Hưởng ứng tinh thần ngày Quốc tế Lao động (01-5), hoạt động kỷ niệm ngày này đã diễn ra tại nhiều nước với nhiều cam kết của các nhà lãnh đạo cải thiện đời sống cho người dân lao động.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã khẳng định cam kết của Chính phủ đối với việc bảo đảm quyền lợi của giai cấp công nhân trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ và nạn tham nhũng đang khiến người dân không mấy hài lòng về cách điều hành đất nước của nữ chính khách cánh tả này.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Rousseff nhấn mạnh trong suốt 13 năm qua, ngày Quốc tế Lao động luôn là dịp kỷ niệm và đề cao những chiến thắng của giai cấp công nhân.

Bà khẳng định Chính phủ sẽ luôn bảo vệ và đấu tranh cho quyền lợi của công nhân bất chấp việc Ngân hàng Trung ương nước này và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái trong năm nay.

Nhà lãnh đạo cánh tả nhấn mạnh Chính quyền Brasilia sẽ tiếp tục duy trì những chính sách xã hội mang lại nhiều quyền lợi hơn nữa cho người dân cũng như bảo đảm tiền lương tối thiểu của người lao động luôn cao hơn giá cả thị trường.

Trong khi đó, các liên minh và liên đoàn lao động cùng ngày đã tuần hành tại Sao Paulo nhân ngày Quốc tế Lao động nhằm phản đối dự luật mới đây của Chính phủ cho phép các công ty được tuyển dụng lao động nước ngoài. Đám đông tuần hành cảnh báo dự luật trên nếu được thông qua sẽ đe dọa đến quyền lợi của giai cấp công nhân.

Brazil đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ kèm theo nạn tham nhũng gia tăng trong nước, trong đó có vụ bê bối tham nhũng mới bị phanh phui tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras khiến uy tín của đảng liên minh cầm quyền của Tổng thống Rousseff sụt giảm.

Brazil đón nhận những tín hiệu kinh tế không mấy khả quan khi Ngân hàng Trung ương Brazil dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2015 sẽ giảm 0,58%, xuống mức thấp kỷ lục trong 20 năm trở lại đây.

Trước tình hình kinh tế trong nước khó khăn, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff khẳng định Chính phủ nước này sẽ duy trì lâu dài chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm tái cân bằng nền kinh tế và thu hẹp lỗ hổng về tài chính của Chính phủ.

Cùng ngày, tại Ecuador, hàng chục nghìn người dân nước này, trong đó có Tổng thống Rafael Correa, đã xuống đường tuần hành nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ đương nhiệm.

Xuất hiện cùng với các bộ trưởng, các thành viên hội đồng cùng các quan chức chính phủ tại trung tâm thương mại Santo Domingo ở Thủ đô Quito, Tổng thống Correa nhấn mạnh những cải cách gần đây mà Chính phủ đã triển khai như việc tăng lương tối thiểu đã mang lại nhiều lợi ích cho người lao động. Ông đồng thời lưu ý với những người ủng hộ rằng các đối tượng phản đối đang có kế hoạch lật đổ Chính phủ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017.

Trong khi đó, các thành phần và tổ chức phản đối Chính phủ cùng ngày cũng xuống đường biểu tình để bày tỏ sự không hài lòng đối với các quyết sách của Chính quyền Quito.

Tại một số thành phố như Guayaquil ở miền Tây Nam và Cuena ở miền Nam, các cuộc tuần hành ủng hộ và phản đối chính quyền đương nhiệm cũng diễn ra song song.

Tổng thống Correa nắm quyền từ năm 2007 và tái đắc cử vào tháng 02-2013 trong nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 4 năm. Ông là một trong những nhà lãnh đạo cánh tả nổi bật ở Mỹ Latinh và là tổng thống đầu tiên cầm quyền trọn vẹn một nhiệm kỳ tại Ecuador trong vòng hai thập kỷ qua.

Ecuador là một trong những quốc gia có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất Mỹ Latinh trong thời gian qua chủ yếu nhờ những chính sách xã hội và chi tiêu công hiệu quả mà mà chính quyền Tổng thống Correa đã và đang triển khai.

Còn tại châu Âu, nhiều cuộc mít-tinh, tuần hành lớn nhân dịp ngày Quốc tế Lao động đã diễn ra tại một số thành phố ở Đức với sự tham dự của hàng trăm nghìn người.

Để bảo đảm an ninh trong ngày này, lực lượng cảnh sát trên toàn nước Đức đã được huy động tối đa để bảo vệ những người tham gia mít-tinh, tuần hành cũng như ngăn chặn nguy cơ bạo động xảy ra.

Trong khi đó, tại Thủ đô Paris của Pháp, hàng nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình để phản đối với các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Chính phủ và yêu cầu cắt giảm chi tiêu công. Tuy nhiên sự kiện này không thu hút được nhiều người tham gia như năm trước.

Phát biểu trong cuộc tuần hành, lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động Pháp khẳng định các biện pháp thắt lưng buộc bụng đang kìm hãm ngành dịch vụ công trên toàn châu Âu.

Tháng trước, Chính phủ pháp đã khẳng định rằng nền kinh tế quốc gia lục lăng có thể tăng trưởng 1% trong năm tới. Mặc dù vậy giới chuyên gia nhận định rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu vẫn rất dễ tổn thương.

Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande cũng cam kết sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống mức mà EU đặt ra khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2017./.