TCCSĐT - Việc nâng tầm quan hệ song phương Nhật Bản - Ấn Độ, trong đó lấy điểm nhấn là hợp tác về an ninh - quốc phòng có ảnh hưởng tích cực đến cục diện châu Á trong bối cảnh đang diễn ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nước lớn tại khu vực.

Nâng tầm quan hệ

Tuyên bố chung trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản S. Abe từ ngày 11 đến ngày 13-12-2015 có tên “Tầm nhìn Ấn Độ và Nhật Bản 2025: Mối quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu cùng hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới”. Trong đó, nội dung cốt lõi là hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu giữa hai nước trở thành một nền tảng rộng lớn, phản ánh sự hội tụ sâu rộng về các mục tiêu chính trị, kinh tế và chiến lược.

Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi nêu rõ, chuyến thăm của Thủ tướng S. Abe góp phần thúc đẩy sự định hình về một thế kỷ châu Á trong giá trị và tầm nhìn quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản. Còn Thủ tướng S. Abe khẳng định, mối quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên tầm cao mới, với sự tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Ít ai biết rằng, cuộc hội đàm này là lần thứ tư hai nhà lãnh đạo gặp gỡ nhau chỉ trong vòng một tháng, một tần suất hiếm có, thể hiện sự coi trọng lẫn nhau trong việc thắt chặt hợp tác song phương.

Nhấn mạnh hợp tác an ninh - quốc phòng

Hợp tác về an ninh - quốc phòng được lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Ấn Độ cam kết thúc đẩy ở bình diện song phương và đa phương. Về song phương, hai nước cam kết tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này thông qua các cơ chế đối thoại 2+2, đối thoại chính sách quốc phòng, cũng như các chương trình trao đổi hợp tác giữa lực lượng lục quân, không quân và cảnh sát biển hai nước; nhất trí tăng cường hợp tác, trao đổi công nghệ cũng như cùng nghiên cứu phát triển thiết bị quốc phòng.

Về đa phương, hai bên tuyên bố nỗ lực thúc đẩy hình thành một trật tự khu vực hòa bình, cởi mở, công bằng và ổn định, dựa trên luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn nữa; khẳng định tuân thủ các nguyên tắc nền tảng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không và phát triển thương mại toàn cầu cũng như các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền. Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác tại các diễn đàn kinh tế và an ninh khu vực, cùng phối hợp hành động để giải quyết những thách thức toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc; đồng thời, khẳng định quyết tâm mở rộng hợp tác song phương cũng như hợp tác với các đối tác khác để tăng cường kết nối khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhật Bản và Ấn Độ nhất trí thúc đẩy các cuộc đối thoại và hợp tác ba bên với các đối tác lớn trong khu vực, như Mỹ, Ôxtrây-li-a để thúc đẩy bảo đảm an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; đồng thời, góp phần vào nỗ lực phát triển kinh tế, hình thành cấu trúc chính trị và an ninh cởi mở, toàn diện, ổn định và minh bạch trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh năng lượng và thương mại của thế giới, coi đây là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, chú trọng việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, góp phần duy trì và bảo đảm hòa bình, ổn định của khu vực. Theo đó, quyền tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không thể bị cản trở trong vùng biển quốc tế; đồng thời tăng cường hợp tác bảo vệ tài sản chung của toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải, trong không gian mạng thông qua các cuộc đối thoại và tham vấn trực tiếp.

Chất xúc tác quan trọng

Bất kỳ một quan hệ đối tác liên quốc gia nào cũng không thể bỏ qua tính lợi ích. Chuyến thăm của Thủ tướng S. Abe đã đem tới Ấn Độ những gói đầu tư hấp dẫn, đổi lại Ấn Độ sẵn sàng trở thành một thị trường rộng lớn cho các sản phẩm công nghệ cũng như tiện ích cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, vốn là thế mạnh của Nhật Bản. Về hợp tác kinh tế - tài chính, hai bên nhất trí mở rộng đầu tư song phương thông qua thiết lập cơ chế mới “Sáng kiến đầu tư IOT Nhật Bản - Ấn Độ”, cam kết chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo kỹ năng cũng như tăng ODA cho Ấn Độ; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư và thúc đẩy các sáng kiến đầy tham vọng như “Sản xuất tại Ấn Độ,” “Ấn Độ kỹ thuật số,” “Làm sạch Ấn Độ,” “Phát triển thành phố thông minh”. Một trong những kết quả đầu tiên đó là việc Nhật Bản sẽ nhập khẩu ôtô của Ấn Độ khi Hãng xe Nhật Bản Maruti Suzuki sẽ sản xuất xe ở Ấn Độ và xuất xe sang Nhật Bản”.

Về các dự án cơ sở hạ tầng, Nhật Bản cam kết đầu tư gần 15 tỷ USD xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên nối Mumbai - Ahmedabad sử dụng công nghệ HSR của Nhật Bản, dự kiến khởi công năm 2017 và hoàn thành năm 2023; lập Quỹ tài chính đặc biệt cho sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” trị giá 1.500 tỷ yên (khoảng 12,3 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp của Nhật Bản tại Ấn Độ; trong đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cấp 1.000 tỷ yên (hơn 8 tỷ USD) đầu tư cho dự án tàu điện ngầm Chennai - Ahmedabad, xem xét hỗ trợ vốn ODA cho các dự án kết nối mạng lưới đường bộ ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, theo số liệu năm 2013, Ấn Độ đang đứng thứ hai trong số các nước tiếp nhận khoản cho vay bằng đồng yên với 4.456 tỷ yên, chỉ sau In-đô-nê-xi-a với 4.722 tỷ yên. Nếu khoản vay trên 1.000 tỷ yên được thông qua, Ấn Độ sẽ trở thành nước tiếp nhận khoản vay bằng đồng yên nhiều nhất.

Liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực công nghệ năng lượng, hai bên đã nhất trí về một bản ghi nhớ liên quan đến việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân và sẽ sớm hoàn tất những chi tiết kỹ thuật để đi đến ký kết. Ấn Độ - quốc gia phát thải khí CO2 lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ - hiện là nền kinh tế đang tăng trưởng có nhu cầu rất lớn về nguồn điện hạt nhân, do vậy, có nhu cầu rất lớn về năng lực công nghệ của Nhật Bản nhằm đáp ứng sự phát triển của một đất nước có dân số đứng thứ hai thế giới. Còn Nhật Bản vẫn được biết đến là cường quốc điện hạt nhân, có khả năng cung cấp công nghệ hạt nhân ở trình độ cao.

Một chất xúc tác nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là sự trỗi dậy của Nhật Bản và Ấn Độ vẫn thường được nhắc đến khi so sánh với sức mạnh chính trị và kinh tế của Trung Quốc trong cục diện khu vực. Và nhằm đối trọng với Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ có thêm một lý do nữa để xích lại gần nhau, đó là việc cả Nhật Bản và Ấn Độ đang nỗ lực vận động để trở thành Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cơ quan quyền lực hàng đầu thế giới. Dù ở góc độ nào đi nữa, cái bắt tay hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ vẫn được nhìn nhận là có tác động tích cực tới sự ổn định và phát triển ở khu vực châu Á, đặc biệt trong việc tạo ra sự cân bằng cần thiết trong ảnh hưởng giữa các nước lớn trên cơ sở xây dựng lòng tin và hợp tác cùng có lợi./.