Chiều 19-8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Pakistan Amjad Hussain B.Sial.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao những kết quả tích cực mà hai bên đã đạt được tại cuộc họp Tham khảo Chính trị, nhất là việc hai bên đã đưa ra được nhiều sáng kiến mới để thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực cũng như đạt được nhiều nhận thức chung về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ Ngoại giao hai nước sớm thiết lập đầu mối hợp tác, đồng thời phát huy vai trò là cơ quan đi đầu trong việc kết nối, thúc đẩy hợp tác hai nước; đề nghị hai Bộ Ngoại giao thông báo đầy đủ cho các bộ, ngành kết quả cuộc họp để cùng phối hợp triển khai.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Pakistan và đánh giá cao tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa, du lịch, giáo dục giữa hai bên; mong muốn hai bên hợp tác đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt mốc phát triển cao hơn so với mốc 500 triệu USD hiện nay.

Thứ trưởng Ngoại giao Pakistan một lần nữa tái khẳng định Pakistan mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau giữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, cũng như những nỗ lực chung để đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát tiển ở khu vực châu Á.

* Sáng nay, thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Pakistan, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung và Thứ trưởng Ngoại giao Pakistan Amjad Hussain B.Sial đã đồng chủ trì kỳ họp Tham khảo Chính trị lần thứ nhất tại Hà Nội.

Tại cuộc họp, hai bên khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Pakistan; hài lòng nhận thấy quan hệ hai nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với tiềm năng và nhu cầu lớn cùng những thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Hai bên nhất trí đưa ra những biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại, nông-ngư nghiệp, văn hóa-thể thao-du lịch…

Hai bên cũng nhấn mạnh cần tăng cường vai trò cầu nối của Bộ Ngoại giao hai nước nhằm tạo cơ sở vững chắc cho các mối quan hệ hợp tác khác; đồng ý tổ chức kỳ họp Tham khảo Chính trị lần thứ 2 tại Pakistan vào năm 2016; thúc đẩy tổ chức kỳ họp lần 3 Ủy ban Hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và kỳ hợp lần 4 Tiểu ban Thương mại giữa hai nước; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp nhằm khai thác tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Pakistan hoan nghênh Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như chè, hạt tiêu, cá basa vào Pakistan và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng, dầu khí, dệt may, da giầy… dưới hình thức liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn.

Cho rằng việc kết nối là điều kiện quan trong cho việc thúc đẩy giao thương, du lịch, Pakistan bày tỏ mong muốn các hãng hàng không của Việt Nam xem xét mở đường bay tới Islamabad trong thời gian tới.
Hai bên đánh giá cao sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEM, ARF; cũng như ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế xã hội ECOSOC, Hội đồng Bảo an và Hội đồng Chấp hành UNESCO.

Pakistan khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như đánh giá cao vai trò của ASEAN trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến hòa bình, ổn định của khu vực; mong muốn Việt Nam ủng hộ Pakistan thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với ASEAN trong khuôn khổ Chính sách "Tầm nhìn Đông Á".

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên cùng khẳng định hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho hợp tác, phát triển. Trên tinh thần đó, Pakistan ủng hộ nỗ lực của các bên nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông; các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; hoan nghênh các bên tuân thủ nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, đồng thời khuyến khích các bên hợp tác để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)./.