Hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Đại tá, PGS, TS. Dương Hồng Anh Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng
22:11, ngày 30-09-2015

TCCSĐT - Hậu phương là nơi dự trữ tiềm lực của chiến tranh cả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, là nguồn chi viện nhân lực, vật lực, là chỗ dựa tinh thần, nơi cổ vũ động viên chiến thắng của tiền tuyến, là nhân tố hết sức quan trọng, mang tính quyết định sự thành bại của chiến tranh.

Xuất phát từ vị trí, vai trò của hậu phương, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954), Đảng ta chủ trương thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc không chỉ có mục tiêu xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào ta ở miền Bắc mà còn nhằm xây dựng, củng cố căn cứ địa hậu phương chung của cả nước để tiến hành giải phóng miền Nam. Trong quan điểm chỉ đạo, Đảng ta luôn thống nhất: phải xây dựng miền Bắc thành hậu phương chiến lược vững mạnh toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, kết hợp giữa xây dựng và và bảo vệ vững chắc hậu phương.

Xây dựng hậu phương vững mạnh về chính trị tư tưởng là vấn đề cốt lõi và xuyên suốt toàn bộ quá trình cách mạng. Bác Hồ chỉ rõ, muốn xây dựng được hậu phương vững mạnh, vấn đề đầu tiên là phải xây dựng lực lượng chính trị, lấy xây dựng lực lượng chính trị là then chốt. Người còn khẳng định chỗ dựa vững chắc nhất của cách mạng là lòng yêu nước, lòng trung thành vô hạn của nhân dân đã giác ngộ đối với sự nghiệp giải phóng đất nước.

Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, với đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo phát triển tổ chức đảng, tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất. Thực tế đã chứng minh, nơi nào có tổ chức đảng mạnh thì hậu phương phát huy được sức mạnh, huy động được sức mạnh vật chất, tinh thần cho chiến trường. Đi đôi với xây dựng Đảng là vấn đề không ngừng củng cố, tăng cường và hoàn thiện hệ thống chính trị các cấp, làm cho hệ thống chính quyền các cấp thực sự có đủ trình độ và năng lực điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng hậu phương chiến lược, động viên sức mạnh cho chiến trường.

Tăng cường xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa đủ sức là hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, Đảng ta xác định rõ sức mạnh của chiến tranh nhân dân là sức mạnh tinh thần, vật chất của toàn dân, hậu phương vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh. Tháng 12-1957, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (khóa II) đã xác định đường lối của Đảng về xây dựng hậu phương trong điều kiện mới. Đảng ta đã nêu phương hướng kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng để vừa có thể nhanh chóng phát triển kinh tế vừa củng cố quốc phòng ngày càng mạnh mẽ, làm tròn được nhiệm vụ hậu phương đối với cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa 2 (năm 1955) nhận định, miền Bắc là chỗ đứng của ta, bất kể trong tình hình nào miền Bắc cũng phải được củng cố. Hội nghị nhấn mạnh, muốn thống nhất nước nhà, điều cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam… Đường lối củng cố miền Bắc của ta là củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần từng bước vững chắc đến chủ nghĩa xã hội…

Tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc (9-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của nhân dân ta, nền có vững nhà mới chắc, gốc có mạnh cây mới tốt. Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960) chủ trương tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc - cuộc cách mạng gắn bó chặt chẽ với cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ sự nghiệp cách mạng chung cả nước. Năm 1965, khi đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, Trung ương Đảng tiếp tục xác định, miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn, nhưng nhiệm vụ của miền Bắc là vừa xây dựng, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Muốn hậu phương chiến lược vững mạnh không thể thiếu tiềm lực kinh tế. Xây dựng hậu phương về kinh tế là một lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa quyết định trong vai trò của hậu phương đối với cuộc kháng chiến. Nếu coi tiềm lực chính trị là cơ sở thì tiềm lực kinh tế là điều kiện thúc đẩy tiềm lực quốc phòng. Quy luật chiến tranh là chiến tranh phụ thuộc vào kinh tế, vào trình độ sản xuất và quan hệ sản xuất. Việt Nam tiến hành chiến tranh trong điều kiện lâu dài, tự lực cánh sinh là chính nên phải coi trọng chuẩn bị hậu phương về kinh tế. Kinh tế có phát triển, hậu phương mới có thể đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu ngày càng lớn của chiến tranh, mới đủ sức đánh lâu dài, càng đánh càng mạnh để đi đến thắng lợi cuối cùng. Mặt khác, kinh tế có phát triển mới có điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở hậu phương mới duy trì và bồi dưỡng được sức dân trong điều kiện chiến tranh ác liệt kéo dài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực không ngừng của toàn quân, toàn dân, năm 1965, hậu phương miền Bắc xây dựng được 18.600 hợp tác xã bậc cao, trên 90% hộ nông dân vào hợp tác xã, “Gần 700 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn thóc trên một héc-ta mỗi năm. Về công nghiệp, toàn miền Bắc có 1.132 xí nghiệp, trong đó có 205 xí nghiệp trung ương. Tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm công - nông nghiệp từ 42,4% năm 1960 lên 53% năm 1965. 90% hàng tiêu dùng thiết yếu và một phần tư liệu sản xuất do các ngành công nghiệp trung ương và địa phương đảm bảo. Ngoài ra, hệ thống giao thông vận tải, bưu điện cũng được mở rộng và nâng cấp được trang bị thêm phương tiện, máy móc, thiết bị mới” (1).

Trong điều kiện đất nước còn nghèo, trình độ sản xuất thấp, kết cấu hạ tầng kém phát triển, chiến tranh tàn phá liên miên thì xây dựng kinh tế hậu phương càng được đặt ra một cách bức thiết, đòi hỏi phải có đường lối đúng đắn và chính sách phù hợp. Với tinh thần tự lực, tự cường, Đảng ta coi phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm là quốc sách căn bản để khôi phục kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ yêu cầu kháng chiến. Qua việc thực hiện các kế hoạch cải tạo và xây dựng kinh tế, miền Bắc đã bước đầu thiết lập được một hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng được những cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Đến năm 1964, miền Bắc đã cơ bản tự bảo đảm được về lương thực và hàng tiêu dùng, đồng thời đã bắt đầu tạo được nguồn tích lũy từ trong nước. Từ năm 1965, miền Bắc phải chuyển hướng kinh tế từ thời bình sang thời chiến và đến năm 1975 là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại xen kẽ với những thời kỳ ngắn khôi phục kinh tế. Mặc dù vậy, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt được những thành tích to lớn. Đến năm 1975, trong khu vực sản xuất vật chất đã có 99,7% tài sản cố định thuộc về kinh tế xã hội chủ nghĩa và đã tăng gấp 5 lần so với năm 1960. Trong cơ cấu công nghiệp đã có những cơ sở đầu tiên của các ngành công nghiệp nặng quan trọng, như điện, than, hóa chất, cơ khí luyện kim, vật liệu xây dựng.

Thành tựu đó còn thấp so với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, nhưng trong hoàn cảnh miền Bắc vừa phải đương đầu với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng đồng bào miền Nam đánh giặc cứu nước, vừa phải làm nghĩa vụ quốc tế thì những thành tựu đạt được như vậy là rất lớn lao.

