Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Sơn La: Tiềm năng, lợi thế và những khó khăn
TCCSĐT - Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Tây Bắc, có đường biên giới giáp với nhiều tỉnh thành trong nước và hai tỉnh Hủa Phăn, Luông Phra-băng của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, tỉnh Sơn La được đánh giá là một địa bàn chiến lược, có sức hấp dẫn về thu hút đầu tư.
Tiềm năng lớn để phát triển
Thứ nhất, Sơn La có tiềm năng về khoáng sản với trên 150 điểm khoáng sản, trong đó có những loại khoáng sản quý như: ni-ken, đồng ở Bản Phúc - Mường Khoa (Bắc Yên), ma-nhê-dít ở Bản Phúng (Sông Mã), than Suối Bàng (Mộc Châu), than Quỳnh Nhai và những khoáng sản quý khác như vàng, thủy ngân... Đặc biệt, với đặc điểm địa hình đồi núi, Sơn La có nguồn đá vôi, đất sét, cao lanh trữ lượng lớn, chất lượng tốt, cho phép phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, cát chất lượng cao, đá xây dựng, gạch không nung...
Sơn La cũng được biết đến là tỉnh có sản lượng thu hoạch các loại cây trồng ngắn ngày vào loại cao của cả nước, nhất là ngô (sản lượng trung bình 670 nghìn tấn/năm) và sắn (sản lượng 360 nghìn tấn/năm), bên cạnh đó là các loại cây trồng có năng suất cao khác, như cà phê, chè, chuối, mận hậu... Hiện tỉnh Sơn La đang thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các nhà máy thu gom và chế biến sản phẩm nông sản quy mô lớn trên địa bàn tỉnh nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có của địa phương và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Thứ hai, tiềm năng về du lịch - dịch vụ. Sơn La là trung tâm kết nối giữa Hà Nội - Hòa Bình với Điện Biên và Lai Châu trên trục Quốc lộ số 6, kết nối với tỉnh Thanh Hóa qua Quốc lộ 15, kết nối với Phú Thọ qua sông Đà theo Quốc lộ 43. Hai cửa khẩu Lóng Sập và Chiềng Khương của Sơn La kết nối với các tỉnh Bắc Lào, trong đó cửa khẩu Lóng Sập đang được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. Vị trí địa lý khiến Sơn La trở thành điểm trung chuyển của các hành trình du lịch liên kết Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc và nước bạn Lào (Sầm Nưa, Luông Phra-bang, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, U Đôm Xay, Xay Nha Bu Ly).
Được ví là Sa Pa của vùng Tây Bắc, Sơn La hội tụ nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên đặc sắc, như hang Chi Đảy với hệ thống thạch nhũ độc đáo, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La và Di tích Văn bia Quế Lâm Ngự Chế, công trình thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á… Bên cạnh những di tích, danh thắng là không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao với các lễ hội truyền thống và những món ăn được chế biến theo phong cách riêng của người dân nơi đây…
Thứ ba, tiềm năng về nông nghiệp. Sơn La có 927.514,95 ha đất nông nghiệp, đó là điều kiện thuận lợi để đầu tư sản xuất các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn. Hầu hết đất đai màu mỡ, tầng canh tác dày, thuận lợi để thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Sơn La có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau là lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, hai cao nguyên lớn (Mộc Châu và Nà Sản) với đất đai phì nhiêu là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và các loại rau quả có nguồn gốc ôn đới.
Tỉnh Sơn La có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi như có nhiều đồng bãi chăn thả, tổng diện tích đồng cỏ gieo trồng lớn... Ngoài ra, với quy mô lớn về số lượng, đa dạng về chủng loại theo vùng sinh thái, tỉnh Sơn La có nhiều giống gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao, như bò sữa, bò thịt, gà đen, nhím... đem lại tiềm năng, lợi thế để đầu tư có hiệu quả các dự án phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, Sơn La còn có tiềm năng về rừng, như diện tích đất để đầu tư các dự án trồng và bảo vệ rừng rất lớn và phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, Sơn La với địa hình vùng núi cao, có nhiều tiểu vùng khí hậu thích hợp để phát triển các loại thủy sản.
Sơn La có lực lượng lao động trẻ và được chú trọng đào tạo, về cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, nông, lâm, ngư nghiệp. Dân số trong độ tuổi lao động của Sơn La 721,82 nghìn người, chiếm 62,2% tổng dân số. Số lao động đã qua đào tạo là 227,37 nghìn, số lao động phổ thông là 421,63 nghìn lao động.
Bên cạnh những chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều văn bản quy định chính sách thu hút đầu tư đặc thù của tỉnh. Với mục tiêu hợp tác cùng phát triển, tỉnh Sơn La cam kết các nhà đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ các mức ưu đãi theo quy định.
Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Sơn La
Hiện nay, tỉnh Sơn La có 09 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng mức vốn đăng ký đầu tư trên 148 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các dự án FDI thực hiện với số vốn là 5,2 triệu USD, đạt 130% so với cùng kỳ năm 2014. Theo ước tính, số vốn các dự án FDI thực hiện trong năm 2015 là 10,72 triệu USD; lũy kế vốn đầu tư từ khi khởi công đến hết năm 2015 là 131,630 triệu USD.
Vốn FDI thực hiện tập trung vào các dự án có mức đầu tư lớn như dự án khai thác mỏ ni-ken Bản Phúc tại huyện Bắc Yên của Ô-xtrây-li-a và các dự án nhỏ trồng và chế biến chè, rau quả của nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1,7 triệu USD, dự kiến cả năm đạt 1,89 triệu USD, chủ yếu thuộc về dự án sản xuất tinh quặng ni-ken, dự án đổi mới phương tiện vận chuyển hành khách liên doanh với nhà đầu tư Hàn Quốc và một số dự án lĩnh vực nông nghiệp (chè, dâu tây…).
Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI tại tỉnh Sơn La hoạt động, sản xuất kinh doanh ổn định, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm lương và chế độ lao động cho người lao động theo đúng quy định, không để tình trạng đình công xảy ra. Các doanh nghiệp FDI tích cực thực hiện dự án theo đúng cam kết trong Giấy chứng nhận đầu tư và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện các chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tuyển dụng lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án.
Các dự án FDI đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích, cải thiện kết cấu hạ tầng đô thị, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước xoá đói, giảm nghèo cho người dân.
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, việc thu hút FDI vào tỉnh Sơn La còn nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng dự án FDI ở Sơn La còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Một là, kết cấu hạ tầng còn yếu kém; công tác quy hoạch đất, giải phóng mặt bằng chậm; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư chưa đủ hấp dẫn, các hoạt động xúc tiến đầu tư chưa được tổ chức thường xuyên… Hai là, Sơn La còn là một tỉnh nghèo, nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng phụ thuộc vào nguồn cân đối từ Trung ương. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp hỗ trợ nhà đầu tư chưa nhịp nhàng, còn nặng về các thủ tục hành chính.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Sơn La đang tích cực, chủ động lựa chọn và tiếp nhận nguồn vốn đầu tư; tăng cường phối hợp chặt chẽ với Trung ương trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức xúc tiến đầu tư, đồng thời cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giải phóng mặt bằng…tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn.
Sơn La cũng đang đẩy mạnh việc hình thành các khu, cụm công nghiệp; hoàn thiện đường giao thông, hệ thống điện nước để tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhiều khu, cụm công nghiệp được hình thành, như Khu công nghiệp Mai Sơn, Cụm công nghiệp Mộc Châu, Phù Yên… Bên cạnh đó, Sơn La tập trung xây dựng vùng tam giác kinh tế (Mường La, Mai Sơn và thành phố Sơn La) để trở thành trung tâm phát triển kinh tế, hành chính, đô thị của tỉnh, thúc đẩy các địa phương khác trong tỉnh cùng phát triển; xây dựng các khu đô thị mới, như Chiềng Ngần, Chiềng An, Chiềng Sinh, Chiềng Cơi - Hua La…
Đặc biệt, Sơn La đưa ra danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020. Theo đó, sẽ có 18 dự án nằm trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - khu du lịch và đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị.
Ngoài các cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ, tỉnh Sơn La đã ban hành một loạt cơ chế, giải pháp nhằm khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng cây cao su, chăn nuôi đại gia súc để khai thác, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh còn tăng cường kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của các dự án FDI đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; đẩy mạnh công tác quy hoạch chi tiết, quy hoạch sản xuất; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định chồng chéo, không phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, ưu đãi đầu tư... nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại địa bàn tỉnh Sơn La.
Trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 07-4-2009 của Chính phủ về định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới; tuân thủ chặt chẽ Chỉ thị số 1617/CT-TTg ngày 19-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư nước ngoài; triển khai nghiêm túc Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 29-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, ban hành danh mục thu hút FDI gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc để vận động thu hút các tổ chức nước ngoài đầu tư vào tỉnh Sơn La. Tỉnh Sơn La đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc tăng cường hỗ trợ cho Sơn La trong hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu các nhà đầu tư đến với tỉnh Sơn La, đồng thời tăng cường mở lớp đào tạo, tập huấn công tác xúc tiến đầu tư, kinh tế đối ngoại.
Với tiềm năng và thế mạnh vị trí chiến lược của vùng Tây Bắc, cùng những chính sách ưu đãi, hy vọng trong thời gian tới, Sơn La sẽ thu hút hiệu quả nguồn FDI, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển./.
Sơn La là một tỉnh miền núi, nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc Việt Nam. Tỉnh Sơn La cách Thủ đô Hà Nội hơn 300km theo Quốc lộ 6, phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái, phía Đông giáp tỉnh Phú Thọ và Hoà Bình, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên, phía Nam giáp tỉnh Thanh Hoá. Đặc biệt, Sơn La có 250 km đường biên giới với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào với hai cửa khẩu quốc gia là Lóng Sập và Chiềng Khương. Trong địa bàn tỉnh có sân bay Nà Sản. Tỉnh Sơn La là nơi đặt nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - Thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW, điện lượng trung bình hàng năm là 10,246 tỷ Kwh. Bên cạnh Thủy điện Sơn La, trên địa bàn tỉnh có khoảng 48 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với công suất thiết kế từ 3 - 30MW. Hệ thống điện lưới quốc gia đã được đầu tư đến 12/12 huyện với 204 xã, phường đã được cấp điện. |
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong quá trình cải cách hành chính  (04/09/2015)
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong quá trình cải cách hành chính  (04/09/2015)
Việt-Trung cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông  (03/09/2015)
Vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào  (03/09/2015)
Chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 12,4%  (03/09/2015)
Chủ tịch nước thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc  (03/09/2015)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay