Thái Bình là tỉnh thuần nông, đất nông nghiệp bình quân đầu người còn thấp so với các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng, dân số đông, lao động ở nông thôn chiếm tỷ trọng lớn. Phát triển công nghiệp nông thôn, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và làng nghề sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển sản xuất hàng hóa trên địa bàn, thu hẹp khoảng cách thành thị nông thôn và phân hóa giàu nghèo.

1 - Về tiềm năng và triển vọng

Là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về hệ thống điện, đường, trường, trạm, thông tin liên lạc và nước sạch, Thái Bình có tiền đề quan trọng để phát triển công nghiệp nông thôn một cách toàn diện.

Thái Bình có nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá là mỏ khí tự nhiên và nước khoáng. Mỏ khí đốt Tiền Hải đưa vào khai thác từ năm 1986 đến nay đã hình thành một khu công nghiệp sử dụng khí thiên nhiên phục vụ cho sản xuất đồ sứ, thủy tinh, gạch ốp lát, xi-măng trắng, sản xuất điện... Mỏ nước khoáng Tiền Hải ở độ sâu 450 m có trữ lượng 12 triệu m3, khai thác từ năm 1992, với sản lượng 9,5 triệu lít/năm; sản phẩm nước khoáng được bạn hàng trong và ngoài nước biết đến là Vital Thái Bình. Thái Bình còn có mỏ nước nóng 57oC và 72oC, mỏ than nâu có trữ lượng trên 30 tỉ tấn ở độ sâu 1000m nhưng chưa có điều kiện cần và đủ để khai thác.

Hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu thuận lợi đã góp phần làm nên cánh đồng 5 tấn/ha thờikỳ chống Mỹ, cánh đồng 14 - 15 tấn/ha trong những năm đổi mới và cánh đồng 50 triệu/ha/năm trong giai đoạn hiện nay. Tổng diện tích tự nhiên của Thái Bình là 154.593 ha, đất nông nghiệp 96.803 ha có thể gieo trồng được nhiều loại cây: lúa, ngô, rau, khoai tây, đậu tương, dâu tằm, đay, cói... cho năng suất cao. Thái Bình đã phát triển các loại hình trang trại, đầu tư có hiệu quả cao, nhiều sản phẩm góp phần nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thái Bình là tỉnh có thế mạnh về nuôi trồng thủy hải sản, tuy nhiên việc khai thác đánh bắt và chế biến thủy hải sản vẫn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nuôi trồng thủy hải sản còn dừng ở ven biển; chưa chú trọng đầu tư vốn để có nhiều đội tàu đánh cá xa bờ. Hiện nay, dân số của Thái Bình là 1,860 triệu người, trong đó có 1,077 triệu lao động, số người trong các ngành kinh tế - xã hội là 987.135 người. Đây chính là nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2 - Phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề

Từ tiềm năng thế mạnh, Thái Bình đã quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 về khu công nghiệp và làng nghề. Đến nay, ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt 11 khu công nghiệp với diện tích 1.958 ha, trong đó: 6 khu công nghiệp phê duyệt quy hoạch chi tiết để xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất kinh doanh... Tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh là 280 dự án, với tổng số vốn 7.092 tỉ đồng; trong đó, dự án các khu công nghiệp là 102 dự án, với tổng số vốn đầu tư là 4.314 tỉ đồng, đã thực hiện là 3.227 tỉ đồng.

Để các khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả, ngoài việc huy động vốn đầu tư và áp dụng công nghệ là việc phải phát triển nguồn nhân lực. Qua điều tra 19 doanh nghiệp, với 7.077 người có kết quả về trình độ chuyên môn như sau: Về đại học có 198 người, chiếm 2,8%, cao đẳng có 350 người, chiếm 4,95%, trung cấp có 455 người, chiếm 6,43%, công nhân kỹ thuật có 3.400 người, chiếm 48,04%, chưa qua đào tạo có 2.674 người, chiếm 37,7%. Như vậy, cán bộ, công nhân viên có trình độ chuyên môn cao còn thấp, số chưa qua đào tạo nghề còn chiếm tỷ lệ cao. Vấn đề đặt ra là, phải bảo đảm từng bước tăng tỷ lệ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; cụ thể là: có trình độ đại học lên 10% - 15% qua từng giai đoạn 2010 - 2020; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu phục vụ các mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp.

Cùng với phát triển các khu công nghiệp, Thái Bình còn phát triển mạnh các làng nghề. Những năm gần đây, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Nhiều địa phương đã phát triển nghề mới để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 9 điểm công nghiệp làng nghề được quy hoạch; trong đó 4 điểm đã có dự án đầu tư, 186 làng nghề và 24 làng nghề quy mô xã với hơn 157.000 lao động có việc làm thường xuyên. Đáng chú ý là các làng nghề, xã nghề hiện nay đã hình thành 119 doanh nghiệp làng nghề. Nhiều sản phẩm của làng nghề được người tiêu dùng ưa thích và đã có chỗ đứng ở thị trường trong và ngoài nước. Đương nhiên, để nghề và làng nghề phát triển bền vững, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, phải coi trọng đào tạo cán bộ quản lý kinh tế - kỹ thuật chủ chốt có trình độ đại học trở lên. Việc đào tạo nghề và truyền nghề phải được quan tâm coi trọng. Chú trọng đào tạo nguồn lao nhân lực chất lượng cao ở các doanh nghiệp, làng nghề bằng nhiều hình thức thích hợp. Nghiên cứu nhu cầu thị trường và tập trung vào một số nghề có tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương nhằm thu hút nguồn lực công nghệ, tay nghề cao tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao như chạm bạc, nghề thêu, mây tre đan, nghề sản xuất chiếu cói...

3 - Các sản phẩm của làng nghề

Lâu nay, sản xuất hàng xuất khẩu từ mây tre đan là nghề truyền thống của Thái Bình. Nó đã thu hút hàng vạn lao động tạo ra việc làm thường xuyên cho người lao động với mức thu nhập bình quân 500 ngàn đồng /tháng, tận dụng được lao động nông nhàn, với nguyên liệu sẵn có tại địa phương và các tỉnh miền Bắc. Các sản phẩm của làng nghề khá đa dạng, phong phú như: mành trúc, mành mây, đan lát, khảm tranh, làn mây, giỏ, chiếu tre, chiếu trúc... được các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Nga tiêu thụ với số lượng lớn. Đặc biệt là sản phẩm chiếu tre. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật từ khâu chế biến và xử lý nguyên liệu, xử lý kỹ thuật và khâu hoàn thiện sản phẩm, nên chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao. Nhờ vậy, các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, BắcMỹ... đã thừa nhận và ký hợp đồng mua với số lượng lớn.

Trong những năm qua, nghề chế biến gỗ đã phát triển mạnh. Các tổ sản xuất hộ gia đình đã đầu tư trang thiết bị vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã mới được thị trường chấp nhận là các loại gỗ gia dụng và các sản phẩm cao cấp. Các sản phẩm này sản xuất tại địa phương với nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu (thông Niu Di-lân, xoan đào, xoan mộc...) được tiêu thụ tới 50% số sản phẩm tại các thị trường Đài Loan, Ô-xtrây-li-a, EU... Các mặt hàng mộc, mỹ nghệ đục, khảm trai, bàn ghế kiểu Đồng Kỵ, tủ chè, tủ chùa và các sản phẩm mỹ nghệ, sơn mài... được phát triển với sản phẩm cao cấp, có mỹ thuật, có giá trị kinh tế cao đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh còn có các cơ sở sản xuất sản phẩm trang trí nội thất bằng gỗ như giường, tủ, bàn ghế, các loại cửa, các chi tiết trang trí la-phông, lam-ri, cầu thang... có quy mô công nghiệp kết hợp với làng nghề để có sản phẩm vừa có tính đa dụng, vừa có tính mỹ thuật.

Ngoài hai sản phẩm trên, Thái Bình còn có các nghề: thêu các mặt hàng cao cấp; có nhiều nghệ nhân có bàn tay vàng thực hiện các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Do làm tốt việc tìm kiếm các hợp đồng tiêu thụ, xây dựng kế hoạch sản xuất, mấy năm qua, Nhật Bản và Đài Loan là những bạn hàng tiêu thụ sản phẩm thêu của địa phương. Nghề dệt khăn và dệt vải có những bạn hàng tiêu thụ sản phẩm như Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia... và các tỉnh miền núi phía Nam. Nghề chạm bạc đang được phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ ở Lào Cai, Hà Giang và các tỉnh miền núi.

4 - Các giải pháp chủ yếu trong những năm tới

Để phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề ở Thái Bình theo chúng tôi, cần tập trung vào các giải pháp sau:

- Việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn cần được triển khai cụ thể thông qua quy hoạch không gian đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng. Quy hoạch vùng tập trung, xây dựng các nhà máy chế biến trên cơ sở đã có vùng nguyên liệu và có đủ nguyên liệu để nhà máy hoạt động. Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp làng nghề cho phù hợp với từng địa bàn, hướng tới duy trì phát triển nghề cũ, du nhập nghề mới.

- Việc chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật cần được tiến hành có hiệu quả nhằm chủ động giành được lợi thế cạnh tranh và đứng vững trên thương trường. Để làm được điều đó, một mặt phải có chiến lược sử dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm; mặt khác, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Mở rộng quy mô nâng cấp, đầu tư chiều sâu công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng viễn thông, in-tơ-nét.

- Mở rộng và hình thành đồng bộ các loại thị trường, xác định lợi thế so sánh xuất khẩu. Coi trọng công tác tiếp thị, triển lãm nhằm quảng bá các sản phẩm có khả năng xuất khẩu. Duy trì mối quan hệ tốt với thị trường cũ và khai thác những thị trường mới nhằm tạo ra một thị trường xuất khẩu với những bạn hàng ổn định.

- Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp nông thôn và làng nghề. Các làng nghề cần mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho các xã viên, hội viên, đoàn viên thông qua các hợp tác xã, tổ chức đoàn thể. Sử dụng các loại hình đào tạo nguồn nhân lực như ký gửi đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng... cho thích hợp với các doanh nghiệp, vừa và nhỏ trong các làng nghề./.