Sức mạnh của hậu phương không chỉ về kinh tế mà còn gồm quân sự. Công cuộc xây dựng quân sự ở hậu phương được Đảng ta thường xuyên quan tâm. Bộ đội chủ lực miền Bắc từ 16 vạn (năm 1960) tăng lên 27 vạn (năm 1965). Bộ đội địa phương tăng từ 18.000 (năm 1959) lên 46.000 (năm 1965). Năm 1962, có gần 1 triệu người đăng ký ngạch dự bị. Năm 1960, dân quân tự vệ có khoảng 1 triệu người, đến năm 1965 đã có gần 1,7 triệu người được huấn luyện theo định kỳ, đảm nhận vai trò nòng cốt trong bảo đảm trật tự trị an, xung kích trong lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại các địa phương. Vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang được đổi mới, ngày càng hiện đại. Qua nhiều cuộc diễn tập hiệp đồng quân - binh chủng, hỏa lực và sức cơ động của bộ đội được tăng cường và không ngừng phát triển.

Sản xuất quốc phòng ở hậu phương miền Bắc cũng hết sức được coi trọng. Khi mới giải phóng, với nền công nghiệp nhỏ bé, Đảng ta kịp thời chỉ đạo chuyển hướng sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, lấy nhiệm vụ sản xuất ra các mặt hàng quân trang, quân dụng cung cấp cho chiến trường, như đạn dược, thuốc men, vải mặc… làm trọng. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em, nền công nghiệp quốc phòng của miền Bắc ngày càng phát triển. Nhiều nhà máy được đầu tư, nâng cấp đã sản xuất ra một số chủng loại vũ khí bộ binh, trang thiết bị phụ tùng và các mặt hàng quốc phòng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của các quân chủng, binh chủng và sự phát triển nhanh của các đơn vị bộ đội chủ lực.

Cùng với việc chỉ đạo toàn quân, toàn dân xây dựng hậu phương vững mạnh về kinh tế, quốc phòng, Đảng ta hết sức coi trọng xây dựng, phát triển văn hóa, giáo dục y tế. Miền Bắc đã tập trung xóa nạn mù chữ trên toàn quốc, phát triển giáo dục phổ thông. “So với năm 1954 - 1955, đến năm 1964, số học sinh phổ thông tăng gấp 3,5 lần”(2). Dưới thời bị thực dân Pháp thống trị, 95% dân số Việt Nam mù chữ thì “trong năm học 1965 - 1966, số học sinh đến trường đạt 4.969.000 người, đạt tỷ lệ cứ 4 người dân miền Bắc có 1 người đi học” (3). Do vậy, trình độ học vấn của bộ đội và nhân dân không ngừng được nâng lên, làm cho nhận thức về nhiệm vụ cách mạng, tình hình thế giới và trong nước đạt kết quả rõ rệt; đồng thời, khả năng làm chủ vũ khí kỹ thuật của bộ đội các cấp cũng được nâng lên nhiều lần. Nhờ đó, việc động viên toàn dân tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ hậu phương thêm thuận lợi.

Kẻ thù luôn tìm cách phá hoại hậu phương chiến lược của ta, hòng thu hẹp, gây rối loạn, mất ổn định, làm giảm sức mạnh chi viện, hậu thuẫn cho chiến trường. Cùng với các thủ đoạn quân sự, địch còn dùng các thủ đoạn chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng rất thâm độc, tinh vi và xảo quyệt. Nhận thức rõ vấn đề này, Đảng ta đã xác định, việc bảo vệ tốt địa bàn là cơ sở để bảo đảm cho hậu phương có một đời sống kinh tế - xã hội ổn định, nhân dân phấn khởi tin tưởng là điều kiện để tiến hành kiến thiết hậu phương và huy động sức mạnh cho chiến trường. Ngược lại, khi nào hậu phương không giữ được ổn định chính trị - xã hội, không bảo vệ vững chắc địa bàn, cuộc sống nhân dân bị đe dọa thì khi đó, không thể tập trung sức lực và trí tuệ, không thể tạo nên sức mạnh to lớn chi viện cho chiến trường. Trong hai lần chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi hơn 4.000 máy bay các loại; bắn cháy, bắn chìm hàng trăm tàu chiến; tiêu diệt và bắt sống hàng chục toán gián điệp, biệt kích, thám báo để bảo vệ vững chắc hậu phương. Nhờ bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc trong suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã góp phần giữ vững sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, bảo đảm chi viện liên tục cho chiến trường, đồng thời cổ vũ bộ đội ở tiền tuyến hăng hái chiến đấu lập nhiều chiến công.

Nhận thức rõ hậu phương chiến lược là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm và chỉ đạo thực hiện chính sách hậu phương, coi đây là nhân tố để phát huy sức mạnh của hậu phương chiến lược. Chính sách hậu phương được thể hiện ở chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, gia đình có công với cách mạng, chế độ đối với những người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận, chế độ đối với thanh niên xung phong, bộ đội xuất ngũ trở về hậu phương. Chính sách hậu phương còn hướng tới tất cả quần chúng nhân dân - những người đang trực tiếp ngày đêm xây dựng và bảo vệ hậu phương - nhằm không ngừng động viên và bồi dưỡng sức dân trong kháng chiến…. Với tư tưởng xuyên suốt: huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây đầy tính nhân văn, nghĩa tình và đạo lý của Đảng và Nhà nước, đã góp phần củng cố sức mạnh của hậu phương, tăng cường niềm tin và ý chí chiến đấu giành thắng lợi cho quân và dân cả nước.

Hướng ra tiền tuyến, ở khắp nơi, nhân dân miền Bắc thực hiện mỗi người làm việc bằng hai, không ngừng đưa lực lượng, phương tiện và vật chất vào chiến trường miền Nam với tinh thần tất cả vì tiền tuyến “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, vừa chi viện cho tiền tuyến vừa tiếp tục đẩy mạnh sản xuất xây dựng tiềm lực và giữ vững sự ổn định hậu phương, chăm lo thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

Phát huy vai trò của hậu phương chiến lược, miền Bắc đã không ngừng vươn lên, chi viện liên tục sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và các mặt trận khác, đáp ứng yêu cầu tác chiến ngày càng cao của chiến trường.

Về tiếp tế cho chiến trường miền Nam, theo con số thống kê chưa đầy đủ, hậu phương miền Bắc đã giao cho các chiến trường từ năm 1959 đến năm 1975 gần 700.000 tấn vật chất (gấp 2 lần số lượng vật chất khai thác tại chỗ), trong đó có trên 180.000 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật. Năm 1959, miền Bắc đưa vào miền Nam 5.000 người, năm 1964 là 17.000 người, năm 1968 là 141.000 người, năm 1972 là 153.000 người, năm 1975 là 117.000 người.

Thực tế cho thấy, để có 1 tấn lương thực vào đến chiến trường Trị Thiên, hậu phương miền Bắc phải chuẩn bị 8 tấn; để có 1 tấn vào Khu 5 và chiến trường Tây Nguyên, hậu phương miền Bắc phải chuẩn bị 12 tấn, đó là chưa kể đến sự hy sinh xương máu của bộ đội, dân công làm công tác vận chuyển.

Để vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, hậu phương miền Bắc đã tập trung củng cố phát triển hệ thống đường giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt,… huy động mọi năng lực vận tải, năng lực giao thông để tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm khối lượng vận chuyển kịp thời, đầy đủ, vững chắc. Càng về giai đoạn cuối, khối lượng vận chuyển càng tăng cao. Xem xét tổng khối lượng vận chuyển vật chất trong 10 năm thì tập trung vào 3 năm (1972 - 1974) là 50%, và trong đó đặc biệt năm 1973 tỷ lệ này chiếm 19%.

Qua 15 năm xây dựng và chiến đấu, hệ thống đường Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành tuyến hậu cần chiến lược, phát huy tác dụng hết sức tích cực đối với sự tiến triển của cách mạng. Với khoảng 16.000 km đường ô-tô, 1.400 km đường ống, hơn 6.000 xe vận tải các loại, những khối lượng rất lớn lương thực, vũ khí, xăng dầu, trang bị được vận chuyển vào các chiến trường bảo đảm tốt nhiệm vụ hậu cần cho cuộc chiến tranh giải phóng ở giai đoạn cuối.

Bên cạnh đó, hậu phương miền Bắc đặc biệt coi trọng tăng cường quan hệ đoàn kết với nhân dân thế giới, với các tổ chức dân chủ, hòa bình quốc tế, đặc biệt là với các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng ta tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trong đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng, cung cấp hậu cần, bảo đảm vận chuyển, tranh thủ các khoản viện trợ không hoàn lại, cho vay không tính lãi với nhiều chương trình kinh tế, thương mại. Hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của miền Bắc đều có sự giúp đỡ, viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các nước xã hội chủ nghĩa đã viện trợ tổng cộng khoảng 2.362.000 tấn vật chất, trị giá lên tới 7 tỷ rúp. Nhờ có sự giúp đỡ này mà các ngành kinh tế, nhất là công nghiệp đã định hình, phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung của miền Bắc. Nhờ viện trợ về vũ khí trang bị kỹ thuật mà tiềm lực và sức mạnh quốc phòng miền Bắc được tăng cường, đủ sức bảo vệ miền Bắc và chi viện cho miền Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong 10 năm từ năm 1954 đến năm 1964, nước ta đã được các nước xã hội chủ nghĩa giúp 119.790 tấn lương thực thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược, trang thiết bị (gồm 415.584 súng bộ binh, 1.023 pháo mặt đất, 1.024 pháo cao xạ, 32 máy bay, 46 tầu chiến, 165 xe tăng, 166 xe bọc thép, 552 xe xích kéo pháo, 4.760 xe vận tải…). Từ năm 1964 đến năm 1972, về số lượng viện trợ tăng trung bình 5 đến 10 lần, có loại từ 12 đến 22 lần như súng máy cao xạ, máy bay, cầu phao công binh. Được các nước viện trợ, hậu phương miền Bắc đã kịp thời vận chuyển chi viện cho các chiến trường. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 1965 - 1972, miền Bắc đã chi viện miền Nam 614.051 súng bộ binh, 35.599 súng B40, B41; 1.785 khẩu ĐKZ, 8.494 cối, 559 khẩu pháo hỏa tiễn, 75 pháo 122 ly và 130 ly, 2.086 súng máy cao xạ, 195 pháo cao xạ 37 ly, 113 xe tăng, 50 xe bọc thép, 6.600 máy vô tuyến điện, 12.565 máy hữu tuyến điện, 1.002 ô-tô vận tải kéo pháo, 93 xe xích kéo pháo...

Cùng với chi viện sức người, sức của, cổ vũ sức mạnh tinh thần cho chiến trường miền Nam, hậu phương miền Bắc còn tiếp nhận hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam tập kết ra miền Bắc học tập và công tác; đón tiếp gần 31 vạn thương binh và hơn 35 vạn lượt người từ tiền tuyến ra hậu phương chữa bệnh, học tập, phục hồi sức khỏe trở lại chiến trường.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta đã thành công trong việc xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa để chi viện đắc lực cho công cuộc giải phóng miền Nam. Đúng như Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã đánh giá: không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Suốt 16 năm qua, miền Bắc luôn luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt là từ năm 1965, khi Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) khẳng định chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thì miền Bắc đã dốc vào cuộc kháng chiến toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước, xứng đáng là pháo đài vô địch của chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong bối cảnh đó, tiến hành xây dựng và chuẩn bị hậu phương đất nước trên các mặt, phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Quan điểm chỉ đạo Đảng ta luôn thống nhất: Công cuộc xây dựng đất nước gắn liền với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong thời bình phải tích cực, chủ động xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục. Trong quá trình tiến hành xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, cần phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, kết hợp giữa xây dựng và và bảo vệ vững chắc hậu phương để đáp ứng kịp thời với các tình huống./.

------------------------------------------

(1), (2), (3) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, t. 11, tr. 167