Thẩm tra dự án Luật về Hội

Theo: TTXVN
23:58, ngày 16-09-2015
Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, chiều 16-9-2015, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật về Hội.
Dự thảo Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối về hội quần chúng; đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với các hội thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Các văn bản của Đảng đã làm rõ và nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo và sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các hội.

Tuy nhiên, qua thực tiễn quản lý nhà nước về hội và tình hình tổ chức, hoạt động của hội còn có những bất cập về hệ thống pháp luật và trong tổ chức hoạt động của hội; có sự bất cập so với quy định của Hiến pháp và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. Từ những bất cập này, việc xây dựng Luật về hội để thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội là cần thiết.

Hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: tự nguyện, tự quản; tự trang trải về kinh phí; dân chủ, bình đẳng, minh bạch; không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội. Hội không nhất thiết phải tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến cơ sở (cấp xã); nếu các hội ở cấp dưới thống nhất thừa nhận điều lệ của hội ở Trung ương thì không cần xây dựng điều lệ riêng. Hội hoạt động ở cấp nào, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và quản lý nhà nước của chính quyền cấp đó.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật quy định: “Luật này quy định về quyền lập hội, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Luật này không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; hội không có tư cách pháp nhân”.

Ủy ban Pháp luật đã cho ý kiến cụ thể vào các nội dung của dự thảo luật, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; việc người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam tham gia hội; chính sách đối với hội; công nhận chức danh người đứng đầu…

Theo chương trình, dự án Luật về Hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp thứ 41 xem xét trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 sắp tới./.