Cải cách hành chính vì sự phát triển của doanh nghiệp ở Cần Thơ
TCCSĐT - Sau 10 năm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Có được kết quả đó là nhờ quyết tâm không nhỏ trong cải cách hành chính của Cần Thơ.
Cải cách hành chính tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp
Vai trò của cải cách hành chính đối với sự phát triển của doanh nghiệp được thể hiện chủ yếu ở việc làm giảm thời gian và chi phí của doanh nghiệp trong quá trình gia nhập thị trường cũng như tiến hành các hoạt động thương mại. Điều đó sẽ làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Có thể thấy rõ hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp.
Thứ nhất, thủ tục hành chính là yếu tố quyết định đến thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Nếu thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp sẽ làm tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, hơn thế nữa, nó còn làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp vì thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải có những quyết định và hành động nhanh chóng. Nếu thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn thì doanh nghiệp tốn ít thời gian và chi phí, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vai trò quan trọng của thủ tục hành chính như vậy, nên không có gì ngạc nhiên khi tất cả các nước trên thế giới hiện nay đều hướng tới việc thực hiện các biện pháp nhằm loại bỏ các quy định pháp luật, các thể chế và thủ tục hành chính có thể làm tăng chi phí gia nhập thị trường, chi phí tiến hành các hoạt động thương mại của các doanh nghiệp hoạt động trên đất nước mình.
Qua các kết quả điều tra, khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành tại các địa phương, các khó khăn lớn nhất đối với hoạt động của các doanh nghiệp tại địa phương là: vốn, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, đất đai và thuế. Với mỗi địa phương khác nhau lại có những khó khăn khác nhau song tất cả các doanh nghiệp ở các địa phương đều có tiếng nói chung về những khó khăn, vướng mắc của thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp. Có tới trên 75% doanh nghiệp dân doanh tuyên bố sẽ tăng đầu tư phát triển nếu có điều kiện thuận lợi, trong đó có việc thủ tục hành chính phải được đơn giản hóa. Ông Gim Uynh-Clơ (Jim Winkler), nguyên Giám đốc Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam (VNCI) cho rằng: “Nếu giảm đi 40% thủ tục hành chính thì Việt Nam sẽ tiết kiệm được mức 2,8 - 6.5 tỷ USD/năm”.
Vì vậy, để thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, có thể cải cách theo một số hướng sau đây:
Đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp bằng cách cắt giảm những thủ tục không cần thiết hoặc thống nhất một số thủ tục.
Thực hiện mô hình một cửa liên thông, giúp doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần ở nhiều cơ quan khác nhau, từ đó cũng làm giảm thời gian và chi phí trong quán trình hoàn thiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp.
Quy định rõ thời gian và các khoản phí của từng thủ tục hành chính với mức thấp nhất có thể tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, tiên lượng được.
Thứ hai, hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cũng ảnh hưởng đến thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Nếu cán bộ, công chức có tác phong, kỹ năng làm việc nhanh chóng, hiệu quả, ý thức trách nhiệm cao, làm đúng bổn phận, chức trách thì các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được giải quyết với thời gian ngắn nhất và chi phí ít nhất. Ngược lại, nếu cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả, cộng với việc cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc nhằm nhũng nhiễu, đòi hỏi chi phí “bồi dưỡng” làm tăng chi phí của doanh nghiệp vì “thời gian là vàng” và cũng được xem là một loại chi phí.
Do đó, để hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong nền hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, có thể cải cách theo một số hướng sau đây:
Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức để họ có phong cách làm việc hiện đại, nhanh chóng, giải quyết công việc hiệu quả.
Nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ cho cán bộ công chức cộng với việc tiến hành mạnh mẽ các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Nếu xét ở khía cạnh các yếu tố cấu thành nền hành chính, có hai yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến sự phát triển của doanh nghiệp là thủ tục hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, ở những khía cạnh khác, tính hiện đại, chuyên nghiệp của nền hành chính cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Điều đó thể hiện ở một số mặt sau:
Một là, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng làm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, các doanh nghiệp không cần phải đến các cơ quan công quyền cũng có thể tra cứu khi cần làm một thủ tục nào đó. Thậm chí, việc giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng in-tơ-nét còn giúp doanh nghiệp không mất chi phí đi lại.
Hai là, việc minh bạch hóa, công khai hóa cũng góp phần làm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Với việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các khoản lệ phí,... giúp doanh nghiệp dễ dàng phát hiện ra những đòi hỏi không đúng quy định của đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời, yêu cầu cán bộ, công chức giải quyết công việc đúng thời gian, không được trễ hẹn, làm mất thời gian của doanh nghiệp.
Cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ
Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã có nhiều cố gắng trong cải cách hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về thủ tục hành chính, Cần Thơ đã có nhiều hoạt động nhằm giảm thời gian và chi phí của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các thủ tục hành chính như:
Thực hiện việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính thông qua việc cắt giảm những thủ tục không cần thiết. Trong những năm qua, thành phố đã thực hiện thống kê, rà soát thủ tục hành chính theo phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính. Qua đó, đã rà soát, công bố lại 1.677 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành và bộ thủ tục hành chính chung áp dụng tại cấp quận và cấp phường; đến giai đoạn thực thi thủ tục hành chính còn lại 1.398 thủ tục hành chính, giảm 279 thủ tục hành chính so với kết quả công bố giai đoạn rà soát.
Cần Thơ cũng đẩy mạnh thực hiện mô hình “Một cửa liên thông” về việc cấp Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận Đăng ký mẫu dấu và con dấu (liên thông giữa 03 cơ quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố và Cục Thuế Cần Thơ) nhằm giảm bớt thời gian và chi phí đi lại của doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 07-01-2009 về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp theo cơ chế “một cửa liên thông”. Theo đó, cấp Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp trong vòng 05 ngày làm việc, giải quyết cấp Giấy chứng nhận Đăng ký mẫu dấu và con dấu trong 05 ngày tiếp theo; sau 10 ngày làm việc doanh nghiệp sẽ đến nhận nộp hồ sơ để nhận 02 kết quả (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và con dấu). Cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực ủng hộ và đồng tình đối với cơ chế này. Qua khảo sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt, rất tốt đạt đến 97%, chưa tốt 3%, không có đánh giá xấu.
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, Cần Thơ không chỉ rà soát, cắt bỏ mà còn thống nhất một số thủ tục hành chính với nhau. Cuối năm 2008, thành phố Cần Thơ đã thực hiện việc thống nhất một mã số đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho doanh nghiệp (mã số đăng ký kinh doanh vừa là mã số thuế, gọi chung là “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế”) theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA ngày 29-7-2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký con dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đến quý II năm 2010, bắt đầu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, gọi mã số đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế là mã số doanh nghiệp (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp). Việc thống nhất giữa mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí so với trước đây.
Thứ hai, về đội ngũ cán bộ, công chức. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của chức danh công chức, tăng hiệu quả và năng suất làm việc, góp phần giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp nhanh chóng và đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ngày càng được cải thiện, có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, bảo đảm doanh nghiệp mất thời gian và chi phí đúng quy định, nâng cao niềm tin của doanh nghiệp vào cơ quan hành chính nhà nước. Những việc doanh nghiệp cần phải “thương lượng”, có “mối quan hệ trước” với cán bộ, công chức của các doanh nghiệp liên tục giảm qua các năm. Chúng ta có thể tham khảo bảng số liệu sau:
Chỉ số minh bạch của thành phố Cần Thơ năm 2012
Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2012
Thứ ba, việc công khai, minh bạch trong cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính được thành phố nghiêm túc thực hiện. Thành phố đã niêm yết, công bố công khai các bộ thủ tục hành chính và thường xuyên cập nhật các thủ tục hành chính đã hủy bỏ, sửa đổi, thay thế và ban hành mới. Qua đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh chóng, dễ dàng và không tốn chi phí; đồng thời, doanh nghiệp không phải đến cơ quan nhà nước để tìm hiểu thông tin, thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian chờ đợi.
Thứ tư, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nền hành chính cũng được đẩy mạnh ở thành phố Cần Thơ, góp phần giảm thời gian và chi phí đi lại cho doanh nghiệp. Thực hiện Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và Thông tư số 14/2010/TT-BKH ngày 04-6-2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thành phố đã triển khai “Chương trình Cải cách đăng ký kinh doanh” tại phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ. Từ năm 2010, thành phố đã thực hiện cấp đăng ký kinh doanh qua hệ thống mạng này đối với các hồ sơ doanh nghiệp đăng ký thay đổi.
Nhờ những nỗ lực trong cải cách hành chính của Thành phố Cần Thơ, chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp ở Cần Thơ liên tục giảm qua các năm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chỉ tiêu chi phí thời gian gia nhập thị trường của các doanh nghiệp ở Cần Thơ
Các chỉ tiêu đánh giá | Năm 2010 | Năm 2011 | Năm 2012 |
Thời gian đăng ký kinh doanh (ngày) | 10 | 7 | 7 |
% DN cần thêm giấy phép kinh doanh khác | 6,45% | 16,67% | 5,26% |
Tổng số giấy đăng ký và giấy phép cần thiết để chính thức hoạt động (Giá trị trung vị), kể cả giấy phép được yêu cầu bổ sung từ năm 2010 | 2,0 | 1,0 | 1,02 |
Thời gian chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (Giá trị trung vị) | 30 | 60 | 60 |
% DN phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để bắt đầu hoạt động | 18,75% | 9,09% | 7,69% |
% DN phải chờ hơn ba tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để bắt đầu hoạt động | 4,46% | 0,00% | 3,85% |
Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2012
Chỉ tiêu chi phí thời gian của Cần Thơ năm 2012
| Cần Thơ | Hà Nội | Hải Phòng | Đà Nẵng | Tp. HCM |
Các cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả hơn sau khi thực hiện cải cách hành chính công (% Có) | 45,24% | 15,56% | 20,16% | 38,05% | 28,92% |
Số lần đi xin dấu và xin chữ ký của doanh nghiệp giảm sau khi thực hiện cải cách hành chính (% Có) | 30,16% | 14,79% | 11,86% | 19,47% | 24,78% |
Thủ tục giấy tờ giảm sau khi thực hiện cải cách hành chính (% Có) | 50,79% | 28,40% | 20,16% | 47,35% | 57,49% |
Các loại phí, lệ phí của nhiều thủ tục giảm sau khi thực hiện cải cách hành chính (% Có) | 22,22% | 5,06% | 9,49% | 15,49% | 7,40% |
Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2012
Thúc đẩy cải cách hành chính vì sự phát triển của doanh nghiệp
Thứ nhất, đưa cải cách hành chính trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố, đặc biệt là những cơ quan có quan hệ trực tiếp với cá nhân, doanh nghiệp. Trong tổng kết tình hình hoạt động hằng năm, hằng quý của các cơ quan, phải gắn với tổng kết công tác cải cách hành chính của cơ quan.
Thứ hai, tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành trung ương, các văn bản chỉ đạo của thành phố về cải cách hành chính cho toàn thể cán bộ, công chức của thành phố, đặc biệt là những người phụ trách công tác cải cách hành chính. Cần thay đổi tư duy của những người làm công tác cải cách hành chính, để họ không đối lập lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của Nhà nước. Cải cách hành chính là lĩnh vực nhạy cảm vì nó liên quan đến “lợi ích” của chính người làm công tác cải cách hành chính, vì vậy việc những cán bộ này thật sự vì sự phát triển chung của Thành phố, của đất nước là rất quan trọng để mạnh dạn cắt bỏ những khâu đoạn rườm ra, gây phiền phức cho doanh nghiệp.
Thứ ba, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức của thành phố Cần Thơ. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tin học, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính cho cán bộ, công chức; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên trên địa bàn thành phố, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thứ tư, ứng dụng và đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính một cách hiệu quả, cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến để tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong giao dịch với cơ quan hành chính. Các cơ quan hành chính đều phải có trang web riêng, có hướng dẫn những thủ tục hành chính mà cơ quan giải quyết một cách cụ thể, chi tiết. Thành phố cũng cần xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai việc cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cho sở, ban, ngành của thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tổ chức tập huấn sử dụng thiết bị chữ ký số để sớm đưa vào sử dụng.
Thứ năm, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào cải cách hành chính. Sự tham gia của doanh nghiệp diễn ra ở nhiều khâu đoạn, trước hết cần lắng nghe, tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp về những thủ tục hành chính không cần thiết nên sớm cắt bỏ của thành phố. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần tham gia giám sát việc tuân thủ các thủ tục hành chính của cán bộ, công chức (về quy trình thủ tục, về thời gian, lệ phí,…). Thành phố nên có đường dây nóng để những trường hợp cán bộ, công chức nào nhũng nhiễu, phiền hà đến doanh nghiệp thì họ có thể gọi điện báo cáo./.
Cuộc chiến chống IS và những toan tính địa chiến lược  (22/10/2014)
Điện chia buồn cựu Thủ tướng Australia Gough Whitlam qua đời  (22/10/2014)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ  (21/10/2014)
Thủ tướng tiếp nguyên Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak  (21/10/2014)
Việt Nam - Hoa Kỳ quyết tâm đàm phán thành công TPP  (21/10/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên