Việt Nam có nhiều đóng góp thiết thực vào Tuần lễ cấp cao APEC
Nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các hoạt động chính của Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 23, diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines từ ngày 13 đến 19-11, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 23 và những đóng góp nổi bật của Việt Nam tại sự kiện này.
- Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Tuần lễ cấp cao năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều chuyển biến quan trọng. Mặc dù hòa bình, ổn định tại nhiều khu vực tiếp tục bị thách thức, kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều rủi ro, song có thể nói, mặt thuận lợi là cơ bản. Hợp tác, liên kết quốc tế phát triển mạnh mẽ với những dấu mốc lớn. Nổi bật là Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững được thông qua, hình thành Cộng đồng ASEAN và hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong bối cảnh đó, Tuần lễ cấp cao đã tập trung thảo luận các biện pháp để ứng phó với các thách thức này và đạt được một số kết quả nổi bật sau:
Một là, các nền kinh tế thành viên đã thông qua 2 Tuyên bố cấp cao, 1 Tuyên bố bộ trưởng và 6 văn kiện kèm theo, với mục tiêu xuyên suốt là tăng trưởng bền vững, bao trùm. Đây là bước chuyển mới, nâng tầm hiệu quả hợp tác Diễn đàn APEC, mở rộng sang các lĩnh vực mới, gắn với mục tiêu phát triển.
Lần đầu tiên kể từ khi triển khai Chiến lược tăng trưởng năm 2010, APEC đề ra chiến lược dài hạn nhấn “chất lượng” tăng trưởng, gắn với xây dựng thể chế, gắn kết xã hội và bảo vệ môi trường. Đây cũng là lần đầu tiên APEC thông qua Khuôn khổ hợp tác dịch vụ, coi đây là nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường gắn kết các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Các thành viên cũng thông qua Chương trình nghị sự hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia thị trường quốc tế và khu vực, đáp ứng kịp thời quan tâm của doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, 97% doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp 60% tổng GDP khu vực.
Hai là, các thành viên nhất trí củng cố liên kết kinh tế khu vực và thúc đẩy xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu. Các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 10, khẳng định giá trị và tầm quan trọng của WTO, đặc biệt đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập. Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm thúc đẩy hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) toàn diện, chất lượng cao, đáp ứng các vấn đề thương mại-đầu tư thế hệ mới trên cơ sở các liên kết hiện có ở khu vực.
Ba là, APEC thiết lập một số cơ chế và mục tiêu mới, phản ánh hợp tác APEC ngày càng mở rộng và thực chất. Đó là cải thiện 10% môi trường kinh doanh vào năm 2018; hình thành thị trường cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ APEC, Mạng lưới tài chính phát triển cơ sở hạ tầng, Nhóm đặc trách tự cường năng lượng, và quỹ hỗ trợ triển khai các dự án, sáng kiến của APEC.
Bố là, Cuộc họp cấp cao lần thứ 6 Hiệp định TPP đã diễn ra trong dịp này, khẳng định quyết tâm của 12 nền kinh tế thành viên sớm ký kết, phê chuẩn Hiệp định nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân ở khu vực.
Với những kết quả đó, Tuần lễ Cấp cao lần này đánh dấu hợp tác APEC bước sang một giai đoạn mới “vì phát triển bền vững," phản ánh vai trò của APEC đi đầu triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
- Xin Thứ trưởng cho biết những đóng góp nổi bật của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao lần này?
- Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu, tham gia Tuần lễ cấp cao APEC lần này với một tâm thế mới. Nước ta là nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao ở khu vực; là một tâm điểm của liên kết kinh tế khu vực và quốc tế với việc vừa hoàn tất 4 FTA thế hệ mới với các đối tác quan trọng trong năm 2015; và đang cùng các thành viên ASEAN nỗ lực hoàn tất xây dựng Cộng đồng ASEAN gồm 650 triệu dân với GDP khoảng 2.500 tỷ USD. Đoàn ta đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp thiết thực vào thành công của Tuần lễ cấp cao năm nay.
Nổi bật là:
Chủ tịch nước ta là khách mời đặc biệt và diễn giả chính tại nhiều phiên thảo luận quan trọng, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và Phiên thảo luận thứ nhất về “Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm thông qua liên kết kinh tế".
Lãnh đạo ta khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới, cải cách sâu rộng, triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG) đồng thời, đã đưa ra nhiều đề xuất thiết thực góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực để phát triển, được các thành viên đánh giá cao; nhấn mạnh APEC cần ưu tiên phát triển bền vững, xóa đói nghèo, thu hẹp khoảng cách, an ninh lương thực, quản lý nước, phát triển nông nghiệp, ứng phó thiên tai... Đây cũng là những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta 2010 - 2020.
Cũng trong dịp này, lãnh đạo cấp cao ta đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ rộng rãi với các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên trao đổi sâu rộng các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và phối hợp tại các diễn đàn đa phương, trong đó có chủ nhà Philippines, Nga, Canada, Malaysia, Peru, Papua New Guinea...
Đặc biệt là Chủ tịch nước ta và Tổng thống nước chủ nhà Philippines đã hội đàm và chứng kiến lễ ký kết Tuyên bố chung về việc thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines, nâng tầm quan hệ hợp tác và sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Đoàn ta đã tích cực trao đổi với các thành viên là chủ nhà APEC giai đoạn 2015 - 2022, đặc biệt là Peru và Papua New Guinea, chủ nhà APEC 2016 và 2018, để tăng cường phối hợp, bảo đảm các Hội nghị cấp cao sắp tới, đặc biệt là Năm APEC Việt Nam 2017, thành công.
Chủ tịch nước cũng dành nhiều thời gian tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực và toàn cầu, chuyển thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam tiếp tục đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng với việc vừa kết thúc đàm phán hàng loạt các FTA, đặc biệt là TPP với sự tham gia của 12 trên 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Các doanh nghiệp đều đặt kỳ vọng lớn vào quyết tâm của Việt Nam tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, pháp lý, thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và thông thoáng hơn; bày tỏ quan tâm, mong muốn mở rộng hợp tác, đầu tư với Việt Nam.
Có thể nói thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC năm nay có ý nghĩa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương đồng thời, tạo cơ sở tốt cho Việt Nam đóng góp hiệu quả vào tiến trình phát triển của APEC với tư cách là chủ nhà của Năm APEC 2017. Để bảo đảm thực hiện mục tiêu quan trọng này, sự chuẩn bị trong nước, đặc biệt là sự tham gia chủ động và tích cực của doanh nghiệp, có ý nghĩa quyết định./.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tiếp đoàn Thượng viện Séc  (19/11/2015)
Các hoạt động song phương của Chủ tịch nước tại Philippines  (19/11/2015)
Việt Nam - Pháp trao đổi kinh nghiệm Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc  (19/11/2015)
Chủ tịch nước nêu bật đóng góp của Việt Nam thúc đẩy hợp tác APEC  (19/11/2015)
Việt Nam - Tây Ban Nha chia sẻ kinh nghiệm về hội nhập khu vực  (19/11/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển