Một trong những yếu tố quan trọng để đưa Thanh Hóa vượt lên, phát huy thế mạnh, khai thác tiềm năng vốn có của mình, nhanh chóng thoát khỏi danh sách tỉnh nghèo, là lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cấp huyện có đủ phẩm chất, năng lực, đảm đương được trọng trách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Kênh quan trọng để qua đó lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện đáp ứng yêu cầu đề ra là đại hội đại biểu các đảng bộ cấp huyện.
 
Thanh Hoá là một tỉnh lớn, đông dân, nằm giữa miền Bắc và miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Với bờ biển dài, Thanh Hoá sở hữu một nguồn tài nguyên vô giá về khoáng sản, hải sản, danh lam thắng cảnh, có tiềm năng rất phong phú, đa dạng để phát triển các ngành công nghiệp, khai thác hải sản, du lịch, dịch vụ. Hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường sông khá thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế.

Đối với các huyện ven biển tỉnh Thanh Hoá, những kết quả đạt được trong hơn 20 năm đổi mới đã tạo ra những nguồn lực mới để xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng; xác lập cơ cấu kinh tế hợp lý cho phép khai thác tốt hơn tiềm năng sẵn có, nhất là lợi thế của ngành kinh tế thuỷ sản, ngành du lịch, dịch vụ. Sự ra đời của khu công nghiệp lớn Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) và một số khu công nghiệp vừa và nhỏ ở các huyện tiếp tục thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được bước đầu, những thuận lợi mà thiên nhiên ưu ái, Thanh Hóa, mà trực tiếp là các huyện ven biển luôn phải đối mặt với thiên tai nặng nề, sự bất thường của thời tiết, những trận bão lũ lớn, nắng nóng, khô hạn, thiếu nước. Tiềm năng biển chưa được đầu tư đúng mức, tốc độ cơ giới hoá chậm; phương tiện, cơ cấu ngành nghề chậm đổi mới, cơ sở chế biến dịch vụ hậu cần chậm được nâng cấp; lao động sản xuất trên biển còn ít, phần lớn lại không được đào tạo; nuôi trồng thuỷ sản phát triển nhanh về diện tích, nhưng năng suất và hiệu quả thấp, thiếu ổn định, gặp nhiều rủi ro; năng lực quản lý nhà nước trên một số mặt để phát triển kinh tế chưa được quan tâm... Trong cách đánh giá và nêu giải pháp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn còn có biểu hiện lúng túng, thiếu thống nhất. Quan niệm, nội dung, tính chất công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chưa được nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc, vì vậy còn thiếu hệ thống biện pháp có tính khả thi.

Vấn đề giải quyết việc làm, dạy nghề chưa được quan tâm đúng mức, thiếu vững chắc; chưa có nhiều giải pháp hiệu quả để khắc phục, thiếu cơ chế, chính sách, và lúng túng trong cách chỉ đạo tổ chức thực hiện nên kết quả đạt được thường thấp hơn với mục tiêu đề ra. Việc xây dựng đời sống văn hoá tinh thần xã hội, thiếu những biện pháp quyết liệt trong đấu tranh chống biểu hiện bảo thủ, trì trệ và những tập tục lạc hậu, chưa được quan tâm nhiều. Những khó khăn về kết cấu hạ tầng, sự ô nhiễm môi trường chưa được chú ý đúng mức..., luôn là thử thách gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển và đời sống của nhân dân. Đồng thời, quá trình hình thành phát triển của khu công nghiệp, quá trình chuyển đổi một số lớn diện tích đất nông nghiệp, đất ở sang đất làm công nghiệp dịch vụ cũng làm cho vấn đề giải quyết việc làm và một số vấn đề xã hội gay gắt, phức tạp hơn.

Nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước chưa được bàn nhiều, nên chuyển biến chậm. Nhiệm vụ chỉnh đốn, xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đề cập chưa sâu, còn lúng túng trong nhận thức, cũng như xác định giải pháp khắc phục.

Thực trạng đó cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng để đưa Thanh Hóa vượt lên, khắc phục những tồn tại như đã phân tích ở trên, phát huy thế mạnh, khai thác tiềm năng vốn có của mình, nhanh chóng thoát khỏi danh sách tỉnh nghèo, là lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cấp huyện có đủ phẩm chất, năng lực, đảm đương được trọng trách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Kênh quan trọng để qua đó lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện đáp ứng yêu cầu đề ra là đại hội đại biểu các đảng bộ cấp huyện.

Theo Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội lần thứ X và nhiệm vụ xây dựng Đảng được đề cập trong những nghị quyết hội nghị Trung ương gần đây cho thấy, trong hệ thống tổ chức bộ máy hành chính của đất nước thì huyện là một cấp có vị trí quan trọng, do đó các đảng bộ huyện đóng vai trò to lớn, là một mắt khâu quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Vai trò, vị trí của đảng bộ huyện cần phải được nâng lên ngang tầm theo sự phân công trách nhiệm, quyền hạn ngày càng sâu rộng.

Chất lượng của đại hội đại biểu huyện sẽ ảnh hưởng quyết định đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng của huyện suốt cả thời kỳ giữa hai kỳ đại hội, đồng thời ảnh hưởng tới cả chất lượng của cơ quan lãnh đạo của đảng bộ tỉnh. Chất lượng đại hội đại biểu càng cao thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo được bầu một cách dân chủ càng đảm bảo.

Thực tế cho thấy, chất lượng đại hội đại biểu các đảng bộ các huyện ở Thanh Hoá chịu tác động của nhiều yếu tố như:

- Chất lượng của ban chấp hành huyện uỷ, trước hết là phẩm chất, trình độ, năng lực, sự đoàn kết, lề lối làm việc của Ban thường vụ, nhất là phẩm chất, năng lực, phong cách của người bí thư huyện uỷ đương nhiệm.

- Chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

- Chất lượng của các ban tham mưu của huyện uỷ.

- Sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và tâm trạng của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện.

- Sự chỉ đạo của tỉnh ủy, huyện uỷ.

- Công tác chuẩn bị đại hội, nhất là chuẩn bị văn kiện, nhân sự.

- Sự tham gia quá trình tổ chức đại hội của cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng trong đảng bộ.

- Sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong quá trình tổ chức đại hội và thực hiện nghị quyết của đại hội.

- Phong cách điều hành đại hội.

- Chất lượng đại biểu dự đại hội.

- Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng trong đại hội.

- Kết quả thực hiện các nội dung trong chương trình đại hội: Chất lượng các ý kiến thảo luận, chất lượng nghị quyết, chất lượng ban chấp hành, ban thường vụ mới, đại biểu đi dự đại hội cấp trên...

- Công tác tuyên truyền, cổ động cho đại hội.

- Tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ, truyền thống của đảng bộ.

- Điều kiện vật chất và môi trường tâm lý xã hội liên quan...

Khảo sát kết quả các đại héi đại biểu các huyện vùng ven biển (5 huyện), Thanh Hóa cho thấy, tuổi trung bình của cấp ủy là 45,42; trình độ văn hoá: THCS chiếm 1,53%, PTTH là 98,46%; trình độ chuyên môn: sơ cấp 3,59%, trung cấp: 35,38%, trên đại học: 3,59%; trình độ lý luận chính trị: trung cấp 40%, cao đẳng, cử nhân 60%, số mới tham gia 35,85%; tỷ lệ nữ chiếm 13,84%.

Trong ban thường vụ, tỷ lệ nữ chiếm 9,1%; tuổi đời bình quân 49,1, trong đó độ tuổi trẻ 3,63%, độ tuổi trung bình 47,2%, độ tuổi cao 49,1%; trình độ văn hoá: PTTH: 100%; trình độ chuyên môn: trung cấp: 10,9%, đại học, cao đẳng: 83,63%, trên đại học: 1,81%; trình độ lý luận chính trị: trung cấp: 10,9%, cao cấp, cử nhân: 81%, số mới tham gia: 31%.

Phân tích kết quả bầu cấp ủy và bầu ban thường vụ cấp ủy nhiệm kỳ 2006 - 2010 của các đảng bộ huyện ven biển tỉnh Thanh Hoá có thể rút ra một số nhận xét: đã có sự trẻ hoá đội ngũ cán bộ cấp uỷ; tuổi bình quân của cán bộ cấp ủy giảm đáng kể; trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận tăng nhanh, không còn cán bộ cấp ủy có trình độ văn hoá tiểu học, không còn cán bộ cấp ủy có trình độ lý luận sơ cấp, trình độ chuyên môn sơ cấp ở ban thường vụ cấp uỷ; không có trường hợp bí thư cấp ủy giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ ở một đơn vị. Số uỷ viên ban chấp hành mới tham gia chiếm 35%, số ủy viên thường vụ mới: 30%.

Công tác chuẩn bị và bầu nhân sự, bầu ban chấp hành đã được các đại hội đại biểu các đảng bộ huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng ngày càng được nâng cao qua mỗi kỳ đại hội.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội vẫn còn nhiều bất cập, khiếm khuyết, khó khăn. Đó là, thứ nhất, công tác quy hoạch bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ thực hiện chưa thường xuyên, vẫn còn biểu hiện thiếu khách quan, nặng về tình cảm, chưa mạnh dạn thay thế các đồng chí năng lực yếu kém. Vì vậy, sau đại hội một số cán bộ được bầu vào cấp ủy không phát huy được tác dụng của ủy viên chấp hành, ủy viên thường vụ. Thậm chí, có những cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy không có được sự thống nhất cao, nên ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ hai, vẫn còn có những đảng bộ huyện do những mâu thuẫn nội bộ trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của các kỳ đại hội trước; do một số cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm nên trong một số đại hội nhiệm kỳ, công tác nhân sự, công tác cán bộ trở nên phức tạp, căng thẳng, kéo dài, phải có sự tham gia giải quyết của nhiều ngành cấp tỉnh.

Ngoài ra, công tác bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ, cũng như công tác xây dựng Đảng hiện nay của các đảng bộ huyện cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Đó là: tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang hình thành những chuẩn giá trị mới trong các tầng lớp xã hội, trong đó có cán bộ đảng viên; sự phai nhạt lý tưởng, mục tiêu chính trị, sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, tình trạng quan liêu, tham nhũng, trục lợi, đang là vấn đề nhức nhối. Đặc biệt, công tác giáo dục, bồi dưỡng đảng viên đang gặp khó khăn bất cập: giữa việc giáo dục mục tiêu lý tưởng phấn đấu của đảng viên với việc đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cuộc sống hiện tại của cán bộ, đảng viên; giữa mục tiêu xây dựng xã hội tốt đẹp với những cơ chế và sự phân hoá xã hội đang diễn ra. Đến nay, vẫn còn thiếu một hệ thống giải pháp và cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện kinh phí đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Công tác quản lý cán bộ, đảng viên cũng gặp những khó khăn nhất định do sự di chuyển, biến động về số lượng dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, phá vỡ công tác quy hoạch cán bộ (ví dụ như việc di chuyển dân cư, giải phóng mặt bằng với quy mô lớn ở khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia). Sự bất cập giữa việc thực hiện tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ và các chức danh chủ chốt với tình trạng trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ còn yếu kém hiện nay.

Tình trạng người còn sức lao động nhất là thanh niên tìm cách thoát ly khỏi nông thôn, khỏi quê hương, tìm kế mưu sinh và tiến thân hiện nay làm cho công tác quy hoạch đào tạo nguồn cán bộ cho khu vực nông thôn, nhất là vùng ven biển trở nên rất khó khăn.

Trước mắt, việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là lãnh đạo để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; giữ vững sự ổn định chính trị, đang là thử thách lớn đối với đội ngũ cán bộ hiện nay. Vì thế, tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đại hội đại biểu đảng bộ huyện, nhằm tăng năng lực, sức chiến đấu của các đảng bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; tổ chức tốt đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2011 - 2015 sắp tới vừa là nhiệm vụ, vừa là một giải pháp quyết định sự lớn mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ huyện, tỉnh Thanh Hoá.

Để làm tốt nhiệm vụ này, đại hội đại biểu các đảng bộ huyện của tỉnh chú trọng vào một số công việc:

- Nghiêm túc thực hiện sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tỉnh uỷ Thanh Hoá về kế hoạch tiến hành đại hội nhiệm kỳ đảng các cấp, đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu đề ra.

- Văn kiện đại hội được chuẩn bị tốt, có nội dung mới, cụ thể, phù hợp tình hình, đặc điểm của đảng bộ huyện, đáp ứng mối quan tâm, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

- Công tác chuẩn bị nhân sự bảo đảm đúng yêu cầu, quy trình, nguyên tắc, dân chủ, chất lượng.

- Đại hội diễn ra dân chủ, nghiêm túc, đúng các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, có tính lãnh đạo và tính chiến đấu cao.

- Đại biểu dự đại hội có phẩm chất, năng lực xứng đáng, tích cực tham gia thảo luận về công tác của đảng bộ trong đại hội.

- Nghị quyết đại hội đánh giá đúng tình hình, đề ra được phương hướng, chủ trương, nhiệm vụ cụ thể, sáng tạo, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra.

- Ban chấp hành mới và đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên được bầu ra thật sự dân chủ, đúng người, phù hợp với yêu cầu cơ cấu, thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức của đảng bộ.

- Đại hội có tác động tích cực, sâu sắc đến tư tưởng, công tác của cán bộ, đảng viên, quần chúng, đến tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng nội bộ của đảng bộ huyện./.