Hàng trăm nhà quản lý, khoa học đã tham dự Hội thảo quốc gia về định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn, do Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức, sáng 01-10.

Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư trong nước.

Theo đó, việc phát triển mạnh mẽ “vương quốc tỏi” Lý Sơn sau khi có điện lưới quốc gia càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, tạo bước đột phá cho huyện đảo Lý Sơn trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Mục tiêu đến năm 2020, huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh.

Thế mạnh để phát triển của huyện đảo Lý Sơn đã rõ, nhưng thách thức, khó khăn còn không nhỏ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Lê Thế Chữ cho rằng, hạ tầng quá yếu kém, chưa có cảng, đường giao thông, cấp nước chưa được đầu tư, thiếu cây xanh, nước ngọt, xói lở bờ biển diễn ra nhanh; kinh tế kém phát triển với gần 24% hộ nghèo, hơn 10% hộ cận nghèo; lao động chưa được đào tạo nhiều, dân trí thấp so với nhiều vùng khác.

Do vậy, việc khắc phục những yếu kém về hạ tầng đòi hỏi vốn lớn, xóa đói giảm nghèo không thể nhanh chóng được, biến đổi khí hậu và khai thác cát làm xâm thực bờ biển và vấn đề môi trường cần giải quyết rất cấp thiết.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng nhấn mạnh: Cần xác định thủy sản là ngành kinh tế động lực (nhất là khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thủy sản); phát triển du lịch, dịch vụ là lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác triệt để, trên huyện đảo còn nhiều danh thắng quốc gia, lễ hội truyền thống của người dân địa phương; phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên công nghiệp chế biến, bảo quản, phục vụ thủy sản và hậu cần nghề cá; quan tâm đến văn hóa xã hội cũng như bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Đối với cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Thế Chữ kiến nghị cần có ưu đãi đầu tư cao nhất cho nhà đầu tư về tín dụng, đất đai; với ngư dân cần hỗ trợ vốn, bảo hiểm, đào tạo thuyền viên, thuế; chính sách thu hút nguồn lực như được hưởng phụ cấp ưu đãi 0,7% cho cán bộ làm việc trên đảo; đầu tư kết cấu hạ tầng cần ưu tiên bố trí vốn cho một số công trình thiết yếu trên đảo...

Định hướng phát triển chính của Lý Sơn

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc tổ chức Hội thảo này là bước đi nhằm cụ thể hóa chiến lược biển mà Trung ương đã đề ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn. Đặt ra nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của huyện đảo Lý Sơn trong tình hình mới phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững (hiện còn đến 25% hộ nghèo), giảm nghèo bền vững gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng nêu lên một số nội dung để các đại biểu tham gia thảo luận, làm rõ. Đó là, xác định rõ vai trò và vị thế của huyện đảo Lý Sơn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi, trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Đồng thời, phải nhận dạng tiềm năng và lợi thế, khó khăn và thách thức của huyện đảo Lý Sơn trong quá trình phát triển gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Hội thảo cần tập trung đánh giá về định hướng và ưu tiên phát triển chính của Lý Sơn trên các lĩnh vực như ngư nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Thảo luận các biện pháp ưu đãi và biện pháp hỗ trợ trong thời gian qua của Chính phủ và địa phương. Chỉ rõ những mặt tích cực, hạn chế và bất cập trong chính sách ưu đãi.

Đồng thời cần làm rõ hướng ra của Lý Sơn, nhất là các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, các giải pháp huy động nguồn lực để phát triển trong thời gian tới, các giải pháp đột phá và đặc thù trên cơ sở lợi thế riêng của huyện đảo. Hoàn thiện quy hoạch từng khu vực để phát triển các phân khu chức năng gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng, hậu cần nghề cá, phát triển nông nghiệp đặc hữu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao...

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, các suy thoái về nguồn nước đối với cuộc sống của người dân trên đảo, gắn phát triển đảo với chương trình và mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng cũng thông báo những ưu đãi mà Chính phủ đang xem xét về cơ chế, chính sách khi nhà đầu tư vào Lý Sơn; chính sách hỗ trợ ngư dân cao nhất trong đánh bắt thủy, hải sản; chính sách cán bộ làm việc trên đảo được hưởng phụ cấp 0,7%; xây dựng bệnh viện quân dân y kết hợp trên đảo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị những việc cần làm ngay để phát triển huyện đảo Lý Sơn. Đó là hiệu quả kinh tế trồng tỏi và hành rất cao với thu nhập trung bình trồng tỏi từ 1,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm. Do đó, kiên quyết bảo vệ đất nông nghiệp cho dân, không được lấy đất để làm các công trình công cộng, xây dựng...

Đồng thời, quan tâm và có giải pháp đặc biệt cho tình trạng nước biển xâm thực đảo Lý Sơn, vì trong vòng 40 năm đảo đã bị nước biển xâm thực 1 km2, việc khai thác cát trên đảo phải được quản lý chặt chẽ./.