Quan tâm bồi dưỡng giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên hiện nay
TCCSĐT - Xu thế toàn cầu hóa đang tạo ra cơ hội nhưng cũng đưa lại những thách thức, đặc biệt là nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc. Do đó, khơi dậy, phát huy và bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là thanh niên - những người chủ tương lai của đất nước là một việc làm cấp bách, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Ý thức tự tôn dân tộc Việt Nam
Nếu như khái niệm dân tộc, dùng để chỉ một cộng đồng người xuất hiện trong lịch sử, có chung đời sống kinh tế, lãnh thổ, tiếng nói và đời sống văn hóa, thì ý thức tự tôn dân tộc trước hết là sự bảo vệ, sự đề cao lịch sử, lãnh thổ, tiếng nói, đặc điểm kinh tế và bản sắc văn hóa của chính dân tộc đó.
Là một hình thái của ý thức xã hội, một phạm trù lịch sử, ý thức tự tôn dân tộc Việt Nam cũng có những đặc điểm phát triển theo lịch sử. Ý thức tự tôn dân tộc là ý thức về sự tồn tại vững bền, sức sống mãnh liệt của dân tộc, bảo vệ cội nguồn, đề cao những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trước hết là những giá trị như yêu nước, cần cù, sáng tạo, nhân ái, khoan dung, hiếu học; tự hào về truyền thống lịch sử, đấu tranh dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách mạng của dân tộc; tinh thần sẵn sàng bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tinh thần tự giác trong đề phòng, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại hoàn toàn mọi âm mưu, hành động xâm phạm tới lợi ích của quốc gia dân tộc; ý thức bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt; bảo vệ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc và tính đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số, thuần phong mỹ tục, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và môi trường xã hội lành mạnh; ý thức bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước, lợi ích chính đáng của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Ý thức tự tôn dân tộc còn thể hiện ở sự tự giác sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, theo các chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc, biết tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới có chọn lọc, giữ gìn và quảng bá hình ảnh và nét đẹp của dân tộc, tạo hình ảnh đẹp và tin cậy với bạn bè quốc tế trong giao lưu, hội nhập.
Trong điều kiện ngày nay, ý thức tự tôn dân tộc còn là tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong học tập, lao động, đời sống; tinh thần vươn lên, lập thân, lập nghiệp, tạo công ăn việc làm, làm giàu chính đáng cho mình và cho xã hội; tinh thần đấu tranh với quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cái sai, cái xấu,... để làm lành mạnh hóa xã hội tạo địa bàn cho sự phát triển của xã hội, dân tộc.
Tựu trung lại, có thể hiểu ý thức tự tôn dân tộc là tinh thần đề cao những đặc điểm, những giá trị cốt lõi của dân tộc mình nhằm giữ gìn, vận dụng và phát triển những đặc điểm, những giá trị đó để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập, tự chủ, và sự phát triển trường tồn của dân tộc.
Tầm quan trọng của việc bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên
Thứ nhất, để bảo đảm sự trường tồn và phát triển của dân tộc: một mặt, bản thân mỗi cộng đồng dân tộc đó phải có ý thức về sự tồn tại, những bản sắc, tiềm lực nội sinh vốn có của mình; mặt khác, bản thân những bản sắc dân tộc cũng không bất biến mà ngày càng được hoàn thiện, thâu nạp thêm các tính quy định mới và phát triển, chúng cần được tự giác kế tục, khơi dậy và vận dụng một cách biện chứng để trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Trong mọi xã hội, thanh niên luôn là thế hệ trẻ, năng động, nhạy bén, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, ở lứa tuổi thành niên đang diễn ra quá trình phát triển, hoàn thiện về tâm sinh lý, nhân cách, cá tính,... Vì thế, nếu không được định hướng đúng đắn, có thể dẫn tới những suy nghĩ, hành động bột phát gây phương hại cho sự phát triển lâu bền của văn hóa dân tộc. Do đó, bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho các thế hệ nói chung, thanh niên nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Thứ hai, sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta: một mặt, tạo ra sự phát triển nhanh chóng về đời sống kinh tế - xã hội, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao; mặt khác, kinh tế thị trường với những hệ thống cơ chế và cả những khuyết tật của nó đã và đang có những tác động tiêu cực đến lối sống, đạo đức, niềm tin, tình cảm, thị hiếu,... của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là thanh niên. Đã xuất hiện “bệnh vô cảm”, thụ động, đổ lỗi cho cơ chế, chạy theo đồng tiền hạ thấp tình nghĩa, nhân ái, đoàn kết, yêu nước, khoan dung, hiếu học,... trong một bộ phận thanh niên. Bên cạnh đó, do áp lực của việc làm, thu nhập, quỹ thời gian các thế hệ cha mẹ quan tâm, lắng nghe, đồng hành, định hướng, giáo dục dành cho thanh niên ngày càng bị rút ngắn. Điều này làm cho sinh hoạt của thanh niên ngày càng bị kéo dãn khỏi truyền thống văn hóa, đưa tới những suy nghĩ, biểu hiện không tốt cho việc khơi dậy, phát huy ý thức tự tôn dân tộc cả về lợi ích trước mắt và lâu dài.
Thứ ba, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế: một mặt, tạo cơ hội cho đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên phát triển về mọi mặt; song, cũng đưa lại những mặt trái, nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc. Chẳng hạn, sự “phẳng hóa” toàn cầu, sự mờ nhạt của biên giới quốc gia dân tộc, sự hình thành “ngôi làng toàn cầu”. Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông đang đưa phần lớn các sinh hoạt con người vào quỹ đạo công nghệ, mà điều này có thể làm mai một văn hóa dân tộc. Tình hình này đặt ra một vấn đề là, cần phải giải quyết hài hòa và biện chứng giữa việc phát huy văn hóa truyền thống với việc kế thừa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, dung nạp thêm yếu tố nhân bản của sự phát triển khoa học - công nghệ.
Một số giải pháp bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên
Một là, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mỗi cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở các địa phương, lãnh đạo các trường cao đẳng, đại học, các tổ chức đoàn thể chính trị, các tổ chức hội ở địa phương cần quán triệt vai trò, vị trí và nhiệm vụ của công tác giáo dục ý thức tự tôn dân tộc trong các hoạt động và kế hoạch của mình, đề ra chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch hành động cụ thể trong từng thời kỳ, từng giai đoạn và phù hợp với từng đối tượng thanh niên nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức tự tôn dân tộc, làm cho thanh niên nhận thức, suy nghĩ và hành động ngày càng phong phú, linh hoạt, năng động và sáng tạo.
Hai là, tổ chức các phong trào tôn vinh, phát huy và nhân rộng các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống đẹp, phát hiện những nhân tố mới, điển hình trong các thế hệ thanh niên để tuyên truyền, giáo dục kịp thời cho mọi đối tượng thanh niên; đồng thời đấu tranh phê phán các phản giá trị, phản văn hóa, lối sống thực dụng, hưởng lạc, nhân cách thấp hèn, đạo đức thoái hóa vốn xa lạ với giá trị văn hóa của dân tộc.
Ba là, coi trọng công tác giáo dục trong gia đình cho thế hệ trẻ. Cần xây dựng các gia đình thực sự trở thành gia đình văn hóa mới, có cuộc sống ấm no, hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp, những truyền thống văn hóa thẩm mỹ của các gia đình Việt Nam, nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ là cơ sở vững chắc cho việc hình thành lối sống văn hóa của mỗi người. Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay, cần đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến việc củng cố và xây dựng gia đình nhằm cùng với nhà trường và toàn xã hội góp phần giáo dục, bồi dưỡng và làm hình thành một thế hệ thanh niên mới đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn, tổ chức hội đi đôi với việc tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh trong giáo dục lòng tự tôn dân tộc, góp phần hình thành lối sống văn hóa cho thanh niên. Giáo dục lòng tự tôn dân tộc cho thanh niên là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội do Đảng lãnh đạo. Bởi vậy, việc thực hiện công tác này luôn đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, phối hợp được mọi nguồn lực, mọi tiềm năng của xã hội tạo thành một cơ chế chung, thống nhất. Cơ chế phối hợp hoạt động và chỉ đạo chung về công tác thanh niên cần được xây dựng trên những cơ sở pháp lý, có sự phân công chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng, gia đình. Trong đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính, trực tiếp triển khai thực hiện.
Năm là, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên. Cùng với việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, cần phải đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước, truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng của Đảng cho thanh niên. Muốn vậy, trong quá trình thực hiện công tác giáo dục, phải biết khéo léo khơi gợi và làm bật dậy trong thanh niên lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của dân tộc, biết gạn đục khơi trong, nâng niu, trân trọng và giữ gìn những di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc, biết làm giàu tri thức của bản thân bằng trí tuệ, tinh hoa nhân loại nhưng không bao giờ được lãng quên cội nguồn, thờ ơ với truyền thống của quê hương và dân tộc.
Trong quá trình giáo dục, cần tuyên truyền sâu rộng trong thanh niên những nét đẹp truyền thống của văn hóa thẩm mỹ, đạo đức tốt đẹp của văn hóa Việt Nam; cổ vũ, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tham gia bảo tồn và phát triển các lễ hội văn hóa dân gian, khơi dậy ý thức bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa ở mỗi địa phương cũng như trong cả nước. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du khảo, về nguồn; phát triển các đội hình tuyên truyền viên xung kích, đội tuyên truyền viên trẻ. Đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, các loại văn hóa phẩm lai căn, độc hại; hạn chế khuynh hướng sùng ngoại trong hưởng thụ văn hóa của một bộ phận thanh niên hiện nay. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng thanh niên, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển. Soát xét, củng cố và hoàn thiện các thể chế văn hóa trong đó có lĩnh vực sản xuất sản phẩm văn hóa. Cần đấu tranh chống các khuynh hướng thương mại hóa, hạ thấp tư tưởng và nghệ thuật của sản phẩm văn hóa.
Bồi dưỡng, giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ nói chung, thanh niên nói riêng đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một nhiệm vụ vừa có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách. Trong xây dựng và phát triển nhân cách toàn diện cho thanh niên trong giai đoạn cách mạng hiện nay, có nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, trong đó giáo dục, bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc đóng vai trò đặc biệt quan trọng góp phần hình thành lối sống văn hóa cho thanh niên. Bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên thực chất là góp phần vào việc xây dựng con người mới phát triển toàn diện, tạo dựng những quan hệ lành mạnh giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên.
Bồi dưỡng ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên là hướng tới xây dựng một lối sống Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức truyền thống, đạo đức cách mạng của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay./.
-----------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Văn Đức chủ biên (2007): Toàn cầu hóa trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương: Một số vấn đề triết học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội
2. Pham Huy Lê, Vũ Minh Giang chủ biên (1994): Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, Chương trình KHCN cấp Nhà nước KX07, tập I, Hà Nội
3. Pham Huy Lê, Vũ Minh Giang chủ biên (1996): Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, Chương trình KHCN cấp Nhà nước KX07, tập II, Hà Nội
4. Phạm Xuân Nam chủ biên (2008): Triết lý phát triển ở Việt Nam mấy vấn đề cốt yếu, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội
Chính sách “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” trong chuyến thăm 6 nước châu Âu của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê  (28/05/2014)
Học viện Hành chính quốc gia - 55 năm xây dựng và phát triển  (27/05/2014)
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động đe dọa hòa bình  (27/05/2014)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương  (27/05/2014)
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại  (27/05/2014)
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt đối xử vô nhân đạo với ngư dân Việt Nam  (27/05/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên