TCCSĐT - Đồng bằng sông Hồng trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược thuộc địa bàn Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn (nay là Quân khu 3), có vị trí chiến lược quan trọng, vừa là chiến trường trọng điểm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, vừa là hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ. Mùa Xuân năm 1975, quân và dân đồng bằng sông Hồng đã phát huy sức mạnh tổng lực chi viện miền Nam mở cuộc Tổng tiến công chiến lược giành thắng lợi cuối cùng.

Thực hiện nhiệm vụ tuyển quân, bổ sung lực lượng chủ lực chi viện chiến trường

Vận dụng kinh nghiệm và cách làm hay từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng khẩn trương, cấp bách, Quân khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn gấp rút tổ chức tuyển quân với số lượng lớn. Chỉ trong thời gian ngắn, 2 quân khu vừa hoàn thành việc tuyển quân theo chỉ tiêu giao, vừa tổ chức huấn luyện, kịp thời bổ sung cho các đơn vị bộ đội chủ lực chi viện miền Nam.

Ở Quảng Ninh, Quân khu Tả Ngạn phối hợp với Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tiến hành điều tra cơ bản, nắm chắc từng địa bàn, chủ động lập kế hoạch tuyển quân, đẩy mạnh xây dựng các phân đội dự bị thành “Đơn vị chủ lực tại xã”. Nhiệm vụ tuyển quân chi viện chiến trường được đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các chi, đảng bộ, có sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể. Giữa tháng 02-1975, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị cán bộ quán triệt chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và nghị quyết của Quân ủy Trung ương về công tác quân sự địa phương trong tình hình mới. Tại hội nghị, Tỉnh ủy phát động phong trào ra quân mùa xuân, tập trung vào nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất và động viên tuyển quân, thực hiện kế hoạch giao quân cả năm 1975 trong một đợt, một ngày.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 20-02-1975, huyện Đông Triều mở đầu khí thế giao quân của toàn tỉnh hoàn thành gọn một đợt trong ngày, vượt chỉ tiêu cả năm 5%. Sau Đông Triều, các huyện Yên Hưng, Hoành Bồ, thị xã Uông Bí cũng hoàn thành vượt chỉ tiêu tuyển quân cả năm trong một ngày. Đến giữa tháng 3-1975, các huyện, thị xã còn lại của tỉnh đều hoàn thành vượt chỉ tiêu tuyển quân. Với tinh thần “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt, vì Đà Nẵng - Gò Công kết nghĩa”, Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng chọn huyện An Thụy (nay là huyện An Lão, Kiến Thụy và quận Kiến An) làm điểm chỉ đạo công tác tuyển quân đầu năm 1975. Trong ngày 18-3, huyện bàn giao vượt chỉ tiêu 10,4%, trong đó xã Quang Hưng vượt 97%, xã Tân Trào vượt 32%... Ngoài chỉ tiêu kế hoạch tuyển quân năm, Hải Phòng còn xây dựng và tăng cường cho Quảng Nam - Đà Nẵng (thành phố kết nghĩa với Hải Phòng) một tiểu đoàn mang tên “Hải Đà”, gồm 672 cán bộ, chiến sĩ là công nhân tự vệ các cơ quan, xí nghiệp của thành phố tình nguyện gia nhập quân đội. Ngày 18-3-1975, Tiểu đoàn Hải Đà có mặt ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 29-3-1975, Tiểu đoàn tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, góp phần làm vẻ vang truyền thống “trung dũng, quyết thắng” của thành phố Cảng và truyền thống “trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” của Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ cuối tháng 01 đến hết tháng 4-1975, Hải Phòng có 33 tiểu đoàn hành quân vào chiến trường. Đến ngày 15-4-1975, các tỉnh còn lại trên địa bàn châu thổ sông Hồng đều hoàn thành chỉ tiêu giao quân cả năm trong một đợt. Riêng tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chính phủ biểu dương.

Huy động vật chất, phương tiện chi viện miền Nam

Để chi viện tối đa sức người, sức của cho quân và dân miền Nam, thực hiện chỉ thị của Hội đồng Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn thành lập Hội đồng chi viện miền Nam, tập trung chỉ đạo lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ lao động, sản xuất và huy động tối đa của cải chi viện cho chiến trường. Các địa phương dấy lên các phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Giờ làm việc giải phóng miền Nam”, “Thanh niên tình nguyện vượt mức kế hoạch”... Tiêu biểu: tỉnh Ninh Bình đóng góp 135.000 tấn thóc, tích lũy cho hợp tác xã tăng thêm 5.500 tấn; Nam Hà đóng góp 110.000 tấn thóc, 9.000 tấn thịt lợn, cung cấp riêng cho chiến trường 8.600 tấn lương thực và 4.000 tấn thực phẩm trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975...

Đầu tháng 4-1975, Hải Phòng giữ vị trí là đầu mối giao thông quan trọng chi viện cho chiến trường. Từ Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái ở phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An ở phía Nam, các đoàn tàu hỏa, xe vận tải, ca-nô, xà lan chở các loại đạn pháo lớn như 130, Đ74, H12, lựu pháo 122, đạn ĐKB, B40, B41… về cảng Hải Phòng. Thành phố Hải Phòng huy động những đội bốc xếp giỏi nhất, hàng trăm xe vận tải, xe chở khách, hàng chục tàu thuyền, xà lan biển tham gia giải tỏa hàng hóa. Trường lái xe Quân khu Tả Ngạn tham gia giải tỏa được 11.717 tấn hàng, vận chuyển cho Quân khu được 845 tấn. Những đoàn tàu kéo theo xà lan mang tên “Hải đoàn quyết thắng” xuất phát từ Cảng Hải Phòng và Cảng Chùa Vẽ kịp thời vận chuyển vũ khí phục vụ cuộc tiến công thần tốc trên chiến trường. Trong số các con tàu trên, có 02 tàu vận tải của Đại đội 35 (Quân khu Tả Ngạn) kết hợp với tàu của Hải quân vận chuyển quân đổ bộ lên Đà Nẵng, bảo đảm an toàn, đúng thời gian quy định.

Để kịp thời cơ động Sư đoàn 338C của Bộ Quốc phòng đang đóng quân trên địa bàn Quân khu Hữu Ngạn vào vị trí dự bị chiến lược tại Thác Cóc (Quảng Trị), từ ngày 10 đến 28-4-1975, Quân khu Hữu Ngạn tổ chức lực lượng vận tải để cơ động sư đoàn vào chiến trường. Kết hợp với sự chi viện của Bộ, Quân khu huy động xe của các đơn vị thành một tiểu đoàn phục vụ nhiệm vụ vận chuyển. Chỉ trong thời gian ngắn (từ ngày 15 đến 28-4-1975), lực lượng vận tải Quân khu đã vận chuyển 215 chuyến xe, kịp thời cơ động Sư đoàn 338C đến vị trí đóng quân theo quy định.

Chi viện cán bộ tiếp quản vùng mới giải phóng, tiếp nhận an dưỡng, thực hiện chính sách cho thương, bệnh binh

Chấp hành chỉ thị của Bộ Quốc phòng về việc chi viện chiến trường, làm nhiệm vụ tiếp quản vùng mới giải phóng, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn cùng Thành ủy Hải Phòng lựa chọn hàng ngàn cán bộ, đảng viên hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, an ninh, quản lý kinh tế, công nhân kỹ thuật, bác sĩ, nhân viên y tế, trong đó có 500 người quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng tham gia tiếp quản các thành phố miền Nam mới được giải phóng. Cán bộ công nhân Cục Đường biển và Cảng Hải Phòng khẩn trương vào làm nhiệm vụ ở các hải cảng mới giải phóng, góp phần ổn định tình hình, cùng nhân dân địa phương xây dựng cuộc sống mới.

Từ tháng 3 đến cuối tháng 4-1975, quân dân miền Nam liên tục thắng lớn, vùng giải phóng được mở rộng, chấp hành chỉ thị của Bộ Quốc phòng về việc chi viện kịp thời cho chiến trường, làm nhiệm vụ tiếp quản thu hồi, sửa chữa xe, súng, pháo tại Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn nhanh chóng thành lập 02 đội sửa chữa chi viện Đà Nẵng. Ở các tỉnh, thành phố, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, các cơ quan, tổ chức đảng và chính quyền chuẩn bị đội ngũ cán bộ các ngành từ 300 đến 400 người sẵn sàng bổ sung cho các địa phương kết nghĩa miền Nam làm nhiệm vụ tiếp quản vùng mới giải phóng.

Cuộc kháng chiến của quân và dân ta ngày càng quyết liệt, lực lượng thương, bệnh binh từ chiến trường miền Nam ra ngày càng lớn. Hai Quân khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn được giao nhiệm vụ tổ chức các đoàn an dưỡng tiếp nhận quân nhân chiến đấu từ miền Nam ra an dưỡng, chữa bệnh và tiến hành giải quyết chính sách cho thương binh, bệnh binh, cán bộ, chiến sĩ không đủ sức khỏe về địa phương hoặc chuyển ngành. Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn thống nhất với các tỉnh, thành phố: Cơ quan Quân khu và các Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố cử một bộ phận gồm tham mưu, chính trị, hậu cần giúp cấp ủy, chỉ huy thành lập các đoàn an, điều dưỡng thương, bệnh binh. Quân khu có các đoàn 215, 253, 581, 582, 583. Các tỉnh, thành phố có các đoàn 151 (Hải Phòng), 153 (Thái Bình), 155 (Hải Hưng), 587 (Hòa Bình), 157 (Hà Bắc)... Mỗi đoàn có từ 05 đến 06 khung tiểu đoàn đón thương, bệnh binh. Bên cạnh đó còn có Viện Quân y 7, Viện Quân y 5 và các đại đội điều trị của 2 quân khu. Từ năm 1967 đến sau Đại thắng mùa Xuân 1975, cả 2 Quân khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn đã đón tiếp và điều trị cho 241.824 thương, bệnh binh, trong đó có 52.916 sĩ quan và 188.908 hạ sĩ quan, chiến sĩ; giải quyết bổ sung trở lại quân đội, phục viên, chuyển ngành 219.309 đồng chí, gồm 48.113 sĩ quan, 171.168 hạ sĩ quan, chiến sĩ.

Với những thành tích to lớn chi viện sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 nói riêng, quân và dân đồng bằng sông Hồng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng nhất. Nhiều đơn vị và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Quân ủy Trung ương biểu dương quân và dân Quân khu “Đoàn kết, nghiêm chỉnh, sáng tạo. Chi viện tiền tuyến hết lòng, chiến đấu dũng cảm, xây dựng lực lượng tốt, xây dựng hậu phương vững mạnh”. Chiến công và thành tích đó góp phần đắc lực cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, nhận thức rõ tính chất của Quân khu 3 - Quân khu đồng bằng sông Hồng vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, sẵn sàng cho tác chiến phòng thủ, đồng thời đủ khả năng chi viện cho chiến trường khác.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bằng sông Hồng luôn có vị trí chiến lược quan trọng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, địa bàn đồng bằng sông Hồng là đầu mối giao thông Bắc - Nam, hướng phòng thủ chiến lược từ phía Đông Nam bảo vệ Thủ đô Hà Nội, nơi trực tiếp tiếp nhận sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới cho cách mạng Việt Nam. Đây cũng là chiến trường trọng điểm trong hai lần chiến tranh phá hoại miền Bắc của địch bằng không quân và hải quân. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, quân và dân đồng bằng sông Hồng phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng đẩy mạnh sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện đắc lực sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, đồng thời, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân vững mạnh, đủ sức đối phó cuộc chiến tranh phá hoại của địch.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, thực hiện quan điểm của Đảng: mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đã chú ý đầu tư phát triển các ngành nghề, các cơ sở công nghiệp lưỡng dụng, các công trình hạ tầng cơ sở trọng điểm, nắm và quản lý chắc các loại phương tiện dự bị động viên, sẵn sàng huy động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng khi cần thiết. Quân khu cũng hoàn chỉnh kế hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đến năm 2020; triển khai nhiều dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng, nhất là những dự án kinh tế liên quan đến địa hình ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng...

Thứ hai, nhận thức sâu sắc về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng trận địa lòng dân vững chắc để tận dụng tối đa nhân lực, vật lực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đồng bằng châu thổ sông Hồng có địa hình tương đối bằng phẳng, ít rừng núi, gây khó khăn cho ta trong quá trình tổ chức chiến đấu. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tập trung đông dân, có truyền thống yêu nước, đánh giặc giữ nước. Vì thế, để tác chiến thắng lợi, huy động được nhân dân tích cực tham gia kháng chiến, cung cấp nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến trên địa bàn và cho cả nước, một trong những yếu tố quyết định là phải tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, động viên được tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy (Thành ủy), ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, giữ vững niềm tin của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước, cảnh giác và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương thực hiện ngày càng tốt hơn công tác vận động quần chúng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là tại địa bàn biên giới, biển đảo, địa bàn nhiều khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số và trọng điểm về tôn giáo.

Thứ ba, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng vững mạnh làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp nên đã đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên địa bàn và huy động 1,2 triệu quân chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định cần tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đủ khả năng đối phó hiệu quả các tình huống xảy ra, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Trong xây dựng tổ chức, biên chế, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thực hiện ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phân đội làm nhiệm vụ A2; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng, sức mạnh chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Đến nay, lực lượng dân quân tự vệ của Quân khu đã được xây dựng hợp lý về số lượng và quy mô tổ chức, phù hợp với Luật Dân quân tự vệ, phù hợp với sự chuyển đổi của cơ chế quản lý kinh tế, với đặc điểm của từng địa phương, cơ sở.

Thứ tư, phát huy hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cả nước xuất hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn như: “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Cờ Ba nhất”... Cùng với triển khai các phong trào trên, trên địa bàn hai Quân khu Tả Ngạn và Hữu Ngạn xuất hiện nhiều phong trào yêu nước như: “Chiếc gậy Trường Sơn” của xã Hòa Xá (tỉnh Hà Tây), “Sấm dậy đường 5 cắm cờ quyết thắng” của tỉnh Hải Hưng, “Nổi trống phất cờ, nhất tề đứng dậy, thanh niên lên đường chống Mỹ, cứu nước ” của thành phố Hải Phòng, “Đất mỏ kiên cường chống Mỹ, cứu nước” của tỉnh Quảng Ninh..., qua đó thu hút được toàn dân, toàn quân vào các hoạt động yêu nước, tạo sức mạnh to lớn trong lao động sản xuất xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, chi viện cao nhất sức người, sức của cho đồng bào miền Nam đánh Mỹ.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động yêu nước gắn với cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”,... mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương./.