Tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp lại hệ thống báo chí
Bổ sung quy định về Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và cơ quan Kiểm ngư
Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự bao gồm 10 chương, 73 điều đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành. Luật này quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng và cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân, cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an (Điều 44 của dự thảo Luật), báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật không quy định Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và có thẩm quyền tố tụng mà chỉ quy định trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an hỗ trợ hoạt động điều tra.
Trên thực tế, nhiều trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan trực tiếp, đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, bảo vệ hiện trường, phát hiện bắt, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã lẩn trốn trên địa bàn và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để thực hiện hoạt động tố tụng.
Dự thảo Luật quy định chỉ giao cho các cơ quan này được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho điều tra là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền mà không xử lý tố giác, tin báo về tội phạm nên không phải là hoạt động tư pháp.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2016.
Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11, Nghị quyết số 127/2004/NQ-UBTVQH11, Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 sửa đổi Điều 9 của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Sửa đổi Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng phù hợp thực tiễn
Cũng trong ngày 26-11, với 419 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 84,82%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng gồm 7 chương, 52 điều quy định về quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; quyền, nghĩa vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật áp dụng đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, không áp dụng đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Quân đội nhân dân.
Dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 21-10.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng nêu rõ Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được ban hành trong thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển về mọi mặt của đất nước và nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới, các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng không còn phù hợp cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể là: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có nhiều quy định mới liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, trong đó có quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng cần phải được cụ thể hóa. Bên cạnh đó, quân nhân chuyên nghiệp là đối tượng phục vụ tại ngũ theo chế độ tự nguyện, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Nghĩa vụ quân sự. Công nhân, viên chức quốc phòng là thành phần trong tổ chức biên chế của Quân đội nhân dân, nhưng chưa có văn bản pháp luật quy định và điều chỉnh, phải vận dụng theo các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan. Do vậy, cần phải có văn bản pháp luật quy định riêng cho các đối tượng này.
Văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ về vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng trong tổ chức biên chế của Quân đội nên trong giai đoạn vừa qua việc quản lý, sử dụng hiệu quả chưa cao, lãng phí nguồn nhân lực. Quy định quân nhân chuyên nghiệp nghỉ hưu ở độ tuổi 50 trở xuống khi tuổi đời còn trẻ, có sức khỏe và có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đã ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng Quân đội.
Tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành
Với 377 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 76,32%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.
Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội. Chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01-01-2016.
Nghị quyết giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Thừa phát lại và chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại.
Các tổ chức Thừa phát lại được thành lập theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại.
Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao triển khai thi hành Nghị quyết và chuẩn bị dự án Luật Thừa phát lại, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV.
Đồng tình sửa Nghị định thư về hiệp định thành lập WTO
Với 85,63% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nghị quyết nêu rõ Phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại thế giới để bổ sung Hiệp định tạo thuận lợi thương mại vào Phụ lục 1A của Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại thế giới.
Việt Nam cam kết thực hiện toàn bộ các điều khoản trong Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới. Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoàn tất thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và tổ chức thực hiện sau khi Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại thế giới có hiệu lực đối với Việt Nam.
Tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp lại hệ thống báo chí
Thảo luận về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật bởi Luật Báo chí sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân.
Việc sửa đổi Luật Báo chí sẽ góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.
Các đại biểu nhận định dự án luật trình Quốc hội lần này có nhiều điểm mới về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí.
Dự án luật cũng mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí; lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú,… đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật nhằm tăng tính khả thi của Luật.
Cần tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền lập hội
Thảo luận dự thảo Luật về hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành cần thiết phải ban hành Luật về hội nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò tích cực của hội trong đời sống xã hội và tăng cường quản lý nhà nước về hội.
Luật phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự trang trải kinh phí hoạt động, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về hội; góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo Luật quy định Luật này không áp dụng đối với “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam”. Đây là các tổ chức chính trị - xã hội được quy định trong Hiến pháp, có vị trí, vai trò đặc biệt, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách hoạt động; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách.
Nếu xác định vị trí, vai trò của các tổ chức này là các hội thuần túy mang tính chất xã hội tự quản và chịu sự điều chỉnh của Luật về hội là chưa phản ánh đúng bản chất và thực tế sự phát triển lịch sử của hệ thống chính trị ở Việt Nam. Hơn nữa, một số tổ chức chính trị - xã hội đã được điều chỉnh trong các luật, pháp lệnh khác, như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Pháp lệnh cựu chiến binh.
Khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật quy định một trong các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội là trường hợp của “Cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức”.
Một số ý kiến tán thành việc cho phép người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp cụ thể nhằm bảo đảm việc triển khai thực hiện Công ước về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng các quy định trong dự thảo luật còn nặng về quản lý nhà nước mà chưa đề cập, phát huy, đề cao được quyền lập hội của công dân. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ để giảm bớt thủ tục hành chính, đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận động lập hội, tham gia lập hội, quyền tham gia hội của công dân và tổ chức./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Viện Koerber  (26/11/2015)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp các nhà báo ASEAN  (26/11/2015)
Hoàn thành giai đoạn quan trọng trong phân giới Việt Nam - Campuchia  (26/11/2015)
Đưa quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào lên tầm cao mới  (26/11/2015)
Mỹ vận động các nước ngăn chặn nhóm IS chiêu mộ tân binh  (26/11/2015)
Cuộc gặp mặt cảm động của Chủ tịch nước với kiều bào ở Đức  (26/11/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển