Học thuyết Quân sự mới của Nga

Lê Thế Mẫu
23:08, ngày 14-02-2015

TCCSĐT - Ngày 27-12-2014, Tổng thống Nga V. Pu-tin chính thức ký phê chuẩn Học thuyết Quân sự mới của Nga. Học thuyết quân sự mới này đánh giá bối cảnh quốc tế, những nguy cơ ở trong và ngoài nước đối với an ninh của nước Nga, đồng thời xác định những nội dung cơ bản của chính sách quân sự và hoạt động bảo đảm kinh tế quân sự cho khả năng quốc phòng của Nga trong giai đoạn từ nay tới năm 2020.

Cơ sở của Học thuyết Quân sự mới của Nga

Học thuyết Quân sự mới dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến pháp của Nga; những nguyên tắc và luật pháp quốc tế đã được thừa nhận; các hiệp định quốc tế mà Nga ký kết trong lĩnh vực quốc phòng, kiểm soát vũ trang và giải trừ quân bị; các đạo luật của Nga và các chỉ thị, mệnh lệnh của Tổng thống, cũng như các nghị định của Chính phủ Nga. Học thuyết Quân sự mới tính đến nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của Nga đến năm 2020, Chiến lược an ninh quốc gia của Nga đến năm 2020, Chính sách đối ngoại của Nga, Học thuyết Hải quân của Nga đến năm 2020, Chiến lược phát triển vùng Bắc Cực của Nga và bảo đảm an ninh quốc gia đến năm 2020 và một số văn kiện chiến lược khác.

Học thuyết Quân sự mới phản ánh chủ trương của Nga sử dụng các biện pháp quân sự để bảo vệ các lợi ích quốc gia và lợi ích của các đồng minh của Nga sau khi đã sử dụng, khai thác mọi khả năng chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, thông tin và các công cụ phi bạo lực khác. Nội dung của Học thuyết Quân sự mới được cụ thể hóa trong các thông điệp của Tổng thống Nga và trong các kế hoạch chiến lược quân sự của Nhà nước Nga. Để thực hiện Học thuyết Quân sự mới, Nga sử dụng hệ thống quản lý nhà nước tập trung trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh phù hợp với các đạo luật của Nga, các sắc lệnh của tổng thống và các nghị định của chính phủ nước này.

Nguy cơ từ bên ngoài đe dọa an ninh Nga

Học thuyết Quân sự mới của Nga đánh giá khái quát tình hình thế giới, như sự cạnh tranh toàn cầu; căng thẳng trong quan hệ tương tác giữa các quốc gia và giữa các khu vực; sự cạnh tranh giữa các định hướng giá trị và mô hình phát triển, sự bất ổn trong các quá trình phát triển kinh tế và chính trị ở cấp độ toàn cầu và khu vực trong bối cảnh các quan hệ quốc tế ngày càng trở nên phức tạp. Trên thế giới hiện nay đang diễn ra cạnh tranh ảnh hưởng giữa các trung tâm phát triển kinh tế và ảnh hưởng chính trị, nhiều cuộc xung đột khu vực vẫn chưa được giải quyết; đang tồn tại xu hướng sử dụng sức mạnh để giải quyết xung đột ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, trong đó có cả các khu vực giáp biên giới Nga, trong khi đó, cấu trúc an ninh quốc tế không bảo đảm được an ninh công bằng cho tất cả các quốc gia. Từ cách nhận định tình hình thế giới như vậy, Học thuyết Quân sự mới của Nga xác định những nguy cơ chiến tranh từ bên ngoài đối với nước này bao gồm: 1- Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không ngừng gia tăng tiềm lực quân sự và tự gán cho mình các chức năng toàn cầu đi ngược lại các chuẩn mực pháp lý quốc tế; 2- NATO phát triển hạ tầng quân sự sát biên giới Nga và không ngừng kết nạp các thành viên mới; 3- Sự bất ổn tình hình ở một số nước và khu vực, cùng với hành động phá hoại an ninh toàn cầu và khu vực; 4- Quân đội một số nước và một số nhóm nước đang gia tăng về số lượng, đồng thời triển khai trên lãnh thổ các khu vực sát biên giới Nga và các đồng minh của Nga, gây áp lực chính trị và quân sự ngày càng gia tăng đối với Nga; 5- Hoạt động xây dựng và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược đang hủy hoại nền an ninh toàn cầu, làm mất cân bằng tương quan lực lượng trong lĩnh vực tên lửa hạt nhân; 6- Mỹ đang xúc tiến xây dựng chương trình tấn công chớp nhoáng toàn cầu, bố trí vũ khí trong vũ trụ và triển khai các hệ thống vũ khí chiến lược chính xác cao phi hạt nhân; 7- Sự tranh chấp lãnh thổ đối với Nga và các đồng minh của Nga; 8- Sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Nga và các đồng minh của Nga; 9- Việc phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt, tên lửa và công nghệ tên lửa; 10- Một số nước vi phạm các thỏa thuận quốc tế, không thực hiện các hiệp định quốc tế đã được ký kết trong lĩnh vực cấm, hạn chế và cắt giảm vũ khí trang bị; 11- Hoạt động sử dụng sức mạnh quân sự trên lãnh thổ các nước có biên giới giáp với Nga và các đồng minh của Nga; 12- Xung đột vũ trang bùng nổ và leo thang trên lãnh thổ các nước có biên giới giáp biên giới Nga và các đồng minh của Nga; 13- Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan gia tăng hoạt động trên phạm vi toàn cầu trong điều kiện hạn chế hiệu quả sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống khủng bố; 14- Nguy cơ khủng bố có sử dụng chất độc hóa học và phóng xạ, khủng bố xuyên quốc gia có tổ chức đang lan rộng, trước hết là buôn lậu vũ khí và chất ma túy; 15- Bùng nổ xung đột sắc tộc và giữa các quốc gia, gia tăng hoạt động của các tổ chức vũ trang cực đoan quốc tế và các tổ chức quân sự tư nhân nước ngoài ở những khu vực giáp biên giới Nga và biên giới các nước đồng minh của Nga; 16- Gia tăng các mâu thuẫn và tranh chấp lãnh thổ, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan ở nhiều khu vực trên thế giới; 17- Việc sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông nhằm mục đích chính trị - quân sự để thực hiện các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, can thiệp vào chủ quyền quốc gia và độc lập chính trị, gây mất an toàn lãnh thổ của các quốc gia, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế cũng như sự ổn định toàn cầu và khu vực; 18- Các chế độ chính trị mới được thiết lập ở những quốc gia có biên giới giáp với Nga sau các vụ đảo chính lật đổ chế độ cầm quyền hợp pháp ở các nước sở tại, đe dọa lợi ích của nước Nga; 19- Hoạt động phá hoại của các cơ quan tình báo nước ngoài chống lại Nga.

Nguy cơ từ bên trong đe dọa an ninh Nga

Cùng với việc phân tích các nguy cơ chiến tranh đến từ bên ngoài, Học thuyết Quân sự mới phân tích những nhân tố đang hình thành bên trong nội bộ nước Nga đe dọa an ninh đối với nước Nga, cụ thể là: 1- Các hoạt động sử dụng bạo lực để thay đổi thể chế hiến pháp của Nga, gây bất ổn tình hình chính trị nội bộ và xã hội Nga, gây rối loạn hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, các công trình quân sự và quốc gia quan trọng, cũng như hạ tầng cơ sở thông tin của Nga; 2- Hoạt động của các tổ chức khủng bố và các cá nhân thực hiện âm mưu phá hoại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Nga; 3- Hoạt động sử dụng thông tin để tác động vào dân chúng Nga, trước hết là các công dân trẻ của nước Nga, nhằm phá hoại các giá trị và truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, gây thiệt hại đối với nền an ninh quốc gia của Nga; 4- Hoạt động kích động và làm gia tăng căng thẳng xã hội và chia rẽ dân tộc, chủ nghĩa cực đoan, gây hận thù tôn giáo và sắc tộc.

Các mối đe dọa quân sự chủ yếu đối với Nga và những điểm mới

Hiện nay, Nga đang đứng trước nhiều mối đe dọa quân sự, trong đó: 1- Tình hình chính trị - quân sự trên thế giới căng thẳng đột biến tạo ra nguy cơ sử dụng sức mạnh quân sự; 2- Các hành động ngăn cản hoạt động của các hệ thống quản lý nhà nước và chỉ huy quân sự của Nga, phá hoại hoạt động của các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, các hệ thống cảnh báo tấn công hạt nhân, kiểm soát không gian vũ trụ, các công trình bảo quản đầu đạn hạt nhân, các công trình năng lượng nguyên tử, công nghiệp nguyên tử, hóa chất, dược chất và y tế, cũng như các công trình tiềm ẩn nguy cơ khác; 3- Một số nước xây dựng và chuẩn bị các tổ chức vũ trang phi pháp hoạt động trên lãnh thổ Nga hoặc trên lãnh thổ các đồng minh của Nga; 4- Một số nước tăng cường thể hiện sức mạnh quân sự trong các cuộc diễn tập quân sự trên lãnh thổ các nước có biên giới giáp Nga và các đồng minh của Nga; 5- Các nước hoặc nhóm nước gia tăng hoạt động của quân đội kết hợp với động viên từng phần hoặc toàn bộ, chuyển các cơ quan quản lý nhà nước và chỉ huy quân sự sang chế độ thời chiến.

Những điểm mới trong đánh giá nguy cơ, gồm: 1- Lần đầu tiên Nga không còn coi NATO là đối tác để xây dựng hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu mà là đối thủ địa - chính trị chủ yếu; 2- Nguy cơ từ các lực lượng quân sự của các nước NATO bố trí và hoạt động sát biên giới Nga, các tổ chức quân sự tư nhân, “cách mạng sắc màu”, cho đến chương trình tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ.

Về các biện pháp chủ yếu của Nga đối phó với nguy cơ chiến tranh và mối đe dọa quân sự, so với phiên bản năm 2010, Học thuyết Quân sự mới có những nội dung cập nhật mới, đó là: 1- Chú trọng khả năng “răn đe phi hạt nhân” bao gồm các biện pháp đối ngoại, quân sự và kỹ thuật quân sự để đối phó với “quyền lực mềm” của Mỹ và NATO như tác động của chiến tranh thông tin - tư tưởng và tâm lý; 2- Sẵn sàng đối phó và làm thất bại các cuộc tiến công chớp nhoáng toàn cầu nhằm vào Nga; 3- Lần đầu tiên tuyên bố Nga sẽ sử dụng vũ khí thông thường có độ chính xác cao gồm tên lửa đất - đối - đất, tên lửa hành trình phóng từ trên không và tàu ngầm, bom đạn điều khiển chính xác cao và coi đó như một biện pháp răn đe chiến lược; 4- Lần đầu tiên Nga xác định các công ty quân sự tư nhân của nước ngoài, giáp biên giới Nga hoặc các đồng minh của Nga là nguy cơ quân sự (Mát-xcơ-va đã từng lên án các công ty quân sự tư nhân của Mỹ tham gia xúi giục lực lượng vũ trang của U-crai-na chống lại người dân ở miền Đông nước này); 5- Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt khác chống Nga và các đồng minh của Nga, cũng như trong trường hợp đối phương sử dụng vũ khí thông thường để xâm lược Nga, hoặc đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Nga.

Một nguyên tắc bất biến xuyên suốt trong tất cả các phiên bản học thuyết quân sự của Nga từ năm 2000 tới nay là Nga luôn chủ trương duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời khẳng định sức mạnh quân sự của Nga chỉ nhằm mục đích phòng thủ, theo đó Nga chỉ sử dụng lực lượng quân sự trong trường hợp không còn khả năng sử dụng các biện pháp phi quân sự để bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga và các đồng minh của Nga./.