Hoạt động của Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản tại Cộng hòa Séc
TCCSĐT - Tại Cộng hòa Séc, Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản đã triển khai hoạt động thực tiễn ở một số địa phương nhằm tìm hiểu tình hình phát triển Đảng của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại cũng như đời sống của bà con tại đây; đồng thời nắm bắt những thông tin về hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Séc thời gian qua.
Tìm hiểu về đời sống của bà con tại Cộng hòa Séc, Đoàn công tác được biết, đây là cộng đồng người Việt Nam đông đảo nhất ở châu Âu với 65.000 người (chưa kể những người mang quốc tịch Séc) và là cộng đồng duy nhất được nước sở tại công nhận là dân tộc thiểu số nhờ tính lịch sử và tính hội nhập cao của cộng đồng. Nhìn tổng quát, thế hệ đầu của cộng đồng sinh sống tại Séc, chủ yếu hoạt động kinh doanh và khá thành công. Thế hệ thứ hai của cộng đồng đã có sự chuyển biến tích cực, tham gia học tập, nghiên cứu và làm việc tại nhiều ngành, nghề, lĩnh vực quan trọng khác của Séc, như ngành y, kỹ thuật, luật… và có sự hội nhập tốt được nước sở tại đánh giá cao.
Gặp gỡ Chi bộ Ta-khốp ở khu thương mại của cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Pra-gien, PGS,TS. Vũ Văn Phúc chia sẻ sự vui mừng về đời sống bà con ổn định, khá giả, công tác Đảng được duy trì, phát huy tốt trong cộng đồng. Đây là chi bộ mang tính đặc thù nằm ở vùng biên giới giáp ranh giữa Cộng hòa Séc và Cộng hòa liên bang Đức, các đảng viên chủ yếu là những tiểu thương. Mặc dù kinh phí hoạt động còn eo hẹp, Chi bộ đã nỗ lực không ngừng để duy trì hoạt động, bảo đảm công tác phát triển đảng, góp phần chăm lo đời sống của bà con. Các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Chi hội phụ nữ,… cũng được Chi bộ quan tâm khuyến khích thông qua sự phân công chuyên trách tới từng đồng chí đảng viên trong Chi bộ. Đời sống vật chất của bà con được bảo đảm với thu nhập tương đối ổn định, bà con yên tâm kinh doanh. Cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư hiện đại hơn, chuyên nghiệp hóa, đa dạng về chủng loại, mẫu mã hàng hóa, thu hút đông lượng khách hàng quốc tế. Chi bộ đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của bà con, như tổ chức đều đặn các ngày lễ kỷ niệm quan trong của đất nước, các ngày lễ tết truyền thống (Ngày Tết nguyên đán, Ngày Phụ nữ Việt Nam 8-3, Ngày quốc tế Lao động 1-5, Ngày Tết thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu…). Các hoạt động xã hội được duy trì như hỗ trợ gia đình khó khăn, quyên góp ủng hộ bà con gặp thiên tai trong nước,… Chi bộ cũng chú trọng tuyên truyền bà con tham gia đóng góp vào công tác đảng, tạo điều kiện cho các quần chúng ưu tú được đứng vào hàng ngũ của đảng.
PGS,TS. Vũ Văn Phúc thăm khu thương mại của cộng đồng người Việt Nam ở tỉnh Pra-gien, Cộng hòa Séc
Đối với công tác đối ngoại, Chi bộ đã chú trọng công tác đối ngoại nhân dân. Thông qua tiếp xúc khách hàng là người dân bản địa, khách hàng quốc tế tranh thủ sự ủng hộ, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt là để bạn hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam. Những kết quả đáng khích lệ kể trên trong thời gian qua của Chi bộ Ta-khốp đã được Đảng ủy ngoài nước ghi nhận. Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản mong muốn Chi bộ phát huy hơn nữa sự đoàn kết của cộng đồng nơi đây cũng như góp phần vào thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới.
Ngoài buổi làm việc với Chi hội Ta-khốp, Đoàn công tác cũng đã tìm hiểu hoạt động của Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Hội hoạt động với Ban Chấp hành gồm 97 thành viên, 48 chi hội, 28 hội thành viên, như Hội Phụ nữ, Hội phật tử, Hội văn học - nghệ thuật,… trải khắp toàn lãnh thổ Cộng hòa Séc. Hội người Việt Nam ở Cộng hòa Séc là một trong những hội đoàn lớn mạnh, có vai trò gắn kết chặt chẽ cộng đồng người Việt Nam tại Séc. Hội tích cực kết nối người Việt Nam với chính quyền nước sở tại, tạo điều kiện tốt về pháp lý, cơ sở vật chất cho bà con.
Trong các buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo của Hiệp hội, chi bộ, đoàn thể bày tỏ sự quan tâm của bà con tới tiến trình Đại hội XII của Đảng, tình hình trong nước, vấn đề Biển Đông,… Để thông tin kịp thời về mối quan tâm của bà con tại Cộng hòa Séc, PGS,TS. Vũ Văn Phúc đã có buổi nói chuyện, thông báo nhanh về những vấn đề này.
PGS,TS. Vũ Văn Phúc thông báo Dự thảo báo cáo chính trị và Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng cho các Bí thư chi bộ và cán bộ đảng viên ở Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc
Về Đại hội XII của Đảng, PGS,TS. Vũ Văn Phúc khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong 5 năm tiếp theo. Trong 5 năm qua, với bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tác động đến nước ta, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng: một là, nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước, nhưng vẫn đạt tốc độ khá và có chiều hướng phục hồi. Hai là, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Ba là, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Bốn là, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Năm là, dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy. Sáu là, công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt một số kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện; nhiều hạn chế trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí,… Trước những thành công và hạn chế trên, PGS,TS. Vũ Văn Phúc thông tin cho biết về một số bài học rút ra sau 5 năm thực hiện Đại hội XI của Đảng, cùng với đó là 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII.
Về tổng kết 30 năm Đổi mới, PGS,TS. Vũ Văn Phúc đã điểm lại một số bài học từ những thành tựu cũng như hạn chế, khuyết điểm. Mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm 2016 - 2020 được đề cập tới trên cơ sở dự báo về tình hình trong nước, khu vực và thế giới. Ngoài ra, còn các nội dung khác được PGS,TS. Vũ Văn Phúc giới thiệu, trao đổi như: vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ; phát triển văn hóa, xây dựng con người; quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc,…
Cũng trong thời gian làm việc tại Cộng hòa Séc, Đoàn công tác đã có dịp tiếp xúc với một trong những đại diện của các doanh nghiệp Séc - Liên đoàn Công nghiệp và giao thông của Séc. Trao đổi thông tin với đoàn, Trưởng Ban đối ngoại của Liên đoàn, ông Lukas Martin đã bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế giữa hai nước. Đặc biệt, ông L. Martin nhấn mạnh, chuyến thăm Séc của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vừa qua (tháng 5-2015) đã mang lại nhiều cơ hội hợp tác cho hai nước. Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, hiện nay, hai nước chú trọng tăng cường quan hệ với kỳ vọng Séc sẽ hỗ trợ Việt Nam trong một số ngành thế mạnh như: công nghệ sản xuất thủy tinh pha lê trên cơ sở khai thác nguồn nguyên vật liệu dồi dào của Việt Nam; ngành sản xuất cơ khí, cụ thể là hiện đại hóa các đầu máy xe lửa trước đây Việt Nam đã mua của Tiệp Khắc;... Đề cập tới những khó khăn trong hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước, PGS, TS. Vũ Văn Phúc cho biết, mặc dù hai nước thúc đẩy quan hệ thương mại trong những năm qua, song do cơ chế cũng như thủ tục pháp lý hiện nay còn rất hạn chế, gây cản trở cơ hội kinh doanh của cả hai bên. PGS,TS. Vũ Văn Phúc bày tỏ mong muốn phía Chính phủ Cộng hòa Séc tạo điều kiện hơn nữa để cấp thị thực cho các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu và đầu tư tại Séc; phía Séc tích cực hơn trong trao đổi thông tin nhằm tạo thêm sự hiểu biết lẫn nhau về nhu cầu đầu tư từ hai phía. Tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại song phương là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy quan hệ truyền thống 65 năm qua của hai nước./.
Tuyên truyền chống xuyên tạc chia rẽ nhân dân Việt Nam - Campuchia  (06/07/2015)
Khai mạc kỳ họp thứ 13 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV  (06/07/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng  (06/07/2015)
Điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa Bolivar Venezuela  (06/07/2015)
Người dân góp 27.000 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn  (06/07/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên