Tổng Bí thư: "Suy thoái về đạo đức là nguyên nhân tệ nạn gia tăng"
Sáng 18-10, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về công tác văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh: Giai đoạn 2011 - 2015, ngành văn hóa, thể thao và du lịch có nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, góp phần ngăn chặn những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, suy thoái về tư tưởng, đạo đức xã hội, đạo đức học đường, đạo đức trong gia đình. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong cả nước ngày càng được nâng cao về chất lượng, kết hợp với quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại và kêu gọi đầu tư.
Cả nước hiện có 130 đơn vị nghệ thuật công lập với hơn 5.000 nghệ sỹ, trên 300 doanh nghiệp tư nhân có chức năng sản xuất phim, trên 250 phòng chiếu phim, gần 300 đội chiếu phim lưu động. Các cơ sở đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự phát triển của ngành. Hiện cả nước có 446 cơ sở đào tạo văn hóa, thể thao và du lịch, và khoảng 1.000 trung tâm dạy nghề, câu lạc bộ... với quy mô đào tạo hơn 80 nghìn học sinh, sinh viên.
Công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần cung cấp lý luận và thực tiễn vào việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã đạt được kết quả quan trọng, cả nước hiện có 20 di sản thế giới, 48 di tích quốc gia đặc biệt, 67 bảo vật quốc gia, 3.211 di tích quốc gia, 69 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 145 bảo tàng lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chuyển biến tích cực, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình có bước chuyển biến quan trọng và sự phối hợp liên ngành trong công tác gia đình bước đầu đạt kết quả tốt.
Ngành đã chủ động, tích cực giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc; chú trọng phát triển phong trào thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, nhất là trong thanh thiếu niên nhằm nâng cao thể chất con người Việt Nam và thành tích thi đấu tại các giải trong nước và quốc tế.
Toàn ngành đã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, tăng cường xúc tiến quảng bá, phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chín tháng năm 2014 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6 triệu lượt, tăng hơn 10%; khách du lịch nội địa đạt trên 32 triệu lượt, tăng 7,6%; tổng thu từ du lịch đạt 179 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2013, tạo ra gần 2 triệu việc làm.
Để đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; hoàn thiện thể chế về văn hóa, thể thao và du lịch, sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan; tăng tỷ trọng đầu tư cho văn hóa, thể thao, chú trọng làm tốt hơn công tác gia đình, có cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững và hiệu quả.
Nhiều ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lệch lạc, chống suy thoái đạo đức, lối sống, đặc biệt trong giới trẻ, cần tránh hình thức, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phong phú, đa dạng và tinh tế. Văn hóa thấm sâu vào tất cả các mặt của đời sống xã hội, đến từng người, từng gia đình, mọi lĩnh vực, các ngành, các cấp.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đã có bước tiến mới, phát triển khá nhanh, mạnh, cả về quy mô, số lượng, các loại hình, phong trào hoạt động... thu hút sự tham gia đóng góp của các cấp, các ngành, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có vai trò nòng cốt.
Trong điều kiện chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều vấn đề mới đang đặt ra, nhất là vấn đề giữ gìn, phát huy, khai thác phát triển truyền thống văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trước sự du nhập của văn hóa ngoại lai. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống chính là nguyên nhân của tình trạng tội phạm và các loại tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Rồi việc chăm lo phát triển giống nòi, nâng cao thể lực, tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam... Thực tế cho thấy văn hóa chưa theo kịp nhịp độ tăng trưởng, chưa phát triển tương xứng với yêu cầu đề ra. Tổng Bí thư yêu cầu: Cần nghiêm túc nhìn nhận lại những tồn tại, hạn chế, khó khăn, từ đó tìm ra hướng đi đúng.
Về phương hướng, nhiệm vụ sắp tới, Tổng Bí thư chỉ rõ: Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, đầy đủ về các lĩnh vực: Văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình... Vấn đề là tổ chức triển khai thực hiện như thế nào. Trước hết, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhận thức thấu đáo, đầy đủ, sâu sắc về văn hóa, cả theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp, nhất là nội dung Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI có nhiều điểm mới, rất sâu sắc, đó là xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học.
Trọng tâm của phát triển văn hóa là con người và môi trường văn hóa, để phục vụ cho công cuộc phát triển bền vững trong giai đoạn mới... Phát triển văn hóa, phát triển con người là phát triển về nhân cách đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, có trách nhiệm với gia đình, bản thân, với cộng đồng, xã hội, với đất nước... Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước, ngang hàng với chính trị, kinh tế, môi trường. Văn hóa là một trong bốn trụ cột để phát triển bền vững đất nước, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội.
Tổng Bí thư lưu ý, cần đặc biệt coi trọng việc thể chế hóa nghị quyết thành luật pháp, cơ chế chính sách, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động, có như vậy mới đưa nghị quyết đi vào thực tế cuộc sống; đồng thời phải hết sức quan tâm làm tốt công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ cả cho trước mắt và lâu dài. Đây là lĩnh vực thiêng liêng, tinh tế, nhạy cảm, phức tạp, nên càng cần những cán bộ có tâm, có tầm, có nhân cách, đạo đức lối sống tiêu biểu là người có văn hóa, thu phục nhau ở tài năng, nhân cách chứ không phải bằng chức vụ. Bên cạnh đó, cần huy động nhiều nguồn lực trong xã hội và có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển văn hóa.
Tổng Bí thư căn dặn, ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải phối hợp tốt hơn nữa với các ngành, địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, ráo riết, quyết liệt, để đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Tổng Bí thư mong muốn ngành văn hóa, thể thao, du lịch cần quan tâm làm tốt hơn nữa hoạt động văn hóa đối ngoại để quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người, nhân cách, truyền thống văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Vấn đề gốc, có ý nghĩa quyết định của mọi quyết định là phải làm tốt công tác xây dựng nội bộ, xây dựng Đảng, cơ quan, xây dựng con người. Người làm công tác văn hóa càng phải gương mẫu, phải thực hiện cho tốt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, kết hợp với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.
Thường trực Ban Bí thư hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp  (18/10/2014)
Philippines thúc đẩy quốc tế ủng hộ kế hoạch 3 điểm cho Biển Đông  (18/10/2014)
Kinh tế Eurozone tiếp tục nhận các thông tin tiêu cực mới  (18/10/2014)
Ukraine và Nga đạt được đột phá để nối lại cung cấp khí đốt  (18/10/2014)
Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại phiên họp ASEM 10  (17/10/2014)
Thủ tướng trả lời báo chí quốc tế về vấn đề căng thẳng trên Biển Đông  (17/10/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên