Phương châm công tác dân vận ở đồng Tháp: Lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân được hưởng
TCCS - Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị ở Đồng Tháp đã tập trung dồn sức chỉ đạo, làm chuyển biến công tác dân vận ở xã, phường, thị trấn với nhiều việc làm thiết thực như: lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; thuyết phục, vận động và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân theo phương châm "Lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân được hưởng"
Từ lắng nghe dân nói...
Đồng Tháp là một tỉnh nông nghiệp với dân số hơn 1,7 triệu người, trong đó, gần 80% sống ở nông thôn và làm nghề nông với bao khó khăn nan giải, trong bước chuyển mình. Do vậy, công tác dân vận ở Đồng Tháp những năm qua có thể nói, trước hết là lắng nghe dân nói về những vấn đề bức thiết trong cuộc sống như: mức sống của người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, với không ít khó khăn, số hộ nghèo, có nguy cơ nghèo rất lớn; về đời sống, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, giá cả hàng nông sản không ổn định, gây bất lợi cho nông dân, tình trạng lao động chưa qua đào tạo nghề còn lớn...
Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội, có nơi có lúc khâu điều hành, quản lý, phối hợp chưa đồng bộ, dự báo không sát thực tế, giải quyết khó khăn, vướng mắc không đến nơi, đến chốn, gây nên những bất bình, phê phán của người dân, phần lớn là các vụ việc có liên quan đến công tác quy hoạch, giải tỏa đền bù, tái định cư, xử lý môi trường. Trong thi hành công vụ, không ít cán bộ, công chức vẫn chưa tỏ ra hết sức, hết lòng phục vụ nhân dân; tình trạng đùn đẩy công việc, gây phiền hà dân, quan liêu, cửa quyền, tiêu cực, tham nhũng vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị, cơ sở đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác và lòng tin của nhân dân.
Từ những vấn đề bức xúc nêu trên, giải pháp đột phá được đặt ra trong công tác dân vận là: cả hệ thống chính trị trong tỉnh phải thật sự lắng nghe dân nói và công khai cho dân những việc cần biết, thông qua các kênh như: tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư cấp ủy với nhân dân; tiếp xúc định kỳ của chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp với người đi khiếu nại; tiếp xúc của đại biểu dân cử với nhân dân; xây dựng và công khai các quy ước của cộng đồng dân cư tự quản, nhất là ở nông thôn. Tiến hành định kỳ công tác giám sát các chức danh do Hội đồng nhân dân xã bầu, có mở rộng thêm một số cán bộ có quan hệ trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ công dân như: địa chính, thuế, đầu tư cộng đồng và giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước có liên quan đến công tác vận động quần chúng. Mặt trận Tổ quốc các cấp với chủ trương lắng nghe dân nói, bằng việc mở nhiều hòm thư góp ý về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nêu rõ những quan điểm trong đề xuất giải quyết những khiếu nại, tố cáo của công dân và những kiến nghị của cử tri...
Từ phương châm lắng nghe dân nói, các cấp ủy, chính quyền đã nắm bắt kịp thời, sát đúng tình hình quần chúng nhân dân, đề ra những chủ trương phù hợp với những đòi hỏi của cuộc sống. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có những chuyên đề nghiên cứu những vấn đề đặt ra từ thực tiễn có liên quan đến cuộc sống của nhân dân, như một hình thức phản biện xã hội để các ngành chức năng trong tỉnh đưa ra những giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích chính đáng của người dân như: "Đời sống người dân sau khi thu hồi đất làm công nghiệp, phát triển đô thị- thực trạng, nguyên nhân và giải pháp - tháng 4-2009" hay "Chi phí sản xuất và thực lãi của người nông dân trồng lúa vụ đông xuân 2008 - 2009", được cấp ủy, chính quyền các cấp và đông đảo quần chúng nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Từ chủ trương lắng nghe dân nói, các cấp ủy, mà trước hết là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã định kỳ làm việc với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, lắng nghe phản ảnh, đóng góp ý kiến của nhân dân trong quá trình lãnh đạo. Trước khi ban hành các chủ trương có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, các cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng lắng nghe phản biện, bàn luận và ý kiến đóng góp của các tổ chức đại diện quyền làm chủ của nhân dân.
... Tới nói cho dân hiểu...
Từ chủ trương lắng nghe dân nói, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ tỉnh, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã luôn thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Hằng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận các cấp, trong đó có cả cán bộ tham mưu công tác dân vận chính quyền ở các sở, ngành tỉnh, các tổ chức doanh nghiệp những nội dung, cách thức công khai cho dân hiểu về những chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội của địa phương mà người dân cần biết.
Với mục đích vận động, thuyết phục cho dân nghe, dân hiểu, để dân bàn, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với các ngành chọn những vấn đề bức xúc nhất triển khai để nhân dân, cán bộ công chức cùng nắm vững như: triển khai, tổ chức thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH, ngày 20-4-2007, của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Quy chế Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 8-9- 1998, của Chính phủ về ban hành "Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan"...
Nhằm thực hiện có hiệu quả việc thuyết phục nhân dân, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân có những sửa đổi, cải tiến cho phù hợp với đặc thù địa phương, chính quyền các cấp đã dành thời gian thỏa đáng để gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người dân; chủ động phân công cán bộ, công chức nghiên cứu giải trình hoặc phát biểu trực tiếp trên đài truyền hình, báo địa phương nhằm giải đáp những thắc mắc, bức xúc của dân. Trước những vấn đề xã hội nhạy cảm, lãnh đạo chính quyền các cấp đều trực tiếp lắng nghe dân nói, chỉ đạo giải quyết kịp thời như: về phát triển khu công nghiệp - khu đô thị (từ 2003 - 2008 trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 931 dự án, với tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ là 1.949 tỉ đồng). Cùng với quá trình đó, tỉnh đã nhận được và tập trung giải quyết 17.758 đơn khiếu nại có liên quan đến giải tỏa, bồi thường và bố trí tái định cư. Do khéo vận động thuyết phục, giải quyết hài hòa những mâu thuẫn về lợi ích, đáp ứng đúng mức thiệt hại của người được thu hồi đất; nên đã giải quyết dứt điểm 17.438 đơn, tạo sự đồng thuận lớn đối với người dân có đất bị thu hồi, nhờ vậy, tình trạng khiếu nại vượt cấp giảm rõ rệt, không để xảy ra "điểm nóng".
Để vận động, thuyết phục cho dân hiểu, tỉnh đã xây dựng 960 tổ hòa giải, giải quyết những tranh chấp khiếu kiện của công dân ngay từ cơ sở, thành lập các tổ công tác liên ngành, các tổ kiểm tra, rà soát đơn thư khiếu nại tồn đọng, kiểm tra việc thi hành các quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tổ chức đối thoại xem xét những vụ khiếu kiện đông người, gay gắt, phức tạp, giải quyết có tình, có lý. Các vụ khiếu kiện, nhất là những vụ khiếu kiện phức tạp có liên quan đến nông dân ở nông thôn cơ bản giải quyết xong. Khi nhân dân đã hiểu, sự lan tỏa của niềm tin trong dân trở thành hành động thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, mà tiêu biểu là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được nhân dân đồng tình hưởng ứng và trở thành động lực tích cực trong xây dựng gia đình và khóm, ấp văn hóa. Năm 2008, toàn tỉnh đã có 269.589 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 81,22%; có 223 lượt ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa 3 năm liên tục; có 17/142 xã đạt chuẩn văn hóa. Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" được nhân dân hưởng ứng rất tích cực, bởi ý Đảng hợp với lòng dân, góp phần tạo nên những phong trào thi đua trong sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Và, làm cho dân được hưởng!
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX), các cấp ủy chú trọng nghiên cứu thực tiễn, phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất nhằm "làm cho dân hưởng" với nhiều hình thức, sáng tạo, độc đáo, mang đậm tập quán nông thôn vùng sông nước Đồng Tháp Mười.
Nội dung hoạt động chủ yếu của việc làm cho dân hưởng, trong công tác dân vận của Đồng Tháp, chính là tạo những điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ban Dân vận các cấp luôn chú trọng phát hiện các mô hình mới, cách làm hay, đúc kết, nhân rộng làm cho phong trào thi đua rộng khắp trong tỉnh, phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Nổi bật là các mô hình về phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, sáng tạo, thi đua học tập lao động sản xuất, vượt qua nghèo khó làm giàu chính đáng đã mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Những năm qua, công tác "dân vận khéo" trong tỉnh đã phát hiện, nhân rộng được nhiều điển hình tiên tiến mang tính xã hội hóa như: mô hình hợp tác hùn vốn cất nhà kiên cố và bán kiên cố, mua sắm phương tiện sản xuất, sinh hoạt; mô hình tổ mộc sản xuất khung nhà tình thương được ứng dụng tốt và lan tỏa nhanh ở các huyện Tân Hồng, Tháp Mười, Tam Nông... Đến nay, điển hình được nhân rộng ở 26 xã và 9 huyện, thị, thành phố với hàng ngàn ngôi nhà mới khang trang và các phương tiện sinh hoạt có giá trị, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong tỉnh. Trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã vận động xây mới được 15.699 căn nhà tình thương và nhà đại đoàn kết; sửa chữa 1.340 căn nhà dột nát cho hộ nghèo, với tổng số tiền lên đến 106 tỉ đồng.
Phong trào xây dựng nông thôn mới, theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đã mang lại lợi ích cho hàng chục ngàn hộ dân trong tỉnh. Chỉ tính riêng huyện Tháp Mười, với chương trình xây dựng cầu, đường nông thôn (từ năm 2004) với giá trị gần 30 tỉ đồng, (trong đó nhân dân đóng góp 13,7 tỉ đồng), bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt từ huyện, đến tận xã, ấp, góp phần làm tăng giá trị nông sản gấp 1,3 lần so với vận chuyển bằng đường sông. Ở đô thị, điển hình là mô hình vận động cải tạo, nâng cấp các công trình xây dựng và giải tỏa, mở rộng hẻm trên địa bàn phường 2, thành phố Cao Lãnh, nhân dân đã hiến 3.330 m2 đất và đóng góp hơn 2 tỉ đồng để làm vỉa hè, nâng cấp 22 tuyến hẻm. Mô hình "Tổ dân phòng khuyến học" nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong nhân dân, đầu tiên xuất hiện ở xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, đến nay đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương nhân rộng trong toàn tỉnh, góp phần xóa mù chữ cho hàng ngàn thanh niên.
Mục tiêu, phương châm “lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, và làm cho dân hưởng” ở Đồng Tháp đã và đang trở thành phong trào hành động cách mạng của cả hệ thống chính trị bởi động lực “dân giàu, nước mạnh”. Tỉnh đã dồn sức tập trung chỉ đạo, bổ sung cơ chế, chính sách: nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thú y; tổ chức mô hình liên kết "4 nhà", cập nhật kiến thức khoa học - công nghệ, thị trường,... đều nhằm phục vụ lợi ích cho bà con nông dân. Do vậy Đồng Tháp luôn bảo đảm an toàn lương thực với mức bình quân từ 1,8 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 2006 đến 2008 đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Hộ nghèo trong tỉnh mỗi năm đều giảm, số hộ giàu, khá càng tăng thêm, các chính sách an sinh xã hội của tỉnh được quan tâm thực hiện khá tốt; giải quyết kịp thời các chính sách đối với người có công, trợ cấp xã hội đúng nhóm đối tượng, hỗ trợ các nguồn vốn vay đúng đối tượng chính sách xã hội; từng bước tạo niềm tin cho nhân dân với mọi chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước./.
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 95 (25-12-2009)  (29/12/2009)
Lễ đón nhận huân chương độc lập hạng Nhất và khánh thành nhà máy xi măng Tây Ninh của Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Số 1  (29/12/2009)
Hội thảo khoa học: “Quan điểm, nguyên tắc và phương hướng, giải pháp đổi mới công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”  (29/12/2009)
Binh chủng Tăng -Thiết giáp “rực rỡ vườn hoa quyết thắng”  (28/12/2009)
Có một tên gọi “thị xã hiến đất” - khởi nguồn từ công tác dân vận  (28/12/2009)
Khởi công Dự án xây dựng luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu  (28/12/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên