Đại tướng Hoàng Văn Thái - nhà quân sự, chính trị xuất sắc

Cao Thị Hải Ủy viên Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.
16:16, ngày 04-05-2015

TCCSĐT - Sinh ngày 01-5-1915 tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay là xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), Đại tướng Hoàng Văn Thái (Hoàng Văn Xiêm) là người con ưu tú của quê lúa Thái Bình có truyền thống cần cù lao động, bất khuất ngoan cường chống chọi thiên nhiên và giặc ngoại xâm. Ông là một vị tướng đức độ và tài năng của cách mạng Việt Nam, một trong những người có ảnh hưởng quan trọng đối với việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, người có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc.

Tấm gương về lòng trung thành vô hạn với Đảng

Có thể khẳng định, Đại tướng Hoàng Văn Thái là một nhà chính trị xuất sắc, một tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, một nhân cách lớn; có lối sống trung thực, nhân ái, giản dị, khiêm tốn, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trở thành đảng viên của Đảng từ năm 1938, khi hoạt động trong phong trào công nhân, lúc vận động cách mạng trong nông dân ở đồng bằng hoặc rừng núi, dù bị địch bắt, tù đày, đồng chí Hoàng Văn Thái luôn nêu gương sáng về ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, chỉ dẫn, ông không ngừng phấn đấu rèn luyện trở thành một cán bộ đức độ, tài năng. Ngay cả khi sức khỏe bị suy giảm, ông vẫn đem hết tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và quân đội đến hơi thở cuối cùng.

Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn chú ý giữ mối quan hệ gắn bó với các ngành, với lãnh đạo các cấp ở địa phương; phát hiện, đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội nhiều chủ trương có tính chiến lược và tầm nhìn sâu rộng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quan điểm về coi trọng nhân tố chính trị tinh thần, quốc phòng nhân dân, mối quan hệ giữa con người với vũ khí trang bị...

Ông có tác phong sâu sát cơ sở, thuyết phục cấp dưới với thái độ tôn trọng thân ái, lắng nghe, yêu cầu cấp dưới nghiêm túc, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và thường xuyên quan tâm đời sống vật chất, tinh thần và tâm tư, tình cảm của bộ đội. Khi ông còn ở chiến khu Việt Bắc, một số người “Việt Nam mới” (những sĩ quan Nhật Bản ở lại Việt Nam theo Việt Minh kháng chiến) trong Bộ Tổng Tham mưu đã nhận xét về Đại tướng Hoàng Văn Thái: “Có được một cấp chỉ huy hiểu thấu lòng người như vậy thì nhân tài nào mà không thu phục được!”.

Luôn nêu cao đức tính lao động cần cù, cần, kiệm, giản dị, khiêm tốn, trung thực, nhân hậu, chan hòa, có dũng khí bảo vệ chân lý, không bao giờ dùng uy quyền; Đại tướng Hoàng Văn Thái thường được cán bộ và nhân dân gọi là “Nhân tướng”.

Vị tướng chỉ huy tài năng, nhà quân sự xuất sắc

Ngày 07-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Bộ Tổng Tham mưu, chỉ định Hoàng Văn Thái làm Tổng Tham mưu trưởng. Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông khẩn trương tìm hiểu nhiệm vụ, tập hợp và đào tạo cán bộ, nghiên cứu tổ chức biên chế. Ông chú trọng cơ quan tình báo và cơ quan tác chiến, xây dựng hệ thống thông tin mật mã; đào tạo và huấn luyện được đặt thành nhiệm vụ trung tâm trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang. Năm 1949, ông đề xuất hệ thống ký hiệu tổ chức đơn vị quân đội Việt Nam theo ký hiệu A, B, C,... để từ đó đến nay, các ký hiệu này vẫn được sử dụng thống nhất trong toàn quân.

Trên các cương vị Tổng Tham mưu trưởng, Tham mưu trưởng trong các Ban Chỉ huy, đảng ủy viên các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Đường 18, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta.

Sau Hiệp định Pa-ri (năm 1973), giữ cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, phụ trách tác chiến và chi viện chiến trường, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ông đã góp phần thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tạo thế và lực cho toàn quân, toàn dân ta nắm bắt thời cơ giành thắng lợi quyết định trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Không những có kinh nghiệm về công tác tham mưu, Đại tướng Hoàng Văn Thái còn là một vị tướng chỉ huy tài năng. Trong Chiến dịch Biên Giới, đồng chí trực tiếp chỉ huy trận Đông Khê, tiêu diệt cứ điểm phòng ngự kiên cố của địch, mở ra khâu đột phá có ý nghĩa quyết định, tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt nhiều binh đoàn của địch.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị được giao, ông có công phát triển chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Lộc Ninh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968), Chiến dịch Tây Ninh, Chiến dịch Xuân Hè năm 1972; phát động phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân, đánh bại cuộc hành quân Toàn Thắng, Chen la 1, Chen la 2 năm 1970, 1971 của địch. Ông là người luôn kiên quyết trong tiến công, vững vàng lúc khó khăn, kiên trì phấn đấu vượt qua những thử thách lớn, tăng cường sức mạnh đoàn kết, giữ vững và nâng cao ý chí chiến đấu của quân và dân ta.

Khi tham gia soạn thảo kế hoạch tác chiến hai năm 1975 - 1976, Đại tướng Hoàng Văn Thái nhận định: Dù bằng cách nào và bất cứ khi nào thời cơ chiến lược xuất hiện thì các lực lượng phải ngay lập tức hành động và khai thác triệt để thời cơ, mở cuộc tấn công bằng mọi sức mạnh giành toàn thắng trong thời gian ngắn nhất trước khi “đối phương có xu hướng can thiệp”. Lịch sử đã chứng minh những nhận định này hoàn toàn chính xác.

Cả cuộc đời gắn bó với từng bước xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, với hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tham gia chỉ huy 15 chiến dịch lớn, Đại tướng Hoàng Văn Thái được đánh giá là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam; trở thành một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc, là người tổ chức, chỉ huy đầu tiên của Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, là một danh tướng trí dũng song toàn. Đồng chí đã vận dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh hiện đại hết sức nhuần nhị, lấy ít thắng nhiều, lấy nhu thắng cương, lấy đoản chế trường, lấy yếu thắng mạnh và khi có thời cơ thì thần tốc, táo bạo kiên quyết tấn công giành thắng lợi. Đồng chí là người giỏi về lý luận khoa học quân sự và đã có nhiều cống hiến quan trọng vào công tác nghiên cứu khoa học quân sự, tổng kết chiến tranh, xây dựng ngành lịch sử quân sự Việt Nam.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về tướng Hoàng Văn Thái: “Là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa được quân đội ta và nhân dân ta mến phục”. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Hoàng Văn Thái là tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Đảng, phụng sự nhân dân, nêu cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, sống nhân ái “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Đại tướng Hoàng Văn Thái đã đi xa, nhưng công lao và sự nghiệp của Đại tướng vẫn trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam và hòa vào dòng chảy truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương Thái Bình./.