TCCSĐT - Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thành phố Cần Thơ đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận và những bài học kinh nghiệm quý báu. Điều đó tạo tiền đề cho thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian tới.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956). Bốn tháng sau, ngày 29-3-2010, Thành ủy Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 27/CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020. Trong năm 2010, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định tạo hành lang pháp lý và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt việc thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Thành phố theo Đề án 1956.

Để bảo đảm thống nhất về nhận thức trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị quán triệt cho cán bộ chủ chốt và lãnh đạo các sở, ban, ngành, các quận, huyện, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn về Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020; chỉ đạo bổ sung cán bộ chuyên trách quản lý công tác dạy nghề ở các quận, huyện. Trên cơ sở tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động ở 279.584 hộ; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề ở 276 doanh nghiệp và năng lực đào tạo của 52 cơ sở dạy nghề trên địa bàn, Ban Chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ đã xác định trong giai đoạn 2011 - 2014, mỗi năm thành phố cần đào tạo nghề hơn 4.700 lao động nông thôn. Bước đầu, Ban Chỉ đạo chọn quận Cái Răng và huyện Thới Lai làm điểm chỉ đạo thực hiện Đề án; đồng thời yêu cầu các quận, huyện tập trung chỉ đạo các xã điểm triển khai thực hiện thí điểm Đề án theo mô hình các lớp đào tạo nghề kết hợp với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Song song với việc đẩy mạnh công tác truyên truyền thông qua việc xây dựng các chuyên trang, chuyên đề về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Cần Thơ, các đài truyền thanh quận, huyện,… Ban Chỉ đạo Đề án còn kết hợp với Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện lồng ghép các chương trình tuyên truyền, tư vấn về dạy nghề cho hội viên, đoàn viên trong các hoạt động thường xuyên. Nhờ đó, theo nhận định của Ban Chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ, qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án 1956 (2010 - 2014), Thành phố đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xã hội ngày càng quan tâm hơn đến việc triển khai thực hiện Đề án; thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hợp tác xã tham gia dạy nghề, hỗ trợ và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề.

Những mô hình và cơ hội mới cho lao động nông thôn

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, ngoài 70 cơ sở dạy nghề, thành phố Cần Thơ còn huy động được 37 đơn vị (chủ yếu là các doanh nghiệp) tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Hầu hết các cơ sở, đơn vị này cơ bản đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn tại cơ sở dạy nghề cũng như tại các xã, phường. Ngoài 205 giáo viên tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn (trong đó gần 70% có trình độ cao đẳng, đại học; trên 7% có trình độ sau đại học), hằng năm ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ đều tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức sư phạm và kỹ năng dạy học cho những người dạy nghề không phải là giáo viên của các trường, trung tâm, dạy nghề nhằm bảo đảm chất lượng dạy nghề cho người lao động.

Giai đoạn 2010 - 2014, với nguồn kinh phí đầu tư 71,4 tỷ đồng (trong đó hơn 37 tỷ đồng là ngân sách địa phương) Thành phố đã mở 567 lớp dạy nghề, thu hút 19.308 lao động nông thôn theo học (đạt 84% kế hoạch). Trong số 60 nhóm nghề đã tiến hành đào tạo (25 nhóm nghề nông nghiệp, 35 nhóm nghề phi nông nghiệp), hầu hết đều do các quận, huyện đăng ký trên cơ sở gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và qua khảo sát nhu cầu lao động tại chỗ, bước đầu phát huy hiệu quả. Đến cuối năm 2014, trong số 19.308 lao động nông thôn theo học đã có 18.830 lao động hoàn thành khóa học. Có 13.810 lao động trong số này đã có việc làm sau khi học nghề (đạt tỷ lệ 73,34%). Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố ngày càng tăng: năm 2010 là 42%, năm 2013 là 48% và đến cuối năm 2014 là 50,07%. Mặt khác, thông qua các lớp dạy nghề, nhiều lao động nông thôn đã có điều kiện tiếp cận với một số ngành nghề mới, thêm cơ hội tìm việc làm, nhiều nông hộ nhờ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án 1956, thành phố Cần Thơ đã xây dựng được nhiều mô hình điểm về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Điển hình như từ 2 mô hình “Trồng lúa giống” do Trường Đại học Cần Thơ đào tạo và mô hình “May công nghiệp” do Trường Trung cấp nghề Thới Lai tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai đạt hiệu quả cao, đến nay Thành phố đã xây dựng và nhân rộng được 54 mô hình với 1.755 lao động nông thôn được đào tạo và có việc làm. Ngoài ra, các mô hình đào tạo nghề kết hợp với giải quyết việc làm tại chỗ như may gia dụng, đan lát, làm việc tại hộ gia đình, chăn nuôi, trồng trọt; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm theo hình thức hợp đồng 3 bên (cơ sở dạy nghề - doanh nghiệp - địa phương) như: nề, hàn, sửa xe gắn máy,… đã giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Riêng trong năm 2014, mô hình đào tạo nghề thợ hàn ở quận Ô Môn theo đơn đặt hàng của Công ty LiLama; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân ở các khu dân cư vượt lũ đã giúp nhiều lao động có việc làm, cải thiện mức sống. Từ những mô hình này, nhiều địa phương đã có kinh nghiệm bước đầu trong việc chủ động hợp tác, lựa chọn doanh nghiệp có năng lực về chuyên môn, có khả năng giải quyết việc làm sau đào tạo, giải quyết đầu ra sản phẩm của người lao động để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Còn đó nhiều hạn chế, bất cập

Tuy đạt được một số kết quả bước đầu nhưng theo nhận định của Ban Chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ, việc triển khai thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể là:

- Việc phân cấp thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề ở một số địa phương chưa có sự thống nhất, còn qua nhiều đầu mối (có nơi giao cho Hội Nông dân, có nơi giao cho Hội Phụ nữ, có nơi giao cho Đoàn Thanh niên hay Trung tâm Học tập cộng đồng phụ trách các lớp dạy nghề). Do vậy, công tác chỉ đạo, hướng dẫn dạy nghề, giải quyết việc làm chồng chéo, kém hiệu quả.

- Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, định hướng tư vấn, giới thiệu việc làm chưa được chú trọng đúng mức; nhiều nơi chưa xác định được những nghề cần đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chưa định hướng đúng việc giải quyết việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo nghề. Vì thế, một số lớp sau đào tạo có tỷ lệ giải quyết việc làm rất thấp.

- Nhiều quận, huyện, cơ sở dạy nghề chưa phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong xây dựng kế hoạch và kiểm tra giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn hằng năm. Trong khi đó, hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án 1956 ở nhiều địa phương kém năng động, kém hiệu quả do thiếu cán bộ, thiếu kinh phí,…

- Sự phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ; thiếu chính sách đãi ngộ đặc thù đối với giáo viên có kinh nghiệm và năng lực dạy nghề; thiếu những cơ chế, chính sách có tính ràng buộc doanh nghiệp gắn kết với cơ sở dạy nghề và địa phương trong đào tạo, tuyển dụng lao động nông thôn.

- Công tác giải quyết việc làm cho học viên sau khi học nghề còn nhiều khó khăn; chưa huy động được các nguồn lực để tham gia dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực Nhà nước; chưa xây dựng và thực hiện được các mô hình thí điểm về dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Một số quận, huyện giao chỉ tiêu học nghề cho các xã, phường, thị trấn nhưng không dựa trên cơ sở nhu cầu học nghề của địa phương. Để đạt được chỉ tiêu, nhiều địa phương huy động cả người có nhu cầu học nghề lẫn người không có nhu cầu học nghề đến lớp, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả đào tạo.

