Chính thức phát điện Tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Lai Châu
TCCSĐT - Ngày 23-12-2015, tại thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Lễ mừng phát điện Tổ máy số 1 công trình thủy điện Lai Châu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương; lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La - Lai Châu và đại điện tổ hợp nhà thầu thi công xây dựng công trình, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát; đông đảo khách mời cùng bà con nhân dân địa phương…
Công trình thủy điện Lai Châu với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng, là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ 3 được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Nhiệm vụ chính của dự án gồm: cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và khu vực Tây Bắc, bảo đảm an ninh - quốc phòng khu vực Tây Bắc.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hơn 8.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động đã ngày đêm làm việc trên công trường, vượt qua nhiều khó khăn trong suốt gần 5 năm qua để Tổ máy số 1 công trình thủy điện Lai Châu được chính thức vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia, cung cấp điện cho đất nước. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị phối hợp, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ EVN trong quá trình triển khai thực hiện dự án; đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lai Châu có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện công tác di dân tái định cư vùng dự án, đưa khoảng 8.500 người dân đến ổn định nơi ở mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, công trình thủy điện Lai Châu là công trình có giá trị, ý nghĩa về phát điện, bảo đảm điện năng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh - quốc phòng, góp phần trị thủy sông Đà. Thủy điện Lai Châu cùng với thủy điện Hòa Bình và Sơn La sẽ góp phần quan trọng trong điều tiết nước sông Đà, hạn chế, kiểm soát lũ cho vùng hạ lưu, trong đó có Thủ đô Hà Nội trong mùa mưa và đồng thời cung cấp nước cho hạ du vào mùa khô.
Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2016, EVN tiếp tục tập trung chỉ đạo, trước hết là tập trung hoàn thiện những việc cần thiết để Tổ máy số 1 vận hành an toàn, hiệu quả, cung cấp điện vào lưới điện quốc gia; khẩn trương chỉ đạo, tiến hành đồng bộ các công việc, cùng với tổ hợp các nhà thầu thi công phấn đấu hoàn thành đúng cam kết trong năm 2016 đưa hai tổ máy còn lại của công trình vào vận hành phát điện, bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả công trình.
Nhà máy Thủy điện Lai Châu được khởi công tháng 01-2011, gồm 3 tổ máy với tổng công suất thiết kế 1.200 MW, riêng tổ máy số 1 được đưa vào phát điện lần này có công suất 400 MW. Dự kiến khi hoàn thành, toàn bộ dự án Thủy điện Lai Châu sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 4,7 tỷ kWh/năm.
Ngoài hạng mục chính là 3 tổ máy, Dự án thủy điện Lai Châu còn có nhiều công trình và hạng mục quan trọng phục vụ thủy lợi và tránh lũ; đập dâng bằng bê tông trọng lực có chiều cao 137 m; đập tràn xả lũ gồm 2 cửa xả sâu và 6 cửa xả mặt… Toàn bộ dự án được xây dựng trên tổng diện tích 26.000 km2, dung tích toàn bộ hồ chứa là khoảng 1.215 triệu m3.
Vận hành tổ máy số 1, Nhà máy Thủy điện Lai Châu
Ngày 14-12-2015 vừa qua, Tổ máy số 1, Công trình thủy điện Lai Châu chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, vượt kế hoạch đề ra hơn 3 tháng. Đây cũng là mốc tiến độ quan trọng và là tiền đề tốt để hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, sớm trước 1 năm so với quyết định của Chính phủ. Cùng với thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) và Sơn La (2.400 MW), công trình thủy điện Lai Châu (1.200 MW) đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên sông Đà đạt 6.500 MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện/năm.
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hơn 1800 ngày đêm vừa qua, công trường không ngưng tiếng máy với khí thế lao động khẩn trương, hăng say, chạy đua với thời gian của tất cả các bên tham gia: chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, tổng thầu và các nhà thầu phụ, tổ máy đầu tiên của Công trình thủy điện Lai Châu được đưa vào vận hành sớm hơn dự kiến 3 tháng, không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước, mà còn một lần nữa khẳng định sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học - kỹ thuật tiên tiến của các đơn vị trên công trường với sự thống nhất từ Ban chỉ đạo Nhà nước, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, các nhà thầu thực hiện tốt các khâu từ phân công quản lý, giám sát và điều hành đều được thực hiện nghiêm túc để để hoàn thành từng mốc tiến độ kịp và vượt kế hoạch đề ra. Đồng thời, Công trình thủy điện Lai Châu được đăng ký gắn biển “Công trình Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII”. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với tập thể những người lao động trên công trường và chủ đầu tư cũng như các nhà thầu nhân dịp kỷ niệm 61 năm ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21-12-1954 - 21-12-2015).
Ông Dương Quang Thành khẳng định, Tập đoàn sẽ tiếp tục phát huy tinh thần làm việc khẩn trương, hiệu quả để đưa các tổ máy số 2 và số 3 của Nhà máy vào vận hành sớm nhất có thể, đồng thời tập trung nguồn lực của EVN và các đơn vị tham gia để hoàn thành toàn bộ dự án, đưa nhà máy vào vận hành vào năm 2016.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại điện lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao 14 Huân chương Lao động hạng Nhì, 19 Huân chương Lao động hạng ba và nhiều phần thưởng xứng đáng khác cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thi công xây dựng công trình thủy điện Lai Châu./.
Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc  (25/12/2015)
Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp  (24/12/2015)
Kết nối chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam - Trung Quốc  (24/12/2015)
Công an Việt - Lào phối hợp làm thất bại mọi âm mưu thù địch  (24/12/2015)
Chủ tịch Quốc hội hội kiến Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc  (24/12/2015)
Việt Nam - Campuchia quyết tâm hoàn thành phân giới biên giới đất liền  (24/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển