Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, suy ngẫm về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Phạm Xuân Hằng PGS,TS. Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
20:14, ngày 20-08-2015

TCCSĐT - Năm nay tròn 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, cuộc cách mạng đánh dấu sự biến đổi sâu sắc trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, vị thế của người dân đã thay đổi về chất. Một giá trị nhân quyền, dân quyền lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Cũng từ đó, Việt Nam có chỗ đứng và tiếng nói trong thế giới hiện đại. Vận hội mới đó có đóng góp quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vai trò, vị thế của Đảng do lịch sử và dân tộc giao phó

Lịch sử đất nước 85 năm qua cho thấy, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam không tách rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tế lịch sử đất nước đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là lực lượng chính trị duy nhất đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam trước khi giành chính quyền có một quá trình vừa chiến đấu, vừa tự hoàn thiện tổ chức và đường lối với biết bao hy sinh xương máu. Nhiều đảng viên ưu tú trung kiên đã hy sinh, nhiều quần chúng noi gương những chiến sĩ cách mạng, sẵn sàng hy sinh, không sợ tù đày để bảo vệ cách mạng. Uy tín của Đảng từng bước thấm sâu, ngấm lâu vào quần chúng nhân dân, được nhân dân che chở, ủng hộ, đi theo hình thành một lực lượng to lớn của dân tộc. Nhận thức được nguyên lý nhân dân làm nên lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay sau khi ra đời, đã thấy được sự cần thiết phải tập hợp sức mạnh quần chúng nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Đảng đã lãnh đạo và hòa mình cùng quần chúng lao khổ trong cuộc tranh đấu giành độc lập dân tộc. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(1). Đó là sứ mệnh, là quyền lợi của Đảng, ngoài ra, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn có lợi ích nào khác.

Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực sự là tấm gương tiên phong hy sinh, phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, được “dân tin, dân phục, dân yêu, dân theo” nên quan hệ Đảng - Dân là quan hệ máu thịt, sắt son. Như thế, quyền lãnh đạo không phải Đảng tự phong cho mình, mà do Đảng có sự trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất trong đấu tranh cách mạng và trong công tác hằng ngày gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm với những hành động thực tế của Đảng đối với đất nước, với nhân dân.

Chính vì thế, mới ra đời được 15 năm, với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã vững vàng bản lĩnh lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công và lập nên nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông - Nam Á.

Thành quả lớn lao nhất có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại ở Việt Nam là sự biến đổi đầu tiên về vị thế người dân trong lịch sử nước nhà: Trở thành người làm chủ đất nước. Thành quả Cách mạng Tháng Tám đưa Đảng Cộng sản Việt Nam từ vai trò của một Đảng chính trị tuyên truyền, vận động và lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc đã chuyển sang vị thế một Đảng cầm quyền. Đây cũng là một điểm mới, một biến đổi về chất trong lịch sử chính trị ở Việt Nam. Trong văn bản, trong ngôn ngữ hằng ngày thường nghe thuật ngữ Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền. Lãnh đạo, cầm quyền được sử dụng trong một ngữ cảnh cụ thể. Chắc chắn, không cầm quyền thì không có cơ sở để lãnh đạo nhà nước và xã hội. Song, phương thức cầm quyền cũng cần luôn được đổi mới theo sự đổi mới của đất nước.

Đảng cầm quyền có nghĩa là Đảng có quyền lực trong thực tế, với cốt lõi là quyền lực định hướng sự vận động phát triển nhà nước và xã hội Việt Nam, theo mục tiêu là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy vậy, Đảng cầm quyền, lại không có nghĩa tự biến mình thành chính quyền, làm chức năng của chính quyền, làm thay, lấn sân, đứng trên nhà nước.

Để cầm quyền bền vững, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng ta phải thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, trong đó, yếu tố làm nên sự trong sạch, vững mạnh là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là những tố chất đạo đức vốn là cốt lõi nhân cách của mỗi đảng viên, nhất là đảng viên tham gia “cầm quyền”.

Có thể nói, mức độ trong sạch, vững mạnh của bộ máy quản lý nhà nước và sự đồng thuận xã hội là tấm gương phản chiếu trình độ, năng lực cầm quyền của Đảng, cũng chính là năng lực của Đảng thực thi quyền lực định hướng phát triển nhà nước và xã hội.

Sứ mệnh cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay

Vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã thể hiện sinh động qua những thành tựu mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng to lớn; thế và lực đất nước được nâng cao trên trường quốc tế; đời sống nhân dân được cải thiện; an ninh - quốc phòng được giữ vững; kinh tế - xã hội phát triển. Tuy vậy, sự phát triển đất nước vẫn còn chậm và thiếu bền vững, quá trình đổi mới cũng sinh ra không ít những trở lực cho sự phát triển đất nước, đặt ra yêu cầu phải củng cố niềm tin trong quan hệ Đảng - Dân.

Không né tránh sự thật, Đảng ta thẳng thắn chỉ ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, những khuyết tật trầm kha, quan hệ đến sự tồn vong của chế độ.

Một đảng cầm quyền lại có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về cả tư tưởng, đạo đức, cả về phai nhạt lý tưởng, có lối làm việc tùy tiện, vô nguyên tắc thì chắc chắn làm xói mòn bản chất Đảng. Tình trạng suy thoái ấy nếu không được cấp bách đẩy lùi thì làm sao Đảng ta giữ được vị thế cầm quyền bền vững; làm sao xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; còn đâu “Đảng là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã từng tự hào; làm sao nêu gương, dẫn dắt được xã hội; làm sao có được lòng tin nơi dân để xây dựng “Quốc bảo dựng nước và giữ nước”. Đó là những câu hỏi lớn đang đặt ra cho Đảng ta trong quá trình tự đổi mới, tự chỉnh đốn hiện nay.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trước hết là bổn phận tự thân của Đảng, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn thể nhân dân lao động đối với Đảng. Một thực tế đáng ngẫm suy là, 70 năm trước chỉ có 5.000 đảng viên mà làm nên Cách mạng Tháng Tám, nay Đảng đã có gần 4 triệu đảng viên mà “cuộc chiến” đẩy lùi tham nhũng, biến chất lại khó khăn đến thế! Đảng cần tự chỉnh đốn để trong sạch, vững mạnh là đòi hỏi, là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết, vì Đảng có trong sạch, thì Đảng mới cầm quyền vững mạnh và ắt Nhà nước cũng sẽ trong sạch, vững mạnh. Đây cũng đang là nội dung và tầm nhìn của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Hơn ba năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tuy đã có biến chuyển tích cực, nhưng nhìn tổng thể chưa đạt yêu cầu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân. Dường như việc đẩy lùi những hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, biến chất chưa được nâng tầm như một cuộc chiến đấu bảo vệ chế độ? Vấn đề đặt ra cho Đảng chính là, thực hiện “cuộc chiến đấu” ấy được ráo riết hơn, quyết liệt hơn mà vẫn ổn định để phát triển. Đó chính là thể hiện năng lực lãnh đạo, là “nghệ thuật” cầm quyền của Đảng.

Để nâng cao vị thế cầm quyền, năng lực cầm quyền, Đảng phải đổi mới phương thức cầm quyền, phương thức lãnh đạo của mình. Đó là, thực hiện dân chủ trong việc xây dựng nghị quyết và ra nghị quyết; thấu triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ có tính nguyên tắc: “gắn quyền hạn với trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng lãnh đạo của các cấp ủy đảng”(2). Đảng ta là Đảng cầm quyền nên quyền hạn và trách nhiệm rất lớn, song mối quan hệ giữa quyền hạn và trách nhiệm dường như chưa được giải quyết một cách khoa học. Trong phạm vi lãnh đạo của mình, các cấp ủy có quyền hạn rất lớn, quyết định những vấn đề quan trọng của mọi lĩnh vực đời sống xã hội, cuộc sống của nhân dân, nhưng trách nhiệm của cấp ủy dường như chưa được gắn với trách nhiệm cầm quyền (pháp luật), mới dừng ở trách nhiệm cấp ủy, trách nhiệm chính trị. Thực tiễn ấy chưa thể ngang tầm vị thế Đảng cầm quyền. Quan điểm của Đại hội XI gắn quyền hạn với trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng lãnh đạo của các cấp ủy là khát vọng giải quyết thấu đáo mối quan hệ đó./.

---------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 5, tr. 249

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 144