đi bầu khoảng 71,3% (tăng 9,5% so với cuộc bầu cử năm 2011). Đảng SPD duy trì vị trí dẫn đầu với 36,4% số phiếu ủng hộ - khả năng bà Ma-lu Đơ-ri-y-ơ (Malu Dreyer) - Thủ hiến đương nhiệm sẽ tiếp tục cầm quyền, đứng thứ hai là CDU của bà Giu-li-a Klóc-nơ (Julia Kloeckner) với 31,8%. Từ năm 2012, bà Giu-li-a Klóc-nơ, Phó Chủ tịch Đảng CDU được xem là ứng cử viên của CDU cho vị trí Thủ tướng liên bang trong tương lai, đã mất khoảng 3% số phiếu so với cuộc bầu cử trước (năm 2011). Hai đảng may mắn vượt qua ngưỡng 5% cần thiết để có ghế trong Quốc hội bang là Đảng Xanh với 5,2% và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đạt 6,1%. Trong khi đó, Đảng AfD giành được khoảng 12,4% - lần đầu tiên có ghế trong Quốc hội bang.

Tại bang Ba-đen Vớt-tem-bớc, tỷ lệ cử tri đi bầu cử khoảng 70,8% (tăng 4,5% so với cuộc bầu cử năm 2011). Đảng Xanh trở thành đảng mạnh nhất với 30,4% số phiếu ủng hộ, tiếp đến là Đảng CDU - 27,1% (giảm 11% so với cuộc bầu cử trước), Đảng AfD - 15%, Đảng SPD chỉ còn 12,7% (so với 23% vào năm 2011) và Đảng FDP - 8,3%. Đây là lần đầu tiên Đảng CDU mất vị trí là đảng mạnh nhất tại bang miền Tây Nam nước Đức. Liên minh cầm quyền hiện nay là Đảng Xanh và SPD không giành được đa số phiếu và nhiều khả năng, liên minh Đảng Xanh và CDU sẽ cầm quyền.

Cử tri Đức đang “quay lưng” với chính sách nhập cư của Chính phủ?

Cuộc bầu cử tại ba bang quan trọng này của Đức được xem là một “phép thử” đối với chính sách mở cửa cho người nhập cư đang gây tranh cãi của Thủ tướng Đức A. Méc-ken. Kể từ khi thực hiện chính sách mở rộng cửa tiếp nhận người nhập cư (tháng 9-2015), Thủ tướng Đức A. Méc-ken phải đối mặt với nhiều sự phản đối trong xã hội, từ các đảng đối lập và trong chính nội bộ liên minh đảng CDU/CSU(4) của bà. Tỷ lệ đi bầu cử lần này ở ba bang đều tăng so với 5 năm trước cho thấy, cử tri Đức đang rất quan tâm đến vấn đề nóng của đất nước và EU, cũng như mong muốn sớm có một giải pháp thỏa đáng để hạn chế dòng người nhập cư ồ ạt đổ vào châu Âu.

Cuộc bầu cử ghi nhận sự thất bại lớn của Đảng CDU và sự “trỗi dậy” ngày càng mạnh mẽ của Đảng AfD - một đảng vừa mới thành lập năm 2013 để tham gia vào cuộc bầu cử liên bang - khi AfD giành được ghế ở Quốc hội cả ba bang lần này. Tại cuộc bầu cử địa phương của bang He-sèn (Hessen) (ngày 6-3), Đảng AfD cũng giành thắng lợi lớn trước những đảng lớn tại các thành phố chủ chốt. Đến nay, Đảng AfD đã có đại diện trong Quốc hội ở 8/16 bang của Đức và có ghế trong Nghị viện châu Âu kể từ cuộc bầu cử vào tháng 5-2014.

Trước các cuộc bầu cử bang lần này, nhiều quan chức chính phủ liên bang đã kêu gọi cử tri không bỏ phiếu cho đảng cực hữu AfD. Ngày 6-3, Thủ tướng Đức A. Méc-ken đã lên tiếng chỉ trích Đảng AfD là “không góp phần gắn kết xã hội, không có giải pháp phù hợp nào cho các vấn đề của xã hội, mà chỉ tìm cách kích động và gây chia rẽ”. Trong khi đó, ngày 12-3, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Tô-mát đờ Mai-dờ (Thomas de Maizière), thuộc Đảng CDU, đã cảnh tỉnh cử tri chớ bỏ phiếu cho AfD. Ông Mai-dờ nêu rõ: “AfD không có cương lĩnh chính trị, không có khả năng giải quyết vấn đề... mà chỉ gây hại cho đất nước”. Trước đó, Chủ tịch Đảng SPD Xích-ma Ga-bri-en cũng lên tiếng cảnh báo cử tri về việc bỏ phiếu cho Đảng AfD. Tuy nhiên, dường như vấn đề về chính sách nhập cư đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý cử tri và nhiều người đã “quay lưng” lại với các đảng truyền thống, như CDU hay SPD tại các cuộc bầu cử bang lần này. Các cuộc thăm dò ý kiến ban đầu cho thấy, một tỷ lệ lớn các cử tri trước kia từ chối đi bầu cử hoặc từng ủng hộ Đảng CDU đã quay sang bỏ phiếu cho Đảng AfD lần này.

