Nỗ lực hoàn thành các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN
Ngày 28-01, sau khi kết thúc Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat), Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman đã tổ chức họp báo tại khách sạn Sutera Harbour, ở thành phố Kota Kinabalu, thủ phủ bang Sabah của Malaysia để thông báo kết quả hội nghị.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Anifah cho biết tại hội nghị các Bộ trưởng đã bàn về các vấn đề chính như hình thành Cộng đồng ASEAN; phát triển Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 và các văn kiện liên quan; các lĩnh vực ưu tiên của Malaysia trong năm 2015; quan hệ đối ngoại của ASEAN; trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế; và múi giờ chung của ASEAN.
Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, các Bộ trưởng đã nhất trí nỗ lực hoàn thành các kế hoạch hành động được đề ra trong ba bản kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN để tiến tới hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.
Về phát triển Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, các Bộ trưởng cho rằng việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 và các văn kiện đi kèm là rất quan trọng trong phác đồ hướng tới tương lai của ASEAN. Theo đó, sẽ củng cố tiến trình hội nhập khu vực trong bốn thập kỷ qua, với trọng tâm là người dân ASEAN sẽ cảm nhận được tác động của tiến trình xây dựng Cộng đồng chung.
Để đạt được mục tiêu này, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 tại Nay Pyi Taw, Myanmar, tháng 11-2014, các lãnh đạo ASEAN đã giao Nhóm Đặc trách cao cấp (HLTF) soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015.
Nhóm công tác Hội đồng điều phối ASEAN đã thông qua các Điều khoản tham chiếu (TOR) của HLTF và Nhóm đặc trách này sẽ bắt đầu nhiệm vụ ngay lập tức, dự kiến sẽ hoàn thiện vào ngày 31-12.
Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thông qua văn kiện đã hoàn thiện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27, dự kiến được tổ chức vào tháng 11-2015.
Về các ưu tiên trong năm 2015, Malaysia với vai trò Chủ tịch ASEAN sẽ thực hiện tám ưu tiên, bao gồm chính thức hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN, hướng mọi nỗ lực vào việc hoàn thành các kế hoạch hành động được đề ra trong ba bản kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN; phát triển Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và các văn kiện liên quan, các văn kiện này sẽ được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27; thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân các nước ASEAN nhằm tăng cường sự kết nối và thịnh vượng của khối với hơn 625 triệu dân; thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tới 97% số doanh nghiệp trong khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư nội khối ASEAN thông qua các hoạt động buôn bán và đầu tư xuyên biên giới; tăng cường thể chế ASEAN nhằm tăng cường vai trò chủ đạo của ASEAN; thúc đẩy hòa bình và an ninh tại khu vực trên cơ sở hài hòa với lợi ích chung của tất cả các nước thành viên và tăng cường vai trò của ASEAN trong các vấn đề quốc tế thông qua thực hiện và duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN như là động lực chủ chốt trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và toàn diện.
Về công tác đối ngoại của ASEAN, các bộ trưởng tái khẳng định cam kết tăng cường và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các Đối tác đối thoại.
Các bộ trưởng cũng đã thảo luận vai trò chủ chốt của ASEAN. Trong bối cảnh hiện nay, các bộ trưởng nhất trí rằng Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN vẫn nên tiếp tục thảo luận về cách thức tăng sức mạnh cho Hội nghị Cấp cao Đông Á và tăng cường vai trò chủ chốt của ASEAN tại các diễn đàn.
Bộ trưởng Anifah cho biết tại hội nghị các bộ trưởng cũng đã trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Malaysia đã nêu bật một số vấn đề như quản lý thiên tai và tình hình trên Biển Đông.
Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác tốt hơn nữa giữa các nước ASEAN trong việc điều phối Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo (AHA) nhất là trong việc đối phó với các thảm họa thiên nhiên. Điều này sẽ thúc đẩy mạnh hơn những nỗ lực chung và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ chế hiện có của ASEAN.
Trong bối cảnh gia tăng những hành động bạo lực và chủ nghĩa cấp tiến trên toàn cầu, các bộ trưởng đã ra tuyên bố lên án những hành động bạo lực và man rợ của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhất là hành động sát hại một công dân Nhật Bản gần đây. Các bộ trưởng cũng đã nhắc lại cam kết chống chủ nghĩa bạo lực thông qua Phong trào ôn hòa toàn cầu.
Bộ trưởng Anifah cũng cho biết như đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 25-11-2014, Malaysia sẽ tổ chức Cuộc họp đặc biệt cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề chủ nghĩa cấp tiến và cực đoan.
Cuộc họp này dự kiến sẽ được tổ chức tiếp theo Cuộc họp cấp Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia vào đầu tháng 10-2015.
Về vấn đề Biển Đông, các bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau cũng như kiềm chế trong hành động. Hội nghị cũng chia sẻ quan ngại được một số bộ trưởng nêu ra về các hoạt động cải tạo đất, làm đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Các bộ trưởng đã chỉ thị cho các quan chức cao cấp tăng cường nỗ lực nhằm đạt được đầy đủ và hiệu quả việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và làm việc quyết liệt để sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Malaysia cũng đã nhắc lại vấn đề về đề xuất múi giờ chung cho thủ đô của các nước ASEAN để các bộ trưởng và lãnh đạo chính phủ các nước cân nhắc./.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn cán bộ Tư pháp Lào  (28/01/2015)
Đặt tượng lãnh đạo tiền bối Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh  (28/01/2015)
Hội nghị triển khai công tác đối ngoại nhân dân năm 2015  (28/01/2015)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên