Việt Nam - Lào cam kết cải thiện môi trường đầu tư

NĐ tổng hợp từ chinhphu.vn
16:59, ngày 27-03-2016
TCCSĐT - Tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2016 tại Đà Nẵng trong các ngày 26 và 27-3, đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, thủ tục nhằm giúp Việt Nam - Lào không chỉ là địa điểm đầu tư song phương mà còn là điểm đến của các doanh nghiệp trên thế giới.

 
 Đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam-Lào cam kết cải thiện môi trường đầu tư để Việt Nam-Lào không chỉ là địa điểm đầu tư song phương mà còn là điểm đến của các doanh nghiệp trên thế giới.

Trong hai ngày 26 và 27-3, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Lào phối hợp với các bộ, ngành liên quan của hai nước và Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) tổ chức Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2016, thu hút hơn 500 đại biểu đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp đến từ hai nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ phía Việt Nam-Lào và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Lào-Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Ý kiến của các doanh nghiệp

Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào lần này diễn ra trong bối cảnh hết sức thuận lợi khi Cộng đồng ASEAN vừa hình thành, mở ra triển vọng hợp tác đầu tư to lớn của cả hai nước và khu vực. Trong đó đặc biệt là nhu cầu kết nối chặt chẽ các nền kinh tế với nhau, giữa Việt Nam-Lào-Campuchia và mở rộng hơn nữa là giữa Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan và Myanmar trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2011-2015, kim ngạch thương mại giữa hai nước được cải thiện do hoạt động xúc tiến được đẩy mạnh, nhiều hiệp định, thỏa thuận, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hai bên được triển khai, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.

Một số dự án lớn của doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nền tảng, cơ sở để thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của Lào như khai thác và chế biến cao su, sản xuất đường, phân vi sinh, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản... Những dự án này đồng thời tạo việc làm cho khoảng 4 vạn lao động của Lào, giúp nâng cao năng lực lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống người dân, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào.

Tuy nhiên, quy mô thương mại song phương dù tăng trưởng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ thương mại lâu năm giữa hai nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Tuy nhiên, năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ đạt 1,12 tỉ USD, thấp hơn mục tiêu đề ra là 2 tỉ USD.

Để có thể tạo ra làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào trong thời gian tới, đại diện AVIL cũng như nhiều doanh nghiệp cho rằng còn thiếu chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quá trình cấp phép còn tốn nhiều thời gian, cơ chế chính sách, thủ tục cấp phép đầu tư vào Lào thiếu đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, nhất là trong lĩnh vực đất đai, lao động, vật tư, thiết bị,... gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.

Một số doanh nghiệp cho rằng việc tuyển dụng lao động tại Lào cũng còn nhiều khó khăn do thiếu lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng cũng như tính kỷ luật. Đại diện một doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ Lào nới rộng quy định hạn chế tỷ lệ nhân sự người Việt tham gia dự án.

Các đại biểu cũng đề xuất Chính phủ hai nước đẩy nhanh thống nhất các hiệp định, cơ chế chính sách về hợp tác kinh tế giữa hai bên về phương pháp thống kê, cấp phép dự án; đồng thời đẩy mạnh hợp tác phát triển hạ tầng giao thông qua các cửa khẩu, cũng như ưu đãi lãi suất, thuế nguyên liệu, phí cầu đường… cho doanh nghiệp.

Cam kết cải thiện môi trường đầu tư của lãnh đạo Việt Nam - Lào

Lắng nghe và ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp hai bên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad cam kết sẽ cùng tìm hướng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, yêu cầu các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương của hai nước kiện toàn lại cơ chế, thủ tục pháp lý, tháo gỡ các điểm vướng mắc mà doanh nghiệp đã nêu.

Hai Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, AVIL sẽ là đầu mối phối hợp để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, hợp tác song phương, để Việt Nam - Lào không chỉ là địa điểm đầu tư song phương, mà còn là điểm đến của các doanh nghiệp trên thế giới.

Hai Phó Thủ tướng nhất trí đẩy nhanh kết nối giao thông giữa hai nước, nhân rộng mô hình “một cửa, một lần dừng” tại các cửa khẩu… nhằm đáp ứng yêu cầu giao thương kinh tế giữa hai quốc gia.

Về phía Chính phủ Lào, Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad cho biết, Chính phủ sẽ rà soát lại các quy trình, thủ tục nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời nhấn mạnh, nếu không thực hiện cải cách hành chính nhanh thì đây sẽ là bước cản trong con đường hội nhập với các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad cũng kỳ vọng doanh nghiệp hai nước phối hợp đầu tư vào các dự án đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân như y tế, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng, giao thông… bởi từng dự án sẽ là cây cầu kết nối tình hữu nghị bền chặt của hai nước Việt Nam - Lào.

Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng Lào, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc thúc đẩy phát triển thương mại song phương góp phần quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt Việt-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng, để mối quan hệ Việt-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp tại Lào có thêm những bước đột phá trong đầu tư ở Việt Nam, góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước láng giềng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và cảm ơn những hỗ trợ của nhiều địa phương, bộ, ngành của Lào đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, một số chỗ có những vấn đề gây cản trở, tồn tại. Phó Thủ tướng kiến nghị Chính phủ Lào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp mà các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai trên đất bạn, cũng như kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư có trách nhiệm tại Lào với những dự án có tính bền vững, lâu dài, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương nơi triển khai dự án.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp chú trọng các vùng phía Bắc Lào, các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, nêu cao trách nhiệm xã hội với cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… để giữ vững uy tín của doanh nghiệp Việt trên đất Lào.

Trong thời gian tới, hai Chính phủ cùng các bộ, ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện Hợp tác song phương giai đoạn 2015-2020, trong đó, sẽ có những định hướng đầu tư dự án mới, đưa ra chiến lược thu hút đầu tư giữa Việt Nam và Lào, chọn trọng điểm đầu tư để phát huy lợi thế, thu hút nguồn lực. Đặc biệt, chú trọng các dự án chiến lược về giao thông, kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng…

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời cảm ơn Chính phủ Lào đã thực hiện việc xả nước giúp Việt Nam chống hạn hán.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Thủ tướng Lào

 
 Hình ảnh tại buổi tiếp.

Sáng 27-3, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad và đoàn đại biểu, doanh nghiệp Lào sang thăm và tham dự Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2016.

Trong những năm qua, mối quan hệ ngoại giao cũng như quan hệ kinh tế-thương mại song phương giữa hai nước ngày càng được tăng lên. Việt Nam tuy còn khó khăn nhưng luôn hướng về Lào với những tình cảm đồng chí, anh em. Vì thế, mức đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Lào không ngừng tăng lên, phát huy hiệu quả cao.

Tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, các địa phương của nước bạn luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh, phát triển tại đây.

Trong bối cảnh như vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - thương mại, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.

Nhấn mạnh hai nước Lào và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Đây chính là cơ sở để hai nước tiếp tục phát triển tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.

Tại Hội nghị lần này, hai bên sẽ cùng nhìn lại, xem xét nhiều vấn đề và giải quyết các điểm vướng mắc, khó khăn trong quan hệ thương mại song phương giai đoạn 2011-2015. Qua đó, đưa ra định hướng, cơ chế phù hợp, góp phần thúc đẩy thương mại-đầu tư cho doanh nghiệp hai bên trong giai đoạn tới./.