TCCSĐT - Sáng 24-9-2015, tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Lực lượng vũ trang với công tác bảo vệ môi trường, hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”. Thiếu tướng Nguyễn Đình Tâm, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 tham dự và chủ trì Hội thảo.
Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, thiếu tướng Nguyễn Đình Tâm nhấn mạnh: Là đơn vị có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của miền Đông Nam bộ và cả nước. Vì vậy, những năm qua Quân đoàn 4 luôn quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; đồng thời thực hiện tốt sự định hướng của Cục Khoa học Quân sự, công tác khoa học quân sự nói chung, công tác bảo vệ môi trường nói riêng.

Với nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược bảo vệ môi trường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 luôn chú trọng phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đơn vị của Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Quân đoàn 4 còn chú trọng triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, hoạt động quân sự của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đoàn, tạo môi trường thân thiện cho phát triển kinh tế, xã hội và cuộc sống của nhân dân địa phương.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tâm cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác bảo vệ môi trường trong cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn cũng như lực lượng vũ trang khu vực Đông Nam bộ còn nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, việc tổ chức hội thảo này là một trong những hoạt động thiết thực để thấy được thực trạng, dự báo ảnh hưởng của môi trường, biến đổi khí hậu trong thời gian tới, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện, qua đó đề xuất chủ trương, giải pháp ứng phó, giảm thiểu đến các hoạt động quân sự, quốc phòng thời gian tới.

Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung phân tích làm rõ vai trò, tầm quan trọng của môi trường đối với con người, sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với bảo vệ môi trường cũng như nêu bật mặt được và chưa được của quá trình phối hợp với cấp ủy, chính quyền, địa phương nơi các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân.

Theo đại tá Phan Bá Tuyết, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4: Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự sống của con người, bảo vệ môi trường là việc làm hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, là nhân tố bảo đảm cho phát triển bền vững của đất nước. Đối với quân đội vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề cấp thiết, bởi nó gắn liền với việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì thế căn cứ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Bộ Quốc phòng đã ra chỉ thị để đưa hoạt động bảo vệ môi trường trở thành phong trào rộng khắp trong toàn quân và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đồng quan điểm này, đại tá, tiến sĩ Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Khoa học quân sự, Quân khu 7 nhận định, những sự cố môi trường trong thời gian gần đây như lốc, lũ lụt, sập hầm, cháy rừng trên địa bàn Quân khu tuy số lượng không lớn so với khu vực khác, nhưng đã gây thiệt hại đáng kể và nguyên nhân là do các yếu tố bất lợi của thời tiết cực đoan và con người là nguyên nhân chính.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Châu, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 26/29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chính thức; 29/29 khu công nghiệp đều đã lập hồ sơ về môi trường được Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn có ý kiến của cử tri phản ánh về khí thải, nhất là những khu công nghiệp thành lập trước đây. Còn theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thì, thông qua công tác kiểm tra 6 trạm quan trắc không khí đặt tại những điểm “nóng” về ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường Thành phố phát hiện 89% mẫu không đạt chuẩn, luôn ở mức nguy hại cao cho sức khỏe con người, trong đó lượng bụi lơ lửng sinh ra từ khói, bụi đang là nhân tố gây ô nhiễm nghiêm trọng hàng đầu trên địa bàn. Nguyên nhân được xác định là do lưu luợng các loại xe, nhất là xe tải lưu thông qua khu vực này lên đến hàng chục ngàn lượt xe mỗi ngày và tình trạng kẹt xe xảy ra ngày càng thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của các nhà máy công nghiệp cũng góp phần gia tăng lượng khói bụi đáng kể; gần 45% nhà máy, cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải ra môi trường nhưng chưa trang bị hệ thống xử lý khí thải, gây ảnh huởng trực tiếp đến đến sức khỏe của người dân sinh sống xung quanh.

Về công tác dự báo, thông qua nhiều nghiên cứu thực địa, Thượng tá, tiến sĩ Nguyễn Đăng Hội, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết: Kết quả quan trắc khí hậu tại các trạm Đồng Xoài và Phước Long thuộc tỉnh Bình Phước, trạm Biên Hòa và Tây Ninh thuộc tỉnh Đồng Nai cho thấy trong 30 năm qua (1981 - 2010) khu vực này có nền nhiệt độ gia tăng trung bình khoảng 1,20C và lượng mưa tăng khoảng 4,5%. Hay, theo kịch bản biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình năm ở địa bàn Quân đoàn 4 đứng chân gia tăng khá đều, năm 2020 nhiệt độ tăng 0,5% và duy trì đến năm 2050 là 1,4% và 2,6% vào năm 2100; còn lượng mưa dự tính tăng 0,35%/thập kỷ, tính từ mức 0,72% ở thời điểm 2020 lên mức 2,0% vào năm 2050 và đạt 3,5% những năm cuối thế kỷ 21.

Để công tác bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, các ý kiến và tham luận tại Hội thảo cho rằng, giải pháp căn cơ nhất đó là nâng cao nhận thức và hành động của con người. Vì thế, các cơ quan, ban ngành hữu quan cần chú trọng làm tốt công tác tập huấn, phổ biến và giáo dục pháp luật cho cộng đồng các doanh nghiệp; tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường xuyên, định kỳ, đột xuất); phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này. Mặt khác, cùng với tăng cường hoạt động tuyên truyền, cần làm rõ nguy hại của ô nhiễm môi trường để mọi người dân hiểu và đồng hành cùng chính quyền, theo đó các biện pháp xử lý pháp luật cần mạnh tay hơn để răn đe các đối tượng gây ô nhiễm môi trường./.