Giữ vững tố chất cao quý của Tạp chí Cộng sản
Đảng ta, một đảng cách mạng chân chính, ngay từ khi mới thành lập đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội nên càng coi lý luận chính trị có ý nghĩa đặc biệt. Đảng xác định lý luận chính trị là vạch sơn đỏ chỉ đường dẫn dắt cách mạng nước ta. Cũng chính vì thế, chỉ nửa năm sau ngày thành lập Đảng, tạp chí lý luận của Đảng đã ra đời (ngày 05-8-1930). Điều đó khẳng định sự nhạy bén chính trị và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta.
Từ ngày ra số đầu tiên đến nay, Tạp chí Cộng sản được giao trọng trách là cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đó là chức năng, nhiệm vụ căn bản, một tố chất cao quý mà Tạp chí Cộng sản có được trong suốt hành trình phát triển cùng sự lớn mạnh của Đảng, của đất nước và dân tộc.
Sự tin yêu và quan tâm của Đảng còn ở chỗ, đã đặt vị trí của Tạp chí như một Ban của Đảng; là việc ra nhiều chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác của Tạp chí trong từng thời kỳ nhất định. Sau các kỳ Đại hội Đảng, Bộ Chính trị luôn cử những đồng chí Ủy viên Trung ương hoặc các đồng chí có trình độ lý luận cao làm Tổng Biên tập của Tạp chí. Ở nước ta chỉ có Tạp chí Cộng sản và Báo Nhân dân là cơ quan ngang bộ. Nhìn ra thế giới, không có một cơ quan báo chí nào được đặt ở vị thế như vậy.
Trong 85 năm qua, Tạp chí Cộng sản đã không ngừng phấn đấu trưởng thành, đóng góp xứng đáng vào việc củng cố và ngày càng hoàn thiện kho tàng lý luận của Đảng; đồng thời tích cực tuyên truyền, cổ động những đường lối, chính sách và các quan điểm của Đảng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên các ngành, các cấp và đông đảo độc giả trong cả nước. Không chỉ là nhân chứng lịch sử, Tạp chí Cộng sản vừa là tác nhân tích cực góp phần làm nên những thắng lợi hào hùng của cách mạng nước ta. Tạp chí Cộng sản là công cụ quan trọng và đắc lực của Đảng để phát động và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ trọng đại của đất nước và dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, và gần đây, trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tạp chí Cộng sản luôn bắt nhịp những giai điệu của đời sống xã hội, là một trong những cơ quan báo chí xung kích trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Chính vì thế, Tạp chí Cộng sản luôn được coi là “khuôn vàng thước ngọc” về ngôn ngữ báo chí, là nơi cống hiến cho kho tàng báo chí cách mạng Việt Nam nhiều tác phẩm vang vọng và thuyết phục lòng người. Chúng ta có quyền tự hào là nhiều lãnh đạo của Đảng ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu… đã viết bài cho Tạp chí Cộng sản. Càng tự hào hơn bởi Tổng Biên tập hoặc trong Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản có những nhà lãnh đạo và nhà báo kiệt xuất như đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Quỳnh, Trần Quang Huy, Đào Duy Tùng… Không chỉ có vậy, Tạp chí còn là nơi đào tạo, rèn luyện phẩm chất chính trị, trí tuệ cho nhiều cán bộ để trở thành những lãnh đạo cốt cán của Đảng, trong số đó, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng hiện nay.
Vì sao Tạp chí Cộng sản có được những tố chất cao quý như vậy? Đó là vì Tạp chí như lá cờ đầu trong hùng hậu rừng cờ báo chí, là tạp chí lý luận và chính trị tiên phong, là nơi thu hút, hội tụ và truyền bá những vấn đề lý luận và chính trị sâu sắc nhất mà chúng ta có được, là nơi tôn chỉ, mục đích luôn được đề cao và đặt lên hàng đầu. Tố chất lý luận và chính trị là ngọn cờ thắp sáng từng trang, từng dòng, từng chữ trên Tạp chí, là ngọn lửa thiêng trong lòng mỗi người cầm bút và làm báo của Tạp chí chúng ta. Biết bao thế hệ những người làm báo của Tạp chí đã truyền cho nhau ngọn lửa ấy để Tạp chí mãi mãi là một trong những cơ quan báo chí trọng yếu của Đảng. Ngọn lửa ấy đã đào luyện ra nhiều cây bút lý luận của Tạp chí có uy lực, trở thành những nhà lý luận tài ba của Đảng.
Trong chiều dài 85 năm phát triển của Tạp chí Cộng sản, tôi rất may mắn được là một cán bộ của Tạp chí trong hơn 20 năm, gần bằng 1/4 chặng đường mà Tạp chí Cộng sản đã trải qua. Đây là thời gian mà Đảng ta chuẩn bị mọi điều kiện về lý luận và thực tiễn để tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Trong giai đoạn lịch sử ấy, Tạp chí đã có nhiều bài viết về những vấn đề lý luận góp phần làm cơ sở để Đảng ta đưa ra những chủ trương, quyết sách cho công cuộc đổi mới. Nhiều cuộc hội thảo lý luận hết sức ấn tượng của Tạp chí đã tổ chức để đưa tới những kết luận quan trọng giúp Trung ương nghiên cứu, cân nhắc. Đó là những cuộc bàn luận sâu sắc về đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, trong đó khâu quan trọng là “làm cho sản xuất bung ra”, từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp. Nền kinh tế của đất nước thời kỳ đó gặp vô vàn khó khăn, lạm phát phi mã, sản xuất đình đốn, nhưng có lý luận mở đường, từng bước quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông được tháo gỡ. Công cuộc đổi mới như một cuộc cách mạng đã được phát động và triển khai, đưa tới sự chuyển động trong mọi mặt của đời sống xã hội để đất nước vượt lên, đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tạp chí Cộng sản vinh dự là một trong những chiếc nôi nuôi dưỡng những phát kiến về lý luận đổi mới trong thời điểm quan trọng ấy. Cũng chính trong thời gian này, Tạp chí đã có những cây bút tài danh: Đào Duy Tùng, Hồng Chương, Hà Xuân Trường, Nguyễn Phú Trọng, Hà Đăng, Nguyễn Văn Đặng, Vũ Văn Tiên, Tiến Hải, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Trọng Thụ, Lê Xuân Vũ, Xuân Trình, Văn Đức, Hữu Hạnh, Trần Quang Nhiếp, Nhị Lê (Phạm Đình Đảng), Phạm Tất Thắng… Có lẽ chưa bao giờ Tạp chí Cộng sản lại sinh thành được nhiều người viết lý luận như thế. Cũng trong giai đoạn này, tôi được tham gia rất nhiều đợt sinh hoạt bồi dưỡng về lý luận, nghiệp vụ làm Tạp chí; những sinh hoạt trao đổi rút kinh nghiệm hằng tuần về các ấn phẩm của Tạp chí đã xuất bản. Đó là những sinh hoạt thú vị và đậm nét lý luận, chính trị.
Báo chí Việt Nam đang tiến lên, phát triển với đôi chân thần tốc của khoa học công nghệ và tiến bộ xã hội. Nhiều loại hình báo chí mới xuất hiện lập tức cạnh tranh chiếm lĩnh dư luận xã hội và thách đố quyết liệt đối với các loại hình báo chí truyền thống. Chưa bao giờ như bây giờ, trong báo in có báo hình, báo điện tử; trong báo hình có báo in, trong báo nói có cả báo hình, báo in và báo điện tử… Đó là những vấn đề đặt ra đối với toàn bộ sự nghiệp báo chí cách mạng nước ta. Trong bức tranh chung của làng báo chí Việt Nam, Tạp chí Cộng sản cũng không đứng ngoài cuộc. Cho đến nay, Tạp chí Cộng sản đã có 05 ấn phẩm: Tạp chí Cộng sản ra ngày 01 hằng tháng, Tạp chí Cộng sản chuyên đề cơ sở, Tạp chí Cộng sản điện tử, Chuyên san Hồ sơ sự kiện, Chuyên đề “Đoàn kết và phát triển”.
Như vậy, Tạp chí Cộng sản đã có diện mạo mới, có thêm nhiều hướng phát triển và đủ điều kiện để tham gia “sân chơi” báo chí hiện đại. Từ đó lại có hai luồng suy nghĩ: Một là, kỳ vọng về sự phát triển vượt bậc của Tạp chí Cộng sản trong thời kỳ mới. Hai là, khi đã phát triển nhiều ấn phẩm như vậy, liệu có giữ được tố chất của cơ quan lý luận và chính trị được không? Cả hai vấn đề đặt ra đều hết sức nghiêm túc và đều cần có lời giải xác đáng.
Trước hết, phải xác định một cách mạnh mẽ rằng, Tạp chí Cộng sản mãi mãi nhất định phải là Tạp chí lý luận và chính trị, không thể chạy theo thị trường mà Tạp chí trở thành một tờ báo. Giả dụ có biến thành một tờ báo thì còn xa ta mới theo kịp được báo Thanh niên, Tuổi trẻ, thậm chí cả báo Lao động, Tiền phong. Là cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương, nhất định chúng ta không được xa rời tôn chỉ, mục đích. Vì thế, dù có cả 05 ấn phẩm khác nhau, chúng ta vẫn thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được Đảng giao phó.
Hãy nói về từng ấn phẩm. Thứ nhất là Tạp chí Cộng sản truyền thống, chỉ cần giữ như hiện nay và đổi mới từng bước về nội dung và hình thức là đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đối với Tạp chí Cộng sản chuyên đề cơ sở, rất cần nhấn mạnh nội dung chuyên đề, không chạy theo những báo cáo tình hình của từng địa phương cơ sở. Đã là Tạp chí chuyên đề phải nêu cho được những vấn đề mới đang nảy sinh ở cơ sở, cả những vấn đề muôn thuở nhưng nay đã giải quyết đến đâu. Tuyệt đối tránh ấn phẩm này chỉ là nơi báo cáo thành tích hoặc chỉ là thông tin tình hình. Tạp chí Cộng sản điện tử không chỉ là điện tử hóa các ấn phẩm của Tạp chí, mà cần phải có tính đặc thù, hấp dẫn của một tờ báo điện tử có thương hiệu: báo điện tử lý luận và chính trị. Ngay cả ấn phẩm Hồ sơ sự kiện cũng cần có những hồ sơ và những sự kiện hoặc hồ sơ về những sự kiện theo đúng tên gọi của nó vì đó là ấn phẩm của Tạp chí. Có biết bao sự kiện đã qua và đang diễn ra cần được phân tích, bình luận và hướng dẫn dư luận cho người đọc; biết bao nhiêu chỉ thị, Nghị quyết của Đảng như: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, “Tuyên ngôn độc lập”, Nghị quyết về cách mạng miền Nam, về Khoán 10, Khoán 100,… cần được phân tích thật thấu đáo những nội dung, ý tưởng sáng tạo và những giá trị lớn lao của những sự kiện đó. Rất cần tránh Hồ sơ sự kiện của Tạp chí lại na ná một chuyên san của một tờ báo nào đó. Chuyên đề Đoàn kết và Phát triển cũng cần đưa ra những chuyên đề đích thực nhưng với cách giải thích cặn kẽ, mộc mạc, dễ hiểu để truyền bá kiến thức, kinh nghiệm cho những người uy tín, già làng, trưởng bản ở vùng sâu, vùng xa.
Giữ vững tôn chỉ mục đích của Tạp chí Cộng sản như giữ ngọn lửa thiêng, truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Điều quan trọng nhất là chất lửa cách mạng phải được cháy mãi trong trái tim và tâm trí của các đồng chí trong Ban Biên tập và trong tất cả các biên tập viên, cán bộ, nhân viên. Chỉ cần đội ngũ lãnh đạo thiếu kiên định, không giữ vững lập trường, quan điểm, chạy theo lợi nhuận thì toàn bộ hệ thống các ấn phẩm của Tạp chí sẽ bị nhuốm màu thị trường, mất sức chiến đấu và tính định hướng của một cơ quan báo chí lý luận, chính trị. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, không bao giờ có tình trạng như vậy. Vì thế, Ban Biên tập cần thường xuyên giáo dục tư tưởng chính trị đối với toàn thể Bộ Biên tập, xây dựng chương trình kế hoạch bài vở với nội dung xuyên suốt là lý luận và chính trị, thường xuyên bồi dưỡng những kiến thức lý luận và nghiệp vụ; bám sát thực tiễn; tăng cường quan hệ mật thiết với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, đơn vị. Nên chăng, cần tổ chức lại các ban chuyên môn sao cho đủ sức thực hiện những chức năng, nhiệm vụ của mình. Phải có các ban chuyên môn đủ mạnh để đảm đương toàn bộ nội dung của các ấn phẩm của Tạp chí thì chất lý luận và chính trị mới được nâng cao. Quan trọng nhất vẫn là đào tạo được các cây bút của Tạp chí. Các đồng chí cán bộ trẻ hiện nay có trình độ cao và có năng lực để trở thành nhà báo giỏi. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng sự dư thừa tự tin của một nhà báo nhưng lại rất thiếu tố chất lý luận chính trị trong những tác phẩm của mình.
Tám mươi lăm năm đã trôi qua kể từ ngày Tạp chí ra số đầu. Ôn lại truyền thống của Tạp chí, chúng ta càng nhận thức sự cần thiết của việc giữ vững tôn chỉ, mục đích của một cơ quan lý luận và chính trị của Đảng. Giữ vững tố chất cao quý của Tạp chí Cộng sản là trụ vững và là động lực để Tạp chí ngày càng vươn tới bắt nhịp trào lưu báo chí đương đại và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong giai đoạn cách mạng mới./.
Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở nước ta trong điều kiện hiện nay  (29/07/2015)
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức  (28/07/2015)
Thủ tướng đôn đốc tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật  (28/07/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên