Trong hai ngày 13 và14-12, tại trường Đại học Quốc tế Symbiosis, thành phố Pune thuộc bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ, đã diễn ra hội nghị quốc tế với chủ đề “Chính sách hướng Đông - Hành động phía Đông của Ấn Độ: Cầu nối đến láng giềng châu Á”.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ, Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao, các học giả, nhà nghiên cứu, các cựu Đại sứ Ấn Độ tại các nước châu Á và đại biểu đến từ 19 quốc gia, trong đó có Bangladesh, Nepal, Nhật Bản, cùng Đại sứ/Cao ủy nhiều nước tại Ấn Độ.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Trong hai ngày làm việc, Hội nghị đã điểm lại kết quả “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ thời gian qua trên mọi lĩnh vực và nhất trí rằng thương mại, đầu tư của Ấn Độ vào khu vực còn rất nhiều tiềm năng để khai thác; kết nối đường bộ, đường biển và đường không cần được mở rộng và tăng cường; các bên cần tôn trọng an ninh tại khu vực; đẩy mạnh vai trò của giáo dục, văn hóa và vùng Đông Bắc Ấn Độ trong việc triển khai “Hành động phía Đông”.

Các tham luận tại Hội nghị đều đánh giá cao vai trò trụ cột của Việt Nam trong “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành khẳng định sau hơn hai thập niên triển khai thực hiện “chính sách hướng Đông”, Ấn Độ đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình cấu trúc an ninh và liên kết kinh tế khu vực. Sau khi chính phủ mới lên cầm quyền, Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ chính sách này và chuyển sang giai đoạn “Hành động phía Đông".

Đại sứ bày tỏ vui mừng rằng các nhà lãnh đạo Ấn Độ luôn khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong “chính sách hướng Đông” và nhấn mạnh Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược với Ấn Độ, ủng hộ “chính sách hướng Đông”, mong muốn chứng kiến sự hiện diện nhiều hơn của Ấn Độ trong khu vực trên tất cả các lĩnh vực.

Để “Hành động phía Đông” được triển khai hiệu quả, Đại sứ Tôn Sinh Thành đề nghị tăng cường kết nối đường bộ, đường biển và đường không giữa Ấn Độ và khu vực Đông Á; Ấn Độ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), sớm hiện thực hóa Hiệp định Thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN; Ấn Độ tích cực tham gia xây dựng các chuẩn mực và giải quyết các thách thức về an ninh và các điểm nóng trong khu vực, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy quá trinh xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)./.