Cải cách hành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh - nhân tố góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Cải cách hành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường thông thoáng cho mọi thành phần kinh tế hoạt động có hiệu quả; xây dựng một chính quyền đô thị vững mạnh phục vụ nhân dân.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn, năng động, sáng tạo của cả nước; là nơi khởi xướng và thực hiện thí điểm thành công nhiều cơ chế, chính sách, chương trình mới về kinh tế - xã hội; là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về cải cách hành chính. Ngay từ giai đoạn bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước, Thành phố đã có sự chuẩn bị hình thành tư duy và nhận thức về cải cách hành chính, từng bước chuyển nền hành chính, mang nặng tính quan liêu, bao cấp sang nền hành chính dựa trên cơ sở luật pháp và lấy việc phục vụ tốt các yêu cầu của dân làm trọng tâm. Trước hết, tập trung cải tiến thủ tục hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, tạo ra những bước đột phá, góp phần tác động tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhằm mục đích phục vụ nhân dân và điều hành công việc có hiệu quả hơn.
Quá trình cải cách hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh
Trong những năm qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Thành phố đã sớm có những chủ trương chỉ đạo tiến hành cải cách hành chính sát hợp với hoàn cảnh của địa bàn, phù hợp với chính sách, đường lối chung và sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ. Mỗi năm, Thành phố thực thi một chương trình cụ thể: năm 2003 là năm trật tự, kỷ cương, nếp sống văn minh đô thị; hai năm liền (năm 2006 và 2007) với chủ đề là "Năm cải cách hành chính"... Điều đó cho thấy sự yêu cầu, đòi hỏi của dân cũng chính là quyết tâm của chính quyền thành phố, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế của Thành phố và cả nước với nền kinh tế thế giới.
Từ năm 2001 đến nay, Thành phố đã ban hành 1.390 văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước và tạo môi trường thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều thủ tục hành chính được chuẩn hóa, mẫu hóa, quy trình giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và công dân rút ngắn được thời gian, giảm phiền hà cho công dân và doanh nghiệp. Cơ chế "một cửa" được thực hiện phổ biến, cơ chế "một cửa liên thông" đã hình thành và từng bước mở rộng, tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hành chính. Kết quả thực hiện thí điểm về khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính; việc ứng dụng công nghệ thông tin; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; cơ chế "một cửa" và mô hình "một cửa điện tử" đã được Chính phủ đánh giá là thành công và cho mở rộng thực hiện ở một số lĩnh vực trong phạm vi cả nước.
Hệ thống tổ chức bộ máy ở các ngành, các cấp được tiếp tục kiện toàn và tăng cường hơn về năng lực, hiệu lực hoạt động; quy chế tổ chức và hoạt động của sở - ngành thành phố và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân quận - huyện được bổ sung hoàn thiện. Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý, ủy quyền cho các ngành, các cấp đồng bộ hơn. Hoạt động của bộ máy hành chính nói riêng, của cải cách hành chính nói chung thời gian qua không những phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố theo đường lối đổi mới của Đảng, mà còn góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giảm phiền hà, đưa nền hành chính đến gần dân.
Đội ngũ cán bộ, công chức đã có một bước chuyển biến lớn trong phong cách làm việc, từng bước được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng về trình độ, năng lực, phẩm chất. Mặt khác, các cơ quan trong bộ máy đã quan tâm sắp xếp, bố trí đúng người, đúng việc, đặc biệt bố trí cán bộ giỏi, tác phong văn minh ở phòng tiếp dân để hướng dẫn, giúp đỡ phục vụ dân tốt ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ. Qua thực tiễn cải cách hành chính, quá trình tổ chức sắp xếp hoàn thiện bộ máy, cho thấy nhu cầu đào tạo và đào tạo lại về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, luật pháp cho cán bộ, công chức, viên chức rất cấp bách. Thành phố đã chỉ đạo tập trung công tác đào tạo đúng địa chỉ, gắn kết chặt giữa lý luận và thực tế, đảm bảo chất lượng, tránh tràn lan.
Thực hiện “một cửa liên thông” các ngành, các cấp
Cải cách hành chính đã góp phần làm thay đổi tư duy quản lý, chỉ đạo và điều hành trong các cơ quan hành chính, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước. Cải cách hành chính ở Thành phố không thể không nói đến mô hình "một cửa", trách nhiệm của tổ chức và cá nhân cán bộ được quy định rõ ràng, mối quan hệ phối hợp trong giải quyết công việc từng bước đồng bộ và chặt chẽ. Tuy nhiên, cơ chế "một cửa" đang được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như tại các địa phương, mới chỉ được thực hiện tại từng sở - ngành, quận - huyện, chưa kết nối liên thông, liên ngành giữa các ngành, các cấp, vẫn còn sự "đứt khúc" trong quan hệ phối hợp công việc giữa các cơ quan nhà nước; hồ sơ hành chính có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, tổ chức và công dân vẫn còn phải tự liên hệ qua nhiều cửa tại nhiều đơn vị.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng thực hiện cơ chế "một cửa liên thông". Có thể coi đây là bước tiếp nối cao hơn của cơ chế "một cửa", từng bước khắc phục được tình trạng "cắt khúc", thiếu đồng bộ trong mối quan hệ công tác giữa các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn trong quá trình thực hiện cơ chế "một cửa". Thành phố chọn lĩnh vực nhạy cảm nhất để thực thi cơ chế này: giải quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn Thành phố do Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả lĩnh vực cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép khắc dấu (con dấu) và cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế; tại các địa phương ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả các lĩnh vực khác của công dân.
Chỉnh đốn hệ thống hành chính đủ mạnh để quản lý kinh tế - xã hội
Kết quả công tác cải cách hành chính đã góp phần làm cho kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong 10 năm qua: năm 1997 tăng 12,1%, năm 2006 tăng 12,2%, năm 2007 ước tính tăng 12,7%; thu hút có hiệu quả đầu tư trong và ngoài nước, tạo môi trường thông thoáng cho mọi thành phần kinh tế hoạt động có hiệu quả. Đó cũng chính là những giải pháp nhằm phát huy nội lực và sức sáng tạo, năng động của nhân dân Thành phố. Để tiếp tục phát huy lợi thế này, ủy ban nhân dân Thành phố quyết định phân công ủy quyền nhiệm vụ cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết một số thủ tục thuộc chức năng quản lý nhà nước đối với các công ty nhà nước và các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Nhờ các giải pháp trên đây, 10 tháng đầu năm 2007 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 14.100 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 106.600 tỉ đồng (tương đương 6,7 tỉ USD) tăng 25% về số lượng doanh nghiệp và tăng gấp 3 lần về vốn đăng ký; tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) là 1,531 tỉ USD, ước cả năm 2007, tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài là 2,5 tỉ USD, tăng 11,9% so với năm 2006.
Thực tế cuộc sống là lời giải cho những bài toán đặt ra để Thành phố phát triển một cách bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thực tiễn cho thấy, cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt được những kết quả, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại cần được sớm khắc phục. Những vướng mắc do cơ chế (như chưa phân cấp, phân định rành mạch trong mối quan hệ về giải quyết thủ tục hành chính và trên từng lĩnh vực giữa các ngành, các cấp) cần phải chỉnh đốn; việc rà soát, bãi bỏ nhiều văn bản pháp quy, văn bản hành chính sai sót dù rất cố gắng, nhưng chưa có quy trình ra văn bản thật đúng chuẩn mực và hiện vẫn còn những quy định bất cập khác; thời gian xử lý thủ tục hành chính đã tiến bộ nhưng vẫn bị quá hạn, nhiều hồ sơ còn tồn đọng do sự phối, kết hợp giữa các cơ quan, tổ chức nhà nước chưa chặt chẽ. Mặt khác, xét cho cùng, muốn cải cách hành chính có hiệu quả, phải có một đội ngũ công chức có phẩm chất, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ và vấn đề kèm theo là phải có cơ chế quản trị nhân sự khoa học, chế độ chính sách tuyển dụng, lương thưởng hợp lý, khuyến khích được người giỏi, động viên được mọi nguồn nhân lực.
Tầm nhìn 2010 của Thành phố
Từ thực tiễn chỉ đạo và điều hành công tác cải cách thủ tục hành chính những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010 là: Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa; hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển Thành phố. Đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước hết, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính: Đây là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện việc rà soát lại các quy trình, thủ tục hành chính, xem xét thủ tục nào cần loại bỏ, giảm bớt đi hoặc cần điều chỉnh cho phù hợp. Kiến nghị kịp thời về sửa đổi, bổ sung những quy phạm pháp luật hành chính do Trung ương ban hành, nhất là những thủ tục hành chính, hệ thống biểu mẫu không phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố. Thực hiện công khai, minh bạch quy trình thủ tục hành chính, hướng dẫn rõ ràng, bằng nhiều hình thức và thường xuyên cập nhật thông tin để người dân, doanh nghiệp dễ hiểu, dễ nắm và dễ thực hiện.
Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện cơ chế "một cửa", hoàn thiện và mở rộng áp dụng cơ chế "một cửa liên thông", xác định trách nhiệm đơn vị chủ trì, giới hạn trách nhiệm của đơn vị phối hợp và mối quan hệ phối hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh mới giữa các ngành, các cấp của Thành phố và nhất định phải giải quyết mọi vấn đề từ thực tiễn chứ không thể làm một cách máy móc.
Đồng thời, hướng dẫn, giải thích, truyền bá rộng rãi nội dung liên quan đến cải cách hành chính cho các tầng lớp nhân dân. Trong khi tiếp xúc với dân, cán bộ, công chức, viên chức thành phố có thể trực tiếp hướng dẫn một số điểm cụ thể trong thủ tục hành chính, để dần dần tất cả mọi người dân Thành phố đều tự giác chủ động, nâng cao trách nhiệm tham gia vào sự nghiệp cải cách hành chính của Thành phố. Đó chính là động lực to lớn, dồi dào để thúc đẩy quá trình cải cách hành chính của Thành phố một cách mạnh mẽ hơn.
Cải cách hành chính đã thực sự trở thành "chuyện sống còn" của Thành phố. Năm 2007 tiếp tục là "Năm cải cách hành chính". Đây là sự tiếp nối, thừa hưởng kết quả những việc đã làm được, khắc phục những vấn đề chưa làm được của Thành phố trong những năm qua, tiếp tục thực hiện với yêu cầu cao hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế của Thành phố và cả nước với nền kinh tế thế giới, tạo đà mới trong xây dựng chính quyền đô thị, góp phần tích cực cho công cuộc phát triển nhanh và bền vững Thành phố mang tên Bác.
Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong tình hình hiện nay  (28/11/2007)
Cải cách hành chính thúc đẩy sự phát triển đất nước trong thời kỳ mở cửa và hội nhập  (28/11/2007)
Vốn FDI vào Việt Nam vượt 15 tỉ USD  (27/11/2007)
Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (26/11/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên