TCCSĐT - Từ ngày 15-02 đến ngày 17-02-2016, tại thành phố Sunnylands, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ.

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ: Đánh dấu một năm bước ngoặt

 

Hội nghị đánh dấu một năm bước ngoặt cho cả ASEAN và mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng mật thiết giữa Hoa Kỳ và ASEAN. Ảnh: TTXVN

Từ ngày 15-02 đến ngày 17-02-2016, tại thành phố Sunnylands, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ. Hội nghị đã ra tuyên bố chung gồm 17 nội dung, trong đó có cam kết tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và độc lập về chính trị giữa tất cả các quốc gia phù hợp với nguyên tắc và quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế; cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực phù hợp với các nguyên tắc chung đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); cam kết chung thúc đẩy hợp tác để giải quyết những thách thức chung trong lĩnh vực hàng hải; nhấn mạnh tầm quan trọng của thịnh vượng chung, phát triển và tăng trưởng bền vững;…

Theo thông cáo của Nhà Trắng, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ lần đầu tiên được tổ chức tại Mỹ và cũng là hội nghị cấp cao đầu tiên diễn ra sau khi Cộng đồng ASEAN được hình thành cuối năm 2015. Hội nghị đánh dấu một năm bước ngoặt cho cả ASEAN và mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng mật thiết giữa Hoa Kỳ và ASEAN. Giới phân tích nhận định phía Hoa Kỳ đặc biệt coi trọng hội nghị này, coi đây là một dấu ấn về đối ngoại trong cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, đồng thời chứng tỏ cam kết triển khai chính sách xoay trục về châu Á của Washington không chỉ bằng lời nói mà còn bằng các hành động cụ thể.

Hội nghị thượng đỉnh hàng không: Tự do hóa các chính sách để thúc đẩy “bầu trời mở”

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Singapore Khaw Boon Wan kêu gọi các nhà lãnh đạo cần thúc đẩy các chính sách tự do về hàng không. Ảnh: Singapore Ministry of Transport

Trong hai ngày 14 và 15-02-2016, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo hàng không khu vực châu Á (SAALS) đã diễn ra tại Singapore. Tại Hội nghị, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Singapore Khaw Boon Wan, bất chấp những bất ổn kinh tế ngắn hạn, vẫn có những điểm sáng trong triển vọng dài hạn cho ngành hàng không toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á, nơi vẫn còn “hàng triệu người chưa được bay”. Cụ thể, số lượng hành khách hàng không trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua, số lượng các đường bay đã tăng gần 40%. Du lịch bằng đường không trong khu vực ASEAN sẽ tăng trưởng ở mức 6,5% trong vòng 20 năm tới, vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu là 4,9%. Điều này là do chính sách hàng không tự do trong khu vực, dẫn đến sự gia tăng của hãng hàng không giá rẻ và cho phép ngày càng nhiều người được bay hơn. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) kiêm Giám đốc điều hành Tony Tyler cũng cho biết sẽ có 1,8 tỷ du khách mới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2034.

Để đáp ứng nhu cầu này và giải quyết những thách thức khi mật độ hàng không ngày càng dày đặc hơn, Bộ trưởng Khaw Boon Wan cho rằng các chính phủ nên tìm cách khai thác những lợi ích của cạnh tranh lớn hơn giữa các trung tâm hàng không và các hãng hàng không, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo cần thúc đẩy các chính sách tự do về hàng không như Hiệp định toàn diện về vận tải hàng không mà Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN đang xúc tiến. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần phải đóng một vai trò điều tiết giữa các doanh nghiệp để bảo đảm một môi trường hàng không an toàn và hiệu quả.

Các nước dầu mỏ hàng đầu thế giới đạt được thỏa thuận “lịch sử”

 

Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) Eulogio del Pino. Ảnh: Reuters

Trong nỗ lực bình ổn giá dầu thế giới, ngày 16-02-2016, Bộ trưởng Dầu mỏ và khai khoáng kiêm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) Eulogio del Pino thông báo nước này cùng Nga, Qatar và Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận “lịch sử” nhằm “đóng băng hoạt động khai thác dầu mỏ” để giải quyết tình trạng dư thừa trên toàn cầu. Quan chức này cũng cho biết hiện các nước trên đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận với các quốc gia sản xuất dầu mỏ quan trọng khác, trong đó có Iraq và Iran, nhằm kiềm chế đà giảm của giá dầu.

Trong khi đó, trang thông tin của PDVSA cho biết bộ trưởng dầu mỏ một số nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và không thuộc OPEC cũng đã quyết định thiết lập một ủy ban giám sát các hoạt động cắt giảm sản lượng dầu mỏ thế giới. Trước đó cùng ngày, Nga và Saudi Arabia cũng đã thông báo nhất trí giữ nguyên sản lượng khai thác dầu thô ở mức như tháng 01 vừa qua nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thể giới. Bộ trưởng Dầu mỏ Qatar, Mohammed bin Saleh al-Sada - người hiện giữ chức quyền Chủ tịch OPEC, xác nhận rằng các Bộ trưởng Dầu mỏ của Nga và Saudi Arabia cùng những người đồng cấp của Venezuela và Qatar “đã nhất trí duy trì mức khai thác dầu mỏ của tháng 01 với điều kiện các nhà sản xuất lớn khác cũng phải tuân theo quyết định này”. Việc đạt được thỏa thuận trên được đánh giá là thành công lớn của Venezuela sau một thời gian dài nỗ lực thuyết phục các nước cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Là một trong 5 thành viên sáng lập OPEC, dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Venezuela, chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ. Giá dầu giảm đã trở thành một thách thức lớn với đối với nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này.

Anh sẽ trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU vào tháng 6

 

Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trước báo giới sau cuộc họp nội các tại số 10 phố Downing, London ngày 20-02. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20-02-2016, sau cuộc họp khẩn với nội các, Thủ tướng Anh David Cameron thông báo nước này sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Anh vào ngày 23-6 tới. Câu hỏi trưng cầu ý kiến sẽ là liệu nước Anh “sẽ an toàn hơn, mạnh hơn và thịnh vượng hơn trong một châu Âu cải cách hay đứng ngoài một mình”. Thủ tướng D. Cameron cũng cho biết Nội các Anh đã thể hiện “tinh thần tập thể” khi thông qua lập trường của chính phủ muốn giữ Anh ở lại trong một EU cải cách.

Thỏa thuận mà Thủ tướng Cameron đạt được sau các cuộc thương lượng “marathon” với các nhà lãnh đạo EU đề cập hầu hết các yêu cầu cải cách mà London đặt ra trước đó, bao gồm vấn đề nhập cư, bảo vệ Khu Tài chính London, cũng như “miễn trừ” cho Anh bổn phận thực hiện cam kết về “một liên minh gần gũi hơn bao giờ hết”. Tuy nhiên, đối mặt với sự phản đối từ Ba Lan và các nước thành viên Đông Âu khác, Thủ tướng D. Cameron đã buộc phải nhượng bộ kế hoạch hạn chế chi trả phúc lợi cho người lao động EU nhập cư và con cái của họ. Bên cạnh đó, ông D. Cameron cũng không thể thực hiện được ý định chấm dứt tất cả các khoản thanh toán phúc lợi trẻ em mà công dân EU làm việc ở Anh nhận được để gửi cho con cái họ vẫn ở quê nhà. Thay vào đó, các khoản phúc lợi trẻ em sẽ được điều chỉnh phù hợp với mức sinh hoạt ở nơi mà đứa trẻ đó đang sống và quy định này cũng sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 01-01-2020.

Châu Phi tìm cách đẩy mạnh hội nhập kinh tế châu lục

 

Bộ trưởng Đầu tư Ai Cập Ashraf Salman cho biết, châu Phi đang cần thu hút đầu tư vào các dự án lớn xuyên châu lục. Ảnh: Getty Images

Ngày 21-02-2016, Diễn đàn Đầu tư châu Phi 2016, do Ai Cập phối hợp với Liên minh châu Phi tổ chức tại Sharm el-Sheikh, đã kết thúc sau hai ngày thảo luận với những lời kêu gọi đầu tư vào châu lục đang trên đà phát triển mạnh mẽ này. Hơn 1.200 đại biểu, trong đó có một số nguyên thủ quốc gia châu Phi, dự Diễn đàn đã tìm cách thu hút đầu tư tư nhân. Nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký kết với nhiều dự án trong các lĩnh vực, như kết cấu hạ tầng, y tế và công nghệ thông tin. Phát biểu tại lễ bế mạc, Bộ trưởng Đầu tư Ai Cập Ashraf Salman cho biết, châu Phi đang cần thu hút đầu tư vào các dự án lớn xuyên châu lục. Theo ông A. Salman, Ai Cập đã đầu tư 8 tỷ USD ở châu Phi và hiện nhiều dự án mới đã được lên kế hoạch.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hơn 4%, châu Phi hiện chỉ chiếm khoảng 2% thương mại toàn cầu. Các chủ ngân hàng lớn nhận định châu Phi là một điểm đến hấp dẫn cho giới đầu tư bất chấp một số thách thức, trong đó có sự nổi lên của chủ nghĩa khủng bố. Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Phi Akinwumi Adesina cho biết, ngân hàng này có kế hoạch đầu tư 12 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng tại châu Phi trong 5 năm tới. Theo ông A. Adesina, kinh tế châu Phi dự báo tăng trưởng 4,4% trong năm 2016 và 5% vào năm 2017, trong khi các nước phát triển dự kiến chỉ đạt 3%./.