Quyết tâm đối thoại, mở trang sử mới trong hệ giữa Mỹ và Cuba
Cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có cuộc hội đàm lịch sử bên lề Hội nghị OAS 7.
Trong một động thái có ý nghĩa lịch sử, ngày 11-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) và Chủ tịch Cuba Raul Castro (Ra-ul Ca-xtơ-rô) đã tiến hành cuộc hội đàm tại Panama. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo hai nước trong 56 năm qua.
Các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul diễn ra trong hơn 1 giờ tại một phòng họp báo của trung tâm Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 ở thủ đô Panama City. Mở đầu cuộc hội đàm, Tổng thống Obama đã cảm ơn Chủ tịch Cuba về tinh thần cởi mở đối với Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ tái khẳng định chính sách áp dụng hơn 50 năm qua của Washington đối với La Habana “đã lỗi thời và không hiệu quả”, đồng thời nhấn mạnh nay là thời điểm gác lại quá khứ để bắt đầu con đường mới hướng tới một trang mới cho quan hệ hai nước trong tương lai. Ông cho rằng ưu tiên hiện nay là mở các đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước. Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Obama cũng tuyên bố ông không cho rằng Cuba có mối liên quan nào tới chủ nghĩa khủng bố và ông sẽ quyết định vấn đề đưa La Habana ra khỏi danh sách này trong “ít ngày tới”. Tuy nhiên, ông Obama thừa nhận “vẫn còn một số bất đồng lớn giữa hai bên”, như vấn đề nhân quyền và tự do báo chí.
Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nêu bật sự cần thiết phải đối thoại về mọi đề tài liên quan tới quan hệ song phương, bao gồm cả những bất đồng và quan điểm trái ngược. Chủ tịch Cuba tái khẳng định mặc dù vẫn còn nhiều khác biệt trong lịch sử quan hệ phức tạp giữa 2 bên, “nhưng chúng tôi đang sẵn sàng để tiến lên”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các bước tái thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có việc mở đại sứ quán và thúc đẩy trao đổi giữa nhân dân hai nước, cũng như “tất cả những gì mà hai quốc gia láng giềng có thể làm”. Tuy nhiên, Chủ tịch Cuba cũng cho rằng quá trình bình thường hóa quan hệ song phương sẽ đòi hỏi các bên phải “hết sức kiên nhẫn".
Cuộc hội đàm lịch sử trên diễn ra gần 4 tháng sau khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương sau hơn nửa thế kỷ đối địch. Sau tuyên bố trên, hai nước đã nhanh chóng có những bước đi cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến trình này, đặc biệt là 3 vòng đối thoại về nối lại quan hệ được tổ chức lần lượt Washington và La Habana thời gian qua và cuộc đối thoại về nhân quyền lần đầu tiên giữa hai bên mới đây.
Tham dự cuộc hội đàm ngày 11-4, còn có Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Susan Rice (Su-dân Rai-xơ); Trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách Tây Bán Cầu Roberta Jacobson (Rô-bơ-ta Gia-cốp-xơn), cùng 2 quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ là Ben Rhodes (Ben Rô-đơ) và Ricardo Zuniga (Ri-ca-đô Du-ni-ga). Về phía Cuba có Ngoại trưởng Bruno Rodríguez (Bru-nô Rô-đri-ghết), Vụ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal (Hô-xê-phi-na Vi-đan), và các quan chức trong Ủy ban An ninh và Quốc phòng Alejandro Castro Espín (A-lếch-gian-đrô Ca-xtơ-rô Ét-pin) và Juan Francisco Arias (Hoan Phran-xi-xcô A-ri-át).
Đến nay, cuộc gặp cấp cao nhất giữa Mỹ và Cuba diễn ra vào tháng 4-1959 giữa Phó Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon và lãnh tụ Fidel Castro, thời điểm đó đang giữ chức Thủ tướng Cuba.
Khẳng định quyết tâm đối thoại, mở trang sử mới
Theo AFP, tại cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương sau nhiều thập kỷ thù địch. Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định quyết tâm đối thoại, tiến tới tái thiết lập quan hệ ngoại giao và mở ra trang sử mới trong mối quan hệ nhiều chông gai giữa hai nước.
Trong cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo hai nước từ hơn 5 thập kỷ qua tại thành phố Panama, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7, Chủ tịch Castro đã nêu bật sự cần thiết phải đối thoại về mọi vấn đề liên quan tới quan hệ song phương, kể cả nhân quyền và những vấn đề gây bất đồng khác. Chủ tịch Cuba tái khẳng định mặc dù vẫn còn nhiều khác biệt trong lịch sử quan hệ phức tạp giữa hai bên, “nhưng chúng tôi đang sẵn sàng để tiến lên,” đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các bước tái thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có việc mở đại sứ quán và thúc đẩy trao đổi giữa nhân dân hai nước, cũng như “tất cả những gì mà hai quốc gia láng giềng có thể làm.” Tuy nhiên, Chủ tịch Cuba cũng cho rằng quá trình bình thường hóa quan hệ song phương sẽ đòi hỏi các bên phải “hết sức kiên nhẫn."
Tổng thống Obama cũng thừa nhận tính phức tạp của mối quan hệ song phương nhưng nhấn mạnh đã tới lúc “phải cố gắng làm điều gì khác sau 50 năm giữ nguyên một chính sách,” khẳng định sẵn sàng duy trì đối thoại trực tiếp giữa hai nước. Tổng thống Obama nhận định hai nước “đang bắt đầu một con đường hướng tới tương lai và gác lại quá khứ sau lưng,” đồng thời cảm ơn Chủ tịch Cuba về “tinh thần cởi mở đối với” Mỹ. Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý sẽ tiếp tục gây sức ép lên Cuba trong vấn đề nhân quyền.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7, ông Obama và ông Castro lần lượt phát biểu trong một cuộc trao đổi công khai chưa từng có tiền lệ giữa các nhà lãnh đạo của hai đối thủ thời Chiến tranh Lạnh.
Ông Obama nói: "Sự thay đổi này trong chính sách của Mỹ là một bước ngoặt đối với toàn bộ khu vực của chúng ta. Việc Chủ tịch Castro và tôi đều ngồi ở đây ngày hôm nay đã đánh dấu một cơ hội lịch sử."
Về phần mình, Chủ tịch Castro khẳng định "Tổng thống Obama là một người thành thực," đồng thời cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ đang có "động thái tích cực" bằng việc xem xét loại Cuba khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh vai trò của mối quan hệ với Cuba
Ngày 11-4, tại phiên họp toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) lần thứ 7, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết việc nước này và Cuba tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương sẽ đánh dấu sự thay đổi quan trọng về quan hệ hợp tác trong khu vực.
Ông Obama khẳng định việc Mỹ thay đổi chiến lược ngoại giao với Cuba sẽ là dấu mốc lịch sử quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực; cho rằng sự thay đổi mang tính bước ngoặt này sẽ đem lại những cơ hội lớn về triển vọng phát triển hợp tác liên Mỹ.
Tuy nhiên, ông Obama đánh giá để đạt được mục tiêu đã đề ra, Washington và La Habana sẽ cần vượt qua rất nhiều rào cản đặc biệt là khi vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng giữa hai nước trong nhiều vấn đề và cho biết ông và Chủ tịch Cuba Raul Castro sẽ tiếp tục thảo luận với nhau để giải quyết được những điểm khác biệt còn tồn tại.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) lần thứ 7 ở Panama, Tổng thống Obama nêu rõ: "Đây là cuộc nói chuyện thẳng thắn và có kết quả giữa tôi và ông Raul Castro. Chúng tôi đã có thể nói chuyện một cách ngay thẳng về những khác biệt và những mối quan ngại của chúng tôi theo cách mà tôi cho là sẽ đem lại khả năng đưa mối quan hệ giữa 2 nước chúng tôi đi theo một chiều hướng khác tốt đẹp hơn.”
Ông tiếp tục: “Chúng tôi có quan điểm rất khác nhau về cách thức tổ chức xã hội. Và tôi đã nói rất thẳng với ông ấy rằng chúng tôi sẽ không ngừng đề cập đến các vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tự do hội họp và tự do báo chí."
Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời cho rằng cuộc gặp này có thể là một “bước ngoặt” trong tiến trình 2 nước đang tìm cách khôi phục đầy đủ quan hệ ngoại giao.
Ông cũng nhấn mạnh: “Một phần thông điệp của tôi ở đây là Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Mục đích của chúng tôi không phải là thay đổi chế độ ở Cuba. Cuba không phải là mối đe dọa đối với Mỹ”.
Dư luận Mỹ Latinh về cuộc gặp thượng đỉnh Cuba-Mỹ tại Panama
Ảnh minh họa.
Ngay sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) lần thứ 7 tại Panama, chiều 11-4, nhiều nhà lãnh đạo khu vực và báo chí đã lên tiếng ca ngợi cuộc tiếp xúc trực tiếp này.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff coi cuộc gặp thượng đỉnh Cuba-Mỹ là sự kết thúc những tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, đồng thời khẳng định quan điểm của Brasilia là ủng hộ hoàn toàn tiến trình hình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba, cho rằng sự kiện này sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực, trong đó có cả các doanh nghiệp Brasil.
Trong khi đó, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nhiệt liệt hoan nghênh cuộc gặp gỡ lịch sử Cuba-Mỹ và đặc biệt là quyết tâm của cả 2 bên tiếp tục đối thoại tiến tới bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa 2 người bạn lớn của Mexico. Theo người đứng đầu nhà nước Mexico, cuộc gặp Cuba-Mỹ tại Panama đã nhắc nhở toàn thế giới rằng mở cửa đối thoại đồng nghĩa với tương lai và cơ hội phát triển.
Ông Nieto nhấn mạnh tại Panama, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 của OAS đã hoàn tất ý nguyện của cả châu lục là trở thành một không gian đối thoại và hợp tác ở trình độ cao.
Trong một tin liên quan, hãng thông tấn nhà nước Mexico NOTIMEX khẳng định trong ngày thứ Bảy (11-4), nhiều người Cuba đã hoan nghênh cuộc gặp giữa Chủ tịch Castro và Tổng thống Obama. Họ đã dừng mọi công việc để chứng kiến khoảnh khắc 2 nhà lãnh đạo bắt tay nhau./.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào tiếp đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam  (11/04/2015)
Đại tướng Phùng Quang Thanh: Không né tránh vấn đề Biển Đông  (11/04/2015)
Bộ trưởng Trần Đại Quang tiếp khách Nhật Bản  (11/04/2015)
Hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo động lực kép phát triển nông nghiệp  (11/04/2015)
Hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo động lực kép phát triển nông nghiệp  (11/04/2015)
Quân dân y chiến khu Đ - miền Đông Nam Bộ họp mặt truyền thống  (11/04/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên