Tại buổi họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 29-10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nợ xấu là kết quả phát sinh và tích tụ nhiều năm do vậy Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp để giảm nợ xấu trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nợ xấu đang có xu hướng giảm. Cụ thể tháng Chín chỉ còn 3,88% và thấp hơn nhiều so với tháng tháng Tám là 5,18%. Việc giảm nợ xấu đang được cơ quan này triển khai bằng nhiều giải pháp, trong đó điểm ưu tiên là tăng trích dự phòng rủi ro. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng khi mở rộng cho vay phải đảm bảo an toàn, hiệu quả cũng như thẩm định kỹ các dự án nhằm tăng tính hiệu quả. "Để giải quyết nợ xấu nhiều nước đã mất tới 15% GDP, còn với Việt Nam việc thành lập Công ty mua bán nợ (VAMC) đã góp phần giải quyết nợ xấu và đến nay VAMC đã mua được 95.000 tỷ đồng nợ xấu cũng như cơ cấu lại các khoản nợ".

Liên quan đến vấn đề lãi suất, Phó Thống đốc cho hay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng như lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hiện lãi suất áp dụng cho các khoản vay cũ chỉ còn ở mức 12%, trong khi lãi suất trung và dài hạn của các lĩnh vực vay ưu tiên đã đưa về dưới 10%.

Về tái cơ cấu, nhằm đảm bảo thanh khoản cũng như hoạt động của các ngân hàng thương mại, từ tháng 10-2013, Ngân hàng Nhà nước đã phê chuẩn đề án tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cũng như đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Riêng trong vụ việc của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Phó Thống đốc cho biết thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc một cách quyết liệt nhằm đảm bảo hoạt động của ngân hàng này.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, bản thân cựu Chủ tịch Ngân hàng OceanBank Hà Văn Thắm không tự khắc phục được sai lầm của mình nên Ngân hàng Nhà nước đã chuyển vụ việc đến Bộ Công an để khởi tố và bắt giam nhằm ngăn chặn những vi phạm quy định về tín dụng. "Quan điểm của Chính phủ là hết sức thận trọng, tránh hình sự hóa đối với vi phạm kinh tế, tạo những điều kiện tốt nhất có thể để các cá nhân vi phạm khắc phục được những sai lầm, khuyết điểm; và chỉ khi không khắc phục được mới có biện pháp ngăn chặn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói./.