TCCSĐT - Trong chuyến thăm Việt Nam tham dự Lễ công bố Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” do Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới cùng thực hiện, phát biểu với báo giới, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim khẳng định: “Việt Nam là một tấm gương thành công về phát triển từ một trong những nước nghèo nhất”.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim thăm và làm việc tại Việt Nam

Ngày 23-02-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại các buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao những hỗ trợ quý báu, hiệu quả của WB cũng như của cá nhân Chủ tịch Jim Yong Kim đối với Việt Nam trong thời gian qua, góp phần giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tổng Bí thư cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đối phó hiệu quả với các thách thức trong quá trình phát triển, trong đó có thách thức đến từ quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và các thách thức của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời đề nghị WB cũng như cá nhân Chủ tịch Jim Yong Kim hỗ trợ và ủng hộ để Việt Nam tiếp tục được nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Chúc mừng thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Đại hội XII tín nhiệm bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch WB Jim Yong Kim đánh giá cao những kết quả của Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được. Đánh giá cao Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn vừa qua, tỉ lệ người nghèo cùng cực đã giảm từ trên 50% xuống còn 3%, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho rằng Việt Nam đã đạt rất nhiều thành tựu trong quá trình phát triển của mình, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, cải thiện đời sống người dân; đồng thời tin tưởng trên nền tảng kết quả đạt được, với tầm nhìn dài hạn, khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng cũng như nỗ lực làm việc của mỗi người dân, Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến lớn hơn trong tương lai. Chủ tịch WB khẳng định, cá nhân ông và WB sẽ tiếp tục cung cấp các hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là nỗ lực thuyết phục các định chế tài chính quốc tế cung cấp các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi, nhằm góp phần giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện thành công những mục tiêu do Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình.

Đặc phái viên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân hội kiến lãnh đạo đảng CPP và lãnh đạo Chính phủ Campuchia


Trong hai ngày 23 và 24-02-2016, tại thủ đô Phnôm Pênh, Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen; Chủ tịch danh dự CPP, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Somrin đã tiếp thân mật đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm và thông báo về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Hoàng Bình Quân trân trọng chuyển tới Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Heng Somrin và các nhà lãnh đạo Campuchia Thư cảm ơn, Thông điệp và những lời chúc mừng năm mới nồng nhiệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đến các nhà lãnh đạo Campuchia. Đồng chí Hoàng Bình Quân đã thông báo với các nhà lãnh đạo Campuchia về kết quả tốt đẹp của Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong mối quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhằm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; không ngừng nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; Coi trọng và làm hết sức mình cùng với Campuchia giữ gìn và không ngừng vun đắp mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia phát triển đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Quốc hội Heng Somrin bày tỏ cảm ơn sâu sắc về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cử Đặc phái viên sang thông báo trực tiếp, kịp thời cho lãnh đạo Campucha về kết quả Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện sinh động mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước; nhiệt liệt chúc mừng thành công tốt đẹp của Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam; chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thư khóa XII; đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đạt được qua 30 năm đổi mới, làm cho vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới; bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; tiếp tục giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, xây dựng đất nước Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Các nhà lãnh đạo Campuchia bày tỏ cảm ơn sâu sắc về sự ủng hộ giúp đỡ to lớn, quý báu, kịp thời và hiệu quả mà Việt Nam đã dành cho Campuchia trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ Pôn Pốt diệt chủng cũng như trong sự nghiệp hòa giải, hòa hợp dân tộc, tái thiết, xây dựng và phát triển đất nước, khẳng định Campuchia sẽ làm hết sức mình cùng với Việt Nam giữ gìn và vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước Campuchia - Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

Trong thời gian ở thăm Campuchia, Đặc phái viên Hoàng Bình Quân đã thông báo với lãnh đạo Văn phòng Trung ương và các Ban xây dựng đảng CPP kết quả Đại hội XII của Đảng ta; thăm và thông báo kết quả Đại hội XII với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia.

Tăng cường quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực


Chiều 23-02-2016, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật - Việt ông Tsutomu Takebe, đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.

Hoan nghênh chuyến thăm của ông Tsutomu Takebe - một người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của ông, góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, trong đó có nỗ lực thúc đẩy Dự án Trường Đại học Việt -Nhật, một biểu tượng hợp tác của hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định phía Việt Nam sẵn sàng phối hợp và hợp tác chặt chẽ với phía Nhật Bản để trường đại học này sớm đi vào hoạt động thiết thực, hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực; khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản; đồng thời tin tưởng quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích cho hai quốc gia, hai dân tộc và nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Tại buổi tiếp, ông Tsutomu Takebe cho biết với kinh nghiệm hơn 20 năm tham gia các hoạt động giao lưu, thúc đẩy quan hệ Nhật Bản - Việt Nam, ông sẽ làm hết sức mình để đưa những đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành hiện thực, góp phần tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Về Dự án trường Đại học Việt - Nhật, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để xây dựng và hướng tới hình thành một đại học tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam. Trường sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày 09-9-2016 với việc tiến hành khai giảng khóa đào tạo thạc sỹ đầu tiên. Ông cũng cho biết phía Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị tổ chức Lễ hội Văn hóa Nhật Bản - Việt Nam vào tháng 11 năm nay; đưa một đoàn doanh nghiệp hơn 1.000 người đến thăm Việt Nam trong năm 2016 do Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật - Việt tổ chức và tiếp tục hiện thực hóa ý tưởng trồng hoa Anh đào Nhật Bản tại Việt Nam.

Chiều 24-02-2016, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế vùng Kyushu, Nhật Bản Aso Yutaka đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh Chủ tịch Aso Yutaka cùng Đoàn đại biểu Nhật Bản sang thăm Việt Nam lần này và đánh giá, Kyushu là vùng có tiềm năng rất lớn trong hợp tác kinh tế với Việt Nam. Vùng Kyushu hiện có hơn 8.500 người Việt Nam đang học tập, tu nghiệp và khoảng 50 doanh nghiệp trong khu vực Kyushu đang đầu tư và giao thương với Việt Nam. Hiện Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật, tập trung trên 6 lĩnh vực ưu tiên. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn Chủ tịch Aso Yutaka tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này và các lĩnh vực khác mà Kyushu có thế mạnh như: công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là phụ tùng ô tô…

Cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành thời gian tiếp Đoàn, nhấn mạnh Việt Nam là nước có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Aso Yutaka bày tỏ hi vọng thời gian tới vùng Kyushu và các địa phương của Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác trên lĩnh vực này. Hai bên có thể thành lập các địa điểm liên kết với nhau về nông nghiệp, ngư nghiệp để thông qua đó trao đổi, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy hợp tác giao lưu giữa vùng Kyushu với Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, y tế… Chủ tịch Aso Yutaka tin tưởng rằng, trong tương lai mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.

Việt Nam và Đan Mạch ký kết Kế hoạch hành động năm 2016

Ngày 23-02-2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch đã ký Kế hoạch hành động cho năm 2016
nhằm triển khai nội dung Thỏa thuận Đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch đã được ký vào tháng 9-2013 nhân chuyến thăm Đan Mạch của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Kế hoạch hành động 2016 bao gồm những ưu tiên và dự án hợp tác nhằm củng cố quan hệ song phương trong 5 lĩnh vực gồm: chính trị và ngoại giao; thương mại và đầu tư; tăng trưởng xanh và khí hậu; giáo dục và nghiên cứu; văn hóa và giao lưu nhân dân. Năm 2016 là một dấu mốc đặc biệt trong quan hệ hai nước - kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Đan Mạch. Những chuyến thăm giữa hai bên và các hoạt động văn hóa đã được đưa vào Kế hoạch hành động để chào mừng dịp kỷ niệm quan trọng này.

Ngày 25-02-2016, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đan Mạch Charlotte Laursen.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh Đại sứ Charlotte Laursen nhân dịp Đại sứ đảm nhận trọng trách công tác mới tại Việt Nam; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả với Đan Mạch và bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao việc hai bên vừa ký kết Kế hoạch hành động chung năm 2016 với nhiều hoạt động quan trọng, thiết thực trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, môi trường, giáo dục - đào tạo, văn hóa.

Đại sứ Đan Mạch Charlotte Laursen khẳng định Chính phủ Đan Mạch mong muốn phát triển quan hệ, hợp tác hiệu quả với Việt Nam - một trong mười đối tác ưu tiên trong Chiến lược tăng trưởng của Đan Mạch. Đại sứ Đan Mạch Charlotte Laursen cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan của Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng, giáo dục và tăng trưởng xanh; chú trọng tăng cường kết nối doanh nghiệp hai nước nhằm khai thác tối đa lợi ích của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sắp được ký kết; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa hai nước nhân dịp Việt Nam và Đan Mạch kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Việt Nam mong muốn các bên có hành động trách nhiệm, mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 25-02-2016 tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa và đặt hệ thống radar ở một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh:

“Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC”.

Liên quan đến việc truyền thông Hoa Kỳ đưa tin nước này có thể sẽ triển khai dàn pháo di động tới Biển Đông, Người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ: “Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Chúng tôi mong muốn các bên có hành động trách nhiệm, mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như tại khu vực trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982”.

Trả lời phóng viên về quan điểm của Việt Nam nếu được đề nghị tham gia cùng tuần tra tại Biển Đông cùng với Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết:
“Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiến hành các hoạt động bình thường của mình tại các khu vực này phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Chúng tôi cũng khẳng định, các hoạt động này của các lực lượng chức năng Việt Nam luôn đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực cũng như trên thế giới. Chúng tôi cũng đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình là Việt Nam tôn trọng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế. Đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam đã được các nước trong và ngoài khu vực đánh giá cao và đã góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực”.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, dư luận quốc tế chỉ trích các hành động của Trung Quốc

Ngày 25-02-2016, giới chức Mỹ tiếp tục đưa ra những phát biểu chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, trong bối cảnh tâm lý lo ngại ngày càng gia tăng liên quan tới việc Trung Quốc tăng cường quân sự tại vùng biển này.

