Trong những ngày gần đây, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ không chỉ làm mất ăn mất ngủ các tỷ phú ở Phố Uôn và các chính khách ngụ tại Nhà Trắng trên Đồi Ca-pi-tôn, chiếm trọn ý nghĩ và nỗi lo âu của hàng trăm triệu người dân Mỹ, mà còn làm rung chuyển toàn bộ nền kinh tế thế giới. Điều mà nhiều người lo ngại là, liệu cuộc khủng hoảng tài chính này có trở thành cơn bão cấp 12 tràn qua các lục địa, đưa thế giới tới cuộc đại suy thoái có tầm toàn cầu?

Ngày 4-9-2008, Hạ viện Mỹ sau hai lần cân nhắc thận trọng, rút cuộc đã nhất trí thông qua Kế hoạch giải cứu trị giá 700 tỉ USD do Chính quyền Mỹ đề xuất. Ngay sau đó, Tổng thống G.Bu-sơ đã ký sắc lệnh giao cho Bộ Tài chính Mỹ tổ chức thực thi kế hoạch này. Trên thực tế, như chính Tổng thống G.Bu-sơ đã tuyên bố với giới báo chí, Kế hoạch giải cứu này không chỉ nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Phố Uôn mà là cứu nguy cho nước Mỹ. Phát biểu trước các nhà báo, Tổng thống G.Bu-sơ nói: “Cuộc khủng hoảng hiện tại đã vượt ra khỏi khuôn khổ của Phố Uôn và thành phố Niu Oóc. Gói 700 tỉ USD này sẽ ổn định cả nền kinh tế Mỹ chứ không đơn thuần chỉ là giải cứu Phố Uôn như nhiều người dân Mỹ vẫn đang nghĩ”.

Như vậy, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện nay đã vượt ra khỏi khuôn khổ “làm ăn” của những “thầy phù thủy” ở Phố Uôn!

Góp thêm một cách nhìn về cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ

Trong những ngày gần đây đã có rất nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng của các nhà nghiên cứu, phân tích, bình luận quốc tế về nguyên nhân khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Góp thêm một cách nhìn về nguồn căn của sự kiện gây chấn động này, giáo sư Cuốc-man Ác-me-tốp trong bài “Cuộc khủng hoảng tài chính đang sải bước khắp hành tinh” đăng trên Báo “Tự do ngôn luận” (Ca-dắc-xtan), số ra ngày 25-9-2008 cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Mỹ là khủng hoảng mang tính cơ cấu. Chúng ta đang chứng kiến không phải là một cuộc khủng hoảng thuần tuý tài chính mà là cuộc khủng hoảng cơ cấu của nền kinh tế thế giới.

Cuộc khủng hoảng ở Phố Uôn xuất phát trước hết từ khu vực tài chính Mỹ, do nền kinh tế ảo thoát ly quá xa khỏi nền kinh tế thực. Khu vực tài chính Mỹ đã trở thành ngành kinh tế có lợi nhuận cao nhất thế giới. Lĩnh vực sản xuất thực đã không đem lại lợi nhuận cao bằng việc mua và bán lại các cổ phiếu. Kể từ năm 1980, các luồng tiền và trao đổi ngoại tệ đã tăng lên gấp 5 lần. Ngày nay, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 1500-1700 tỉ USD được bơm vào thị trường. Trong đó, có tới 90% số tiền này là của các vụ kinh doanh, các luồng vốn đầu cơ, được chuyển từ nước này sang nước khác trong một giờ, một ngày, một tuần, rồi lại bắt đầu vòng quay của mình. Vốn đầu cơ ngày nay đã vượt gấp 50 lần giá trị của toàn bộ thương mại quốc tế. Tiền ở phương Tây bắt đầu được làm ra chủ yếu không phải từ sản xuất sản phẩm vật chất, mà từ “không khí”, bởi lẽ, các nước phát triển phương Tây đã qua giai đoạn công nghiệp hóa, các ngành sản xuất không còn mang lại lợi nhuận cao, nên chúng được chuyển giao sang cho các nước có lao động rẻ hơn như Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Mỹ La-tinh v.v.. thực hiện. Phương Tây nhập hàng hóa chủ yếu từ các nước “thế giới thứ ba”. USD được in ra chỉ ở Mỹ nhưng lại theo nhu cầu tiêu dùng trên khắp thế giới.
 