Việc Đảng AfD giành được số phiếu cao và vươn lên vị trí thứ 2 ở bang Zách-sèn An-hát phù hợp với tình hình thực tế khi phong trào chống người nhập cư ở Đức được hình thành và lan rộng từ khu vực Đông Đức - nơi mà nền kinh tế phát triển kém hơn các bang phía Tây. Trong khi đó, những người tị nạn từ Xy-ri hay I-rắc phần nhiều là những người được đào tạo và có trình độ, nếu hòa nhập tốt sẽ bổ sung lực lượng lao động dồi dào cho nước Đức. Tuy nhiên, điều đó phần nào gây lo ngại cho những người bất mãn, thua thiệt ở Đông Đức sẽ bị mất việc làm.

Tuy nhiên, chính sách nhập cư gây tranh cãi không hoàn toàn là nguyên nhân khiến cử tri Đức “quay lưng” với các đảng chính trị truyền thống. Trong bối cảnh xã hội đang có nhiều bức xúc, hoài nghi, người dân hướng tới sự mới mẻ và thay đổi. Trước khi các cuộc bầu cử diễn ra, trong các cuộc vận động tranh cử, hai thủ lĩnh của Đảng CDU tại bang Ban-đen Vớt-tem-bớc và Rai-lan Phan-dơ là ông Gui-đô Vôn-phơ (Guido Wolf) và bà Giu-li-a Klóc-nơ đều thể hiện quan điểm không đồng tình với chính sách nhập cư của Thủ tướng A. Méc-ken. Bà Giu-li-a Klóc-nơ - vốn được xem là người thân cận của Thủ tướng A. Méc-ken - thậm chí đã đề nghị Chính phủ cần thực hiện mức hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn theo ngày giống như cách nước Áo đang làm. Kết quả, hai lãnh đạo của Đảng CDU ở hai bang này vẫn nhận thất bại nặng nề. Trong khi đó, thủ lĩnh Đảng Xanh tại bang Ba-đen Vớt-tem-bớc là ông Vin-phơ-ri Krét-sơ-man (Winfried Kretschmann) lại ủng hộ chính sách nhập cư của Thủ tướng A. Méc-ken, nhận được sự ủng hộ lớn của cử tri và khả năng sẽ tiếp tục giữ ghế thị trưởng ở bang này.

Sau khi kết quả bầu cử được công bố, do không đảng nào giành được quá bán số phiếu ủng hộ, các đảng sẽ phải đàm phán để thành lập chính phủ liên minh ở các bang - đây là điều thường thấy trong nền chính trị Đức. Tại bang Zách-sèn An-hát, Đảng CDU có thể sẽ tiếp tục cầm quyền với tư cách đảng lớn nhất, nhưng phải liên minh cầm quyền với Đảng SPD và Đảng Xanh. Tại bang Ba-đen Vớt-tem-bớc, chính quyền mới có thể là liên minh giữa Đảng Xanh và CDU hoặc giữa Đảng Xanh - SPD và FDP, do SPD bị thua quá nhiều phiếu. Với kết quả đàm phán ngày 16-3, Đảng Xanh sẽ liên minh với CDU để thành lập chính phủ, nhiều nhận định cho rằng Đảng Xanh đang dần tiến về phía cánh hữu. Tại bang Rai-lan Phan-dơ , với số phiếu ủng hộ nhiều nhất, Đảng SPD có cơ hội đàm phán thành lập chính phủ với một hoặc một vài đảng khác.

Các đảng đều không đưa ra khả năng liên minh với Đảng AfD để thành lập chính phủ ở các bang. Mặc dù, gần như chắc chắn sẽ không có ghế trong chính phủ các bang, song thắng lợi của AfD phản ánh một xu hướng chung trên chính trường các nước EU những năm gần đây khi các đảng dân tộc cực hữu, phản đối người nhập cư tiếp tục gây được ảnh hưởng và tình trạng bạo lực chống người nhập cư sẽ tiếp tục lan rộng. Dự báo, AfD sẽ tiếp tục giành được ghế tại Quốc hội trong các cuộc bầu cử ở bang Béc-lin (Berlin) và Méc-len-buốc Pô-mê-ra-ni-a (Mecklenburg-Pomerania) vào mùa Thu tới, ở bang Nót Rai Vét-pha-li-a (North Rhine Westfalia) - bang đông dân nhất nước Đức, cũng như cuộc bầu cử Quốc hội liên bang sẽ diễn ra vào năm 2017.

Kết quả và diễn biến của các cuộc bầu cử bang lần này cho thấy, khủng hoảng di cư và hệ lụy sẽ tiếp tục là vấn đề chi phối chính trị, kinh tế nước Đức trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra đối với chính phủ đại liên minh đảng CDU/CSU và SPD là cần phải đưa ra các quyết sách để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế và nhân đạo đối với người nhập cư, đồng thời giải quyết hai thách thức lớn là: 1- thiết lập lại trật tự xã hội và an ninh quốc gia; 2- sự quá tải về mặt phúc lợi xã hội để có thể thu hút cử tri, từ đó hạn chế sự phát triển của AfD. Tuy nhiên, bất chấp những thất bại nặng nề tại các cuộc bầu cử vào ngày 13-3, Thủ tướng Đức A. Méc-ken sẽ không thay đổi chính sách về người tị nạn bởi bà tin vào mục tiêu tiến tới một giải pháp chung và ổn định trên toàn châu Âu sẽ góp phần giảm đáng kể số người xin tị nạn tại tất cả các nước thành viên EU.

Trên chính trường EU, Thủ tướng A. Méc-ken và Chính phủ Đức được nhìn nhận đóng vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề của khu vực, trong đó có vấn đề về người nhập cư. Trước ngày diễn ra các cuộc bầu cử tại ba bang của Đức vừa qua, Thủ tướng A. Méc-ken đã nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ và tích cực tìm kiếm một giải pháp tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 07-3) với hy vọng một kế hoạch chung đưa ra sẽ gây tác động tích cực đến tâm lý cử tri đối với đảng cầm quyền trước thềm các cuộc bầu cử. Thế nhưng, hội nghị này một lần nữa cho thấy, một EU đang chia rẽ trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng này và khó có thể sớm đưa ra một giải pháp cụ thể có tính khả thi, nhằm hạn chế người nhập cư ồ ạt vào khu vực. Thủ tướng A. Méc-ken đã hy vọng một thỏa thuận chung giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tác động tích cực đến các cuộc bầu cử tại Đức ngày 13-3 song những đề xuất “chiếu trên” của Thổ Nhĩ Kỳ và khác biệt trong quan điểm của các quốc gia khu vực, đã khiến thỏa thuận này phải đợi đến Hội nghị thượng đỉnh EU tiếp theo với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra trong hai ngày 17 và 18-3 vừa qua - gần một tuần sau các cuộc bầu cử tại Đức.

Sau những cuộc đàm phán kéo dài cả ngày tại hội nghị thượng đỉnh lần này, EU và Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã đi đến một thỏa thuận chung mà theo đó từ ngày 20-3-2016, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận trở lại những người di cư bất hợp pháp đã vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp và với mỗi người dân Xy-ri được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, EU sẽ tái bố trí cho mỗi người tị nạn tại một nước EU.

Kết quả trên sẽ phần nào củng cố niềm tin của Thủ tướng Đức A. Méc-ken và nếu thỏa thuận giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được hoạt động hiệu quả trên thực tế, đó sẽ là một giải pháp quan trọng cứu vãn châu Âu trước cơn bão tị nạn và cũng sẽ giúp các đảng truyền thống của Đức, đặc biệt là Đảng CDU của bà A. Méc-ken lấy lại được sự ủng hộ của cử tri trong các cuộc bầu cử thời gian tới./.

-----------------------------------------

(1) Theo thông tin sơ bộ từ Bộ Nội vụ Đức, các hành động phạm tội liên quan tới cực hữu tại Đức đã tăng mạnh trong năm 2015. Các cơ quan an ninh Đức ghi nhận có 13.846 hành vi phạm tội của các phần tử cực hữu, tăng 30% so với năm 2014. Bên cạnh đó, các hành động bạo lực cũng tăng từ 496 vụ (năm 2014) lên 921 vụ (năm 2015), làm 691 người bị thương. Đa số các hành động này có động cơ thù địch người nước ngoài. Một xu hướng lo ngại khác là các hành động cực hữu không chỉ do các nhóm phát-xít mới (neonazis) tiến hành mà còn cả do những nhóm hoạt động tự do chống lại người nhập cư. Điển hình là vụ tấn công và quấy rối phụ nữ gây chấn động nước Đức vào đêm giao thừa năm 2016 tại Cô-lôn-nhơ (Cologne)

(2) Phong trào này vốn sinh ra để chống lại người Hồi giáo nhưng sau khi cuộc khủng hoảng nhập cư bùng phát ở châu Âu, PEGIDA đã chuyển sang công kích và phản đối người nhập cư, cũng như chính sách nhập cư của Chính phủ

(3) Tỷ lệ ủng hộ đối với Thủ tướng Đức A. Méc-ken vẫn đạt 55% vào tháng 8-2015 nhưng khi chính phủ của bà đưa ra chính sách chào đón người nhập cư vào tháng 9-2015, tỷ lệ này đã giảm xuống mức 52%, thậm chí có lúc chỉ còn 44%

(4) Đầu năm 2016, một bức thư ngỏ dày 5 trang gồm 44 chữ ký của các nghị sỹ thuộc đảng CDU và CSU yêu cầu Thủ tướng A. Méc-ken phải thay đổi chính sách về người tị nạn hiện nay; thậm chí, lãnh đạo đảng CSU đã từng muốn đưa Thủ tướng A. Méc-ken ra tòa vì những chính sách nhập cư của bà.