TCCSĐT - Trước tình trạng người di cư ồ ạt vào châu Âu, lãnh đạo các nước khu vực này quyết định không thể “khoanh tay đứng nhìn” mà đã có những hành động cụ thể.

Các nước đua nhau giảm giá đồng nội tệ đang gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu

 

Tỷ giá các đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi giảm đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho thương mại thế giới.Ảnh: TTXVN

Theo cuộc khảo sát do Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh thực hiện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, tỷ giá các đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi giảm đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho thương mại thế giới. Kết quả khảo sát trên cho biết, đồng tiền yếu hơn không làm gia tăng xuất khẩu, mà lại làm giảm nhập khẩu 0,5% trên mỗi phần trăm tỷ giá hối đoái giảm so với USD. Chẳng hạn, tại Brazil, nơi tỷ giá đồng real giảm 37% trong 12 tháng qua đã làm giảm nhập khẩu 13%. Tương tự, nhập khẩu vào Nga, Nam Phi và Venezuela đã giảm đáng kể do đồng nội tệ của các nước này mất giá. Kể từ tháng 6-2014, các đồng tiền của Nga, Colombia, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Chile đã mất từ 20% đến 50% giá trị so với USD, trong khi đồng ringit của Malaysia và rupiah của Indonesia xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 1998. Hiện tại, khi việc phá giá đồng tiền trở nên phổ biến và các thị trường đang phát triển chiếm tỉ trọng lớn hơn trong Tổng sản phẩm toàn cầu (GDP), thì tác động của nó đối với nhập khẩu càng rõ rệt. Điều này giúp giải thích tại sao kim ngạch thương mại thế giới giảm 1,5% trong quý I-2015 và 0,5% trong quý II-2015.

Chuyên gia kinh tế Neil Shearing - phụ trách các thị trường mới nổi của công ty Capital Economics, cho rằng xu hướng này xuất hiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng kinh tế ở Argentina năm 2001 - 2002 khi nhiều nước có xu hướng điều chỉnh tỷ giá sau khi nhận thấy nhập khẩu giảm sút. Finacial Times cho rằng các nước đang phát triển có thể cải thiện cán cân thương mại thông qua việc giảm giá đồng nội tệ - chủ yếu nhờ nhập khẩu giảm, chứ không phải xuất khẩu gia tăng. Cách làm này đang kéo theo việc suy giảm thương mại toàn cầu và rõ ràng sẽ “không có nước nào chiến thắng”.

Hội nghị COP 21 gặp khó khăn về ngân sách tổ chức

 

Đại diện Liên hợp quốc kêu gọi các nước có khả năng đóng góp để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc vào cuối năm. Ảnh: ambafrance-vn.org

Ngày 31-8-2015, tại vòng đàm phán mới nhất về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra ở thành phố Bonn của Đức, bà Christiana Figueres, Thư ký điều hành Hiệp ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cho biết, hiện còn thiếu 1,2 triệu euro để chi trả cho các hoạt động tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 21) vào cuối năm và phiên đàm phán cuối cùng dự kiến vào tháng 10 tới. Đại diện Liên hợp quốc kêu gọi các nước có khả năng đóng góp để tổ chức sự kiện quan trọng này.

Hội nghị thượng đỉnh COP 21, với sự tham gia của 195 quốc gia, dự kiến diễn ra từ ngày 30-11 đến ngày 11-12 tại Paris, được kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận nhằm hạn chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, tại vòng đàm phán kéo dài một tuần ở Bonn lần này, các nhà thương thuyết tập trung thảo luận về bản dự thảo kế hoạch chi tiết đã được thông qua tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng 02 vừa qua. Bản dự thảo dài 86 trang với nhiều sáng kiến hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu đã nhận được sự hoan nghênh từ các bên đàm phán và giới quan sát, được đánh giá là một bước quan trọng nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên, cũng như tạo đà cho việc hướng tới một thỏa thuận toàn cầu mới. Cho đến nay, mới chỉ có 56 quốc gia - chiếm gần 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chính thức thông báo hạn ngạch cắt giảm khí thải và mức đóng góp này được ghi nhận là chưa đủ để hạn chế mức tăng nhiệt độ không quá 2°C. Theo các nhà khoa học, 2°C là mức tăng nhiệt độ cho phép nhân loại kiểm soát được các biến đổi khí hậu, quá mức này, thảm họa thiên nhiên được coi là vượt quá khả năng đối phó.

Diễn đàn kinh tế EEF: Thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Viễn Đông

 

Diễn đàn kinh tế phương Đông được kỳ vọng trở thành sân chơi quan trọng dành cho khu vực châu Á - Thái Binh Dương. Ảnh: TTXVN

Từ ngày 03-9 đến ngày 05-9-2015, Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ nhất đã diễn ra tại Đại học Liên bang Viễn Đông, trên đảo Russkyi ở Vladivostok (Liên bang Nga) với nội dung tập trung vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Viễn Đông, mở rộng hợp tác quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Diễn đàn bao gồm 27 phiên thảo luận chính theo chủ đề, 7 phiên thảo luận bổ sung, 9 bài thuyết trình, một phiên họp toàn thể trong ngày 04-9. Các phiên thảo luận đề cập nhiều vấn đề đa dạng như tiềm năng vùng Viễn Đông (Nga) trong phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương; phát triển năng lượng - động lực phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực; phát triển đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, tiềm năng du lịch; kinh tế tri thức và xã hội tri thức; giáo dục trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; dầu khí - cầu nối giữa Nga với châu Á - Thái Bình Dương; nền sản xuất và công nghệ hiện đại; phát triển lâm nghiệp;...

Diễn đàn kinh tế phương Đông được kỳ vọng trở thành sân chơi quan trọng, giống như diễn đàn kinh tế St. Petersburg nổi tiếng của Nga, dành cho khu vực châu Á - Thái Binh Dương. Chính vì vậy, Diễn đàn lần này có sự góp mặt của rất nhiều đại diện từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, việc nâng cấp Diễn đàn cũng cho thấy rõ quyết tâm trong chiến lược hướng Đông của lãnh đạo Nga, trong bối cảnh nước này đang bị Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận.

Thực trạng thất học đáng lo ngại của trẻ em ở Trung Đông - Bắc Phi

 

Mười ba triệu trẻ em tại các quốc gia đang có nội chiến, xung đột vũ trang ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi không thể đến trường trong năm học mới này. Ảnh: TTXVN

Theo Báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), rất nhiều trường học, trung tâm giáo dục, vườn trẻ tại nhiều quốc gia đang có nội chiến, xung đột vũ trang ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi bị tấn công, bắn phá, thậm chí bị san phẳng trong thời gian vừa qua. Một phần vì không có kinh phí sửa chữa, một phần vì xung đột vẫn đang tiếp tục, nên hơn 13 triệu trẻ em tại các quốc gia, như Syria, Iraq, Yemen, Libya,… không thể đến trường trong năm học mới này. Ngoài ra, rất nhiều trẻ em trong độ tuổi học sinh, song đang phải chạy tị nạn với bố mẹ, tại các địa phương khác nhau ở trong nước, hay ở các nước láng giềng, cũng không thể đến trường do điều kiện kinh tế khó khăn, hoặc do nước sở tại không có điều kiện để đáp ứng việc học hành của con em hàng triệu người tỵ nạn. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng tại các nước, như Liban, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, đã có ít nhất 700.000 trẻ em tị nạn Syria không thể đến trường trong năm học mới này vì nhiều lý do khác nhau.