Tại Hoa Kỳ, phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm góc, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho rằng Trung Quốc đang tìm cách giành quyền kiểm soát “trên thực tế” đối với Biển Đông, đồng thời cảnh báo: “Nếu Trung Quốc tiếp tục vũ trang tất cả các căn cứ mà họ bồi đắp ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ thay đổi môi trường hoạt động tại khu vực này...”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng cho rằng các nỗ lực bồi đắp và xây dựng căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm gia tăng sự phản đối của các nước láng giềng. Trong khi đó, hãng PTI (Ấn Độ) đưa tin sau khi chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ John McCain ngày 25-02 khẳng định hiện là thời điểm để Ấn Độ và Mỹ xem xét khả năng tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông. Đại sứ Mỹ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Nina Hachigian đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc lại điều máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc cũng vừa triển khai tên lửa đất đối không HQ-9.

Tại Đức, nhiều tờ báo lớn của nước này ngày 24-02 đã đồng loạt chỉ trích Trung Quốc làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông khi đưa máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Báo "Toàn cảnh Frankfurt“ (FAZ) ngày 24-02 cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã tạo ra những nhân tố mới trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với việc triển khai các máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm. Tờ báo chỉ trích Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông. Theo tờ báo, đầu tuần qua, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy Trung Quốc có thể đã xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa một trạm radar tần số cao. Tờ "Thời đại“ (die Zeit) dẫn các nguồn tin Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa máy bay tiêm kích tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông và triển khai tên lửa đất đối không tại đảo này. Báo trên cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng vì những tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc cũng đã bồi đắp nhiều đảo nhân tạo và đầu tuần qua, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ cũng cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt ở đây một trạm radar tần số cao. Trước đó, tờ "Thế giới“ (Welt)" của Đức ngày 23-02 đã chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng trái phép một trạm radar ở quần đảo Trường Sa, coi đây là cấp độ mới trong cuộc tranh cãi về chủ quyền quần đảo này.

Trả lời phỏng vấn độc quyền trên Kênh truyền hình Channel NewsAsia phát sóng ngày 23-02, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định hiện có những căng thẳng thực sự giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời đề cập đến tranh chấp ở Biển Đông với đánh giá thẳng thừng rằng "Trung Quốc đang dùng đến cách làm cũ” để khẳng định vị thế của mình, bất chấp luật pháp và quy định quốc tế trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ… Liên quan đến vấn đề này, Tổng thống B.Obama khẳng định cách hành xử của Trung Quốc đã dẫn đến “nguy cơ xung đột đáng kể” tại đây. Ông cũng cho biết có ý định phối hợp với tất cả các bên liên quan để đảm bảo một giải pháp hòa bình. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh Bắc Kinh nên dừng hành động đơn phương và tái khẳng định điều sẽ mang lại lợi ích cho tất cả là tuân thủ những quy định hiện hành và luật pháp quốc tế. Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không quân sự hóa quần đảo Trường Sa sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Mỹ hồi năm ngoái.

Đại sứ Anh đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng trong giải quyết vụ việc 3 du khách tử nạn

Chiều 27-02-2016, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về vụ việc 3 du khách Anh tử nạn tại Khu du lịch thác Datanla - Đà Lạt ngày 26-02. Theo thông tin ban đầu, cả 3 du khách trên đã thả mình trôi theo nước và bị dòng thác nhấn chìm, xoáy vào các khe đá dẫn đấn tử vong; cũng có thông tin cho rằng 3 du khách bị trượt chân. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác dẫn đến việc 3 du khách tử vong vẫn được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Phạm S đã gửi lời chia buồn với gia đình các nạn nhân thông qua Đại sứ Giles Lever. Đồng thời nhấn mạnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cam kết thực hiện điều tra cụ thể, chính xác và thông tin theo tiến độ với Đại sứ quán Anh. Ngay sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, tỉnh Lâm Đồng đã huy động nhiều lực lượng nỗ lực tìm kiếm và ngay trong ngày đã tìm thấy thi thể của cả 3 nạn nhân. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng đã thực hiện các bước thủ tục ngoại giao và hợp tác với Đại sứ quán Anh thông báo cho gia đình nạn nhân, điều tra vụ việc.

Thay mặt Chính phủ Anh, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever ghi nhận nỗ lực của các đơn vị tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng tìm kiếm thi thể 3 nạn nhân và đưa về thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi khảo sát hiện trường, chứng kiến mức độ hiểm trở, khó khăn của địa hình ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, Đại sứ ghi nhận đây là nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng. Ngài Đại sứ cho rằng, Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng cùng các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực trên tinh thần tôn trọng và chia sẻ đối với người đã mất cùng gia đình. Đại sứ Giles Lever cũng mong muốn các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tiếp tục điều tra chi tiết vụ việc và hy vọng vụ việc không ảnh hưởng đến sức thu hút của thành phố Đà Lạt đối với du khách người Anh. Theo thông tin từ Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever, gia đình các nạn nhân không muốn khám nghiệm tử thi và muốn đưa về quê nhà an táng trong thời gian sớm nhất./.