TCCSĐT - Nhằm đánh giá, phản ánh một cách sâu hơn về đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số và những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, ngày 09-9-2015, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố đã phối hợp với Ban Dân tộc Thành phố tổ chức Hội thảo “Cộng đồng dân tộc thiểu số ở Thành phố Hồ Chí Minh: 40 năm hội nhập và phát triển”.
Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh TS. Trần Anh Tuấn cho biết: Là địa bàn có 51 dân tộc ít người sinh sống, với khoảng 437.500 người, chiếm 6,1% dân số Thành phố, trong đó, dân tộc Hoa, Khmer và dân tộc Chăm chiếm đa phần, tại các vùng ngoại thành có một bộ phận nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số đến từ Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ tham gia lao động phổ thông tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp,... vì vậy, trong 40 năm qua Đảng bộ và chính quyền Thành phố luôn quan tâm và thực hiện đầy đủ chính sách dân tộc phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.

Trong đó, tiêu biểu là những chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá; hay để phát triển bền vững trong đồng bào dân tộc, Thành phố đã đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và nguồn nhân lực, nên mạng lưới trường lớp tại các quận, huyện được quy hoạch, phát triển đều khắp, tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường đầy đủ. Chính vì vậy, nhiều học sinh, sinh viên đã vượt khó để tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ; có không ít gia đình là dân tộc Hoa, Chăm, Khmer… có thu nhập ngày càng cao. Ngoài ra, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc cũng được Thành phố đặc biệt quan tâm.

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, với đặc điểm là đô thị đặc biệt, trong 40 năm hội nhập và phát triển, Thành phố đã lồng ghép nhiều chính sách dân tộc để triển khai, thực hiện các dự án quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tính riêng năm 2014, Thành phố đã hỗ trợ hơn 10.700 đồng bào thuộc diện nghèo, cận nghèo, người già cô đơn, công nhân, sinh viên khó khăn tại 24 quận, huyện với số tiền 4,9 tỷ đồng. Một vấn đề rất quan trọng nữa là, trong chương trình quy hoạch, phát triển Thành phố đến năm 2020 sẽ giảm bớt khoảng cách giàu, nghèo giữa các cộng đồng người dân tộc trong đô thị.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này đã tập trung trao đổi, thảo luận nhằm góp phần xây dựng chính sách dân tộc ngày càng hoàn thiện, để tạo ra những chuyển biến tích cực, nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn Thành phố trong quá trình hội nhập và phát triển.

TS. Trần Văn Thận, nguyên Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Những năm qua, công tác quản lý nhà nước và thực hiện chính sách dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an ninh, quốc phòng. Đáng chú ý là, hệ thống chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ Thành phố đến xã, phường đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào trong đời sống và sản xuất.

Khẳng định về những chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc ít người ở nước ta nói chung và ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, TS. Phú Văn Hẳn, Phó Viện Trưởng, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn. TS. Phú Văn Hẳn đề xuất, để tiếp tục làm chuyển biến, nâng cao đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của cộng đồng Chăm nơi đây thì Thành phố cần tích cực hỗ trợ trong học tập cho sinh viên, học sinh là người Chăm, đồng thời tăng cường hơn nữa những hoạt động giao lưu văn hóa để giới thiệu và phát huy các tiềm năng văn hóa của họ.

Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS. Thành Phần, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các cơ quan chức năng cần tạo thêm điều kiện thuận lợi, nhất là về chế độ đãi ngộ cho những trường hợp điển hình trong cộng đồng người Chăm sinh sống và làm việc tại địa phương.

Theo TS. Trần Thanh Pôn, Viện nghiên cứu Giáo dục - Đào tạo phía Nam, lãnh đạo các cơ quan chức năng nêntổ chức tọa đàm, gặp mặt (một đến hai lần một năm) để trao đổi, lấy ý kiến, tìm hiểu nguyện vọng của đồng bào dân tộc trên địa bàn đối với việc nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc nói chung và những đóng góp của họ đối với sự phát triển chung của Thành phố.

Đa số các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đều nhìn nhận: Trong 40 năm qua, nhất là sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm đối với công tác dân tộc với những biện pháp cụ thể góp phần nâng cao đời sống, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Trong thời gian tới, để công tác dân tộc của Thành phố ngày càng hiệu quả, các đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền trong đồng bào dân tộc để họ hiểu sâu sắc hơn, tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách và sự chăm lo của Đảng và Nhà nước dành cho họ. Qua đó, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời, tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc, xây dựng nguồn nhân lực cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ là người dân tộc ít người để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc./.