Ngoài việc kêu gọi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế sớm tìm giải pháp chấm dứt các cuộc nội chiến, xung đột tại các quốc gia vùng Trung Đông - Bắc Phi, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân, trước hết là trẻ em, UNICEF kêu gọi các tổ chức nhân đạo, các nhà hảo tâm, cộng đồng doanh nhiệp,… tài trợ để xây dựng trường lớp, các cơ sở giáo dục,… nhằm giúp trẻ em ở khu vực này có điều kiện học hành, giúp các em được hưởng đầy đủ các quyền chính đáng của mình, được ghi trong Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

G20 cam kết thúc đẩy tăng trưởng lành mạnh

 

G20 khẳng định sẽ hành động quyết liệt để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Ảnh: g20.org

Sau hai ngày họp tại Thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 05-9-2015, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (gọi tắt là G20) đã ra tuyên bố chung, trong đó cam kết hành động cương quyết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cố gắng kiềm chế các động thái tiền tệ gây tác động tiêu cực sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ tháng trước.

Trong tuyên bố chung, đại diện các nền kinh tế G20 cho rằng kinh tế thế giới đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn kỳ vọng, bất chấp tăng trưởng vững mạnh tại một số nền kinh tế. G20 đưa ra cam kết sẽ không áp dụng các biện pháp phá giá tiền tệ nhằm đem lại lợi thế không công bằng cho hoạt động xuất khẩu trong nước; nhấn mạnh sẽ hành động quyết liệt để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế; đồng thời tin tưởng kinh tế toàn cầu sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Các nền kinh tế G20 cũng tuyên bố sẽ điều chỉnh thận trọng và truyền đạt rõ ràng các hành động của nhóm nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực, giảm nhẹ những bất ổn và thúc đẩy sự minh bạch trong bối cảnh các nền kinh tế chủ chốt đang tìm kiếm sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Tuyên bố chung G20 cũng kêu gọi các chính phủ và ngân hàng trung ương không lạm dụng tỷ lệ lãi suất như một công cụ để thúc đẩy hoạt động kinh tế, thay vào đó nên thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng và tạo việc làm.

Các nước châu Âu bắt đầu chung tay giải quyết khủng hoảng di cư

 

 Hàng chục nghìn người di cư ồ ạt đổ về các nước cửa ngõ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: Getty/VOV

Trong động thái bày tỏ sự chia sẻ với chính sách tiếp đón người di cư, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila tuyên bố sẵn sàng nhường lại ngôi nhà ngoại ô của mình để đón tiếp những người di cư. Ông hy vọng sẽ cổ vũ được thêm nhiều người khác cùng sẻ chia gánh nặng của cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Phần Lan dự kiến sẽ nhận khoảng 30.000 đơn xin nhập cư trong năm nay, cao hơn tới bảy lần so với năm ngoái. Trước đó, ngày 04-9, Tổ chức Olympic Quốc tế (IOC) tuyên bố sẽ lập một quỹ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng di cư tại châu Âu trị giá 2 triệu USD. Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết, trong bối cảnh những cuộc khủng hoảng kinh khủng đang bao trùm rộng khắp khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Âu, giới thể thao và IOC muốn đóng góp phần mình vào việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn.

Trong khi hàng chục nghìn người di cư ồ ạt đổ về các nước cửa ngõ Liên minh châu Âu (EU) gây ra sự hỗn loạn cũng như lúng túng trong biện pháp xử trí, EU còn phải đối mặt với sự chia rẽ giữa các nước thành viên về giải pháp hiệu quả cho vấn đề khủng hoảng này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề xuất đưa ra hạn ngạch bắt buộc cho các nước thành viên phải tái định cư cho tổng cộng 160.000 người tị nạn, bất chấp kế hoạch 40.000 trước đó đã vấp phải sự phản đối kiên quyết. Hiện Đức và Pháp ủng hộ đề xuất hạn ngạch bắt buộc trên, song ngày 04-9, Hungary, Séc, Ba Lan và Slovakia đã ra tuyên bố chung từ chối chấp nhận bất kỳ hạn ngạch nào. Các ngoại trưởng và bộ trưởng Tư pháp EU sẽ nhóm họp khẩn cấp về vấn đề di cư vào ngày 14-9 tới đây tại Brussels (Bỉ)./.