Tại Mỹ và phương Tây nói chung, các nguồn tài chính chủ yếu đã chuyển thành các cổ phiếu và tín dụng cầm cố. Khi các thị trường tài chính chao đảo, các ngân hàng và các công ty phá sản; các chứng khoán trở nên không đáng tin tưởng, thì mọi người không còn muốn đầu tư vào “mặt hàng” này nữa. Trong bối cảnh đó không có biện pháp nào của chính sách tiền tệ - tín dụng có thể giải quyết được. Cuộc khủng hoảng được sinh ra từ chính sự mất cân đối về cơ cấu của nền kinh tế Mỹ và thế giới dưới tác động của quá trình “Mỹ hoá”. Đó là lý do khiến nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Kế hoạch giải cứu 700 tỉ USD chỉ là “liều thuốc an thần”, chứ không cứu vãn được nền kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái.

Bộ trưởng Tài chính Đức Xtây-brúc (Steinbrueck) cho rằng, đây là cuộc “khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất từ nhiều thập kỷ nay".

Khủng hoảng tài chính - đồng đô-la Mỹ mất dần vị trí thống soái

Từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II đến nay, đồng USD đóng vai trò là đồng tiền duy nhất dùng chung ở các nước. Điều này đã tạo cho người Mỹ vị thế thuận lợi nhất trên thế giới. Nội tệ của nước Mỹ được các ngân hàng quốc gia trên thế giới đánh giá cao. Hầu hết các nước đều dự trữ đồng USD. Thanh toán quốc tế cũng được tính bằng USD. Sức mạnh của loại giấy bạc này cùng với sức mạnh của nền kinh tế Mỹ là nền tảng vững chắc củng cố quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ trên chính trường cũng như trong nhiều lĩnh vực khác.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2002, thời thế đã có dấu hiệu thay đổi. Sức mạnh của đồng USD và của nền kinh tế Mỹ trên thế giới đang suy giảm. Trước năm 2002, 1 đồng euro đổi được 0,86 USD. Đến năm 2007, 1 euro đổi được 1,460 USD. Ngoài ra, so sánh với 6 đơn vị tiền tệ thương mại quan trọng khác, giá trị đồng USD đạt mức thấp nhất trong 35 năm trở lại đây (tính đến cuối năm 2007). Theo nghiên cứu của McKinsey Global, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ tăng từ 5% lên 6%, rồi 9% GDP, tương đương với 1,6 nghìn tỉ USD đến năm 2012. Hệ quả là nợ nước ngoài của Mỹ sẽ lớn, chiếm tới 46% GDP.

Theo công bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Mỹ đang là con nợ lớn của các ngân hàng nước ngoài. Do chi phí lớn cho cuộc chiến tranh I-rắc và thiệt hại nặng nề do thiên tai, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan chính phủ Mỹ đã phải bán ra một số lượng lớn trái phiếu kho bạc và cổ phiếu trên thị trường quốc tế. Chỉ trong tuần vừa qua, các ngân hàng Trung ương nước ngoài đã mua tới 6.599 triệu USD trái phiếu và cổ phiếu của Mỹ. Theo số liệu của FED, tổng số trái phiếu kho bạc và các cổ phiếu của Bộ Tài chính và các cơ quan chính phủ Mỹ nằm ở các ngân hàng Trung ương nước ngoài tính đến ngày 28-9-2008 đã lên tới 1.467 tỉ USD.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế tại Oa-sinh-tơn, ông Đin Bác-cơ nhận xét: “Ngành ngân hàng Mỹ đang trong giai đoạn khủng hoảng và sẽ có ít quốc gia đến Niu Oóc để làm ăn hơn trước đây. Trong thời gian tới, Mỹ sẽ khó có thể thúc đẩy hoạt động thương mại tự do như Mỹ từng ủng hộ trong hơn vài thập niên qua. Trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở nước ngoài, Mỹ cũng khó trở thành nước cho vay cuối cùng như đã từng làm trong cuộc khủng hoảng tiền tệ tại châu Á năm 1997-1998, bởi hiện Mỹ đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn ở trong nước”.

Tương tự, Quốc hội Mỹ cũng đang tính toán giảm bớt mức thâm hụt ngân sách quốc gia tăng vọt thông qua cắt giảm các chương trình truyền thống như trợ giúp nước ngoài - một công cụ được Oa-sinh-tơn sử dụng như một “đòn bẩy” ảnh hưởng đến cách thức ứng xử của các quốc gia bên ngoài Mỹ. Kết quả cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu PEW mới công bố cho thấy, có sự sụt giảm mạnh về tỷ lệ ủng hộ chính sách đối ngoại của Mỹ so với 4 năm trước đây. Theo đó, 45% số người được hỏi cho rằng, giảm bớt các cam kết quân sự của Mỹ ở nước ngoài là cần thiết đối với chính quyền mới (tăng 10% so với mức 35% trong năm 2004).

Phát biểu tại diễn đàn phát triển Nga - Đức ở Xanh Pê-téc-bua, Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đép nói: "Kỷ nguyên thống trị kinh tế toàn cầu của Mỹ đã chấm dứt và ngày nay thế giới cần một hệ thống tài chính mới công bằng hơn. Thời gian thống trị của một nền kinh tế và một đồng tiền đã lùi vào dĩ vãng. Chúng ta cần hợp tác để tiến tới xây dựng một hệ thống kinh tế - tài chính mới công bằng hơn trên thế giới dựa trên những nguyên tắc đa cực, luật pháp và có tính đến các lợi ích chung".

Khủng hoảng tài chính - thêm một yếu tố khẳng định cần một trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ hơn

Bộ trưởng Tài chính Đức Xtây-brúc cho rằng, thế giới hôm nay sẽ không còn giống thế giới trước cuộc khủng hoảng; Phố Uôn vốn là trung tâm của cuộc khủng hoảng cũng sẽ không còn như trước kia nữa; và Hoa kỳ đang mấtvị trí siêu cường duy nhất trong hệ thống tài chính thế giới. Trong hệ thống tài chính mới sắp tới, các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại của châu Á, Trung Đông, và một phần ngân hàng châu Âu sẽ giữ một vai trò nhất định. Dư luận báo chí Đức cho rằng, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính này ở Mỹ còn lớn hơn nhiều so với vụ tấn công tòa tháp đôi ở Mỹ ngày 11-9-2001, vì cuộc tấn công lần này không phải do các thế lực bên ngoài tiến hành, mà chính từ trong lòng nước Mỹ, từ sâu thẳm của hệ thống chính trị và tài chính Mỹ. Chủ nghĩa tư bản Mỹ không chịu sự kiểm soát của nhà nước, đã tự sản sinh ra những kẻ “đánh bom liều chết” vào chính hệ thống đó. Không chỉ riêng ở nước Mỹ mà cả thế giới đang đứng trước một “tầng trệt” là Phố Uôn.

Trong lúc nền kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảnh tài chính, trên thế giới đang xuất hiện ngày càng nhiều các nền kinh tế đầy triển vọng, trong đó đáng lưu ý nhất là Trung Quốc, Ấn độ, Nga và Bra-xin. Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong 2 thập niên tới và sẽ trở thành siêu cường về kinh tế theo cách riêng của mình. Trong khi đó, Đông Á đang trong qua trình phát triển thành một khối kinh tế và rất có thể sẽ hình thành khu vực mậu dịch tự do và một Quỹ tiền tệ châu Á. Khối kinh tế sau khi được hình thành có thể sẽ chiếm 1/5 nền kinh tế thế giới, 20% thương mại toàn cầu và có dự trữ tiền tệ 1.500 tỉ USD, vượt xa dự trữ ngoại tệ của Mỹ. Nhóm các nước Đông Á có thể sẽ là siêu cường thứ ba trên thế giới. Còn Nga, trong chiến lược phát triển đến năm 2020, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép tuyên bố, sẽ xây dựng nước Nga thành một trong những trung tâm tài chính và kinh tế lớn của thế giới. EU với 25 thành viên có tổng sản lượng hàng hoá lớn hơn của Mỹ và trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới. Đồng euro đã trở thành đồng tiền mạnh, có sức cạnh tranh “ngang ngửa” với đồng USD. Tuy hiện tại châu Âu chưa có sự thống nhất trong việc đưa ra các quyết định và các vấn đề đối ngoại khác, nhưng chắc chắn rằng, cùng với thời gian họ sẽ làm được các việc đó.

Những nền kinh tế mới nổi lên này xứng đáng trở thành các đối thủ cạnh tranh tầm cỡ thế giới trong nhiều lĩnh vực. Các đối thủ cạnh tranh mới này thể hiện họ là những thị trường hấp dẫn cho các hàng hoá xuất khẩu và các nguồn đầu tư của Mỹ. Họ còn là các nhà cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá rẻ. Khi tham gia vào nền kinh tế thế giới một cách thích hợp, các nền kinh tế này sẽ đạt được thành công, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Các trung tâm và các nền kinh tế mới nổi lên có thể biến trật tự kinh tế đơn cực trong hơn nửa thế kỷ qua thành trật tự đa cực và thách thức vị thế của Mỹ. Trong tình thế đó, Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ vững chắc với cả châu Âu và châu Á vừa để phát huy lợi thế của bản thân, vừa để củng cố vị trí của Mỹ như là một nhân tố không thể thiếu trong trật tự kinh tế thế giới đa phương mới.

Trật tự kinh tế thế giới mới, trong đó vai trò và vị thế kinh tế siêu cường duy nhất của Mỹ ngày càng suy giảm, sẽ tác động mạnh mẽ tới quá trình hình thành trật tự thế giới mới đa cực, trong đó Mỹ không thể đơn phương hành động về chính trị và quân sự. Giới phân tích cảnh báo, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể sẽ đẩy nhanh quá trình suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở nước ngoài. Theo giới phân tích, cùng với mức thâm hụt ngân sách lớn chưa từng có, đặc biệt với khoản chi 15 tỉ USD/tháng trong thời gian tới cho cuộc chiến tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến sức mạnh của Mỹ, kể cả sức mạnh "cứng" và sức mạnh "mềm". Không phải ngẫu nhiên khi cách đây 2 tuần, Phó giám đốc Cục Tình báo quốc gia Mỹ Thô-mát Phinh-gơ đã cảnh báo, Oa-sinh-tơn tuy sẽ vẫn tạm thời duy trì vị thế cường quốc số một đến năm 2025, nhưng sự thống trị của Mỹ sẽ suy giảm mạnh. Sự sụt giảm này thể hiện trên mọi khía cạnh từ chính trị, kinh tế và văn hoá.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, nếu cách đây gần 20 năm, khi Liên Xô sụp đổ, người ta cho rằng nước Mỹ không có đối thủ, nước Mỹ sẽ giành “chiến thắng mà không cần chiến tranh”, nước Mỹ “sẽ kiểm soát thế giới”, thì lúc này lại là thời điểm thích hợp nhất để các đối thủ của Mỹ làm điều đó, bởi Oa-sinh-tơn đang trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, không ai có ý định làm điều đó với Mỹ, bởi thế giới hôm nay là một chỉnh thể của các quốc gia sống tùy thuộc vào nhau. An ninh của từng quốc gia cũng là an ninh chung của toàn thế giới và của mọi quốc gia. Đó là tư duy mới về một trật tự thế giới mà cựu Tổng thống Nga V.Pu-tin đã từng tuyên bố trong bài phát biểu gây nhiều ấn tượng của ông tại Hội nghị an ninh quốc tế ở Mu-nich hồi tháng 5-2007.

Như vậy, cùng với cuộc xung đột giữa một bên là Gru-di-a được Mỹ hậu thuẫn tích cực và bên kia là Nga đã lấy lại được vị thế cường quốc với kết cục là Gru-di-a phải gánh chịu thất bại, cuộc khủng hoảnh tài chính hiện nay ở Mỹ đã góp thêm một tiếng nói có trọng lượng để khẳng định rằng, trật tự thế giới đơn cực đang đặt dấu chấm hết, và một trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ, bình đẳng hơn, trong đó, các quốc gia sẽ có được tiếng nói của mình và có quyền hưởng lợi ích chính đáng của mình, đang hình thành./.