Gay cấn ngày cuối đăng ký hồ sơ đại học nguyện vọng một

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
22:20, ngày 20-08-2015
TCCSĐT - Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa kết thúc, được dư luận đánh giá là giảm áp lực và nhẹ nhàng hơn cho học sinh khi sát nhập hai kỳ thi, nhưng đến giai đoạn xét tuyển lại xuất hiện các nỗi lo lắng cho thí sinh và gia đình.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 20-8, là thời hạn cuối cùng để thí sinh thực hiện việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng một vào các trường đại học, cao đẳng. Vào 17 giờ hôm nay, Bộ đã thực hiện khóa hệ thống phần mềm tuyển sinh.

Do đây là cơ hội cuối cùng của thí sinh trong đợt này nên theo dự báo của lãnh đạo các trường đại học, việc thí sinh rút hồ sơ từ trường điểm cao hơn để nộp sang trường thấp hơn sẽ đông nhất so với những ngày qua.

Hiện tượng Domino

Mặc dù đợt xét tuyển nguyện vọng một diễn ra trong 20 ngày, từ ngày 01-8 đến ngày 20-8, nhưng phải đến ngày 17-8, làn sóng thí sinh rút, nộp hồ sơ bắt đầu diễn ra ồ ạt tại tất cả các trường.

Ngày 19-8, số lượng thí sinh đến rút, nộp hồ sơ tại các trường được coi là đông nhất trong suốt từ đầu đợt xét tuyển với con số hàng nghìn thí sinh mỗi trường. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, có khoảng 500 em nộp hồ sơ và số lượng rút tương đương. Đại học Kinh tế quốc dân có ít thí sinh rút hồ sơ nhưng số nộp vào khoảng 1.000 em. Đại học Giao thông - Vận tải cũng có khoảng 600 thí sinh rút hồ sơ và lượng tương đương thí sinh nộp vào.

Thí sinh rút hồ sơ chủ yếu là các em nằm ngoài danh sách trúng tuyển dự kiến hoặc ở cuối danh sách trúng tuyển dự kiến của các trường, có nguy cơ bị “bật ra” nếu có thêm thí sinh nộp vào. Thí sinh nộp hồ sơ là những em điểm cao hơn điểm chuẩn dự kiến của trường, và vì thế có thể “đánh bật” những thí sinh đang nằm trong danh sách trúng tuyển dự kiến ra ngoài.

Thí sinh điểm cao nộp vào các trường nhóm trên. Thí sinh bị loại rút từ trường nhóm trên xuống trường nhóm giữa, khiến các thí sinh ở trường nhóm giữa bị loại và phải rút hồ sơ nộp xuống trường nhóm dưới, “đánh bật” các thí sinh ở trường nhóm dưới đã tạo nên “hiện tượng domino” trong mùa tuyển sinh năm nay. Vì thế, điểm chuẩn dự kiến của tất cả các trường đều tăng lên theo từng ngày.

Chẳng hạn, tại Đại học Kinh tế quốc dân, với khoảng 1.000 thi sinh mới đến nộp hồ sơ, tính đến trưa 19-8, điểm chuẩn dự kiến của tất cả các ngành học đã tăng từ 0,25 điểm đến 0,5 điểm so với điểm chuẩn dự kiến được trường công bố vào chiều 18-8.

Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu khổng lồ của kỳ tuyển sinh

Trong quá trình xét tuyển nguyện vọng vào đại học, cao đẳng năm 2015, kỹ thuật - công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng từ khi thí sinh xem điểm, rút - nộp hồ sơ và trong suốt quá trình cập nhật thông tin xét tuyển.

Tuy vậy, ngay tại thời điểm thông báo điểm đã xảy ra tình trạng “nghẽn mạng” trên diện rộng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải chia số liệu điểm sang cho các trường đại học để thông báo điểm cho thí sinh.

Những ngày đầu quá trình xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều vấn đề bất cập đã xảy ra. Nhu cầu và áp lực vào đại học quá lớn đã khiến nhiều thí sinh và gia đình khăn gói đến tận các trường đại học ở thành phố lớn để trực tiếp rút, nộp hồ sơ, gây nên những tốn kém, căng thẳng.

Chính vì vậy, đến giữa chặng đường xét tuyển nguyện vọng 1 (ngày 12-8), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các sở và các trường phổ thông nhận thay đổi nguyện vọng, hỗ trợ thí sinh rút, nộp hồ sơ ngay tại quê nhà. Sự điều chỉnh này đã mang lại những tác dụng đáng kể, như giúp các thí sinh giảm bớt thời gian, chi phí, công sức đi lại.

Năm nay thay vì mỗi hồ sơ đăng ký xét tuyển chỉ được chọn 1 ngành, Bộ cho phép mỗi thí sinh được chọn tối đa 4 ngành. Việc này sẽ suôn sẻ nếu khả năng lọc ảo của phần mềm hoạt động tốt nhưng việc cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây tác hại ngay từ khi nộp hồ sơ chứ không chỉ tạo nên thí sinh trúng tuyển ảo khi hết hạn nộp hồ sơ và tiến hành xét tuyển.

Với quy định nêu trên, các thí sinh điểm cao xuất hiện trong danh sách cả 4 ngành khiến các thí sinh có điểm từ trung bình đến thấp hoang mang, vì số thứ tự của họ xuống xa hơn chỉ tiêu.

Càng ngày, số lượng thí sinh điểm cao nộp đơn càng nhiều hơn nên càng thí sinh điểm tầm tầm càng lo lắng hơn. Nhiều trường đại học chưa lường hết tác động này nên chưa chuẩn bị phương tiện công nghệ thông tin hỗ trợ.

Đơn giản hóa quy trình xét tuyển để hoàn thiện kỳ thi

Việc cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây ra sự hiểu nhầm của thí sinh và phụ huynh làm cho họ không thể dựa vào số thứ tự của họ trong danh sách của ngành đăng ký. Trong đó, sự hiểu nhầm gây rắc rối lớn nhất là các nguyện vọng ưu tiên xét tuyển, khi xét tuyển 1 ngành thì nguyện vọng 1 được ưu tiên xét tuyển trước, nguyện vọng 2 được xét tuyển sau.

Thực chất nguyện vọng chỉ có tác dụng giúp trường đại học chọn lại một ngành trúng tuyển khi thí sinh có thể trúng tuyển nhiều ngành chứ ưu tiên của nguyện vọng không có tác dụng vào việc xét tuyển.

Có ý kiến cho rằng Bộ nên hạn chế mỗi thí sinh chỉ được phép chọn 1 ngành cho mỗi đợt xét tuyển như đã làm trước đây, thì sẽ không gây hoang mang cho thí sinh cũng như khó khăn cho các trường.

Có ý kiến đề xuất phương thức xét tuyển cần điều chỉnh, hiện nay việc cho phép thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng ở đợt 1 nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, song trên thực tế, việc này khiến thí sinh rất khó dự đoán và khó định hướng vị trí điểm của mình để nộp hồ sơ vào trường, hay chuyển nguyện vọng khác.

Thí sinh phải theo dõi thường xuyên thông tin trên Internet, nếu không theo dõi và nộp hồ sơ kịp thời thì rất dễ trượt. Vì vậy, Bộ chỉ nên cho phép thí sinh chọn 1 nguyện vọng trong đợt 1, sau đó chuyển sang đợt 2.

Về phía nhà trường, việc xét tuyển này làm cho các trường bị động trong việc định hướng, tư vấn cho thí sinh cũng như xây dựng phương án xét tuyển. Cụ thể việc xác định điểm chuẩn giữa các khối thi, trường hoàn toàn bị động.

Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển cũng được nhiều trường đại học cũng như phụ huynh, học sinh đánh giá là khá dài. Hiện tâm lý phụ huynh và học sinh hay chờ ngày cuối mới nộp, nhưng các trường vẫn phải bố trí lực lượng tiếp đón trong suốt 20 ngày./.