"Hoa Kỳ coi trọng, mong tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam"
Ngày 2-6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp bà Penny Pritzker, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ và các đại biểu đại diện Hội đồng kinh doanh Thương mại Hoa Kỳ-ASEAN đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam.
Bộ trưởng Penny Pritzker nhấn mạnh chuyến thăm này nhằm nâng cao hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, cụ thể hóa quan hệ đối tác toàn diện mà hai nước đã ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ tháng 7-2013.
Bà Penny Pritzker khẳng định, Hoa Kỳ coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực; trong đó có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Kể từ khi xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, hợp tác hai nước ngày càng phát triển và gắn kết hơn với sự phát triển của khu vực và thế giới.
Bà Bộ trưởng tin rằng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi Hiệp định TPP được ký kết và thực thi; đánh giá cao Nhà nước Việt nam đã có nhiều nỗ lực và những biện pháp cụ thể để cải thiện và bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định, an toàn cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Bà Penny Pritzker thông báo, nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hoa Kỳ đang quan tâm mở rộng quy mô đầu tư cũng như đầu tư mới tại thị trường Việt Nam, nhất là sau khi Hiệp định TPP được ký kết.
Về vấn đề biển Đông, sau khi nhắc lại lập trường của Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ phản đối hành động đơn phương và mang tính khiêu khích của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm cho tình hình Biển Đông trở nên hết sức căng thẳng, bà Penny Pritzker bày tỏ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin tưởng chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai tích cực quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước; nhấn mạnh, kể từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1995, sau đó được phát triển với những dấu mốc quan trọng như việc ký kết hiệp định thương mại song phương BTA, Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam vào WTO...
Cho đến nay, mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có một bước tiến dài theo hướng tích cực, trong đó nổi bật là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư.
Năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã lên đến gần 30 tỷ USD, tăng gần 5 lần so với năm 2005; đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng không ngừng tăng lên. Hiện tại, quan hệ hai nước đang tiếp tục có điều kiện để tiến xa hơn nữa thông qua việc sớm kết thúc đàm phán để ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chủ tịch nước tin rằng, với vai trò quan trọng và sự ủng hộ tích cực của bà Bộ trưởng, của Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, với sự nỗ lực hợp tác của các tập đoàn, tổng công ty lớn của Hoa Kỳ và việc Hoa Kỳ sớm dỡ bỏ các rào cản thương mại với Việt Nam; cùng với việc Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng hơn; chắc chắn quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với hiện tại chỉ trong một tương lai gần.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ đẩy mạnh thực hiện tốt nội dung Tuyên bố chung do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barak Obama đã ký kết tháng 7-2013; trong đó có những thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, góp phần làm cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ tịch nước cảm ơn Quốc Hội, Chính phủ Hoa Kỳ đã kịp thời phản đối mạnh mẽ Trung Quốc có hành vi đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế, chính phủ và các học giả của nhiều nước đã lên tiếng phê phán việc làm này của Trung Quốc, ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, lên án việc dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Chủ tịch nước đề nghị dư luận quốc tế; trong đó có Hoa Kỳ, phản đối việc phía Trung Quốc mới đây đã có những hành động đâm chìm tàu cá và đâm va làm thủng tàu cảnh sát biển, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa tính mạng của ngư dân và nhân viên chấp pháp của Việt Nam; tiếp tục dùng cả tàu chiến và máy bay quân sự uy hiếp các hoạt động chấp pháp của Việt Nam.
Đây là những hành động hết sức nghiêm trọng cần phải được chấm dứt, nhằm thiết lập lại trật tự theo đúng luật pháp quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Việt Nam luôn mong muốn cùng với các bên liên quan sớm có giải pháp khôi phục trạng thái ổn định, hữu nghị, hợp tác, vì lợi ích chung của khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, qua Bộ trưởng Penny Pritzker, gửi lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp đến Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama./.
"Sớm muộn Việt Nam sẽ đạt được lẽ phải lịch sử với Hoàng Sa"  (02/06/2014)
Quốc hội: Cần đánh giá tác động vấn đề Biển Đông tới nền kinh tế  (02/06/2014)
Báo Nga khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa  (02/06/2014)
Việt - Pháp: Quan hệ, hợp tác đang phát triển sâu rộng, toàn diện  (02/06/2014)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 26-5 đến ngày 01-6-2014  (02/06/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên