TCCSĐT - Chiều 30-9-2015, tại trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam diễn ra Lễ ký Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2016 - 2020.

Tham gia Lễ ký có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo các vụ, phòng, ban chức năng của hai đơn vị.

Giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ đạt được nhiều kết quả:

Thứ nhất, về công tác tuyên truyền và nâng cao hiểu biết về khoa học và công nghệ cho cán bộ, hội viên nông dân. Qua 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp, Hội Nông dân đã tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

Thứ hai, về phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong khuôn khổ Chương trình phối hợp, Hội Nông dân đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Giai đoạn 2011 - 2015, đã tổ chức 2 Cuộc thi sáng tạo nhà nông lần thứ V và lần thứ VI và được triển khai từ trung ương đến 63 tỉnh, thành, tới các cơ sở Hội và đến từng hội viên, nông dân.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức nhiều cuộc thi sáng chế, sáng tạo khoa học và công nghệ, tạo sân chơi quan trọng cho các nông dân say mê sáng tạo có thể tham gia, đồng thời cũng là nơi kết nối, cung cấp nhiều thông tin rất hữu ích, là nơi chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ mới cho nông dân.

Thứ ba, về kết quả thực hiện Chương trình nông thôn - miền núi và một số chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác. Chương trình nông thôn - miền núi giai đoạn 2011 - 2015 hỗ trợ các địa phương triển khai và thực hiện 322 dự án; trong đó có 103 dự án trồng trọt, 51 dự án chăn nuôi, 46 dự án thủy sản, 56 dự án công nghệ sinh học, 14 dự án bảo quản, 28 dự án nước sạch, xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng, chế biến dự án… với tổng kinh phí là 1.739 triệu đồng, trong đó được hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương là 663,190 triệu đồng.

Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020 giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện với 4 nội dung:

Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo hội viên, nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Chú trọng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng hóa nông - lâm - thủy sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng.

Hai là, hỗ trợ cho nông dân phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh - dịch vụ; hỗ trợ nông dân tham gia “Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông”; Chương trình “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”, Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo).

Ba là, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hướng dẫn, khuyến khích và có hình thức hỗ trợ phù hợp cho hội viên, nông dân ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả của sản xuất, kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho nông dân đủ khả năng giảm nghèo tiến tới làm giàu từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.

Bốn là, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và xử lý môi trường; hằng năm, hai ngành xây dựng các mô hình điểm để tập trung chỉ đạo nhân rộng kết quả cho nông dân.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Quốc Cường khẳng định tầm quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của nhân loại nói chung và với từng quốc gia, dân tộc nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng chí đề nghị: Hiện nay, nhiều nông dân sáng tạo, có nhiều phát minh ứng dụng hiệu quả vào lao động sản xuất nhưng gặp khó khăn trong vấn đề hướng dẫn, nghiệm thu, công nhận, bảo đảm bản quyền và cho phép nhân rộng ứng dụng. Do vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cần quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ, tiếp sức thêm cho sức sáng tạo của nông dân, để người nông dân đỡ vất vả, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cam kết trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ và bảo hộ nông dân về sở hữu trí tuệ, sáng chế cải tiến trong nông nghiệp và thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp với 4 nội dung trên, để giúp bà con nông dân có thu nhập cao hơn, thoát khỏi tình trạng “bẫy thu nhập trung bình”./.