TCCSĐT - Tối 17-10 (giờ Việt Nam), bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milan, Italy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp với Tổng thống Myanmar U Thein Sein, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha… nhằm trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước cũng như về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Tiếp Tổng thống Myanmar U Thein Sein, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng những thành tựu quan trọng thời gian gần đây của Myanmar trong phát triển đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngày càng khẳng định vai trò ở khu vực và trên thế giới; chúc mừng Myanmar đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ đầu năm 2014 đến nay.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chặt chẽ với Myanmar.

Hai nhà lãnh đạo hài lòng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua, nhất là về chính trị - đối ngoại, kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, giáo dục, nông - lâm nghiệp…

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được, trong đó tập trung vào 12 lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Tuyên bố chung về hợp tác Myanmar - Việt Nam ký vào tháng 4-2014; đặc biệt đề nghị Myanmar tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh và đầu tư tại Myanmar.

Lãnh đạo hai nước nhất trí sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Myanmar và sớm ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và Liên hợp quốc cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng như Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chaophraya - Mekong (ACMECS), 4 nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) và Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Myanmar thông báo sẽ sớm gia nhập thành viên của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC).

Hai bên nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Ngài Prayuth Chan-ocha được bổ nhiệm làm Thủ tướng Vương quốc Thái Lan và hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Ngài Thủ tướng.

Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu rộng về các biện pháp đưa quan hệ Việt Nam - Thái Lan phát triển hiệu quả hơn như tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, bao gồm họp nội các chung, Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban hợp tác chung về thương mại, tham khảo chính trị; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, đưa kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD vào năm 2020; sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác về lao động, về thể thao và Hiệp định mới về hợp tác khoa học - công nghệ.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth đề nghị hai bên cùng khuyến khích và dành ưu đãi cho doanh nghiệp của nhau về đầu tư, nhất trí tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và các hoạt động hợp tác lao động. Thái Lan khẳng định tiếp tục đóng góp và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước ASEAN khác trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết và cùng nhau phát triển; nhất trí trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, sẽ đóng góp thực hiện đầy đủ DOC, sớm đạt được COC.

Tại cuộc gặp Tổng thống Mông Cổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc Mông Cổ chuẩn bị tốt Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 (ASEM 11), khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm để Mông Cổ đảm nhận thành công vai trò nước chủ nhà của Hội nghị ASEM 11.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Bulgary Plevneliev, hai bên nhất trí cần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Lãnh đạo hai nước cũng trao đổi một số các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật và giáo dục đào tạo.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Na Uy, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như năng lương, nghề cá và phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề an ninh, phát triển tại các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Thủ tướng Na Uy sớm thăm Việt Nam và Thủ tướng Na Uy đã vui vẻ nhận lời.

Cùng ngày, truyền thông Đức tiếp tục đăng tin, bài đánh giá cao chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó nhấn mạnh những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm Tây Âu lần này.

Trang tin finanzen.net - cổng thông tin tài chính lớn nhất của Đức cho biết, trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) lần thứ 10 ở Milan (Italy), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm Đức, gặp và hội đàm với các nhà lãnh đạo Đức và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Berlin cũng như Liên minh châu Âu (EU) về giải pháp cho những bất đồng ở Biển Đông.

Bài báo nêu rõ, tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định rõ chủ trương, đường lối và mong muốn của Việt Nam là cùng giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình; khẳng định Việt Nam trước sau như một kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bài báo cũng cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố ủng hộ chủ trương của Việt Nam giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), coi đây là biện pháp hiệu quả để giải quyết, làm rõ những bất đồng. Ngoài ra, tác giả bài báo cũng cho biết Thủ tướng Merkel cam kết đề cập chủ đề tự do và an toàn hàng hải tại Hội nghị ASEM.

Trên phương diện kinh tế, trang finanzen.net nhận định chuyến thăm các nước Tây Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự ủng hộ của Đức, Bỉ và Ủy ban châu Âu trong việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), cũng như công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường khi hiệp định được ký kết.

Bài báo cho rằng EVFTA là một hiệp định quan trọng, mở ra những triển vọng hợp tác to lớn giữa EU và Việt Nam, đồng thời đây cũng là một trong những điểm quan trọng nhất để định hình và thúc đẩy một cách hiệu quả hơn mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược trong tương lai.

Theo bài báo, với một quốc gia “then chốt” như Đức, Việt Nam có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả và toàn diện hơn.

Trang finanzen.net cũng cho biết chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược song phương lên một tầm cao mới, cả về bề rộng và chiều sâu.

Bài báo kết luận những kết quả đạt được trong chuyến thăm Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “sẽ là món quà ý nghĩa nhất cho mối quan hệ ngày càng bền chặt” giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam.

Trước đó, Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức (BMWi) đã trang trọng đăng tin, ảnh về cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel tại trụ sở Bộ ở Berlin.

Tại buổi tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Gabriel nhấn mạnh trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp Đức tới đầu tư và có tiềm năng rất lớn cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế song phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel cũng đã thảo luận về quan hệ song phương và quan hệ EU - ASEAN tại cuộc gặp này.

Theo chương trình, chiều 18-10 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ rời thành phố Milan, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 10 và bắt đầu chương trình thăm Tòa thánh Vatican./.