Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phong trào thi đua cần bám sát cuộc sống
Tại phiên họp tổng kết công tác năm 2015, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương sáng 01-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục duy trì các phong trào thi đua yêu nước với chủ đề linh hoạt, không quá cứng về số lượng phong trào.
Các phong trào thi đua cần linh hoạt, sát cuộc sống, được thực hiện trong thời gian, lĩnh vực nhất định, có mục tiêu, yêu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn, có sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, đề bạt các tấm gương người tốt.
Nêu rõ phong trào thi đua năm 2016 trên tinh thần bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh phải đưa cái tốt lên để đẩy lùi cái ác, cái xấu, để xã hội ngày càng tốt hơn, công tác thi đua phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, gắn với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, giữ cho được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Ghi nhận công tác khen thưởng năm qua có tiến bộ, đúng quy định pháp luật, chặt chẽ hơn, nhanh hơn, đúng người, đúng việc hơn, Thủ tướng chỉ rõ cần tiếp tục phát huy công tác khen thưởng. Việc khen thưởng cần được thực hiện trang trọng. Khen thưởng theo niên hạn phải bám luật để làm, làm nghiêm túc và cần quan tâm đến đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác khen thưởng. Cơ bản không mở rộng khen thưởng các trường hợp tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Những trường hợp được phát hiện rõ ràng, được rà soát chặt chẽ, thực sự có công lao trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì tiếp tục khen thưởng.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Hội đồng rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để tạo khung pháp lý hoạt động. Cơ quan Thường trực Hội đồng đề xuất chương trình, kế hoạch, nội dung thi đua công tác khen thưởng sát đúng, quan tâm kiểm tra đôn đốc, nâng cao trách nhiệm của Hội đồng. Cấp ủy, chính quyền nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng, quan tâm chỉ đạo, phong trào thi đua sẽ tốt, Thủ tướng khẳng định.
Báo cáo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho thấy năm 2015, phong trào thi đua của các bộ, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương đã có những tiến bộ, được triển khai bài bản, có tiêu chí và nội dung cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, trọng tâm là thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011-2015. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được triển khai sôi nổi, rộng khắp, được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Bà Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết đến nay, cả nước có 1.674 xã (đạt 18,7%) và 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng kết giai đoạn một của phong trào, 13 tỉnh, thành phố đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và công trình trị giá 30 tỷ đồng; 66 huyện được tặng thưởng Cờ Thi đua của Chính phủ và công trình trị giá 10 tỷ đồng; 664 xã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và công trình trị giá 1 tỷ đồng; 14 bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương có thành tích xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Công tác khen thưởng bảo đảm kịp thời, khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới trong các phong trào thi đua, khen thưởng đột xuất, người lao động trực tiếp được quan tâm... khen thưởng kinh tế - xã hội, phục vụ nhiệm vụ chính trị được thực hiện bảo đảm đúng quy định và kịp thời. Tăng cường phát hiện để khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, đóng góp xã hội từ thiện, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, vượt khó thoát nghèo, khuyến học, khuyến tài...
Năm 2015, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho trên 95.800 tập thể, cá nhân, trong đó khen thưởng niên hạn trong lực lượng vũ trang chiếm 79,1%, khen thưởng kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị chiếm 18,7%, khen thưởng cống hiến chiếm 0,37% và khen thưởng đột xuất, chuyên đề chiếm 1,1%.
Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tập trung thực hiện tốt, có trên 22.400 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Đại hội thi đua yêu nước và hội nghị điển hình tiên tiến các cấp được tổ chức từ cơ sở, bảo đảm nội dung, kế hoạch đề ra, gắn với tổng kết giai đoạn một phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; thông qua đại hội từ cơ sở đã biểu dương, tôn vinh hơn 10.000 tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi trước thềm Đại hội Đảng các cấp.
Tuy nhiên, một số phong trào thi đua hiệu quả chưa cao, chưa đi vào chiều sâu, hình thức và nội dung thi đua chưa phong phú, đa dạng, chưa phát huy hết tác dụng, hiệu quả của các phong trào. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu.
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Thế Trung cho rằng Trung ương phát động quá nhiều phong trào thi đua. Hằng năm nên có thống kê danh sách các phong trào thi đua của các bộ, ban, ngành Trung ương phát động, có rà soát, đánh giá phong trào để tham mưu cho Hội đồng chỉ đạo trên tinh thần giảm số lượng lấy hiệu quả làm chính.
Bên cạnh đó, cần cân đối trọng tâm, trọng điểm khen thưởng. Khen thưởng niên hạn trong lực lượng vũ trang tỷ lệ quá cao trong khi khen nhiệm vụ phát triển kinh tế lại thấp. Các cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng phải là người giữ được phong trào, lan tỏa phong trào.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cần tăng khen thưởng phát triển nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, khen thưởng cống hiến.
Chung quan điểm trên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhìn nhận khen thưởng cho thực hiện nhiệm vụ chính trị, khen thưởng kinh tế, xã hội còn ít, khen cho lãnh đạo cấp cao và cao cấp chưa thực hiện được. Cần rút kinh nghiệm về tên phong trào thi đua và tạo nề nếp tốt trong công tác khen thưởng.
Năm 2016, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương phát động phong trào thi đua ngay từ những tháng đầu của năm, nhằm thiết thực hưởng ứng 5 nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, hướng các phong trào thi đua vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề khó khăn cần tập trung giải quyết.
Hội đồng tiếp tục triển khai giai đoạn 2 phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ngày càng thiết thực, hiệu quả; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016-2020)./.
Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng  (01/03/2016)
Bình yên nơi biên cương Thàng Tín  (01/03/2016)
Cho ý kiến về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong cuộc bầu cử  (29/02/2016)
Khối thi đua các bộ, ngành tổng hợp triển khai nhiệm vụ 2016  (29/02/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay