TCCSĐT - Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã có chuyến công du 9 ngày (29-4 - 07-5) đến thăm 6 nước châu Âu là Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ và có các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu về nhiều vấn đề. Cũng tại chuyến thăm này, lần đầu tiên Thủ tướng Sin-dô A-bê đã có những lời giải thích về “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” mà Nhật Bản đã công bố.
Từ giải thích chủ thuyết mới…

“Chủ nghĩa hòa bình tích cực” là khái niệm được Thủ tướng Sin-dô A-bê nêu ra và giải thích tại Quốc hội Nhật Bản vào cuối năm 2013, trong đó nêu rõ rằng: “vì hòa bình và ổn định của thế giới, Nhật Bản phải có đóng góp tích cực hơn so với trước”. Nếu như trước đây, quân đội Nhật Bản chỉ giới hạn hoạt động ở nước ngoài với một số nhiệm vụ như: viện trợ nhân đạo, đối phó với cướp biển, giải quyết thảm họa thiên tai, thì hiện nay, Thủ tướng Sin-dô A-bê đã bổ sung thêm nội dung “tích cực” vào cụm từ “Chủ nghĩa hòa bình”, khiến việc hợp tác quân sự giữa quân đội Nhật Bản với quân đội Mỹ có khả năng được thực hiện trên phạm vi toàn cầu.

Có thể thấy rằng, ngày nay quân đội Nhật Bản không chỉ hỗ trợ quân Mỹ tiến hành tiếp tế vũ khí, mà còn phối hợp với quân đội Mỹ trong các tình huống tác chiến. Điều này khiến Nhật Bản tự thấy mình phải có trách nhiệm đóng góp nhiều hơn, tích cực hơn cho hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Được biết, sau khi lên nắm quyền tại Nhật Bản hồi cuối năm 2012, Thủ tướng Sin-dô A-bê đã tích cực thúc đẩy việc sửa đổi “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”. Theo đó, ngày 01-4-2014 Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tuyên bố từ bỏ chính sách cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự; cho phép nước này tham gia các hoạt động quân sự gìn giữ an ninh tập thể, cho phép quân đội Nhật Bản tham gia vào các cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ đất nước; chuyển Cục Phòng vệ Nhật Bản thành Bộ Quốc phòng; thông qua dự luật về việc thành lập “Hội đồng An ninh quốc gia”; và chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản do Mỹ soạn thảo năm 1946 đã được công bố ngày 03-5-1947...

Ông Ma-gô-sa-ki U-kê-ru (Magosaki Ukeru), một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” có ý cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể và các hành động quân sự. Trên thực tế, năm 2013 quân đội Nhật Bản cũng đã tổ chức các cuộc diễn tập quy mô lớn hợp đồng tác chiến của cả 3 quân chủng (Hải quân, Lục quân, Không quân) với 34.000 binh sỹ tham gia tại Ki-u-su (Kyushu) và Ô-ki-na-oa (Okinawa) hồi tháng 11-2013. Tại đây lần đầu tiên Nhật Bản triển khai tên lửa đất đối hạm Project 88 ở đảo Mi-y-a-kô (Miyako), tỉnh Ô-ki-na-oa.

… đến khẳng định vị thế ở châu Âu

Chuyến thăm EU của Thủ tướng Nhật Bản lần này diễn ra trong bối cảnh hai bên đã khởi động đàm phán FTA vòng thứ 5. Kinh tế Nhật Bản cộng với EU chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 40% kim ngạch thương mại thế giới. Nếu các cuộc đàm phán FTA giữa EU - Nhật Bản được hoàn tất, thì kim ngạch thương mại hai chiều ước tính sẽ tăng thêm 36 tỷ USD, tương đương mức tăng 50%. Hiệp định khi được ký kết sẽ mở đường cho hàng hóa EU vào thị trường Nhật Bản đồng thời giúp nước này phát triển thị trường xuất khẩu ra thị trường EU, khôi phục nền kinh tế đã trải qua một đợt giảm phát kéo dài.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken, chủ đề được hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh đó là tìm kiếm các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác về chính trị cũng như kinh tế giữa hai nước. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức tại châu Á (sau Trung Quốc), hai bên hy vọng các cuộc đàm phán FTA giữa EU - Nhật Bản có thể hoàn tất vào năm 2015. Cùng với tiếng nói chung về cuộc khủng hoảng tại U-crai-na khi kêu gọi Ki-ép cải cách Hiến pháp và mở cuộc bầu cử tổng thống theo đúng kế hoạch vào ngày 25-5, hai đối tác trong nhóm G7 đã nhất trí tiến tới một thỏa thuận nhằm tăng cường đối thoại an ninh. Theo đó, hai bên sẽ tổ chức Hội nghị Quốc phòng và Đối ngoại cấp cục trưởng vào cuối năm 2014.

Tại Anh quốc, Thủ tướng Sin-dô A-bê và Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn tiếp tục khẳng định những ưu tiên trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói riêng đồng thời bày tỏ quyết tâm cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp với mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp (FDI) của các công ty Anh tại Nhật Bản vào năm 2020. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác an ninh song phương và đồng thuận khởi động các cuộc đàm phán về chia sẻ nguồn cung cũng như dịch vụ vận tải giữa quân đội hai nước theo thỏa thuận liên dịch vụ mang tên ACSA. Thỏa thuận quy định Nhật Bản và Anh sẽ giúp đỡ nhau trong các sứ mệnh nhân đạo như, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hay đối phó với các thảm họa thiên tai lớn.

Còn tại Pháp, ông S. A-bê và ông Ph.Ô-lăng-đơ đã thảo luận về cuộc khủng hoảng ở U-crai-na và đồng ý bắt đầu thương lượng để tiến tới một hiệp định đồng chế tạo các thiết bị quốc phòng, bao gồm cả hệ thống giám sát tự động, nhằm chống lại cuộc chiến tranh mạng. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về phương hướng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, trong đó quan trọng nhất là nhất trí tăng cường hợp tác thiết kế lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới với kỹ thuật giảm thiểu lượng chất thải phóng xạ.

Giới quan sát cho rằng, tuy có những dự báo không mấy lạc quan về kinh tế của Nhật Bản sau khi chính phủ nước này tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%, tuy nhiên, ông S.dô A-bê vẫn tin tưởng vào nền kinh tế Nhật Bản sắp vượt qua giai đoạn giảm phát. Các quan chức của cả hai bên tham gia diễn đàn đều cho rằng, các cuộc đàm phán đang phát triển theo chiều hướng tích cực và lạc quan rằng có thể sẽ đạt được FTA với EU trước khi đạt được TPP với Mỹ.

Và quan hệ đối tác NATO - Nhật Bản

Cùng với mục tiêu kinh tế, chuyến đi này của Thủ tướng Sin-dô A-bê còn được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các thỏa thuận an ninh giữa Nhật Bản với EU, trong bối cảnh nước này đang chịu nhiều áp lực bởi sự phô diễn sức mạnh của một số nước lớn trên biển Hoa Đông. Trước đó, hồi đầu tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có chuyến thăm đến châu Âu nhằm tăng cường quan hệ Trung Quốc - EU. Vì thế, chuyến công du này của ông S. A-bê được coi là một sự cạnh tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc tại đây, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma lần đầu tiên khẳng định Oa-sinh-tơn sẽ bảo vệ đồng minh Tô-ki-ô kể cả quần đảo đang tranh chấp mà Nhật Bản gọi Sên-ka-cự và Trung Quốc gọi là Điếu ngư, theo điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ.

Một số nhà ngoại giao châu Âu nhận định: “Rõ ràng, Nhật Bản đang ngày càng chú trọng nhiều hơn đến mối quan hệ an ninh với các nước châu Âu - một điều rất dễ thấy qua lịch trình của Thủ tướng Sin-dô A-bê”.

Trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu, trong chặng dừng chân cuối cùng tại Bỉ, ông S. A-bê tới thăm trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brúc-xen và có bài phát biểu liên quan tới chính sách quốc phòng của Tô-ki-ô cũng như những cam kết của Nhật Bản về sứ mệnh chống khủng bố tại Xô-ma-li mà nước này đang hợp tác với NATO. Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê và Tổng Thư ký NATO An-đơ Phóc Ra-mút-xen (Anders Fogh Rasmussen) đã ký thỏa thuận về Chương trình Đối tác và hợp tác riêng biệt (IPCP), nhằm đẩy mạnh đối thoại chính trị và hợp tác thực tế giữa NATO và Nhật Bản. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông A. P. Ra-mút-xen nhấn mạnh, thỏa thuận IPCP sẽ đặt ra lộ trình cho các hoạt động chung giữa Nhật Bản và NATO trong tương lai. Thủ tướng Nhật Sin-dô A-bê cũng khẳng định, thỏa thuận này sẽ đưa sự hợp tác thực tế của Nhật Bản và NATO lên một tầm mới, bao gồm cả các lĩnh vực như chống cướp biển, giảm nhẹ thiên tai và trợ giúp nhân đạo. Ông A-bê cũng nhấn mạnh, NATO là đối tác quan trọng, cùng chia sẻ các giá trị cơ bản với Nhật Bản.

Như vậy, trong chuyến công du 6 nước châu Âu lần này, để khái niệm “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” phản ánh được quan điểm chiến lược mới của Nhật Bản trong tham vọng “nước lớn chính trị”, Chính phủ của Thủ tướng Sin-dô A-bê đã có các động thái nhằm khẳng định với các đồng minh và đối tác rằng Nhật Bản muốn có sự đóng góp chủ động, tích cực hơn cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, theo giới phân tích, học thuyết kinh tế A-bê-nô-míc của Nhật Bản tuy có đạt một số thành tựu nhất định, nhưng nền kinh tế Nhật Bản hiện vẫn chưa thoát khỏi giảm phát, nợ công vẫn ở mức cao với 224,9%/GDP. Vì thế, tính hiện thực của tham vọng “nước lớn chính trị” với chủ thuyết “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” vẫn còn đang ở phía trước./.