- Sau khi học nghề, nhiều người không có điều kiện phát triển nghề, tự tạo việc làm do kinh phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhiều lao động nông thôn. Ngoài ra, nhiều nông dân sau khi học nghề được vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp, nhưng một thời gian lại bỏ việc vì không quen làm việc theo tác phong công nghiệp.

Bài học kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề

Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, Ban Chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ rút ra một số bài học kinh nghiệm:

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Song song với việc điều tra, khảo sát nhu cầu đối tượng để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, chính quyền và các cơ quan chức năng cần thường xuyên quan tâm công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức phong phú, phương pháp đa dạng để nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và hiệu quả của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin về cơ chế, chính sách từ Đề án 1956 để dễ dàng tham gia học nghề, lập nghiệp.

- Bên cạnh việc hướng dẫn các địa phương xây dựng các mô hình đào tạo nghề mới cần tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình đã thực hiện có hiệu quả để giải quyết việc làm sau đào tạo nghề.

- Đào tạo nghề phải theo yêu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp, của người dân nông thôn. Các lớp đào tạo nghề phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn nhất định. Kiên quyết không mở các lớp dạy nghề chạy theo chỉ tiêu, thành tích.

- Việc tuyển chọn cán bộ chuyên trách công tác dạy nghề ở các quận, huyện phải bảo đảm về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực quản lý dạy nghề, tránh các trường hợp bố trí cán bộ dạy nghề kiêm nhiệm quá nhiều công việc dẫn đến hạn chế chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề.

- Tăng cường phối hợp giữa ngành lao động - thương binh - xã hội với các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát các lớp dạy nghề tổ chức tại các địa phương, kiên quyết không ký hợp đồng đối với các cơ sở đào tạo nghề không bảo đảm chất lượng, dẫn đến tình trạng không giải quyết được việc làm cho lao động sau khi học nghề.

- Cần tạo nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vay sau khi sau khi học nghề để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Đề án 1956.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Đề án xác định từ nay đến năm 2020 phấn đấu đào tạo nghề cho 28.750 lao động nông thôn; trong đó, chú trọng dạy nghề cho những người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác do tác động từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt tối thiểu là 80%. Nguồn vốn đầu tư cho công tác đào tạo nghề trong giai đoạn này ước tính khoảng 179 tỷ đồng, trong đó hơn 97 tỷ đồng là ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn khác.

Ban Chỉ đạo Đề án đã đề ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:

Một là, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức xã hội về trách nhiệm tham gia thực hiện Đề án 1956, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện đời sống lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hai là, tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề; chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; xây dựng chương trình, giáo trình… để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề nông nghiệp.

Ba là, huy động nhiều thành phần xã hội tham gia dạy nghề; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo; tiến tới thực hiện hợp đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Bốn là, giao cho các xã, phường; quận, huyện chủ động trong việc lựa chọn nghề đào tạo, đơn vị đào tạo và ưu tiên chọn những đơn vị đào tạo có chất lượng cao, bảo đảm nhiều lao động tìm được việc làm sau khi đào tạo.

Năm là, tăng cường xây dựng các mô hình dạy nghề đạt hiệu quả cao để nhân rộng toàn Thành phố; đồng thời thông qua các tổ chức, đoàn thể giúp nhiều người lao động được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh từ các nghề đã học.

Sáu là, trong tổ chức dạy nghề, chú trọng mở lớp ở các xã xây dựng nông thôn mới; đồng thời, quan tâm cải tiến chế độ ăn, ở, đi lại, tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn an tâm học nghề, nhất là những người thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất canh tác…

Bảy là, ưu tiên dạy nghề cho nông dân làm nghề nông có yêu cầu trình độ cao như: nuôi trồng thủy sản thâm canh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sản xuất giống vật nuôi cây trồng, chế biến nông thủy sản, cơ khí nông nghiệp; nông dân tham gia các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, cánh đồng lớn,.../.