Nhóm lợi ích trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Trần Thị Hoa Lê Học viện Báo chí và Tuyên truyền
09:01, ngày 30-05-2014
TCCSĐT - Một nét đặc trưng trong đời sống chính trị Mỹ nói chung và trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nói riêng là sự tham gia tích cực của các nhóm lợi ích với rất nhiều hoạt động khác nhau. Có thể nói, cùng với các phương tiện truyền thông đại chúng, hiện nay, các nhóm lợi ích đang giữ vai trò chi phối và ảnh hưởng sâu sắc đến kết quả của các cuộc chạy đua vào nhà Trắng.
Ở Mỹ, người ta xem các nhóm lợi ích là các nhà tài trợ chính thức cho chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên tổng thống và con đường dẫn tới Nhà Trắng thường sẽ xuyên qua phòng khách của những “ông lớn” ở Hô-li-út (Hollywood), các nhà tài phiệt ở phố Uôn (Wall street), hàng loạt chuyên gia vận động hành lang trong ngành công nghiệp quốc phòng, những yếu nhân trong ngành dầu khí và các chiến lược gia… Những nhà tài trợ lớn này nắm trong tay khá nhiều quyền lực, đôi khi có thể tạo dựng hoặc phá vỡ sự nghiệp chính trị của một ứng viên. Và thực tế là, tài khoản trong ngân hàng của các nhân vật trụ cột về kinh tế trong nước có chứa những thứ “có thể đưa một chính trị gia trở thành tổng thống”.

Một mô hình nhóm lợi ích đặc biệt hiện đang phát triển cả về số lượng và ảnh hưởng trong những năm gần đây ở Mỹ là ủy ban hành động chính trị (Political Action Committee - PAC). Đây là những nhóm độc lập, được tổ chức nhằm phục vụ một hoặc nhiều mục tiêu, như đóng góp tài chính cho các chiến dịch chính trị trong các cuộc bầu cử quốc hội hoặc tổng thống. Sự ra đời và phát triển của các ủy ban này là kết quả của một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1971 trong đó quy định số tiền tối đa mà mỗi cá nhân và công ty có thể đóng góp cho các ứng cử viên, nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của yếu tố tiền bạc trong chính trị nhưng lại không hạn chế số lượng các ủy ban hành động chính trị mà mỗi cá nhân và công ty có thể thành lập để quyên tiền. Do vậy mà số lượng ủy ban hành động chính trị cũng như số tiền mà ủy ban này quyên góp ngày càng tăng lên theo các mùa bầu cử.

Các nhóm lợi ích này ngày càng chi nhiều tiền hơn khi các cuộc vận động tranh cử tại Mỹ ngày càng trở nên tốn kém. Tại cuộc bầu cử Tổng thống rất nổi tiếng trong lịch sử các cuộc bầu cử tại Mỹ - năm 2008, một lần nữa người ta thấy sự góp mặt của các nhóm lợi ích ngay từ những chặng đua đầu tiên trong nội bộ hai đảng bằng hai con đường truyền thống là huy động cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên và tài trợ cho chiến dịch tranh cử.

Thông qua ủy ban hành động chính trị, các cá nhân, nhóm lợi ích đã tiến hành tài trợ cho các quỹ tranh cử của các ứng cử viên và các đảng chính trị. Vì số lượng các ủy ban hành động chính trị là rất nhiều, cùng một nhóm lợi ích có thể tài trợ cho chiến dịch tranh cử của cả hai đảng, hai ứng cử viên đối lập nên cũng chưa tổ chức nào có thể thống kê được con số chính xác về khoản tiền mà họ tài trợ cho các ứng cử viên. Những ủy ban hành động chính trị thường đem lại các khoản tài trợ lớn cho các ứng cử viên là các tổ chức kinh doanh, các tập đoàn lớn. Thường thì các “ông lớn” này không muốn làm mất lòng một đảng hay một ứng cử viên nhất định nào song dù ai là người giành chiến thắng thì họ cũng vẫn là người được lợi, bởi mối quan hệ giữa các đảng, các ứng cử viên với các nhóm lợi ích được xem là mối quan hệ hai bên cùng có lợi.

Các nhóm lợi ích sẽ tài trợ cho các đảng chính trị, các ứng cử viên, đặc biệt là các đảng, ứng cử viên có tiềm năng, được dự đoán sẽ giành chiến thắng. Khi ứng cử viên đó giành chiến thắng, đảng đó trở thành đảng cầm quyền, sẽ giúp các nhóm hiện thực hóa lợi ích của họ thông qua các chính sách công. Sự trao đổi qua lại này không được bất cứ một điều luật nào của Mỹ thừa nhận nhưng nó đã và đang dần trở thành quy luật tất yếu đối với bất cứ cuộc bầu cử nào tại Mỹ. Nhìn vào bảng liệt kê các nhà tài trợ hàng đầu của hai ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) và Giôn Mác-kên (John McCain), sẽ thấy những cái tên giống nhau trong ủng hộ tài chính đối với hai ứng cử viên này như: Goldman Sachs; Citi Group Inc; UBS AG; Morgan Stanley. Dù số tiền tài trợ cho hai ứng cử viên là khác nhau.

Nhìn vào số tiền tài trợ khổng lồ cho cả hai ứng cử viên trong các cuộc tranh cử tổng thống và việc cùng một công ty, một tập đoàn có thể tham gia vào nhiều nhóm lợi ích khác nhau đã cho thấy sự tham gia mạnh mẽ của các nhóm lợi ích vào hoạt động bầu cử Mỹ cũng như sự ảnh hưởng của các nhóm trong hệ thống chính trị đất nước này. Dường như bất cứ một cuộc chạy đua nào vào các vị trí trong hệ thống chính quyền Mỹ cũng có “bóng dáng” của các nhóm lợi ích. Với nhiều hoạt động khác nhau như: Ủng hộ tiền bạc và tham gia tranh cử cho các đảng; tạo cơ hội cho các ứng cử viên giành được tình hữu nghị và gây dựng uy tín....

Hay như cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 đã bắt đầu ngay sau ngày bầu cử 06-11-2012 tại Mỹ. Cả hai đảng hiện đang chuẩn bị tìm kiếm lãnh đạo mới. Tại Đảng Dân chủ, bên cạnh bà Hi-la-ri Clin-tơn (Hilary Clinton) là ứng viên sáng giá còn có Thống đốc bang Maryland Mác-tin Ơ-Ma-lây (Martin O’Malley), Phó Tổng thống Giô Bai-đơn (Joe Biden), Thống đốc bang Lốt An-giơ-lét (Los Angeles) An-tô-ni-ô Vi-la-rai-gốt-xa (Antonio Villaraigosa), Thượng nghị sỹ Niu Óoc (New York) Cít-xtân Gi-bi-bren (Kirsten Gillibrand), Thống đốc Niu Óoc An-đriu Cu-mô (Andrew Cuomo) và một ứng viên chưa được biết tới sẽ xuất hiện sau cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Khác với Đảng Dân chủ, hành trình tìm kiếm ứng viên tổng thống phía trước của Đảng Cộng hòa còn gian nan hơn bởi họ sẽ trải qua một cuộc “nội chiến” sau thất bại của ứng viên Mít Rôm-ni (Mitt Romney), giữa những người rất bảo thủ với nhóm người nắm quyền; giữa những người bảo thủ về văn hóa với những người bảo thủ về kinh tế; những người theo chủ nghĩa dân túy và những người theo trường phái cũ.

Đảng Cộng hòa đến nay vẫn chưa có một vị lãnh đạo nào thực sự nổi trội. Hiện cái tên Giép Bu-xơ (Jeb Bush), cựu Thống đốc bang Phlo-ri-đa (Florida), có thể là một cái tên được lựa chọn, nhờ vào sự nổi tiếng của cái tên cũng như tiền của của ông. Pôn Rai-ân (Paul Ryan), ứng viên phó Tổng thống vừa liên danh với ông M.Rôm-ni, được lòng các nhà bảo thủ và cũng đã thể hiện rất tốt trong chiến dịch tranh cử của ông M.Rôm-ni vừa qua. Thượng nghị sỹ bang Phlo-ri-đa Mác-cô Ru-bi-ô (Marco Rubio) là ngôi sang đang lên của Đảng Cộng hòa và đảng này cần sự nhập cuộc của cộng đồng La-tinh. Thống đốc Niu Giơ-xi (New Jersey) Crít Crít-ti (Chris Christie) đã đối phó tốt với trận bão Xan-đi (Sandy) vừa qua và là một người ăn nói cứng rắn. Ứng viên Ríc Xan-tô-ram (Rick Santorum) cũng được xem xét. Ông là người được giới bảo thủ về xã hội trong Đảng Cộng hòa ủng hộ. Trong khi đó ứng viên Mai-cơ Hắc-ca-bi (Mike Huckabee) cũng là một nhân vật nổi tiếng trong đảng. Ứng viên Xa-ra Pa-lin (Sarah Palin) có thể nổi tiếng với một số người, mặc dù chặng đường phía trước bà còn rất nhiều chông gai. Ứng viên Ríc Pơ-ri (Rick Perry) có thể chạy đua thêm một lần nữa, nhưng điều này vẫn chưa ngã ngũ. Và Đảng Cộng hòa cũng đang tìm kiếm một ứng cử viên chưa “lộ diện” từ sau cuộc bầu cử năm nay.

Theo Hãng thông tấn Roi-tơ (Reuters), dù bà Hi-la-ri Clin-tơn đến nay vẫn chưa tuyên bố chính thức về việc mình có ra tranh cử Tổng thống cho cuộc đua vào Nhà trắng năm 2016 hay không, thế nhưng hiện đã có nhiều tổ chức lấy tên bà để đặt cho các cuộc phát động quyên góp tài chính để vận động ủng hộ bà ra tranh cử. Họ muốn nước Mỹ có nữ tổng thống đầu tiên. Trong số các nhóm ủng hộ bà H. Clin-tơn, có thể kể đến những cái tên như tổ chức Madam Hillary 2016, HillaryFTW, Ready for Hillary (nhóm 50.000 thành viên Đảng Dân chủ đã quyên được hàng triệu USD cho bà H. Clin-tơn)… Ngoài ra còn có các siêu ủy ban hoạt động chính trị Mỹ (Super PAC) gồm các nhóm như The Hillary Project, Time for Hillary, Hillaryclintonsuperpac. Các siêu ủy ban hoạt động chính trị Mỹ hiện tại không ủng hộ trực tiếp mà thông qua hình thức mua không gian quảng cáo, thậm chí thay thế vai trò truyền thông của các ứng cử viên.

Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của các nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ nói chung và trong hoạt động bầu cử tổng thống Mỹ nói riêng đã làm giảm bớt quyền lực của các đảng chính trị và trở thành đối thủ đáng gờm cạnh tranh với các đảng chính trị. Sức mạnh của nhóm lợi ích cho phép một ứng cử viên hoàn toàn có thể giành thắng lợi trong bầu cử mà không cần tới sự giúp đỡ của các đảng. Với sức mạnh là nguồn tài chính khổng lồ, cùng rất nhiều hoạt động tinh vi của các nhà vận động hành lang chuyên nghiệp, nhóm lợi ích đang ngày càng khẳng định mình là một trong những nhân tố giữ vai trò chi phối trong hoạt động bầu cử tổng thống Mỹ./.