Ngày 07-11, Ủy ban Kinh tế - xã hội Liên hợp quốc về khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) khẳng định việc kết nối khu vực thông qua mạng lưới giao thông trên bộ có vai trò tối quan trọng trong gắn kết 12 quốc gia không giáp biển (LLCD) ở châu Á với các mạng lưới hạ tầng khu vực.

Theo bà Shamshad Akhtar, Thư ký điều hành ESCAP, trong thập kỷ qua, các nước LLDC ở châu Á đã phát triển tương đối tốt và sự cải thiện kết cấu hạ tầng ở một số nước cho thấy nếu đầu tư quy mô lớn và đặt ưu tiên trong hoạch định chính sách, các nước này có thể theo kịp hoặc vượt cả các quốc gia láng giềng tiếp giáp biển.

Phát biểu tại Lễ công bố báo cáo về thu hẹp khoảng cách hạ tầng để kết nối khu vực của ESCAP nhân Hội nghị lần thứ hai của Liên hợp quốc về LLDC tại Thủ đô Vienna, Áo, bà Shamshad Akhtar kêu gọi các nước LLCD cần có những cam kết chính trị mạnh mẽ hơn cũng như thúc đẩy sự tham gia của cả hai khu vực công, tư để phát triển hạ tầng trong nước.

Theo bà Shamshad Akhtar, việc thu hẹp khoảng cách về hạ tầng vẫn là thách thức phức tạp và đắt đỏ trong trung và dài hạn đối với các nước LLDC của châu Á - Thái Bình Dương.

Những kết luận từ báo cáo của ESCAP cho thấy cần nhiều khoản đầu tư mới để cải thiện hạ tầng giao thông và dịch vụ hậu cần, đặc biệt là dọc các hành lang giao thông quốc tế, để đáp ứng nhu cầu của các nước LLDC.

Bên cạnh đó, ESCAP cũng dự báo nhu cầu năng lượng cho các nước LLDC khu vực sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.

Để tăng cường an ninh năng lượng khu vực, cơ quan này đang thúc đẩy sáng kiến “Định hướng năng lượng châu Á” nhằm đẩy mạnh việc tìm kiếm và kết nối thêm nhiều nguồn năng lượng tái tạo vào mạng lưới năng lượng khu vực, tăng tính bền vững trong sử dụng năng lượng sạch./.